Ngày nhà giáo ngẫm lại về nghề giáo mà chua xót

Thứ năm - 19/11/2020 08:29
Ngày nhà giáo ngẫm lại về nghề giáo mà chua xót

Tôi vẫn còn nhớ vào ngày 20/11 khoảng 10-20 năm về trước đó, những học trò cũ của bác tôi – ở độ tuổi trưởng thành đến mức mà bác không còn có thể nhớ ra được họ là ai nữa, vẫn đến chúc mừng bác nhân ngày nhà giáo Việt Nam.

 
Ngày nhà giáo ngẫm lại về nghề giáo mà chua xót
(Ảnh minh họa: doisongphapluat.com)

Bác tôi làm nghề giáo viên tiểu học và nay thì đã đến tuổi về hưu. Có một điểm là bác tôi không phải là kiểu “cô giáo như mẹ hiền” mà văn chương vẫn thường mô tả. Bác nóng tính, cực kỳ nóng tính và cũng rất thẳng tính. Thuở còn nhỏ, tôi đã chịu không biết bao nhiêu trận đòn mà đến nay vẫn còn nhớ mãi.

Nhưng bác là một giáo viên giỏi. Ít nhất thì dưới sự dạy dỗ kèm cặp của bác mà tôi đã tốt nghiệp tiểu học với danh hiệu thủ khoa vào năm 2005 (hoặc 2006, tôi cũng không nhớ rõ). Và tôi tin là nhờ đức tính siêng học được rèn giũa từ đó mà nhiều năm về sau, tôi vẫn còn học giỏi nổi tiếng cả một vùng.

Có một điểm nữa là bác tôi không được lòng các đồng nghiệp trong trường, thế nên dù là người có thâm niên cũng như thành tích thì bác vẫn không thể lên làm Hiệu trưởng. Trớ trêu thay, người làm Hiệu trưởng ngôi trường tôi thời đó thì đến nay có hai đứa con đều nghiện ngập cả.

Bởi lẽ tôi là “con ông cháu cha” trong trường nên tôi biết rất rõ mối quan hệ giữa các giáo viên tồi tệ như thế nào. Hơn nữa, nhà tôi có một cửa tiệm tạp hóa đối diện mặt tiền trường, nên những lời ra tiếng vào, những lời kèn cựa dèm pha vẫn thường lọt vào tai tôi. Mà, vì một lẽ gì đó, những lời sâu cay nhất vẫn là từ những giáo viên tiểu học này, vốn là cái nghề chỉ dành cho người hay chữ, đẹp lòng.

Bác tôi – một giáo viên nghiêm khắc và thẳng tính không thể leo cao trong một môi trường như vậy. Và ngày nay càng không thể. Tôi nhớ được ngày đó, đối với mỗi học sinh mà nói thì người giáo viên – dù là ai đi nữa vẫn có một cái uy rất lớn không thể phạm, và người giáo viên hẳn cũng cảm thấy đó là một chuyện đương nhiên. Nhưng tôi nhận ra có điều gì đó đã thay đổi, rất sâu sắc cũng rất căn bản. 

Cụ thể là vào một dịp tôi đến thăm bác – cũng khá lâu rồi, trong một buổi dạy ngoài giờ tại nhà riêng và được ủy thác đứng lớp một buổi. Lũ học sinh ồn ào không thể chịu nổi, và tôi đã dùng thước gỗ khẽ vào tay của đứa nghịch ngợm nhất lớp. Bác tôi đã rất hốt hoảng và nói với tôi đại loại rằng: “Thời đại thay đổi rồi, không dạy như thế được nữa. Nếu không phụ huynh lại kiện cáo thì rách việc lắm”.

Điều đó thực sự khiến tôi ấn tượng sâu sắc. Bác tôi đã thay đổi rất nhiều. 

Có lẽ cũng không chỉ bác tôi phải thay đổi, mà rất nhiều người một khi đã bước vào cái hệ thống đó đã phải thay đổi. Trong sự cố Sách giáo khoa Cánh Diều vừa qua thật sự có rất ít tiếng nói xuất phát từ tầng lớp giáo viên tiểu học này – vốn là những người có trách nhiệm phải lên tiếng đầu tiên. Nhưng không, họ đã không nói gì cả.

Vì sao vậy?

Có lẽ – một phần, cũng vì miếng cơm manh áo vậy. Với đồng lương “không đủ sống” của nghề giáo viên thì có lẽ chỉ có những người hoặc là rất có tâm, hoặc là không có lựa chọn nào khác mới có thể kiên trì với nghề. Mà nếu như họ đã không có lựa chọn khác thì thật dễ dàng để trở thành con rối của đồng tiền. Họ sẽ như bác tôi, sống với nỗi sợ thấp thỏm ngày này qua ngày khác, thật chua xót làm sao! Còn như người có tâm – liệu ngày nay còn bao nhiêu người?

Còn nhớ sự kiện 21 cô giáo Tiểu học, mầm non, bị Chủ tịch Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cưỡng bức đi làm “cave” thời vụ, phục dịch quan chức Lễ hội hồi năm 2016 mới thấy phẩm giá của người giáo viên đã rớt xuống mức thảm hại như thế nào.

Riêng về lương lậu, cần nhắc lại là từ thời GS. Nguyễn Minh Hiển, qua đến Bộ trưởng Nhạ thảy là 4 đời Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đời nào cũng nói rằng giáo viên sẽ sớm sống được bằng lương, thế mà đến hôm nay vẫn chưa hề có thay đổi căn bản. Điều đó cũng giống như cuộc trường chinh cải cách của ngành giáo dục, mà càng đi càng xa, càng đi càng thất bại. Có lẽ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là một trong những bộ trưởng “ăn chửi” nhiều nhất trong lịch sử và đương đại, điều đó đã thể hiện rõ ngành giáo dục ngày nay đã tha hóa. Chừng ấy cũng là quá đủ cho một dân tộc từng nổi tiếng hiếu học nhất thế giới thấy được họ đã thụt lùi tới mức nào.

Nếu như điều đó vẫn chưa đủ thuyết phục thì hãy nhìn tới Nhật Bản – nơi mà hiện nay có khoảng 300.000 người Việt sinh sống. Nhưng là sống dưới áp lực bị kì thị khi mà hàng loạt những vụ trộm cắp diễn ra, bởi người Việt.

Dịp 20/11 này thay vì ăn mừng, ngành giáo dục nên lấy đó làm cơ hội để tự nhìn lại chính mình. Mà có lẽ dẫu có nhìn lại đi chăng nữa thì cũng chỉ có những tiếng thở dài tiếc nuối mà thôi.

Từ Thức

 

 

Nguồn tin: Từ Thức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập61
  • Hôm nay24,979
  • Tháng hiện tại300,346
  • Tổng lượt truy cập36,354,901
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây