ĐÊM TỐI NGÕ CỤT

Thứ hai - 20/05/2024 21:32
unnamed (5)
unnamed (5)
Chuyện gì xảy ra khi chúng ta trải qua đêm tối linh hồn?  Chuyện gì đã xảy ra và chúng ta phản ứng như thế nào?
 
Số lượng sách vở viết về chuyện này có thể chất đầy thư viện, mỗi quyển sách hay mỗi bài viết đều có cái lý riêng của nó, nhưng ở đây, tôi muốn chia sẻ một thấu suốt độc nhất vô nhị của nữ tu dòng Cát Minh Constance FitzGerald, là người được nhiều ngòi bút thiêng liêng trích dẫn khi nói về đêm tối linh hồn.
 
Sơ dùng từ “ngõ cụt” để diễn tả điều thường được gọi là đêm tối linh hồn.  Với sơ, đêm tối linh hồn là khi chúng ta đi đến một ngõ cụt trong cuộc đời về mặt tình cảm, trí tuệ và tưởng tượng.  Mọi cách thức chúng ta từng hiểu, từng tưởng tượng, từng cảm nhận trước đây, nhất là những điều liên quan đến Thiên Chúa, đức tin và cầu nguyện, giờ đây không còn hiệu quả nữa.  Có thể nói chúng ta bị tê liệt, không thể trở lại như trước, không thể tiến tới.  Và một phần sự tê liệt chính là do chúng ta không thể suy nghĩ, cảm nhận hay tưởng tượng để thoát ra khỏi chuyện này.  Chúng ta rơi vào ngõ cụt, không lùi được mà cũng không tiến được.  Vậy chúng ta phải làm gì?  Làm sao để đi ra khỏi ngõ cụt?
 
Con đường để đi ra không đơn giản cũng không nhanh chóng.  Chúng ta không thể tưởng tượng, suy nghĩ hay cảm nhận để thoát ra khỏi nó, bởi vì tầm nhìn, những biểu tượng, những câu trả lời và cảm giác chúng ta cần thì chưa có, hoặc ít ra là chưa có cho chúng ta.  Chính vì thế mà chúng ta rơi vào ngõ cụt và bị tê liệt về tình cảm và trí tuệ.  Tầm nhìn và những cảm giác mới có thể thiết lập lại tầm nhìn, những suy nghĩ và cảm giác, những điều phải được thai nghén và khai sinh thông qua đau đớn và hoang mang.
 
Ở giai đoạn này, không có câu trả lời, ít nhất là không có câu trả lời cho chúng ta.  Có lẽ bạn đã đọc chuyện về những người đã gặp ngõ cụt, bây giờ họ khuyên cách trải qua đêm tối linh hồn.  Những điều này có thể hữu ích, nhưng lòng bạn, trí tưởng tượng và trí tuệ của bạn mới là những gì đang được thử lửa.  Biết người khác từng trải qua ngọn lửa đó thì có thể giúp bạn có được tầm nhìn và sự an ủi trong cơn tê liệt, nhưng ngọn lửa đó vẫn phải đi qua đời bạn để bạn thiết lập lại trí tưởng tượng, suy nghĩ và cảm giác của bạn.
 
Với nữ tu FitzGerald, ở trong trạng thái này chính là ở ngưỡng của giới hạn mà chúng ta có thể tìm ra bản ngã.  Đây là lò lửa thanh tẩy trong lòng chúng ta.  Và với sơ, lối thoát chính là đi xuyên qua nó.  Lối thoát ra khỏi đêm tối dạng này là qua “chiêm niệm,” cụ thể là ở lại trong ngõ cụt, kiên nhẫn chờ đợi với nó, chờ Thiên Chúa phá vỡ ngõ cụt bằng cách biến đổi trí tưởng tượng, trí tuệ và tâm hồn chúng ta.
 
Cho nên, xét tận cùng, ngõ cụt này là thách thức chúng ta trở nên nhà thần nghiệm, không phải là chúng ta bắt đầu tìm kiếm trải nghiệm tôn giáo phi thường, mà là chúng ta để những ảo tưởng, những biểu tượng rạn vỡ và ý nghĩa mất mát của chúng ta trở thành một không gian để Thiên Chúa có thể thiết lập lại đức tin, cảm giác, tưởng tượng và trí tuệ của chúng ta bên trong một chân trời mới, với mọi sự đều được diễn giải lại triệt để.
 
Cụ thể chúng ta làm thế nào?  Chúng ta chiêm nghiệm thế nào?  Bằng cách ngồi xuống trong căng thẳng, bất lực nhưng kiên nhẫn, cởi mở, chờ đợi, và ở lại đó bao nhiêu lâu cần thiết để từ trong sâu thẳm tâm hồn, chúng ta nhận được một cách tưởng tượng, suy nghĩ và cảm nhận mới về Thiên Chúa, đức tin, cầu nguyện để vượt ra khỏi ngõ cụt.
 
Hơn nữa, những biểu tượng rạn vỡ, ảo tưởng và bất lực không thể suy nghĩ hay cảm nhận lối thoát ra khỏi ngõ cụt, chính nó là điều khẳng định với chúng ta, tầm nhìn mới chúng ta được ban, chính là điều phát xuất từ Thiên Chúa chứ không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng, của phóng chiếu hay tư lợi của bản thân chúng ta.
 
Một trong những phê phán sâu cay nhất về trải nghiệm tôn giáo là của triết gia Friedrich Nietzsche, ông tuyên bố mọi trải nghiệm tôn giáo, tất cả, xét tận cùng đều là sự phóng chiếu của con người.  Ông lập luận chúng ta tạo nên Thiên Chúa theo hình ảnh và hình tượng của mình vì lợi ích của mình, vì thế mà nhiều đức tin và tôn giáo chân thành có thể giả hình và sai lầm.  Trả lời cho lập luận này, triết gia, thần học gia Dòng Tên Michael Buckley đã phản bác: Nietzsche đúng 95%.  95% của những điều tự nhận là trải nghiệm tôn giáo thật ra là sự phóng chiếu của con người.  Nhưng Nietzsche sai 5%, và 5% đó làm nên sự khác biệt, bởi vì trong 5% đó, sự mặc khải của Thiên Chúa đi vào cuộc sống chúng ta một cách nguyên tuyền, không bị ô nhiễm.
 
Và 5% đó xảy ra chính xác vào lúc chúng ta đang ở trong đêm tối linh hồn, khi các biểu tượng của chúng ta rạn vỡ, trí tuệ bất lực, tưởng tượng trống rỗng và tâm hồn lạc lối.  Chính vào lúc đó, khi chúng ta bất lực không thể tự giúp mình, thì chúng ta cũng bất lực không thể đánh lận hay làm ô nhiễm cách thức Thiên Chúa đi vào chúng ta.
 
Thiên Chúa có thể đi vào cuộc sống chúng ta một cách thuần khiết, không chút ô nhiễm khi chúng ta đang ở ngõ cụt, không thể lấy tầm nhìn của mình để thay thế tầm nhìn của Thiên Chúa.
 

 

Nguồn tin: Rev. Ron Rolheiser, OMI

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập32
  • Hôm nay9,270
  • Tháng hiện tại126,985
  • Tổng lượt truy cập35,049,467
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây