Dịp lễ Giáng sinh, một nữ sinh nội trú xin mẹ cô một chiếc gương lớn và đẹp. Bà mẹ gởi đến cho cô một bức ảnh tuyệt xinh của Đức Trinh Nữ. Bức ảnh được đóng khung kỹ càng và có ghi dòng chữ như sau: “Đây sẽ là tấm gương soi của con mỗi ngày!” Món quà này gây ấn tượng mạnh lên thiếu nữ. Và từ đó, cứ mỗi buổi tối, cô quỳ xuống trước bức ảnh Đức Mẹ và hỏi: “Má ơi, hôm nay con có làm vui lòng Má không? Con đã noi gương Má ở điểm nào?”
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay, cũng ở ngưỡng của ngày Giáng sinh, phác họa cho chúng ta chân dung của Đức Ma-ri-a cũng để chúng ta soi vào. Khuôn mặt của Thân Mẫu Chúa hiện lên trên nền của một ngôi làng vô danh thuộc “miền núi Giu-đa”, được truyền thống Ki-tô giáo đồng hóa với làng Ain Karim (suối nước của vườn nho), cách Giê-ru-sa-lem vài kilômét. Và người vẽ khuôn mặt đó chính là bà Ê-li-sa-bét. Qua những lời ca của bà, đã hiện lên chân dung có thể nói chính xác và sống động nhất về Mẹ. Chúng ta sẽ dừng lại trên những lời này. Rồi cũng tại đây, chúng ta sẽ thấy tâm hồn Mẹ qua bài ca tuyệt diệu của Mẹ, bài ca ngợi khen vị Thiên Chúa của những kẻ nghèo khó, rốt cùng, hèn mọn, bị áp bức.
Hạnh Phúc Vì Được Chúc Lành
Những lời của Ê-li-sa-bét nói cho đúng chẳng phải là một bài ca, tuy nhiên vẫn chứa đựng một đoạn thánh thi xây dựng trên một lời chúc tụng và một mối phúc: “Em được chúc tụng hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng đáng chúc tụng... Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em!” Đây là một thánh thi mini, rất mạnh mẽ sống động; đàng khác, nó còn mang tính “tiên tri.” Lu-ca đã nhấn mạnh rằng khi thốt lên nó, Ê-li-sa-bét “được đầy Thánh Thần”, Đấng từng tác động các ngôn sứ trong lời loan báo của họ.
Bài ca khai mở với lời “chúc tụng” mà sau đó đã được đưa vào kinh Kính Mừng. Lấy lại một kiểu nói dùng trong Cựu Ước cho những phụ nữ vĩ đại như Đê-bô-ra và Giu-đi-tha, Ê-li-sa-bét biểu dương chức làm mẹ thần linh của Ma-ri-a như dấu chỉ cao nhất của việc Thiên Chúa “chúc lành”, nghĩa là hiện diện và hành động giữa chúng ta cũng như bên trong lịch sử chúng ta. Đối với Thánh Kinh, phúc lành được bày tỏ đặc biệt trong sự sống và sức sinh sản; nơi Đức Ma-ri-a đã xuất hiện Sự sống tuyệt hảo xóa bỏ sự cằn cỗi và chết chóc. Mẹ quả là một phúc lành của trời cao!
Bài ca của Ê-li-sa-bét tiếp tục với một chuyển động thứ hai, cũng là chúc tụng, nhưng dưới dạng câu hỏi, một câu hỏi long trọng, có lối ám chỉ rất mãnh liệt đối với người hiểu biết Cựu Ước: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” Tư tưởng này gợi nhớ một đoạn Kinh Thánh thời danh liên quan đến việc chuyển hòm bia Giao ước về Giê-ru-sa-lem, thủ đô mới của Đa-vít: “Hòm bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được?” (2Sm 6,9). Vậy việc Đức Ma-ri-a viếng thăm được trình bày như hòm bia mới của Đức Chúa đến. Và như hòm bia ở nhà ông Ô-vết Ê-đôm đã mang lại phúc lành cho nhà ông (x. 2Sm 6,11-12), Đức Ma-ri-a cũng là phúc lành mang đến cho ngôi nhà nhân loại và cho ai đón nhận Mẹ vào nhà mình.
Tước hiệu Đức Ma-ri-a nhận từ Ê-li-sa-bét –“Thân Mẫu Chúa”– rõ ràng là tước hiệu cao nhất và đúng nhất, như sẽ được tuyên bố trong Công đồng Ê-phê-xô năm 431. Ngày 22 tháng 6 năm ấy, Công đồng xác định Đức Giê-su có hai bản tính nhưng chỉ có một ngôi vị duy nhất là ngôi vị Thiên Chúa. Đức Ma-ri-a là mẹ thật của Đức Giêsu nên cũng là Mẹ Thiên Chúa thật. Đấy là phản ứng của đức tin chân thực trước việc Nestôriô, giáo chủ Constantinopolis, trước đó chủ trương rằng: “Đức Giêsu có hai bản tính nên có hai ngôi vị. Bà Maria chỉ là mẹ ngôi vị con người của Đức Giêsu, do đấy chẳng phải là Mẹ Thiên Chúa.” Còn Thánh Ambrôsiô (340-397) trước đó nữa thì dạy: “Đức Ma-ri-a không phải là Thiên Chúa trong đền thờ nhưng là đền thờ của Thiên Chúa.” Chính vì thế truyền thống Ki-tô giáo cũng sẽ biểu dương Mẹ như là “Sion mới” và “Hòm bia Giao ước mới” (“Đức bà như hòm bia Thiên Chúa vậy” Kinh cầu Đức Bà).
Hạnh Phúc Vì Được Tin Chúa
Cuối cùng, bài ca của bà Ê-li-sa-bét nói lên một “mối phúc”, mối phúc đầu tiên của Tin Mừng: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em!” Đây là tiếng kêu sẽ trở thành dây dẫn (sợi chỉ đỏ) của cả một thông điệp về Đức Ma-ri-a của Đức Gio-an-Phao-lô II: Mẹ Đấng Cứu Thế. Quả thế, trong thông điệp này, Thánh Giáo hoàng từng viết: “Trong câu Em thật có phúc vì đã tin được bà Ê-li-sa-bét thốt lên, chúng ta gần như có thể tìm thấy một chìa khóa mở cho chúng ta thấy thực tại thâm sâu của Đức Trinh Nữ.”
Đức Ma-ri-a là tín hữu tuyệt hảo, khác với ông Da-ca-ri-a cứng lòng, cha của vị Tẩy giả. Việc mang thai Hài nhi là do tác động của Thánh Thần, bởi đó vượt qua các quy luật sinh lý đơn giản của máu thịt và phải được hiểu cùng đón nhận trong đức tin, kể cả từ phía Đức Ma-ri-a. Quả thế, đối với Lu-ca, Mẹ sẽ trở thành biểu tượng của đức tin vì “hằng ghi nhớ mọi sự ấy và suy đi nghĩ lại trong long.” Đức Ma-ri-a kết hợp nơi mình hai mối phúc mà thoạt nhìn có vẻ tách biệt nhau, hai mối phúc mà một ngày kia sẽ lại vang dội trong đời Đức Giê-su. Lúc ấy, một phụ nữ trong đám đông đã kêu lên: “Phúc thay bà mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Và Đức Giê-su đã đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28). Trong Đức Ma-ri-a, cả hai mối phúc này đan vào nhau vì Mẹ sinh Đức Ki-tô cách thể lý, sau khi mang trong dạ, nhưng cũng đón nhận Người trong đức tin như là sự hiện diện của Thiên Chúa và là Lời thiện hảo của Thiên Chúa.
Đức tin vào những chuyện phi thường vừa xảy ra (Mẹ mang thai cách mầu nhiệm, bà chị họ mang thai cách lạ lùng) khiến một niềm vui to lớn ngập tràn Mẹ, thúc đẩy Mẹ, niềm vui được tin, niềm vui được đi vào thời cứu độ và được làm người khai mở thời này: “Tôi là nữ tỳ của Chúa”.
Như đã bừng sáng niềm vui được chúc phúc, cuộc Thăm viếng cũng bừng sáng niềm vui được tin. Bà Ê-li-sa-bét tới tấp thốt lên những tiếng hân hoan vui mừng như đã thấy. Rồi Đức Ma-ri-a sẽ dùng kinh Magnificat (Linh hồn tôi tán dương Đức Chúa), bài ca hân hoan của mình để đáp lại.
Niềm vui rất đặc biệt ấy của đức tin, Lu-ca cho thấy bắt nguồn từ đâu: Thần Khí. Thần Khí đã đến trên Đức Ma-ri-a, ngập tràn bà Ê-li-sa-bét, và vào dịp Hiện xuống, sẽ đổ đầy các Tông đồ. Người ngập tràn chúng ta khi chúng ta tin và công bố Đức Giê-su là Chúa, nghĩa là Đấng Mê-si-a. Đấng Cứu Thế, nhưng là Đấng Mê-si-a mà chẳng người Do-thái nào và cả Cựu Ước có thể tưởng tượng: Con Thiên Chúa, được Người ban tặng cho chúng ta.
Đức tin và niềm vui của chúng ta tùy thuộc sức mạnh của xác tín này. Chúng ta sa lầy trong nhiều chuyện phụ thuộc, chúng ta tranh luận giữa Ki-tô hữu với nhau vì những chi tiết thay vì cảm nghiệm tới cùng và lan truyền điều chủ yếu, mạc khải kỳ diệu: Hài nhi sắp sinh bởi Đức Ma-ri-a là Con Thiên Chúa. Một bài ca khác sẽ bật lên sau bài Magnificat: đó là bài Benedictus: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” (Lc 1,68).
Thiên Chúa thân hành viếng thăm chúng ta! Có lắm điều phải tin: cuộc Phục sinh của Đức Giê-su, sự hiện diện của Người trong Thánh Thể, việc tha thứ tội lỗi, chiến thắng cuối cùng của sự sống trên đau khổ và sự chết... Nhưng chúng ta sẽ tin dễ dàng và vững chắc vào tất cả những điều đó nếu bám rễ trong điều khó tin nhất: tin Thiên Chúa đã đến trên con đường chúng ta: “Chúng tôi đã thấy các bước chân của Thiên Chúa bắt gặp các bước chân của loài người.”
Để Người bắt chuyện với chúng ta, phải có Đức Ma-ri-a đã. Không gì có thể khiến chúng ta sùng kính Mẹ hơn là thấy Mẹ hạnh phúc vì được tin và được ban tặng Hài nhi, một hạnh phúc lớn tới độ đã khiến bao niềm vui bùng vỡ. Quả vậy, nói về Đức Ma-ri-a, Công đồng Va-ti-can II đã có thành ngữ tuyệt vời này: “Mẹ đã đem Sự sống đến cho thế gian” (Hc Giáo Hội 53). Chính cái đó đã khiến đứa con của bà Ê-li-sa-bét nhảy mừng, và chính đó cũng khiến chúng ta nhảy mừng trước Đức Ma-ri-a: Mẹ là sự Viếng thăm của Thiên Chúa, Mẹ đem đến cho chúng ta Sự sống, vốn đã trở nên cho chúng ta sự sống của một con người.
Nếu việc tin vào điều đó khiến chúng ta hân hoan, thì chớ che khuất nỗi hân hoan này. Chớ gì trong những lần thăm viếng, khi mà sự tiếp xúc có thể thực hiện với một mức độ sâu xa nào đó, ai đó sẽ nhảy mừng khi nghe chúng ta, hay có lẽ chỉ khi nhìn chúng ta: “Lúc bạn giã từ ai sau một lần thăm viếng, làm sao để lại một cái gì đó của Thiên Chúa trong lòng họ” (Mẹ Têrêxa). Một cái gì đó của Thiên Chúa vì chúng ta thực sự sống theo tinh thần của Người chứ không phải tinh thần thế gian.
Nguồn tin: Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn