Một vài điều cần biết về Năm Thánh 2025: HÀNH TRÌNH HY VỌNG

Thứ bảy - 21/12/2024 03:17
Một vài điều cần biết về Năm Thánh 2025: HÀNH TRÌNH HY VỌNG

Năm Thánh 2025, một sự kiện trọng đại trong đời sống đức tin Công giáo, sẽ chính thức bắt đầu vào lúc 19 giờ ngày 24 tháng 12 năm 2024. Lễ mở cửa Thánh tại Đền Thánh Phêrô, do Đức Thánh Cha chủ sự, sẽ đánh dấu khởi đầu cho một hành trình tâm linh kéo dài suốt một năm, cùng với Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh bên trong Đền Thánh.

Sắc Lệnh Tuyên Bố Năm Thánh

Theo truyền thống, mỗi Năm Thánh được mở đầu bằng việc công bố Sắc lệnh Tuyên bố Năm Thánh của Đức Giáo Hoàng. Sắc lệnh này là một văn kiện chính thức được viết bằng tiếng Latinh và mang dấu ấn của Đức Thánh Cha. Các Sắc lệnh thường được đặt tên dựa trên những từ đầu tiên trong văn bản. Chẳng hạn, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khai mạc Năm Thánh Lớn 2000 với sắc lệnh Incarnationis mysterium (“Mầu Nhiệm Nhập Thể”), và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót (2015-2016) với sắc lệnh Misericordiae vultus (“Dung Mạo Lòng Thương Xót”).

Với Năm Thánh 2025, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn chủ đề Spes non confundit (“Hy vọng không làm thất vọng”), một lời mời gọi mạnh mẽ hướng tới niềm hy vọng trong hành trình đức tin.

Biểu Tượng Năm Thánh: Hình Ảnh của Tình Huynh Đệ và Hy Vọng

Biểu tượng chính thức của Năm Thánh 2025 mang hình ảnh bốn nhân vật cách điệu, đại diện cho nhân loại đến từ bốn phương trời. Những nhân vật này ôm lấy nhau, thể hiện tinh thần liên đới và tình huynh đệ kết nối mọi dân tộc. Đặc biệt, một nhân vật đang bám chặt vào thánh giá, biểu tượng của niềm tin vững chắc và niềm hy vọng không bao giờ bị từ bỏ, nhất là trong những thời khắc khó khăn.

Thánh Ca Năm Thánh: Hành Hương Trong Hy Vọng

Bài thánh ca chính thức cho Năm Thánh 2025 mang tên Hành Hương Trong Hy Vọng. Lời ca và giai điệu của bài hát truyền tải thông điệp về niềm hy vọng và mời gọi mọi tín hữu cùng hát lên trong tinh thần hiệp nhất, khích lệ cộng đoàn bước vào hành trình đức tin đầy tràn tin yêu và tín thác vào Chúa.

Click xem Danh sách bài hát về Năm Thánh

Lịch Sử Năm Thánh

Năm Thánh đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo diễn ra vào năm 1300, khi Đức Giáo Hoàng Boniface VIII ban hành sắc lệnh Antiquorum habet ngày 22 tháng 2. Văn kiện này tuyên bố năm 1300 là Năm Thánh, đồng thời ban ơn toàn xá cho những ai hành hương đến các Đền thờ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô tại Rôma. Cư dân Rôma được yêu cầu thăm viếng 30 lần, trong khi những khách hành hương từ nơi khác chỉ cần 15 lần. Truyền thống này đã được duy trì và trở thành nguồn cảm hứng cho hàng triệu tín hữu trên khắp thế giới.

Năm Thánh 2025: Lời Mời Gọi Hướng Tới Tương Lai

Trong bối cảnh thế giới đầy thách thức và bất định, Năm Thánh 2025 là một lời mời gọi sống niềm hy vọng sâu sắc. Với sắc lệnh Spes non confundit, biểu tượng đoàn kết và bài thánh ca đầy cảm hứng, Năm Thánh kêu gọi mọi người bước vào hành trình đổi mới tâm linh, đón nhận ánh sáng Chúa Kitô và sống trong tinh thần hiệp nhất.

Hãy cùng trở thành “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng”, cùng nhau hướng tới một tương lai sáng ngời nhờ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Gia Thi, SDB

BAO LÂU RỒI BẠN CHƯA XƯNG TỘI?

Một căn phòng lâu ngày chưa được quét dọn dù trước đó có sạch sẽ đến đâu cũng sẽ có bụi, nếu để lâu sẽ thành ra hoang tàn.

Căn phòng ấy cũng giống như tâm hồn mỗi người chúng ta vậy, nếu tâm hồn chỉ toàn là những tội lỗi thì tâm hồn cũng không còn trong sạch nữa.

Nhưng không mắc những tội trọng thì ai trong chúng ta dám khẳng định mình sẽ tránh được tất cả các tội nhẹ? Tội nhẹ là những hạt bụi trong căn phòng đấy, "bụi" đủ nhiều thì thể nào cũng sẽ bẩn "phòng" thôi.

Đừng chần chừ việc xưng tội vì nhỡ đâu giây phút sau đây ta không còn hơi thở, ta trở về gặp Thiên Chúa với linh hồn đầy tội lỗi thì phải làm sao?

Đừng ngại về việc phải đi xưng tội vì mọi lời ta xưng đều được các Linh mục giữ kín. Các ngài sẽ không đánh giá con người bạn vì chính các ngài cũng là những con người tội lỗi.

Chúng ta không thể nói yêu Chúa, mà lòng thì đầy rẫy tội lỗi xấu xa.

Chúng ta không thể nói con muốn được lên Thiên Đàng nhưng lòng thì vô vàn tội lỗi chưa xưng thú.

VÀ CUỐI CÙNG, HÃY ĐI XƯNG TỘI, NGAY VÀ LIỀN!

**Dưới đây là 3 câu hỏi và giải đáp cơ bản về "Xưng Tội":

1. Hỏi: Tại sao có người gọi là xưng tội, một số gọi là hòa giải, và một số khác gọi đó là sám hối?

Đáp: Những cái tên nhấn mạnh các khía cạnh khác nhau của bí tích.

- "Sám hối" đề cập đến sự ăn năn, đau buồn và quyết tâm sửa đổi cuộc sống của một người với sự giúp đỡ của Thiên Chúa.

- "Xưng tội" đề cập đến hành động của một người nói ra những tội lỗi của mình với linh mục.

- "Hòa giải" đề cập đến mục tiêu của việc cử hành qua đó tội nhân được giao hòa với Thiên Chúa và Giáo hội.

- Nghi thức lãnh nhận bí tích được gọi là Nghi thức Sám hối.

Sách Giáo lý còn gọi bí tích này là “bí tích hoán cải” và “bí tích tha thứ”.

2. Hỏi: Tại sao phải xưng tội với một "con người" trong khi tôi có thể xưng tội với chính Thiên Chúa của tôi?

Đáp: Chúa Kitô đã ban quyền tha tội trước hết  cho các Tông Đồ, và  sau này  cho Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh Tông Đồ như sau :

"Anh em tha cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." (Ga 20:23)

Như thế rõ ràng cho thấy là Chúa muốn cho con người phải chạy đến với những người trung  gian  thay mặt Chúa là các Tông Đồ xưa kia và các vị thừa kế các Tông  Đồ ngày nay  là  các Giám Mục trong Giáo hội để nhận lãnh ơn tha thứ qua bí tích Hòa giải. Các giám mục lại chia sẻ  quyền tha tội  này  cho các linh mục là những cộng sự viên thân cận  trực thuộc, cũng  được chia sẻ Chức linh Mục đời đời của Chúa Kitô.

Nếu chỉ cần xưng tội trưc tiếp với Chúa mà không qua trung gian ai thì Chúa Giêsu đã không nói với các Tông Đồ những lời trên đây, sau khi Người từ cõi chết sống lại và hiện ra với các ông; cũng như  trước đó  đã không phán bảo Phêrô những lời sau đây :

"Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên Trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo gỡ điều gì , trên trời cũng sẽ tháo gỡ như vậy." (Mt 16:19)

Với quyền to lớn trên đây, Giáo Hội - cụ thể là Đức Thánh Cha -  có quyền ra hình phạt nặng nhất là vạ tuyệt thông và tháo gỡ vạ này.

Như vậy, muốn được ơn tha thứ của Chúa, thì buộc phải xưng tội cá nhân với một linh mục đã được chịu chức thành sự và đang có năng quyền được tha tội nhân danh Chúa Kitô.

3. Hỏi: Tại sao tôi phải đi xưng tội?

Đáp: XƯNG TỘI LÀ BÍ TÍCH TRAO BAN ÂN SỦNG.

Giáo hội Công giáo dạy rằng bí tích là dấu chỉ bề ngoài, do Chúa Giêsu thiết lập, để ban ân sủng. Xưng tội, gọi là Bí tích Hòa giải hoặc Cáo giải, ban cho chúng ta ân sủng để chống lại bản chất tội lỗi. Đó là bí tích chữa lành.

Giáo lý của Giáo hội Công giáo (GLCG) cho biết: “Những ai tới gần bí tích Sám hối, sẽ nhận được từ lòng từ bi Thiên Chúa ơn tha thứ về sự mình đã lỗi phạm đến Ngài, đồng thời họ được hoà giải với Giáo Hội mà tội lỗi của họ đã gây thương tích: chính Giáo Hội đã lo cho họ trở lại nhờ đức bác ái, nhờ gương sáng và những lời cầu nguyện” (GLCG, số 1422).

Nguồn tham khảo:

- Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

- Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp.

- Legio Mariae Senatus Việt Nam.

 

Nguồn tin: Người viết: Ân Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập25
  • Hôm nay10,142
  • Tháng hiện tại258,813
  • Tổng lượt truy cập35,905,158
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây