YÊU MẾN

Thứ tư - 21/05/2014 10:37

YÊU MẾN

Chúa yêu thương con người
(Tđcv 8, 5-8. 14-17; 1Petr 3, 15-18; Ga 14, 15-21).

Con người được tạo dựng trong tình yêu và cho tình yêu. Tạo Hóa quan phòng tất cả các diễn tiến tự nhiên để khởi đầu sự hiện hữu của mỗi tạo vật. Tình yêu được trao ban tùy theo sự kết hợp của mỗi loài thụ tạo. Cách diễn tả tình yêu nơi mỗi loài tạo vật đều khác nhau.  Một thế giới trật tự lạ lùng, tất cả đời sống của những loài thấp kém, đơn sơ cho tới loài phức tạp và tinh thông đều ẩn dấu một mối tình sâu thẳm. Trong thế giới động vật, con người đã khám phá ra được những dấu chỉ của sự xúc cảm, thông cảm và sự yêu thương trìu mến rất sâu đậm. Các loài vật sống với bản năng được phú bẩm đều có thể biểu lộ sự vui, buồn, thù, giận, ghét và yêu thương. Con người là loài thọ tạo ưu việt. Con người được hiện hữu trong tình yêu. Tình yêu làm nên cuộc đời. Con người được đùm bọc trong tình yêu: Tình yêu Thiên Chúa, tình gia đình, tình cha mẹ, tình anh em, tình bạn bè, tình yêu ơn gọi, tình yêu lý tưởng, tình yêu dân tộc và tình người. Tình yêu lôi kéo và kết hợp chúng ta lại gần nhau.

Tình yêu Thiên Chúa thì cao siêu và linh thiêng. Tình yêu là mầu nhiệm. Con người được mời gọi sống để yêu và yêu để sống. Không có tình yêu, đời sống con người trở nên đơn côi và giá lạnh. Tình yêu như lò lửa sưởi ấm cuộc đời. Chúng ta có thể cảm nghiệm được những dấu chỉ của tình yêu trong mọi trạng huống của đời sống con người. Tình yêu chủ quan có nhiều mức độ khác nhau. Chúng ta khó có thể đo lường tình yêu, nhưng chỉ có thể cảm nhận. Người tốt lẫn người xấu, người lành kẻ dữ, ai cũng có những sự liên đới, nâng đỡ, đùm bọc và yêu thương riêng. Ngay cả những người sống trong các nhóm cướp quậy, băng đảng hay những tổ chức bất hợp pháp của xã hội, họ cũng liên đới và biết yêu thương bảo vệ lẫn nhau. Sống tình yêu là biết sống chia sẻ, cảm thông, tôn trọng và chân thành.

Chúa Giêsu đã tóm gọn Mười Điều Răn về hai điều: Yêu Chúa và yêu người. Yêu Chúa là thực thi các giới răn của Chúa: Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy (Ga 14, 15). Chúng ta có thể thân thưa rằng lạy Chúa, con yêu mến Chúa. Thật dễ dàng! Nhưng yêu thương đồng loại, lại rất khó. Nói thì dễ, thực hành khó. Yêu chung chung thì dễ, nhưng yêu một cá nhân khó. Điều quan trọng là chúng ta phải đi vào thực tế cuộc sống và đụng chạm cụ thể với con người để yêu thương. Thánh Giacôbê nhắc nhở chúng ta: Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không? (Giac 2, 20). Chúa Giêsu muốn chúng ta thể hiện tình yêu nơi tha nhân và với tha nhân. Không chỉ yêu thương những người yêu thương chúng ta, mà yêu cả kẻ thù, yêu những kẻ bách hại và cầu nguyện cho họ. Tinh yêu rất nhiệm mầu. Hoa trái của tình yêu rất tốt lành. Thánh Phaolô nói về tình yêu: Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không lam điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận và không nuôi hận thù (1Cor 13, 4-5). Nói rằng chúng ta yêu mến Thiên Chúa mà thù ghét tha nhân là chúng ta đang lừa dối chính mình.

Đạo của Chúa là đạo tình yêu. Ai yêu thương là ở trong Chúa. Chúng ta tự hỏi: Trong cuộc sống xã hội ngày nay, tại sao có quá nhiều cặp vợ chồng ly dị hoặc tình yêu phản bội và tại sao con người dễ thay đổi đối tượng yêu? Có nhiều nguyên nhân chi phối cuộc sống chung trong gia đình. Thời nay, chúng ta bị ảnh hưởng nhiều bởi chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ và chủ nghĩa tương đối. Các chủ nghĩa hiện đại đã cuốn hút con người vào vòng xoáy của cuộc sống vội vã. Chúng ta thiếu mất dần sự kiên nhẫn. Có mới nới cũ. Muốn sống tự do mà không bị ràng buộc. Dễ bị nhàm chán. Đói khát hưởng thụ và thỏa mãn. Tìm lấp đầy thời gian. Chạy theo thị hiếu. Thiếu sự trung tín và hay thay đổi. Tình cảm trở thành món quà mua bán trao đổi. Tình yêu bồng bột và nhất thời đã hủy phá biết bao cuộc đời non trẻ. Có những bày tỏ tình yêu ‘I love you’, nhưng đôi khi chỉ là những loại tình yêu rẻ tiền, môi miệng và lạm dụng thỏa mãn.

Tình yêu có thể liên kết giữa những người đồng quan điểm và lý tưởng. Rất khó để đi tìm một tổ chức đời sống xã hội hoàn hảo. Đời sống luôn có sự tranh đua giữa chính phái và tà phái. Phe nhóm nào thắng và có quyền lực tự xưng là phe chính và ngược lại là phe tà. Chúng ta biết dù là phe chính hay tà, luôn có nhiều người phò theo. Thí dụ: Chế độ Tự bản, chế độ Xã hội, chế độ Quân chủ, chế độ Dân chủ, chế độ Cộng sản, chế độ Tự do…Các đảng phái: Đảng Cộng Hòa, đảng Dân chủ, đảng bảo thủ, đảng Cấp tiến, phe Phò sự sống, phe Chọn lựa…Các tôn giáo cũng có đủ mọi thứ niềm tin: Đạo Chúa, Đạo Phật, Đạo Hồi, Đạo Hinđu…có cả ngàn các thứ Đạo khác nhau. Mỗi nhóm, mỗi phe, mỗi đảng và mỗi Đạo đều có những đường lối, chủ trương và lý tưởng sống riêng. Vì phe nhóm vào cũng cho mình là tốt nhất hay tốt hơn, nên đã gây nhiều mâu thuẫn. Các ý thức hệ và niềm tin thay vì liên kết với nhau, đã làm cho con người dần xa nhau và kình địch nhau vì sự khác biệt. Tình yêu dần dần bị đóng khung trong cách suy nghĩ, cách sống và liên đới giao tế.

Chúa Giêsu mạc khải về tình yêu dâng hiến. Đối tượng tình yêu là Thiên Chúa có Ngôi Vị. Tình yêu Thiên Chúa tinh ròng và cao siêu. Chúa yêu thương các loài thụ tạo vô điều kiện. Chúa yêu để chia sẻ sự tốt lành. Chúa muốn tình yêu được đáp trả bằng tình yêu: Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người đó sẽ là kẻ mến Thầy, vì ai yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy (Ga 14, 21). Thiên Chúa Cha đã yêu thương thế gian đến nỗi ban chính Con Một Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Tình yêu Chúa luôn bao dung và tha thứ. Chúa muốn điều tốt lành và muốn chia sẻ sự sống viên mãn cho con người. Vì yêu thương là cho đi. Càng cho đi, tình yêu càng phong phú.

Khi được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, thánh Phêrô đã mạnh dạn ra đi làm nhân chứng cho Chúa Kitô sống lại. Ngài đã phải trả lời thỏa mãn cho những người hạch hỏi và thắc mắc về niềm hy vọng. Phêrô mời gọi các chứng nhân hãy sống tinh thần khiêm hạ và chân thành: Phải làm cách hiền từ, kính cẩn, hãy có lương tâm ngay chính, để những kẻ lăng mạ đời sống đạo đức của anh em trong Đức Kitô, phải hổ thẹn về điều họ gièm pha anh em (1Petr 3, 16). Chúng ta thường tránh né khi phải đối diện với sự thật. Đôi khi chúng ta nại vào lý do là lưu giữ truyền thống hoặc vì óc bảo thủ cố hữu, không muốn dấn thân học hỏi những điều mới lạ và thay đổi tư duy. Thế giới luôn đổi thay. Suy tư của con người cũng thay đổi. Cuộc sống thay đổi mỗi ngày. Chúng ta cần mở rộng tầm nhìn và thích ứng chọn lựa. Không phải mọi điều mới đều tốt cả. Thái độ khôn ngoan là luôn ‘ôn cố tri tân’.

Các tông đồ đã minh chứng giáo lý mới lạ với các dấu chỉ và lời giảng dậy. Các ngài đã thực hiện nhiều phép lạ nhãn tiền để củng cố niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh. Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ đã ghi lại: Quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó, cả thành được vui mừng khôn tả (Tđcv 8, 7-8). Với ân sủng và lòng thành, các tông đồ đã thi hành sứ mệnh đã được Chúa Kitô ủy thác: Vì nếu Thiên Chúa muốn, thì thà làm việc thiện mà đau khổ, còn hơn là làm điều gian ác (1Petr 3, 17). Các tông đồ rất vui mừng vì được chia phần đau khổ với Chúa Kitô.

Lạy Chúa, tình yêu Chúa cao vời. Chúa đã hy sinh chịu chết trên thánh giá để cứu độ chúng con. Xin cho chúng con biết sống cho tình yêu và chết cho tình yêu. Sống hay chết chúng con đều thuộc về Chúa.

Bronx, New York

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập324
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại278,238
  • Tổng lượt truy cập36,332,793
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây