Đó là SỨ ĐIỆP VỀ ƠN HIỆP THÔNG TRONG BÍ TÍCH RỬA TỘI. Và con sông ấy chính là sông của đức tin, sông của tình yêu nguồn khởi đi từ Thiên Chúa, sông của ơn cứu độ, sông chảy dọc quê hương Dothái, đồng thời cũng là dòng sông chảy dọc lịch sử bất chấp Cựu hay Tân ước: sông Giodan.
Sứ điệp trên dòng sông còn cho ta những hiểu biết về một giá trị cao cả: hiệp thông để được sống. Đó không là một sứ điệp thông thường do Đức Thánh Cha ban hành. Nhưng chính Chúa Giêsu trực tiếp ban hành bằng hành động nơi chính bản thân mình, khi nhận phép rửa của thánh Gioan trên dòng sông Giodan, đó là ơn hiệp thông hoàn hảo: Hiệp thông với con người và hiệp thông với Thiên Chúa. Qua bài Tin Mừng hôm nay, ta biết điều đó.
Hiểu rằng hiệp thông để được sống, ta nhận ra bí tích rửa tội là cả một kho tàng được làm quà tặng quý giá, Chúa Kitô để lại cho Hội Thánh, và Hội Thánh tiếp tục tặng ban cho từng người.
1. HIỆP THÔNG VỚI CON NGƯỜI.
Phép rửa của thánh Gioan là phép rửa “tẩy giả”, nghĩa là phép rửa mời gọi mọi người sám hối, và bất cứ ai tỏ lòng sám hối, đều có thể cùng đến để nhận phép rửa từ tay thánh Gioan.
Chúa Kitô không là tội nhân, không là người cần đến phép rửa của thánh Gioan. Còn hơn thế, vì nếu phép rửa của thánh Gioan chỉ mới “tẩy giả”, thì chính Chúa mới thật là Đấng sáng lập bí tích rửa tội để tha tội thật, để bất cứ ai lãnh nhận bí tích ấy, đều có được mọi quyền lợi của một Kitô hữu.
Chưa hết, chính thánh Gioan từng khẳng định vai trò quan trọng của Chúa Kitô: “Tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”.
Cao trọng là thế, Chúa vẫn hạ mình xuống. Trên bờ sông Giodan, Chúa vẫn xếp hàng cùng dân tộc của mình. Bằng cách ấy, Chúa tự mình đứng chung hàng với tội nhân, để rồi tiếp tục chấp nhận dìm mình xuống cùng một dòng nước với họ. Chúa trở nên khiêm hạ và mất hút trong đám đông.
Có ai ngờ Đấng vô tội lại tỏ lòng sám hối; Đấng xóa tội trần gian lại cúi mình trước một con người để xin phép rửa; Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần lại xin được chịu phép rửa sám hối trong nước; Đấng có quyền tha thứ lại thực hiện hành vi của người cần được tha thứ.
Qua tất cả những hành vi đó, Chúa dạy ta bài học của sự hiệp thông. Chính trong phép rửa, Thiên Chúa nghiêng mình xuống để hiệp thông với con người. Còn hơn như vậy, Chúa hiệp thông hoàn toàn với kẻ tội lỗi. Chúa trở thành một người anh em giữa mọi người.
Bởi thế, phép rửa mà ta lãnh nhận hôm nay cũng sẽ làm cho ta hiệp thông với anh em mình, với những người chia sẻ cùng một đức tin, làm thành Hội Thánh, thân mình của Chúa Kitô.
2. HIỆP THÔNG VỚI THIÊN CHÚA.
Nhưng sứ điệp hiệp thông chưa dừng ở đó. Nó còn cho biết một danh dự vô cùng, danh dự cả thể mà Thiên Chúa ban tặng loài người: Họ được sống trong sự sống của Thiên Chúa. Đây mới là ơn hiệp thông hoàn hảo mà bí tích rửa tội mang lại cho ta.
Hiệp thông với Thiên Chúa đến nỗi được sống bằng chính sự sống của Thiên Chúa, để như Chúa Kitô, được làm con Thiên Chúa, cùng thừa hưởng gia nghiệp nơi chính Người Con. Nghĩa là con người phải nhờ Chúa Kitô mới có được giá trị lớn lao.
Chúa Kitô đã mạc khải điều đó sau khi bước lên từ dòng nước Giodan: Một cảnh tượng huy hoàng chưa từng có, một khoảnh khắc vinh hiển đã làm cho Chúa Kitô, một con người tưởng như tầm thường ấy, lại quá sức rực rỡ và diệu kỳ: “Trời mở ra, Thánh Thần Chúa dưới hình chim bồ câu, ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán rằng: ‘Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con’”.
Chính trong phép rửa, Chúa Giêsu hiệp thông với Thiên Chúa. Đây là sự hiệp thông Ba Ngôi, một sự hiệp thông hoàn hảo mà Thiên Chúa dành cho những ai thuộc về Ngài. Hoàn hảo cho đến mức, từ nay, người lãnh nhận, được Chúa thông ban chính sự sống của Ngài.
Đó là sự sống đã được trao ban cho Chúa Kitô từ nơi Chúa Cha nhờ Chúa thánh Thần. Và Chúa Kitô, một khi lập bí tích rửa tội theo ý Thiên Chúa, thông ban chính sự sống ấy cho chúng ta. Vì lẽ đó, thánh Phaolô không ngần ngại nói rằng: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi”.
Ai thuộc về Thiên Chúa, người đó có Chúa Kitô, đúng như danh xưng mà họ được diễm phúc khoát vào: “Kitô hữu”. Và bất cứ ai được chìm trong sự sống của Chúa Kitô, được mang lấy Chúa Kitô trong tâm hồn, người đó sống trong sự sống của Thiên Chúa, sự sống mà chính Chúa Kitô sống.
Nói như thế hơi khó hiểu. Ta có thể hiểu một cách nôm na thế này: Nếu một ngày nào ta phải sống xa người mẹ của mình. Sự xa cách ấy làm ta da diết nhớ. Hình ảnh người mẹ nơi quê nhà cứ hiện rõ mồn một trong từng nếp nghĩ, từng lời nói, từng sinh hoạt hàng ngày của ta… Càng nhớ bao nhiêu, ta càng sống theo ý muốn, theo lời răn dạy, ngay cả những gì mà bà đã từng làm, đã từng nói... bấy nhiêu.
Cũng có lúc, những hành động của ta, vì sự thương mến ấy, hình như rập khuôn theo những hành động mà bà đã từng thực hiện. Có thể nói, dù xa mẹ nhưng người mẹ ấy vẫn sống trong sự sống của ta, và ta cũng chìm vào trong tất cả nếp sống của bà.
Chỉ là cách hiểu nôm na, nhưng một ví dụ như thế có thể giúp ta áp dụng để sống Lời Chúa trong cuộc sống của mình: Chỉ có một cách duy nhất giúp ta sống bí tích rửa tội để được hiệp thông với Thiên Chúa là mang lấy tâm tư của Chúa Kitô.
Nghĩa là mỗi người hãy yêu mến Chúa Kitô nhiều hơn nữa, để nhờ lòng yêu mến, ta sẽ sống như Chúa Kitô dạy, như Chúa Kitô hành động, yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người như Chúa Kitô yêu.
Tắt một lời: sống như Chúa Kitô đã sống.
Vì Chúa Kitô sống và hiệp thông hoàn hảo trong tình yêu Ba Ngôi, cũng vậy, bạn và tôi chỉ có thể hiệp thông để được sống chính sự sống của Ba Ngôi, khi bản thân mỗi người chỉ biết mang lấy tâm tư như đã có trong Chúa Kitô.
Sứ điệp về ơn hiệp thông được ban trên dòng sông Giodan là sứ điệp quang trọng, vì nơi đó, Chúa dạy ta bài học của sự hiệp thông trong bí tích rửa tội: Hiệp thông với con người để yêu thương con người hơn. Và hiệp thông với Thiên Chúa để được nhận lãnh chính sự sống của Thiên Chúa và được sống trong sự sống ấy.
Có sống ơn hiệp thông hoàn hảo như thế, mới chứng tỏ rằng, ta sống hoàn hảo bí tích rửa tội.
Nguồn tin: Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn