Các giả thuyết về nguồn gốc Covid-19 sau cuộc điều tra của WHO ở Vũ Hán

Thứ ba - 16/02/2021 09:43
Các giả thuyết về nguồn gốc Covid-19 sau cuộc điều tra của WHO ở Vũ Hán

Ông Peter Ben Embarek, trưởng đoàn chuyên gia WHO đến Vũ Hán điều tra về nguồn gốc virus corona, trả lời họp báo ngày 12/02/2021, tại Genève, Thụy Sĩ. Via REUTERS - Christopher Black/WHO

Mai Vân
8 phút

Đúng như mọi người chờ đợi, tranh cãi lại bùng lên gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến nguồn gốc dịch Covid-19 sau khi nhóm chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) hoàn tất ngày 09/02/2021 chuyến đi điều tra ngay tại Vũ Hán, nơi dịch bệnh bùng lên cách nay hơn một năm.

Ngay sau khi phái đoàn WHO rời khỏi Trung Quốc, Washington đã lập tức lên tiếng bày tỏ thái độ hoài nghi về kết quả điều tra, ngay khi các kết luận chưa được công bố, trong lúc Bắc Kinh lại vin vào một số phát biểu của các chuyên gia để xóa nhòa nguồn gốc Trung Quốc của virus gây dịch bệnh.

Bên cạnh các lập luận mang tính chất chính trị được cả Mỹ lẫn Trung Quốc đưa ra, điều thực tế cần ghi nhận là chuyến điều tra 28 ngày tại Vũ Hán của phái đoàn Tổ Chức Y Tế Thế Giới (trong đó có 14 ngày bị cách ly) vẫn chưa làm rõ được nguồn gốc của virus gây dịch Covid-19, và các giả thuyết đưa ra từ trước đến nay vẫn còn nguyên dưới dạng giả thuyết.

Đến từ vật chủ nào?

Trong khi chờ đợi phái đoàn điều tra của Tổ Chức Y Tế Thế Giới công bố kết quả chính thức của chuyến công tác tại Vũ Hán, hãng tin Anh Reuters ngày 10/02 đã căn cứ vào các phát biểu riêng lẻ của một số chuyên gia có tham gia chuyến điều tra để tái phác họa 4 giả thuyết chính đang tồn tại về cách thức con virus gây ra đại dịch lây truyền qua người.

Theo ông Peter Ben Embarek, chuyên gia về bệnh động vật, trưởng nhóm chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, giả thuyết (hay kịch bản) đầu tiên mà nhóm đã tiến hành điều tra là khả năng người bệnh tiếp xúc trực tiếp với con virus SARS-CoV-2 – tên khoa học của siêu vi gây dịch Covid-19.

Theo kịch bản này, người bệnh đã tiếp xúc trực tiếp với virus nằm trong động vật chủ là loài dơi móng ngựa. Loại virus này có thể đã lưu hành ở trong cộng đồng dân cư một thời gian trước khi tạo ra bước đột phá ở vùng Vũ Hán.

Kịch bản thứ hai, được xem là có nhiều khả năng xảy ra nhất, liên quan đến việc virus lây truyền sang người một cách gián tiếp, thông qua một loài vật trung gian mà cho đến nay chưa được xác định một cách chính xác. Ông Lương Vạn Niên (Liang Wannian), lãnh đạo Ủy Ban Y Tế Quốc Gia Trung Quốc, cho rằng tê tê là ​​loài có nhiều khả năng là vật trung gian nhất, nhưng không thể loại trừ một số động vật khác như chồn và thậm chí cả mèo.

Khả năng thứ ba là virus gây dịch Covid-19 nằm trong loài dơi (theo kịch bản thứ nhất) hoặc một loài vật trung gian (kịch bản thứ hai) đã chạy qua nằm trong các sản phẩm của dây chuyền đông lạnh. Trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia Trung Quốc đã khẳng định rằng một số ổ dịch mới phát hiện tại nước này đến từ thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, từ đó nêu ra khả năng loại thực phẩm này có thể là nguồn gốc khiến dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán.

Kịch bản cuối cùng là SARS-CoV-2 đã bị rò rỉ từ Viện Vi Trùng Học Vũ Hán, nơi được biết là đã nghiên cứu các chủng khác nhau của virus corona. Tuy nhiên, ông Ben Embarek đã loại trừ khả năng này và cho biết sẽ không cần phải thúc đẩy nghiên cứu thêm theo hướng này. Đối với người đứng đầu nhóm điều tra của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, sự cố là điều không thể loại trừ, nhưng tai nạn “rất khó xảy ra” trong trường hợp này.

Bắt đầu từ khi nào và ở đâu?

Một câu hỏi thứ hai liên quan đến thời điểm xuất hiện chính xác của dịch bệnh vẫn chưa có được lời giải đáp. Theo các chuyên gia, mặc dù khó có khả năng dịch bệnh bùng phát trên quy mô lớn ở Vũ Hán hoặc ở các nơi khác ở Trung Quốc trước tháng 12 năm 2019, nhưng họ không loại trừ khả năng virus đã âm thầm lưu hành ở các nơi khác.

Việc virus vượt qua khoảng cách giống loài từ dơi hay từ một loài vật trung gian nào khác đến lây qua người rất có thể là dấu hiệu cho thấy là sở dĩ dịch bệnh bùng lên dữ dội ở Vũ Hán, đó là vì có điều kiện thuận lợi từ các mạng lưới buôn bán động vật hoang dã.

Marion Koopmans, một thành viên khác của nhóm chuyên gia, cho biết động vật hoang dã được bày bán ở chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán có thể đến từ các khu vực có môi trường sống của dơi được biết đến là nơi chứa virus liên quan chặt chẽ đến SARS-CoV-2.

Một trong những khu vực như vậy là tỉnh Vân Nam, miền tây nam Trung Quốc, nhưng nhóm nghiên cứu cũng đang xem xét rằng sự lây truyền qua con người đầu tiên cũng có thể xẩy ra ở vùng biên giới với Lào hoặc Việt Nam.

Cho dù chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán bị gắn liền với các ổ dịch đầu tiên, đối với các chuyên gia Trung Quốc, sự lây truyền ban đầu từ động vật sang người đã không xảy ra ở đó. Theo ông Lương Vạn Niên, vẫn chưa có đủ bằng chứng để xác định cách thức virus xâm nhập vào chợ Hoa Nam, và rõ ràng là virus cũng lưu hành ở những nơi khác ngoài Vũ Hán trong cùng một lúc.

Điều đáng nói là ông Ben Embarek thuộc Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng cho rằng virus có thể được du nhập vào chợ Hoa Nam thông qua một “sản phẩm”, bao gồm cả động vật hoang dã đông lạnh được biết là dễ bị nhiễm virus.

Cần nghiên cứu gì thêm ?

Những tiết lộ sơ khởi về cuộc điều tra của Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã làm cho Trung Quốc rất hài lòng, nhất là khi các chuyên gia quốc tế đã “loại trừ” giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm của họ, đồng thời chấp nhận rằng Covid-19 có thể có nguồn gốc bên ngoài Trung Quốc, thậm chí còn xem xét lập luận về virus đi theo dây chuyền đông lạnh. Tuy nhiên, giới khoa học không thể hài lòng về kết quả không thỏa đáng của cuộc điều tra do những rào cản mà Trung Quốc đã đặt ra cho nhóm điều tra quốc tế và đòi hỏi Bắc Kinh hợp tác nhiều hơn nữa.

Chuyên gia Ben Embarek cho biết Trung Quốc cần phải tìm thêm bằng chứng để chứng minh rằng luận điểm theo đó virus corona đã lưu hành trong cộng đồng sớm hơn nhiều so với tháng 12 năm 2019. Theo ông, các mẫu trong ngân hàng máu sẽ là một nơi tốt để bắt đầu.

Đối với Bắc Kinh, không cần phải tìm hiểu thêm về khả năng virus đã lây lan ở Trung Quốc trước thời kỳ được Bắc Kinh coi là bắt đầu của dịch bệnh là cuối năm 2019. Ở châu Âu, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng virus đã lưu hành ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha kể từ tháng 11 năm 2019, nhưng Bắc Kinh hoàn toàn làm ngơ trước các nghiên cứu này, và cho rằng không có lý do gì để lần ngược về trước những trường hợp chính thức đầu tiên của tháng 12 năm 2019.

Các nhà điều tra của WHO chỉ có quyền truy cập vào các dữ liệu mà Trung Quốc muốn cung cấp cho họ, và bác bỏ các yêu cầu cung cấp đữ liệu “thô” để có thể tự phân tích, thay vì duy nhất dựa vào các kết luận có sẵn của phía Trung Quốc.

Trong thời điểm đó, guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh tiếp tục tung ra những lập luận bác bỏ các giả thuyết về nguồn gốc Trung Quốc của SARS-CoV-2 mà đổ lỗi cho các nước khác.

Nguồn tin: Mai Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập42
  • Hôm nay13,944
  • Tháng hiện tại311,183
  • Tổng lượt truy cập36,365,738
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây