Phải chăng Trung Quốc đang chuẩn bị chiến tranh?

Chủ nhật - 22/11/2020 04:05
download (1)
download (1)
Tập trận và bắn tên lửa
Mùa Hè 2020 đã chứng kiến hoạt động mạnh mẽ của cả hải quân Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông. Hai nhóm tàu sân bay của Mỹ đã hoạt động cùng nhau ở Biển Đông ít nhất 2 lần trong tháng 7/2020 trong một động thái tập trung lực lượng hiếm hoi của hải quân Mỹ. Các nhóm tàu sân bay này sau đó đã hoạt động độc lập tại Biển Đông và các khu vực lân cận trong suốt mùa Hè. Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận hải quân trên Biển Đông vào tháng 7 và tháng 8/2020.
Mới đây, tờ South China Morning Post vừa dẫn lời một chuyên gia quân sự, cựu sĩ quan Trung Quốc tiết lộ hai tên lửa của “sát thủ tàu sân bay” mà Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắn trên Biển Đông trong cuộc tập trận vào tháng 8/2020 đã bay hàng nghìn cây số trúng vào mục tiêu giả định là một con tàu đang di chuyển ở vị trí gần quần đảo Hoàng Sa. Thông tin này được đưa ra gần 3 tháng sau khi diễn ra cuộc tập trận.
Hai tên lửa đạn đạo DF-26B và DF-21D được phóng đi từ tỉnh Thanh Hải ở Tây Bắc và tỉnh Chiết Giang ở miền Đông Trung Quốc. Theo lời cựu sĩ quan Vương Tương Tuệ, hiện là giáo sư của Đại học Bắc Hàng ở Bắc Kinh,  hai tên lửa này đã trúng vào một con tàu đang di chuyển ở phía nam quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Vương Tương Tuệ nói: “Ngay sau đó, một tùy viên quân sự Mỹ tại Geneva đã phàn nàn với chúng tôi và nói rằng điều này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu như tên lửa bắn trúng một tàu sân bay Mỹ. Họ xem đây là sự phô trương lực lượng. Nhưng chúng ta đang làm điều này vì sự khiêu khích của họ”.
Tiết lộ của Vương Tương Tuệ đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra thông tin chi tiết về vụ phóng hai tên lửa DF-26B và DF-21D trên Biển Đông hồi tháng 8. Đề cập này được cho là có liên quan đến tuyên bố của Bắc Kinh về việc một máy bay do thám U-2 của Mỹ đi vào vùng cấm bay mà không được phép trong cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật của Trung Quốc ở Biển Bột Hải ngoài khơi bờ biển phía Bắc nước này.

Hình minh hoạ. Tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 12/4/2018Reuters

Giáo sư Ngô Vĩnh Long của Đại học Maine (Mỹ) cho rằng việc tiết lộ thông tin của cựu đại tá Trung Quốc “để doạ các nước trong khu vực thôi chứ không phải để doạ Mỹ. Muốn vận động tàu sân bay thì cần thời gian rất lâu và phải có bao nhiêu tàu chiến khác xung quanh. Trung Quốc mới có hai tàu sân bay gần đây nên không thể so sánh với Mỹ. Mỹ đã có tàu sân bay từ lâu và liên tục sử dụng các tàu sân bay này.”
Cuộc tập trận đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc trình diễn khả năng tên lửa đạn đạo chống hạm tầm xa thực tế được xác nhận, trong khi hiện vẫn chưa rõ nhiều chi tiết như về tàu mục tiêu giả định, cấu tạo, tốc độ di chuyển của nó hay cách quân đội Trung Quốc điều khiển tên lửa bắn tới mục tiêu như thế nào.
Ngôn ngữ chiến tranh trong Văn kiện đại hội
Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (Hội nghị trung ương 5) đã kết thúc theo dự kiến vào tháng 10 vừa qua – sau 4 ngày họp kín ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, với một thông cáo chung chứa đầy biệt ngữ xã hội chủ nghĩa nhằm vạch ra những ưu tiên phát triển của nước này trong tương lai. Tuy nhiên, trong số hơn 6.000 chữ của thông cáo đó lại có cụm từ “chuẩn bị cho chiến tranh”. Cụm từ này xuất hiện trong phần nói về việc tăng cường quân đội và đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa quân đội.
Cụ thể, thông cáo cho biết tại Hội nghị trung ương 5, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường một cách toàn diện công tác huấn luyện quân sự và chuẩn bị cho chiến tranh, nâng cao khả năng chiến lược của quân đội để bảo vệ chủ quyền, an ninh và những lợi ích liên quan đến sự phát triển của đất nước.
Cụm từ “chuẩn bị cho chiến tranh” một lần nữa xuất hiện trong một loạt đề xuất của Ban chấp hành trung ương được công bố mới đây. Những đề xuất này đã bổ sung chi tiết cho thông cáo về kế hoạch 5 năm và tầm nhìn 15 năm của Trung Quốc. Các nhà quan sát về Trung Quốc đã chỉ rõ rằng đây là lần thứ hai trong hơn nửa thế kỷ qua cụm từ “chuẩn bị cho chiến tranh” mới lại xuất hiện trong một bản Quy hoạch phát triển 5 năm của Trung Quốc.
Lần xuất hiện gần đây nhất của cụm từ này là trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1966-1970) của Trung Quốc khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông kêu gọi nước này chuẩn bị cho chiến tranh và nạn đói. Những năm 1960 là giai đoạn căng thẳng, khi quan hệ Trung Quốc-Liên Xô bị cắt đứt và Trung Quốc cũng đang có xung đột biên giới với Ấn Độ.

Hình minh hoạ. Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Biển Đông vào tháng 12/2016Reuters

Sự xuất hiện của cụm từ này trong văn kiện Hội nghị trung ương 5 lần này – cùng với điều mà một số nhà phân tích đang nhắc tới là thời hạn mới để hiện đại hóa PLA trước dịp kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm 2027 – cũng là dấu hiệu cho thấy có sự thừa nhận rộng rãi trong số các nhà lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc về mức độ xấu đi của môi trường bên ngoài và việc PLA cần khẩn trương chuẩn bị cho chiến tranh.
Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã phát triển các vũ khí và nền tảng hiện đại, bao gồm tên lửa siêu thanh DF-17, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và tàu sân bay Type 001A được chế tạo trong nước. Đặc biệt, Hải quân PLA đã và đang đóng nhiều tàu mới với tốc độ ấn tượng. Một nghiên cứu, Dự án sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết: “Từ năm 2014 đến năm 2018, Trung Quốc đã hạ thủy tàu ngầm, tàu chiến, tàu đổ bộ và tàu hỗ trợ với số lượng nhiều hơn số tàu hiện đang phục vụ trong hải quân mỗi nước Đức, Ấn Độ, Tây Ban Nha và Anh”.
Đe doạ an ninh khu vực
Một trong những mục tiêu chính của Bắc Kinh là tăng cường lực lượng sẵn sàng tác chiến và có khả năng đánh bại kẻ thù như Mỹ trong các cuộc xung đột tiềm tàng ở biển Đông hay Đài Loan. Để làm được như vậy, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu cho quân đội từ năm 2021, cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay của nước này ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, một nước Trung Quốc hung hăng hơn cũng sẽ gây lo ngại cho các nước láng giềng. Năm 2019, Tokyo đã xác định Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất của Nhật Bản, và đề ra các kế hoạch để tăng chi tiêu cho quốc phòng trước công cuộc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và để mua vũ khí của Mỹ.
Tháng 7 vừa qua, Washington đã thông qua thỏa thuận bán 105 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cho Tokyo. Không chỉ Nhật Bản mà các nước thuộc khu vực ngoại vi của Trung Quốc như Hàn Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á có thể đáp trả bằng hình thức tương tự và tự trang bị vũ khí cho mình. Điều này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang tại đây.
Washington có một số đồng minh hiệp ước ở Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan. Theo Luật quan hệ với Đài Loan, Mỹ cam kết đảm bảo an ninh cho hòn đảo này. Và đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với Bắc Kinh.
Chuyên gia Nghê Lạc Hồng của Trung Quốc đánh giá: “Việc Trung Quốc nhanh chóng phát triển sức mạnh quân sự và thực hiện chính sách đối ngoại cứng rắn hiện nay sẽ khiến các nước khác lo sợ và hy vọng Mỹ tăng cường sự hiện diện của họ. Điều này trái với những gì Trung Quốc mong muốn. Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, việc không hiện đại hóa quân đội không phải là một lựa chọn”.
Việc tăng cường quân sự hóa khu vực cũng làm gia tăng khả năng xảy ra các cuộc trạm chán giữa các lực lượng khác nhau hoạt động ở biển Đông, biển Hoa Đông và khu vực dọc biên giới trên bộ của Trung Quốc. Lo ngại chính của các nhà quan sát quân sự là một xung đột ở mức thấp có thể leo thang và vượt ra khỏi tầm kiểm soát, chẳng hạn như xung đột ở thung lũng Galwan vừa qua và vụ máy bay do thám EP-3 của Mỹ va chạm với máy bay chiến đấu F-8 của Trung Quốc ở đảo Hải Nam năm 2001.
Việt Nam có là mục tiêu?
Trong một bài viết của mình từ năm 2019, nhà báo David Hutt đã cho rằng, nếu như xảy ra một cuộc chiến tranh tại khu vực Biển Đông thì Việt Nam sẽ là mục tiêu đầu tiên mà Trung Quốc tấn công. Dựa trên các phân tích của các chuyên gia mà David Hutt trích dẫn, Việt Nam sẽ được Trung Quốc chọn để đánh như là một cách để “khởi động - làm nóng” trước khi lao vào một cuộc chiến lớn hơn với Mỹ trên vùng Biển Đông.
Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng của RAND, một nhóm tư vấn tại Washington, cũng đưa ra lập luận tương tự rằng nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công quân sự ở Biển Đông, đối thủ được lựa chọn rất có thể sẽ là Việt Nam bởi vì Việt Nam chỉ là một quốc gia có sức mạnh cỡ trung bình, nên quân đội Trung Quốc dễ dàng chiến thắng, chứ Trung Quốc không dễ dàng gì chiến thắng quân đội Mỹ trên biển được.
Chính vì vậy, Việt Nam cần phải chuẩn bị đầy đủ các phương án để có thể đối phó, cho dù đó là tình huống chiến tranh.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
 

Nguồn tin: Đinh Trần Quân 2020-11-20

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập133
  • Hôm nay16,595
  • Tháng hiện tại202,800
  • Tổng lượt truy cập32,669,325
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây