ĐƯỢC SINH RA TRONG THÁNH THẦN

Thứ hai - 13/01/2025 03:02
tải xuống (4)
tải xuống (4)

Thiên Chúa là nguồn gốc mọi sự, chính Ngài là Đấng đi bước trước để nói chuyện với con người và thông truyền chính Ngài cho họ. Trong suốt lịch sử loài người, Thiên Chúa muốn thiết lập mối tương quan cá vị với con người nhiều lần và bằng nhiều cách khác nhau: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Hípri 1:1-2). Các sách Cựu ước, nhất là Ngũ thư, cho thấy Thiên Chúa đã thực hiện những cuộc đối thoại với Abraham (Stk 12: 6-7), hay Môsê (Xh 3: 1-22), những lời kêu gọi dân Israel, những lời hứa (Stk 22, 17-18), thiết lập giao ước (Xh 19: 4-8), những điều răn (Đnl 5: 31-33), những lời khích lệ, và cả những lời trách móc (Ds 11). Thiên Chúa luôn kiên trì, Ngài luôn nối lại cuộc đối thoại, qua các ngôn sứ, dù con người vẫn bất trung.

1. Sinh ra trong Sự Sống của Thánh Thần.

Bây giờ, trong thời kỳ cuối cùng, Thiên Chúa không còn nói với con người qua các ngôn sứ nữa mà qua chính Con Ngài: “Vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Hìpri 1: 2). Thiên Chúa vĩnh cửu đã trở thành một người phàm. Thần tính vô hạn của Ngài nay bị giới hạn trong một con người được “sinh ra bởi người nữ, sinh dưới quyền Lề luật” (Gl 4: 4) và được đặt tên là Giêsu (Lc 1: 31). Hôm nay, Con Người Giêsu ấy khởi sự sứ mạng công khai của mình khi đến sông Giođan để chịu phép rửa từ ông Gioan. Chúa Giêsu muốn thực hiện trọn vẹn ý Chúa Cha, như người “Tôi trung” được đầy Thánh Thần để thi hành sứ mạng mà các tiên tri đã loan báo: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng. Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân” (Is 42:1). Chính lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi Gioan là lúc Thiên Chúa công khai xác nhận tuyển chọn và đóng dấu chấp thuận sứ mạng của Ngài: “Trời mở ra, có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3: 21-22). Đây là câu trong Cựu ước khi Thiên Chúa phán với vị tân vương mà Ngài “tuyển chọn, lên trị vì Xion, núi thánh của Ta…Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con” (Tv 2: 6-7). Thiên Chúa đã tuyển chọn, chấp thuận sứ mạng này của Chúa Giêsu, Người Con của Ngài, từ muôn thuở: “Kìa Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền…Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Ngài ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40: 10-11). Chúa Cha xác nhận Con Người Giêsu là Con của Cha và do đó xác nhận sứ mạng của Chúa Giêsu: Mêsia – Đấng Thiên Sai – Vị Cứu Tinh. Sứ mạng này Chúa Giêsu đã chuẩn bị suốt ba mươi năm ẩn dật lặng lẽ ở làng quê Nadarét nhỏ bé: “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2: 52). Chúa Giêsu sẽ thực hiện sứ mạng này bằng một phép rửa khác, phép rửa của riêng Ngài, như Gioan Tẩy Giả tuyên bố: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài. Ngài sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3:17-18).

Chúng ta thực sự được tái sinh trong Phép Rửa của Chúa Giêsu, trong Thánh Thần và lửa. Chính trong phép rửa này của Chúa Giêsu mà chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Chính trong Chúa Thánh Thần mà chúng ta được sinh ra trong sự sống đích thực của Chúa Kitô. Điều gì sinh ra trong xác thịt là xác thịt và điều gì sinh ra trong Thánh Thần là Thánh Thần. “Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí” (Ga 3: 6).

Chúa Giêsu đến với Gioan để chịu phép rửa! Là Con Thiên Chúa, lẽ ra Chúa Giêsu có thể đòi hỏi những đặc ân cho riêng mình nhưng Ngài đã không làm như vậy. Trái lại Chúa Giêsu hòa mình vào đám đông dân chúng, vào nhân tính của chúng ta bằng cách dìm mình trong nước sông Giođan: “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa” (Lc 3: 21). Chúa Giêsu đến giữa tất cả những người xin lãnh nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả, giữa những người bị coi thường, thậm chí bị loại trừ, giữa những người thấp cổ bé họng và những người bị gạt ra ngoài đền thờ và các hội đường. Chúa Giêsu đã gánh lấy muôn vàn tội lỗi kinh hoàng của bao thế hệ con người, như ngôn sứ Isaia tiên báo: “Chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53: 4-5) và Ngài sẽ thực hiện lại việc này một cách dứt khoát trên thập giá: “bị liệt vào hạng những tên phạm pháp… Kẻ qua người lại đều nhục mạ Ngài… Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Ngài như vậy” (Mc15: 28).

Hôm nay chúng ta được mời gọi hoán cải, tin vào Ngài, tin vào Tin Mừng, trở thành những chứng nhân đặc biệt của Tin Mừng. Khi Ngài dìm mình vào bản tính người phàm, Ngài mời gọi chúng ta dìm mình vào trong Tình Yêu thần tính của Ngài và sống như những người tự do, được giải thoát khỏi mọi đau đớn và thống khổ do tội lỗi gây ra.

2. Sự Sống đích thực trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

Khi Chúa Kitô chịu phép rửa của Gioan thì cả ba Ngôi Thiên Chúa tỏ lộ và hoạt động: Chúa Con chịu phép rửa, dìm mình trong thân phận con người, Chúa Cha công bố từ trời và Chúa Thánh Thần ngự xuống: “Đang khi Chúa Giêsu cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha” (Lc 3:21-22). Chúa Cha và Chúa Thánh Thần xác nhận thần tính của Chúa Kitô, và Chúa Giêsu tuân theo. Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng ban chính mình Ngài cho con người và con người được Ngài thương nhận làm con cái yêu dấu của Ngài. Ngài đặt trọn Tình Yêu của Ngài vào con người. Chúa Giêsu là Thiên Chúa đến với chúng ta, trở thành con người, ở giữa và ở cùng chúng ta, là Emmanuel. Thiên đàng thâm nhập vào sự nghèo hèn, nỗi khổ đau của con người. 

Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai được các ngôn sứ loan báo sẽ đến, đã tự nguyện bước vào cuộc đời, vào cõi lòng nhiều trăn trở, đau thương và tội lỗi u tối của chúng ta. Chúng ta không phải là những người đạo hạnh, như những người Pharisêu, như các tư tế và các lãnh đạo đền thờ Giêrusalem, nhưng chính Con Thiên Chúa đã đến với tất cả và với mỗi người chúng ta khi Ngài chịu phép rửa của Gioan trong sông Giođan. Tin Mừng là như thế: ngày hôm nay, Chúa Cha sinh ra Chúa Giêsu trong sứ mạng Cứu Thế, Ngài cũng sinh ra chúng ta trong Sự Sống đích thực của Thánh Thần qua phép rửa, không phải là của Gioan, mà là của Chúa Giêsu Kitô. Các biến cố huyền nhiệm tại sông Giođan đã tiên báo cái chết và sự Phục Sinh mang tính cứu độ của Chúa Kitô: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Chúa Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Ngài sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Ngài, chúng ta đã cùng được mai táng với Ngài. Bởi thế, cũng như Ngài đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6;3-4).

Liệu chúng ta có tin nhận Chúa Kitô là Con Chúa Cha và sẵn sàng thực hiện Lời của Ngài trong cuộc đời của chúng ta không? Liệu chúng ta có, như Chúa Kitô, chấp nhận mọi vất vả, âu lo, trăn trở, khó khăn, đau khổ… như thánh ý của Thiên Chúa, với cõi lòng khiêm hạ, bình an và tín thác vào Ngài không? Chúng ta có sẵn lòng ở lại dưới chân Thánh Giá của Chúa Kitô để tâm trí và trái tim được tẩy rửa trong Máu Thánh của Ngài không? Không có khổ đau nào chúng ta gánh chịu mà Con Thiên Chúa lại không gánh chịu trước chúng ta và vì chúng ta. Khi chịu phép rửa, Chúa Kitô biểu lộ Ngài là con người và là Thiên Chúa. Ngài sẵn lòng sống như một người phàm, ngoại trừ tội lỗi, để đến gặp những người đang khát mong những điều vượt quá cuộc sống phàm nhân này. Đó chính là Ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, và cũng là những đòi hỏi mà chúng ta cần phải thực hiện trong khi mong chờ ngày hồng phúc, như lời thánh Phaolô gửi cho Titô trong bài đọc thứ hai: “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Chúa Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (Titô 2:11-14). 

 

Nguồn tin: Phêrô Phạm Văn Trung ​​​​​​​

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập16
  • Hôm nay9,057
  • Tháng hiện tại187,895
  • Tổng lượt truy cập36,242,450
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây