Câu chuyện cá chết hàng loạt và nghi vấn vùng biển ở các tỉnh miền Trung bị ô nhiễm được cả xã hội Việt Nam chú ý trong những ngày qua là vì mức độ thiệt hại rộng lớn của nó. Nhưng về một khía cạnh khác, thì sự kiện này được xem như một sự việc mang tính biểu tượng cho mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, đó là quá dựa dẫm vào môi trường. Dù đã mở cửa và cải cách nền kinh tế từ năm 1986 thì đến nay, Việt Nam vẫn bị đánh giá là một quốc gia có nền kinh tế quá dựa dẫm vào việc khai thác tài nguyên. Chỉ mới cách đây vài năm, nguồn thu ngân sách quốc gia của Việt Nam vẫn có tới gần 20% là đến từ xuất khẩu dầu mỏ, chưa kể đến những nguồn thu đến từ các hoạt động khai thác môi trường khác như thủy điện, khai khoáng các loại quặng khác như than đá hay các kim loại, vv...vv trong giai đoạn 2012-2014 dù tỷ trọng thu ngân sách từ xuất khẩu dầu đã có xu hướng sụt giảm nhưng trung bình vẫn chiếm tới 10% tổng thu ngân sách quốc gia.
Về lý thuyết, việc nguồn thu đến từ khai thác tài nguyên chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách như vậy lẽ ra sẽ là một điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp và sản xuất trong nền kinh tế. Nhưng trên thực tế thì ngược lại. Dường như việc thu được lợi nhuận quá lớn từ khai thác tài nguyên đang khiến Việt Nam bỏ bê những ngành công nghiệp và sản xuất dù đây mới là những trụ cột của nền kinh tế về lâu dài. Thậm chí, khi tỷ trọng thu ngân sách từ dầu mỏ đã sụt giảm mạnh và chỉ còn khoảng 6% trong năm 2015 do giá dầu thế giới chạm đáy, thì tư duy dựa dẫm vào tài nguyên của chúng ta có vẻ như vẫn không thay đổi.
Thay vì sử dụng các biện pháp kích thích nền kinh tế bằng các gói hỗ trợ vào các ngành sản xuất và công nghiệp như các nước khác vẫn làm khi nền kinh tế gặp khó khăn, thì tăng sản lượng khai thác tài nguyên lại là thứ đầu tiên mà Việt Nam nghĩ đến. Điển hình nhất là sau khi nhận được kết quả tăng trưởng trong quý I năm 2016 không đạt (chỉ đạt 5,46% so với 6,12% cùng kỳ 2015) thì ngay lập tức đã có đề xuất khai thác thêm 2 triệu tấn dầu để cứu tăng trưởng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ở thời điểm hiện tại, khi tiếng trống cải cách đã cất lên với việc chính phủ cam kết cải tổ và hướng tới một mô hình kiến tạo và phục vụ, đồng thời kế hoạch quốc gia khởi nghiệp đã chính thức được phát động, thì có lẽ điều đầu tiên cần làm là chấm dứt ngay và hoàn toàn các dự án tiếp tục dựa dẫm vào môi trường như trước. Về lý thuyết, bất cứ một quốc gia nào dù là nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ sẽ vẫn có những hoạt động khai thác tài nguyên như một bộ phận trong nền kinh tế, nhưng với một quốc gia có thói quen là quá dựa dẫm vào khai thác tài nguyên như Việt Nam thì việc cần làm là phải chấm dứt thói quen nguy hiểm này.
Việc tiếp tục xem xét và thậm chí là cho phép triển khai các dự án quy mô lớn đặt nền tảng vào việc khai thác tài nguyên có thể sẽ trở thành vật cản nghiêm trọng với kế hoạch quốc gia khởi nghiệp mà chính phủ đang bắt đầu triển khai, mà siêu dự án hơn 1 tỷ USD làm thủy điện sông Hồng trong kế hoạch thiết lập thứ được gọi với cái tên “đường thủy xuyên Á” đang gây xôn xao trong xã hội những ngày qua là một ví dụ điển hình.
Trên thực tế, câu chuyện cá chết hàng loạt và nghi vấn vùng biển các tỉnh miền Trung bị ô nhiễm thời gian vừa qua đang đặt ra một vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu đối với tương lai đất nước, đó là: hậu quả gì sẽ chờ đợi Việt Nam nếu chúng ta tiếp tục mô hình tăng trưởng dựa dẫm vào môi trường như trước đây. Bất kể việc Formosa có liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt hay không, thì rõ ràng là việc xây dựng hàng chục các khu công nghiệp ven biển trong thời gian qua chắc chắn sẽ đem lại những hệ quả không nhỏ đối với biển nói riêng và môi trường Việt Nam nói chung trong tương lai. Và khi mà hai trong ba khu vực quan trọng nhất của cả nước là miền Nam và miền Trung đang ngập chìm trong những thảm họa môi trường, ở phía Nam là thiên tai hạn mặn còn ở miền Trung là nước biển bị ô nhiễm và cá chết, thì điều cần thiết là tránh để những điều tương tự lặp lại ở khu vực cuối cùng của đất nước chưa bị thảm họa môi trường hỏi thăm: miền Bắc.
Vì thế, tùy thuộc vào cách ứng xử của Chính phủ và các bộ ngành trước đề xuất dự án tỷ đô xây dựng tuyến đường thủy xuyên Á và thiết lập các nhà máy thủy điện trên sông Hồng ra sao, sẽ cho chúng ta biết được việc Việt Nam có dám dứt khoát đoạn tuyệt với thói quen phát triển kinh tế bằng cách dựa dẫm vào môi trường hay không. Trong bối cảnh thủ tướng cam kết cải cách và đặt mục tiêu hướng tới chính phủ kiến tạo và phục vụ, thì rõ ràng việc sa đà vào một dự án rõ ràng là có bản chất là khai thác tài nguyên môi trường như thế này sẽ làm ảnh hưởng rõ rệt đến kế hoạch khởi nghiệp quốc gia. Việt Nam hiện nay không thiếu điện, và dự án đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai đã hoàn tất, thì rõ ràng là chúng ta không cần đến cả những nhà máy thủy điện mới trên sông Hồng lẫn tuyến đường thủy mang tên là xuyên Á nhưng về bản chất chỉ là nối liền giữa Trung Quốc với miền Bắc của Việt Nam mà thôi – một vai trò mà tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai đang đảm đương rất tốt.
Đó là chưa kể, những siêu dự án mà bản chất là khai thác tài nguyên môi trường như dự án có cái tên mỹ miều “đường thủy xuyên Á” này trên thực tế ngốn những khoản chi phí khổng lồ, mà phần lớn trong đó là đi vay. Cụ thể, trong số 24.510 tỷ đồng vốn đầu tư ban đầu dự kiến thì nhà đầu tư chỉ huy động 30% tức khoảng 7.353 tỷ đồng, còn lại hơn 17.000 tỷ đồng sẽ đến từ các nguồn vốn vay thương mại. Đây sẽ là một sự cản trở rất lớn đối với dự án khởi nghiệp quốc gia, khi mà chính phủ cũng đang thừa nhận rằng sự khó khăn về tài chính đang là nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng đến dự án quốc gia khởi nghiệp, với mục tiêu là hỗ trợ thành lập và phát triển các doanh nghiệp trên cả nước, để đến năm 2020 tổng số doanh nghiệp sẽ đạt mức 1.000.000 từ mức hơn 500.000 DN ở thời điểm hiện nay.
Có thể nói, Việt Nam hiện tại có quá thừa kinh nghiệm về hiệu quả nhỏ nhoi cũng như những hậu quả xấu và lâu dài về kinh tế và môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế theo kiểu dựa trên khai thác tài nguyên môi trường. Qúa dựa dẫm vào khai thác tài nguyên môi trường đã khiến nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng trì trệ và kém phát triển như hiện nay. Để thoát khỏi tình trạng đó, và bắt đầu quá trình cải cách với dự án quốc gia khởi nghiệp, thì điều cần làm rõ ràng là phải đoạn tuyệt với dự án thủy điện sông Hồng này nói riêng cũng như bất cứ dự án nào khác dựa trên khai thác tài nguyên môi trường nói chung.
(bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF, Cafebiz)
Tác giả bài viết: Nhàn Đàm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn