FabBRICK : Tái chế quần áo cũ hỏng thành gạch trang trí và xây dựng

Thứ bảy - 19/02/2022 22:54
unnamed (1)
unnamed (1)

FabBRICK - những viên gạch được chế tạo từ quần áo cũ hỏng được dùng để trang trí cửa hàng của nhiều hãng bán quần áo may sẵn tại Pháp. © FabBRICK

Dân số và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, kéo theo đó là các nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Tái chế rác thải ngày càng trở thành nhu cầu cấp bách, kể cả đối với rác thải là quần áo cũ hỏng. Theo ADEME, Cơ quan quản lý môi trường và năng lượng của Pháp, mỗi năm tại châu Âu có tới 4 triệu tấn quần áo bị thải thành rác.

Riêng tại Pháp, mỗi năm các nhà sản xuất đưa vào thị trường 624 tấn hàng may mặc, trung bình 10 kg quần áo/người dân. Tuy nhiên, chỉ có 1/3 lượng quần áo cũ hỏng bị thải ra là được thu gom và phân loại.

Rác thải quần áo có ở khắp nơi trên thế giới. Nhìn thấy cơ hội và tiềm năng sản xuất vật liệu trang trí, xây dựng từ nguồn rác thải là quần áo vải vóc, để góp phần vào lĩnh vực phát triển bền vững với một loại vật liệu mới cho tương lai, cuối năm 2019, kiến trúc sư Clairisse Merlet đã thành lập công ty FabBRICK chuyên tái chế quần áo cũ hỏng và ép thành gạch trang trí nội thất và xây dựng. Hiện giờ công ty đã có 9 nhân viên.

RFI Việt ngữ ngày 09/02/2022 đã đến thăm trụ sở văn phòng và cũng là nơi đặt công xưởng của FabBRICK ngay tại quận 19, Paris. Không chỉ có bức tường trang trí bằng gạch FabBRICK, đa phần đồ nội thất trong các văn phòng đều được làm từ chính những viên gạch quần áo do chính công ty chế tạo : chân bàn, ghế, đèn bàn … Trong tiếng máy của 5 chiếc máy ép gạch thủ công vọng lên từ nhà xưởng phía dưới, RFI Tiếng Việt phỏng vấn kiến trúc sư Clarisse Merlet, chủ công ty FabBRICK.

RFI : Xin chào chị Clarisse Merlet, chị có thể giới thiệu về công ty FabBRICK và những « viên gạch quần áo » cho thính giả, độc giả của đài RFI tiếng Việt biết được không ?

Clarisse Merlet :Chúng tôi đã thành lập FabBRICK cách nay 3 năm. FabBRICK là một công ty thiết kế và tái chế quần áo vải vóc. Chúng tôi sử dụng các loại quần áo đã quá cũ, hỏng, không thể dùng để mặc được nữa. Chúng tôi nghiền những quần áo đó ra, dùng một loại keo sinh học để trộn thành hỗn hợp rồi ép hỗn hợp này thành một loại vật liệu trông giống như những viên gạch. Những viên gạch này có thể dùng làm đồ nội thất, tường, vách ngăn. Những viên gạch này có kết cấu nên chúng ta có thể dùng chúng như những vật chịu lực thực sự, để làm chân bàn làm việc như chị thấy ở đằng kia, hay cũng có thể như những bức tường kia vậy, chúng có khả năng cách cách âm cách nhiệt tốt.

Văn phòng của doanh nghiệp FabBRICK tại quận 19, Paris, Pháp, được trang trí bằng chính những viên gạch do công ty tái chế thủ công từ quần áo cũ hỏng, ngày 09/02/2022.
Văn phòng của doanh nghiệp FabBRICK tại quận 19, Paris, Pháp, được trang trí bằng chính những viên gạch do công ty tái chế thủ công từ quần áo cũ hỏng, ngày 09/02/2022. © Thùy Dương/RFI tiếng Việt

RFI : Ý tưởng của chị « biến » quần áo cũ thành gạch ra đời trong hoàn cảnh nào ?

Clarisse Merlet : Ý tưởng đến với tôi khi tôi còn đang đi học. Tôi học ở trường kiến trúc và khi đó tôi tự hỏi trong tương lai chúng ta sẽ phải xây dựng thế nào để bớt sử dụng những loại vật liệu ngốn rất nhiều năng lượng gây ô nhiễm nặng, bởi để có vật liệu người ta sẽ phải khai thác những chất gây ô nhiễm. Và thế là tôi đã tìm hiểu về việc có thể sử dụng rác thải để xây dựng.

Ban đầu tôi đã bắt đầu với carton nhưng rất nhanh sau đó tôi đã chuyển sang chất liệu vải bởi vì tôi đã thấy rằng chỉ tính riêng ở châu Âu mỗi năm có tới 4 triệu tấn rác thải là quần áo vải vóc. Như vậy đây là một nguồn nguyên vật liệu lớn. Tôi đã thử làm viên gạch đầu tiên : tôi dùng một loại keo sinh học, ban đầu đó là keo làm từ tinh bột ngô, tôi trộn bột ngô với quần áo, nghiền vụn ra rồi ép lại. Mọi việc khá ổn và thế là tôi tiếp tục nghiên cứu. Cuối cùng thì cách nay 3 năm tôi đã lập công ty. 

RFI : Quần áo cũ được công ty FabBRICK thu mua thế nào ? Đâu là những tiêu chí lựa chọn ?

Clarisse Merlet : Quần áo mà chúng tôi dùng được mua từ một công ty chuyên thu mua quần áo. Trên thực tế, có những loại quần áo còn tốt, còn có thể mặc được, chúng được bán lại, chẳng hạn như cho các cửa hàng vintage. Chúng tôi chỉ mua những loại quần áo đã rách, thủng, có vết bẩn, chứ chúng tôi không dùng những bộ quần áo vẫn còn có thể mặc được. Sau khi nhận, chúng tôi lựa chọn, phân chia quần áo theo màu sắc, chúng tôi luôn chia thành các gam màu trắng, gam màu xanh và nhóm quần áo đa màu. Quần áo được giặt sạch, sau đó chúng tôi nghiền vụn chúng ngay tại xưởng.

RFI : Vậy còn về khách hàng, FabBRICK tập trung vào những nhóm khách hàng nào ?

Clarisse Merlet : Khách hàng chính của chúng tôi là những công ty kinh doanh trang phục may sẵn, bởi vì đó là những doanh nghiệp xả rác thải là quần áo. Chúng tôi tái chế rác thải của họ để trang trí cho chính các cửa hiệu hoặc văn phòng làm việc, nơi trưng bày sản phẩm của họ. Chúng tôi đã hợp tác với rất nhiều hãng kinh doanh trang phục may sẵn của Pháp, từ các hãng sản xuất đại trà, bình dân đến nhãn hàng hiệu, thương hiệu cao cấp.

Chúng tôi cũng bán sản phẩm ra nước ngoài, nhưng tạm thời chỉ cho các khách hàng châu Âu. Chúng tôi không muốn đi quá nhanh, nhất là cũng không muốn đi quá xa bởi vì chúng tôi tái chế rác thải, vận chuyển chúng đến tận những nơi quá xa xôi trên thế giới là không phù hợp cho lắm. Vì thế, tạm thời chúng tôi chỉ hợp tác với các công ty Pháp hoặc châu Âu.

Chúng tôi hợp tác rất nhiều với hãng Jules, một nhãn hàng may sẵn của Pháp chuyên về trang phục nam giới. Chúng tôi thiết kế kiểu cách trang trí lại cho tất cả các cửa hàng của Jules với những viên gạch FabBRICK. Quý vị có thể thấy những viên gạch FabBRICK ở tất cả các của hàng Jules tại Paris. Chúng tôi còn làm việc với hãng Aigle, cũng là một thương hiệu của Pháp. Chúng tôi đã tái chế rác thải quần áo của công ty này và dùng chúng để trang trí các cửa hàng của công ty. Chúng tôi cũng hợp tác với các trung tâm thương mại Lafayette và Printemps ở Paris. Các cửa hàng Kilo Shop cũng vậy. Đó là những cửa hàng bán hàng vintage, quần áo may sẵn nhưng là quần áo cũ đã qua sử dụng.

Hiện nay, chúng tôi mới chỉ làm việc với các khách hàng là các công ty (B to B) chứ chưa bán hàng cho các cá nhân (B to C) bởi vì chúng tôi đang có rất nhiều việc cần làm với các doanh nghiệp. Nhưng cũng có nhiều cá nhân có nhu cầu đặt mua hàng và chúng tôi đã bắt đầu chế tác những đồ vật nhỏ, những chiếc đèn, gương … và sau một tháng nữa chúng tôi sẽ bắt đầu bán những sản phẩm này. Chúng tôi sẽ khai trương quầy e-shop (cửa hàng trên mạng) trên trang web của FabBRICK để bán cho các cá nhân.

Chúng tôi sẽ liệu xem mọi chuyện thế nào, dựa vào phản hồi của khách hàng. Thực ra đó là từng sản phẩm đơn lẻ, chúng tôi không sản xuất hàng loạt kiểu Ikea hay những hãng nội thất lớn sản xuất nhiều theo dây chuyền. Không, thực sự là chúng tôi chế tác từng sản phẩm một. Chúng tôi sẽ xem khách hàng đón nhận thế nào, họ có thích không và chúng tôi sẽ đi từng bước một, có thể là sẽ mở một cửa hàng, tại sao không ?

Xưởng sản xuất của FabBRICK, quận 19 Paris, Pháp, ngày 09/02/2022.
Xưởng sản xuất của FabBRICK, quận 19 Paris, Pháp, ngày 09/02/2022. © Thùy Dương/RFI tiếng Việt

RFI : Đâu là những khó khăn trong sản xuất mà FabBRICK đã hoặc đang khắc phục để mở rộng sản xuất ?

Clarisse Merlet : Tôi nghĩ rằng ép mỗi viên gạch mất 2 phút. Một ngày 7 tiếng chúng tôi có thể làm được gần 200 viên gạch. Đúng là chúng tôi thao tác bằng tay, chúng tôi tự tay làm và như thế là tốt cho môi trường sinh thái nhưng trái lại nó đòi hỏi rất nhiều sức lực để nghiền nguyên vật liệu đầu vào. Vì thế, chúng tôi tính đến việc tự động hóa, tới đây chúng tôi sẽ lắp moteur cho máy, chế tạo một loại máy ép mới chạy bằng động cơ để đỡ phụ thuộc vào sức người làm. Đây là sự đầu tư lớn của chúng tôi trong năm 2021. Máy mới sẽ được đưa vào hoạt trong sau khoảng 3-4 tháng nữa. Nếu không có gì trục trặc, theo kế hoạch, chúng tôi sẽ có máy mới vào tháng 06/2022.

Keo kết dính không phải là thứ khó. Đúng là ban đầu thì chất keo kết dính cũng là một vấn đề phức tạp, nhưng chúng tôi đã tìm ra cách giải quyết. Bây giờ thì dễ hơn rồi. Khó khăn bây giờ là ở máy ép. Phải đổ đầy vật liệu vào khuôn bằng tay rồi ép gạch bằng tay. Việc này đòi hỏi rất, rất nhiều sức lực, nhưng khi có máy tự động hóa thì mọi chuyện sẽ tốt hơn. Khi đó thì khó khăn lớn nhất sẽ là việc phơi khô gạch, bởi vì chúng tôi muốn là viên gạch khô lại trong không khí tự nhiên để đỡ tốn nhiên liệu, không gây ô nhiễm. Nhưng làm như thế thì lại đòi hỏi chúng tôi phải có rất, rất nhiều chỗ.

Hiện nay, chúng tôi để gạch tự khô giống như phơi các tảng frommage trên các kệ gỗ có rãnh. Chúng tôi phơi gạch ở đó và mất 2 tuần để viên gạch khô lại. Nếu dùng máy mới thì chúng tôi sản xuất được 400 viên gạch mỗi ngày, khi đó sẽ cần rất, rất nhiều chỗ để phơi gạch. Thế nên, điều tiếp theo cần làm để mọi chuyện dễ dàng hơn thực sự sẽ là liên quan đến công đoạn phơi gạch. 

Chúng tôi đề nghị và chúng tôi nhận được tài trợ, nhiều khi là để hỗ trợ nghiên cứu.Chúng tôi cũng được tư nhân và Nhà nước tài trợ. Năm ngoái là năm hoạt động thứ 3 của FabBRICK. Chúng tôi đã gọi vốn từ một nhà đầu tư tư nhân để thực sự có thể chi trả cho cơ sở mới, như chị đang thấy, và chiếc máy mới sắp được nhận để có thể tiến lên bậc cao mới.

Hồi mới đầu tôi chỉ có một mình, sau đó tôi có một ê-kip nhỏ, và đến năm ngoái tôi tuyển dụng được thêm 5 nhân công. Chúng tôi thuê cơ sở này, tốn kém hơn địa điểm cũ rất nhiều. Chúng tôi đang đặt cược vào tương lai. Chúng tôi đã đầu tư vào một cái máy. Và điều cần làm trong năm 2022 là với tất cả những gì chúng tôi đã làm và đã đạt được trong năm 2021, chúng tôi sẽ phải sử dụng để tiến xa hơn, sản xuất được nhiều gạch hơn, cải thiện chất lượng vật liệu mà chúng tôi chế tạo ra, tìm thêm nhiều khách hàng hơn. Và ước mơ lớn nhất của chúng tôi không chỉ là làm về trang trí.

RFI : Vậy tới đây chị muốn phát triển sản xuất theo hướng nào ? Không chỉ dùng để trang trí, vậy những viên gạch FabBRICK còn có thể có những ứng dụng gì khác ?

Clarisse Merlet : Chúng tôi thực sự muốn hoàn thành việc nghiên cứu và tạo ra loại vật liệu mà mọi người có thể mua ở các cửa hàng bán đồ sửa chữa (bricolage) và không quá đắt để ai cũng có thể mua được, bởi vì hiện nay thì giá thành sản phẩm của chúng tôi vẫn hơi cao do chúng tôi sản xuất hoàn toàn thủ công. Chúng tôi muốn là tạo ra sản phẩm với giá thành phù hợp và thực sự đó sẽ là vật liệu trong tương lai.

Ý tưởng là khi chúng tôi hoàn thiện được loại vật liệu xây dựng này, khi chúng tôi có thể bán với số lượng lớn thì chúng tôi sẽ phát triển ra nước ngoài. Trước tiên, chúng tôi thử nghiệm ở Pháp, thành lập một nhà máy không phải do chúng tôi trực tiếp quản lý, có thể là với giấy phép nhượng quyền, sau đó là mở rộng ra châu Âu, ra thế giới, bởi vì dân số trên thế giới rất đông, và chúng tôi có « một cái may », có thể nói như vậy, là chất liệu đầu vào của chúng tôi là quần áo cũ bỏ đi và loại rác thải này thì ở đâu cũng có. Không may là như vậy, đâu đâu cũng có rác thải quần áo, nhưng cũng vì thế mà chúng tôi có thể phát triển FabBRICK ra khắp nơi trên thế giới. 

RFI xin chân thành cảm ơn kiến trúc sư Clarisse Merlet đã tham gia chương trình và xin chúc FabBRICK ngày càng thành công !

Mỗi ngày FabBRICK sản xuất được khoảng 200 viên gạch.
Mỗi ngày FabBRICK sản xuất được khoảng 200 viên gạch. © FabBRICK

Nguồn tin: Thùy Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập83
  • Hôm nay14,838
  • Tháng hiện tại302,575
  • Tổng lượt truy cập35,948,920
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây