Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực ngày càng đe dọa nhiều nước trên thế giới do việc hải quân Nga phong tỏa Biển Đen, ngăn chặn đường xuất khẩu ngũ cốc của Ukraina thông qua các hải cảng của mình, Bruxelles và Washington đang cố tìm cách giúp Kiev tái lập nguồn cung cấp lương thực cho thế giới.
Quảng cáoNgoài phương án “mềm” dùng đường bộ đang được Liên Hiệp Châu Âu áp dụng, còn có một giải pháp “cứng”: Phá vỡ vòng phong tỏa mà Nga đang áp đặt trên Biển Đen. Theo tiết lộ của hãng tin Anh Reuters ngày 19/05/2022, chính biện pháp mạnh này đang được Hoa Kỳ cân nhắc khi xem xét khả năng cung cấp cho Ukraina hai loại tên lửa chống hạm hiện đại Harpoon và Naval Strike Missile (NSM) nhằm chọc thủng vòng vây của Nga.
Ngay từ đầu cuộc chiến, Ukraina đã không che giấu mong muốn được phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, cung cấp các loại vũ khí hiện đại để có thể chống lại Nga một cách hiệu quả hơn. Ngoài các loại đại pháo hạng nặng đang dần dần được bàn giao, hay những loại tên lửa chống tăng Javelin và phòng không Stinger được viện trợ trước đó, chính quyền Kiev còn yêu cầu có được các loại tên lửa có thể đẩy lùi hải quân Nga ra xa các hải cảng Ukraina ở Biển Đen, cho phép tái khởi động các chuyến tàu đưa ngũ cốc và nông sản khác ra toàn thế giới.
Hàng triệu tấn ngũ cốc Ukraina ùn tắc tại Odessa vì Nga phong tỏa Biển Đen
Lý do mà Ukraina đưa ra rất chính đáng. Nhân chuyến ghé thăm cảng Odessa nhìn ra Biển Đen hôm 09/05, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đã tận mắt nhìn thấy các kho chứa lúa mì và ngô đầy ắp, với khoảng 4,5 triệu tấn ngũ cốc đã sẵn sàng để xuất khẩu vào thời điểm giá lương thực đang tăng trên toàn thế giới và nguy cơ thiếu hụt, thậm chí là nạn đói đang đe dọa.
Vấn đề là Nga đã dùng lực lượng hải quân phong tỏa Biển Đen, không cho bất kỳ con tàu nào ra vào cảng Odessa.
Việc trang bị cho Ukraina tên lửa chống hạm đủ năng lực phá vỡ phong tỏa của Nga trên Biển Đen là một giải pháp hợp lý, thế nhưng, theo Reuters, nhiều quan chức cao cấp trong chính quyền và nguồn tin từ Quốc Hội Mỹ đã nêu bật một số lý do khiến Washington ngần ngại trong việc cung cấp loại vũ khí này cho Kiev.
Ba lý do khiến Phương Tây tránh viện trợ vũ khí tối tân cho Ukraina
Lý do đầu tiên vẫn là mối lo ngại là cuộc xung đột hiện đang “giới hạn” giữa Nga và Ukraina leo thang thành chiến tranh trực tiếp giữa phương Tây, cụ thể là khối NATO, và Nga, một nước có vũ khí hạt nhân. Từ đầu cuộc chiến Ukraina đến nay, tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần đe đọa rằng bất kỳ hành động can thiệp bên ngoài nào vào Ukraina đều sẽ bị Matxcơva đáp trả ngay lập tức.
Lý do thứ hai mang tính chất kỹ thuật: Vũ khí hiện đại giao cho Ukraina chưa thể sử dụng ngay được mà đòi hỏi một quá trình đào tạo và huấn luyện kéo dài, trong lúc Ukraina chưa có đủ cơ sở để bảo trì thiết bị.
Lý do thứ ba là các vũ khí hiện đại này có thể bị Nga phá hủy khi nằm trên lãnh thổ Ukraina, thậm chí là lọt vào tay lực lượng Nga.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin được Reuters trích dẫn, chính quyền Mỹ vẫn đang xem xét khả năng cung cấp cho Ukraina hai loại tên lửa chống hạm tiên tiến được cho là có uy lực mạnh mẽ: Loại Harpoon do hãng Mỹ Boeing chế tạo và loại NSM, sản phẩm do hai hãng Kongsberg của Na Uy và Raytheon của Mỹ làm ra.
Hai chục tên lửa Harpoon đủ sức răn đe Nga ở Biển Đen?
Theo bộ Quốc Phòng Anh, hiện có khoảng 20 tàu hải quân Nga, bao gồm cả tàu ngầm, đang hoạt động ở khu vực Biển Đen.
Bryan Clark, một chuyên gia hải quân tại Viện Hudson của Mỹ nhận định: Khoảng từ 12 đến 24 tên lửa chống hạm như Harpoon, với tầm bắn trên 100 km, sẽ đủ sức đe dọa các tàu Nga và có thể buộc Matxcơva bãi bỏ lệnh phong tỏa. Theo chuyên gia này: “Nếu Putin vẫn tiếp tục, Ukraina có thể phá hủy những con tàu lớn nhất của Nga, vì các chiến hạm này không có nơi nào để ẩn náu ở Biển Đen”.
Nga đã chịu nhiều tổn thất trên biển, đặc biệt là vụ đánh chìm tàu tuần dương Moskva, soái hạm của Hạm Đội Hắc Hải.
Nếu Mỹ quyết định cung cấp các loại tên lửa Harpoon và NSM cho Ukraina, vấn đề được đặt ra là phương thức chuyển giao. Ngoài khả năng giao thẳng từ Mỹ, Washington cũng đang cân nhắc phương án chuyển giao các loại tên lửa này cho Kiev thông qua một đồng minh châu Âu đã có sẵn các loại vũ khí kể trên.
Nước nào dám "đi đầu" trong việc cung cấp tên lửa chống hạm cho Ukraina?
Theo ghi nhận của Reuters, vào tháng Tư vừa qua, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Bồ Đào Nha cung cấp cho quân đội Ukraina loại tên lửa Harpoon, có tầm bắn lên tới gần 300 km.
Các quan chức Mỹ và các nguồn tin quốc hội cho biết một số quốc gia châu Âu đã sẵn sàng gửi Harpoon tới Ukraina, nhưng không nước nào muốn mình trở thành quốc gia đầu tiên hoặc duy nhất làm như vậy, vì lo sợ phản ứng trả đũa từ phía Matxcơva nếu một chiến hạm Nga bị đánh chìm bằng tên lửa Harpoon lấy từ kho dự trữ của họ.
Một quan chức Mỹ tiết lộ là một quốc gia “có kho dự trữ tốt” về tên lửa Harpoon đang cân nhắc việc trở thành nước đầu tiên cung cấp loại vũ khí này Ukraina, và một khi công việc đó được thực hiện, các nước khác có thể làm theo, quan chức này cho biết.
NSM dễ chuyển giao hơn Harpoon
Đối với Harpoon, điều khó khăn là loại vũ khí này chủ yếu là tên lửa được thiết kế cho chiến hạm, vào lúc mà lực lượng hải quân Ukraina hầu như vô nghĩa. Số lượng bệ phóng để dùng Harpoon trên bộ còn rất hạn chế, và Hoa Kỳ đang phải nghiên cứu khả năng tháo gỡ bệ phóng từ một con tàu để biến đổi thành bệ phóng trên đất liền.
Tên lửa NSM, với tầm bắn 250 km, không vấp phải hạn chế kỹ thuật nói trên vì có thể được phóng từ bờ biển Ukraina. Việc đào tạo pháo thủ để vận hành loại tên lửa này cũng nhanh hơn, chỉ mất không đầy 14 ngày.
Do vậy, các đồng minh NATO có thể dễ dàng cung cấp cho Ukraina các bệ phóng di động trên bộ sẵn có trong lúc đầu đạn có thể lấy từ Na Uy, nước đồng sản xuất loại tên lửa NSM.
Theo Reuters, các nguồn tin từ Quốc Hội Mỹ cho biết là cũng có khả năng Na Uy cung cấp NSM cho Ukraina. Đây là một ý tưởng được các nghị sĩ Quốc Hội Na Uy ủng hộ, trong lúc bộ Quốc Phòng Na Uy từ chối bình luận.
Phải nói là việc cung cấp Harpoon hay NSM cho Ukraina cần phải được Hoa Kỳ đồng ý vì theo luật lệ hiện hành, tất cả các giao dịch về các vũ khí có thành phần đến từ Mỹ được bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chấp thuận.
Nguồn tin: Trọng Nghĩa
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn