Bị vây hãm từ đầu chiến sự, Mariupol trải qua 82 ngày giao tranh khốc liệt và chỉ chấm dứt kháng cự khi lực lượng ở nhà máy thép Azovstal, cứ điểm cuối cùng ở thành phố đông nam Ukraine, ra hàng theo một thỏa thuận được thực hiện giữa Kiev, Moskva với Liên Hợp Quốc và Hội Chữ thập đỏ Quốc tế.
Trong lần đầu lên tiếng về thỏa thuận này, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) ngày 19/5 cho biết họ đã đăng ký cho hàng trăm lính Ukraine rời nhà máy Azovstal là "tù binh chiến tranh" (POW). Thủ tục đăng ký POW của ICRC yêu cầu các binh sĩ điền thông tin cá nhân gồm họ tên, ngày sinh và họ hàng gần gũi nhất, để ICRC giúp họ liên hệ với gia đình.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết 1.730 binh sĩ Ukraine ở nhà máy thép Azovstal đã đầu hàng kể từ ngày 16/5. Với việc được đăng ký là "tù binh chiến tranh", những binh sĩ Ukraine này có thể được đảm bảo một số quyền lợi được quy định trong Công ước Geneva.
Tù binh chiến tranh là gì?
Điều 4 Công ước Geneva về đối xử nhân đạo với tù binh, hàng binh chiến tranh định nghĩa họ là bất kỳ thành viên nào của lực lượng vũ trang hoặc dân quân, gồm cả những phong trào kháng chiến có tổ chức, bị rơi vào tay đối phương trong một cuộc xung đột.
POW cũng bao gồm những người không tham gia chiến đấu như phóng viên chiến trường và thậm chí là "cư dân của một lãnh thổ không bị chiếm đóng, những người đã tự nguyện cầm vũ khí phản kháng" khi đối phương tiến đến.
Công ước Geneva đặt ra các yêu cầu để đảm bảo rằng tù binh chiến tranh được đối xử nhân đạo. Chúng bao gồm một số vấn đề như nơi họ bị giam giữ, những thứ mà họ được nhận như trợ giúp y tế cho thương binh, cũng như quy trình pháp lý mà họ có thể phải đối mặt.
"Trong trường hợp này, Nga cần phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của mình theo Công ước: đối xử nhân đạo với tù binh chiến tranh, để ICRC có quyền tiếp cận họ, thông báo cho ICRC về tên của họ, cho phép họ viết thư cho gia đình, chăm sóc họ nếu bị thương hoặc ốm bệnh, cho họ ăn và nhiều điều khác", Marco Sassoli, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Geneva, nói.
"Nhưng rõ ràng, họ có thể bị giam cho đến khi kết thúc cuộc xung đột. Theo Công ước, Nga có quyền giữ tù binh trên lãnh thổ của mình, nên các hàng binh ở Azovstal có thể được chuyển đến giam ở Nga", ông nói thêm.
Tương lai với các tù binh chiến tranh Ukraine
Hạ viện Nga đang muốn đưa một số thành viên Tiểu đoàn Azov, lực lượng cố thủ trong nhà máy Azovstal, ra xét xử sau khi họ đầu hàng.
"Những tên tội phạm phát xít không thể đem ra trao đổi", Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin tuyên bố. "Chúng ta cần làm mọi thứ để đảm bảo rằng chúng bị đưa ra xét xử".
Chính trị gia cấp cao Nga Leonid Slutsky thậm chí còn gọi các hàng binh này là "thú đội lốt người" và tuyên bố cần phải "xử tử" họ. Trong khi đó, Denis Pushilin, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, thì cho rằng các "phần tử tân phát xít" này cần bị đưa ra xét xử trước tòa án quốc tế.
Tuy nhiên, sau khi được đăng ký là tù binh chiến tranh, họ chỉ có thể bị đưa ra xét xử nếu bị cáo buộc vi phạm một hoặc nhiều tội ác chiến tranh. Những cáo buộc như vậy phải được đưa ra dựa trên bằng chứng công khai, theo Sassoli.
"Họ chắc chắn không thể bị xét xử và trừng phạt vì đã tham chiến, bởi vì đó là đặc quyền của các chiến binh và tù binh chiến tranh", ông nói.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cũng cho rằng những lời đe dọa mà các chính trị gia Nga đưa ra "chủ yếu để hướng tới dư luận trong nước".
Chính phủ Ukraine đã hy vọng có thể giải cứu những binh sĩ này thông qua trao đổi tù binh Nga, nhưng Moskva chưa bình luận về ý tưởng này. Công ước Geneva cũng không đặt ra quy định về trao đổi tù binh.
Trong nhiều cuộc xung đột trước đây, các tổ chức Chữ thập đỏ thường đứng ra làm trung gian giúp thực hiện trao đổi tù binh theo thỏa thuận các bên đạt được.
Một số quốc gia đã tìm cách phớt lờ nghĩa vụ được quy định trong Công ước Geneva bằng cách tuyên bố những người bị bắt không phải là tù binh chiến tranh. Sassoli nói có nhiều lý do khiến một người có thể mất tư cách tù binh chiến tranh, như khi binh sĩ cố tình không mặc quân phục và ngụy trang thành dân thường khi chiến đấu.
"Nhưng trong trường hợp này, tôi cho rằng không ai có thể tuyên bố những thành viên Tiểu đoàn Azov bị bắt ở Mariupol không mặc quân phục hoặc không thuộc lực lượng vũ trang Ukraine", Sassoli nói. "Về cơ bản, Ukraine là bên quyết định ai thuộc lực lượng vũ trang nước này".
Các lãnh đạo Ukraine đã nhiều lần ca ngợi vai trò của Tiểu đoàn Azov, một bộ phận của Vệ binh Quốc gia, vì đã cầm chân lực lượng Nga ở Mariupol trong thời gian dài.
Ukraine và Nga đều chấp nhận một phụ lục quan trọng trong Công ước Geneva, trong đó mở rộng định nghĩa về những chiến binh có thể được xem là một phần của lực lượng quân sự quốc gia, dựa trên việc họ có tuân theo mệnh lệnh quân sự hay không.
Sassoli cho rằng các thành viên Tiểu đoàn Azov chắc chắn là một phần của lực lượng quân sự Ukraine.
Tuy nhiên, Nga không làm rõ lực lượng nào đang giam các hàng binh Azovstal. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các hàng binh được chuyển tới một trại giam ở thị trấn Yelenovka, ngoại ô thành phố Donetsk, khu vực do dân quân Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng kiểm soát. Hiện chưa rõ quân đội Nga đang quản lý trại giam này, hay là các quân quân DPR.
Các chuyên gia cho rằng tuyên bố hiếm hoi của ICRC về việc đăng ký tù binh chiến tranh cho các binh sĩ ở Azovstal có thể là dấu hiệu tích cực, cho thấy sự liên quan của các tổ chức quốc tế trong vấn đề này, giúp đảm bảo một phần quyền lợi cho các hàng binh theo Công ước Geneva.
Với nhiều điều chưa rõ ràng như hiện nay, giới phân tích cho rằng chỉ có Tổng thống Nga Vladimir Putin mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng về việc đối xử như thế nào với các tù binh Azovstal.
"Kiểm soát hoàn toàn Mariupol là một phần thưởng chiến lược trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine", Lyse Douset, bình luận viên chính trị kỳ cựu của BBC, nhận định. "Các tù binh ở Mariupol có thể được bảo vệ, nhưng sẽ không ai ngăn được ông Putin coi các thành viên Tiểu đoàn Azov, vốn có nguồn gốc là một nhóm cực hữu, như bằng chứng sống cho tuyên bố rằng 'có nhiều phần tử phát xít ở Ukraine'".
Nguồn tin: Thanh Tâm (Theo AP)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn