Nhân Quả và Quả Báo

Thứ bảy - 11/12/2021 08:41
unnamed (4)
unnamed (4)
 “Killing Fields” ở Cam-Bốt   

Cuối năm, ngày cùng tháng tận, là lúc tốt để suy gẫm về những việc đã làm và ý định tốt cũng như xấu của mình trong những ngày tháng vừa qua.  Tôi thấy không có gì thiết thực hơn là bàn một chút về “Nhân quả” (“Karma / Quả báo”).  

Nhân quả có nghĩa là “Làm chuyện tốt lành sẽ được thưởng; làm chuyện ác sẽ bị trừng phạt” (“Karma means good deeds get rewarded and evil deeds bring trouble.”) 

Thế giới có nhiều thể chế chính trị và nhiều tôn giáo khác nhau cố giải thích “nhân quả” theo cách riêng.  Tôn giáo nghiêng về một đấng tối cao, chẳng hạn Phật, Chúa, Allah…, có quyền năng tối thượng ban phúc và giáng họa, nhưng hầu hết đều giảng dạy về cái khái niệm cơ bản (Karma) này… 

Theo Phật giáo (cũng như Ấn độ giáo và Bà-la-môn giáo) “Thuyết Nhân Quả” (“The theory of Karma”) là những gì xảy đến cho đời sống hiện tại của chúng ta đều gây bởi những hành động của chúng ta đã làm trong quá khứ. Hay nói cách khác, ta gặt hái những gì chúng ta đã gieo trồng.  

Giáo lý đạo Phật coi “Luật Nhân Quả” là nền tảng sống của muôn loài vật, và Phật giáo có cái nhìn tương đối khá đầy đủ và thấu triệt về “Nhân quả.” 

Nhân quả là khái niệm thần học trong đạo Phật và Ấn độ giáo (nên biết Ấn độ giáo là nguồn gốc của đạo Phật; và cổ Bà-la-môn là gốc của Ấn độ giáo).  Ở Đạo Phật khái niệm này có ý nghĩa là mình sống như thế nào bây giờ sẽ quyết định cuộc sống muộn sau này; và lúc đi đầu thai (đời sau)…  Nếu mình sống tốt bụng, không ích kỷ, và thánh thiện trong cuộc đời này, mình sẽ được ban thưởng và được tái sinh trong một đời sống mới trên cõi trần gian, với một cuộc đời dễ dàng và hạnh phúc; Ngược lại, nếu mình sống ích kỷ và ác độc, mình sẽ “bị” tái sinh vào một cuộc đời không được êm đềm và thoải mái. Hay nói một cách khác, mình sẽ gặt hái trong cuộc đời sau những gì mình đã gieo rắc trong đời kiếp này (“You reap what you sow”).    

Phật dạy rằng chính chúng ta là chủ nhân của bao điều họa phúc, đơn giản gọi là “nhân quả báo ứng”: Mình làm lành thì được hưởng phúc tốt, làm ác thì chịu quả khổ đau.  Mỗi hành vi tốt xấu đều có hậu quả nhẹ hay nặng tương xứng…. Nhân quả có thể báo ứng ngay trong hiện tại cũng có thể xảy ra trong tương lai gần hoặc xa.  Như vậy, qua quan niệm Nhân quả của Phật giáo, chỉ cần nhìn vào vào hiện tại, có thể nhận ra cái quả báo của những việc làm trong qua khứ.  

Môt người đã hỏi đức Phật về sự bất công (“inequalities & injustices”) mà ông ta thấy trong đời sống hàng ngày là: 

“Thưa Đức Thế Tôn, con không hiểu tại sao trong đời sống có người chết non, người sống thọ? Có người sống khỏe mạnh, người sống bệnh, tàn tật? Có người đẹp, người xấu? Có người giàu, người nghèo?  Người thông minh, người đần độn?  Người sang quí phái, người hèn mọn đê tiện?” 

Đức Phật trả lời: 

“Mọi sự sống hiện tại đều có hành vi (actions) và hệ quả (results) khác nhau và cũng còn tùy vào kiếp trước, huyết thống, nơi sinh.  Tất cả đều do nhân quả đã tạo ra sự khác biệt giữa hai trạng thể cao và thấp (‘low and high states’) như con đã thấy.”  

Lần khác tại “Savatthi,” trong khu vườn của nhà ông “Anathaoindika,  đức Phật nói với các Tỳ kheo (Tăng sĩ) đi theo Phật là:  

“Này các Tỳ kheo, có hai loại tội.  Đó là hai loại tội gì?  Một là tội (như trộm cướp, lường gạt, giết người có kết quả ngay hiện tại …) sẽ bị đi tù hay bị tai nạn ở đời này…. Hai là tội có kết quả trong đời sau, sẽ sinh vào cõi dữ thấp hèn, ác thú, địa ngục...”  

Mặc dù quan niệm “Nhân Quả” thường được dùng trong các câu chuyện và sinh hoạt hàng ngày để minh xác các hoàn cảnh hiện tại của con người, chẳng hạn như vấn đề hạnh phúc hay đau khổ…  nhưng Nhân Quả trong đời sống hiện tại có còn có nhiều ý nghĩa xâu xa hơn cần phải tìm hiểu thêm…  Thí dụ: Các đồ tể cộng sản quốc tế lừng danh như Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Pol Pot…. đã từng giết chết hàng triệu người đồng chủng một cách dã man (Mao giết 40 triệu, Stalin giết 20 triệu, Pol Pot giết 2 triệu, HCM giết 150 ngàn địa chủ và nướng thêm 2 triệu sinh linh Việt) mà chỉ bị… chết già trên giường bệnh; không (chưa) thấy đứa nào bị trừng phạt (quả báo?) gì cả? Đó có phải là chuyện bất công hay không? Hay là bọn chúng sẽ trả nợ sát nhân ở “trăm đời sau?!” Chúng ta không hiểu hết được! 

Các học giả nghiên cứu về tôn giáo cho rằng “Luật Nhân Quả” không phải là vấn đề đơn giản dễ hiểu như ta thường nói là “luân lý làm điều lành tránh điều ác.”  Vì bản chất chung của con người là thiện tâm: thấy chuyện bất công là muốn can thiệp, thấy người yếu kém là muốn bênh vực… đôi khi bất chấp kết quả (results / karma) sẽ xảy đến cho mình như thế nào.  Nhiều người khắt khe hơn cũng chỉ trích là “Luật Nhân Quả” chỉ là một “công cụ” (“a tool”) để giới có thẩm quyền (như chính phủ độc tài, các tôn giáo cực đoan…) dùng để giải thích một cách mơ hoặc cho các bất công xã hội mà họ tạo ra; và nhất là để giữ quần chúng khỏi chống đối, phản kháng và ngờ vực chính cáí gọi là “Thẩm quyền” của họ…  

"Luật Nhân Quả” cũng thường bị lạm dụng bởi những người thiếu khả năng khi họ tự bào chữa các thất bại khi phải đương đầu với các khó khăn trong cuộc sống của mình.  Họ chỉ mong và chờ người khác hay đấng thiêng liêng làm giúp cho họ.  Người có nghị lực và tâm huyết tự quyết định vận mạng một mình, không trì hoãn hay chờ đợi phép lạ.  “Người có tâm tốt” cho là chuyện xấu hay tốt xảy đến cho mọi người trên quả đất này một cách ngẩu nhiên chứ không phải vì “nhân quả” của mình…  Có phải là mình được hạnh phúc vì “nhân quả” đã làm mình hạnh phúc chứ không phải vì chính mình tự làm nên?!  Tai sao lại dễ dàng sống thụ động để cuộc đời mình cho “số phận” quyết định?  Tại sao vậy?  Có lẽ bạn đã thấy một vài câu trả lời…  

Thiên Chúa Giáo và quan niệm “Nhân quả / Quả báo” 

Như đã nói ở trên, “Quả báo” của Phật giáo dựa trên quan niệm thần học về sự đầu thai. Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo không công nhận khái niệm đầu thai; vì vậy, Thiên Chúa Giáo không hoàn toàn ủng hộ khái niệm về quả báo.  Tuy nhiên Thiên Chúa Giáo có cùng quan điểm “làm điểu tốt sẽ được Thiên Chúa ban thưởng; làm điều xấu sẽ gặp những điều khó khăn trong cuộc sống (hiện tại chứ không có đời sau!).” 

Đọc Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo thấy Hebrews 9:27 nói rằng: 

“Theo như đã định cho loài người, ai cũng phải chết một lần, và sau đó sẽ bị phán xét.”  

Câu Kinh Thánh này nói rõ ràng hai điểm quan trọng, để phủ nhận khả năng của việc đầu thai và quả báo ở đời sau cho Ki-tô hữu.  Đầu tiên, câu Kinh Thánh nói rằng con người “đã được định sẵn là phải chết một lần,” nghĩa là con người chỉ sinh ra một lần và chết đi một lần. Không có vòng tuần hoàn vĩnh viễn của sự sống và chết và tái sinh - một khái niệm gắn liền với sự đầu thai. Thứ hai, câu cũng nói rằng sau khi chết con người chúng ta sẽ bị phán xét, nghĩa là sẽ không có cơ hội thứ hai, giống như trong sự đầu thai và quả báo, để sống tốt đẹp hơn. Mình chỉ được một lần mà thôi và để sống theo như ý định của Chúa, và thế là hết. 

Kinh Thánh cũng nói rất nhiều về việc “gieo trồng và gặt (“Nhân Quả?!”).  

Chẳng hạn, Job 4:8 nói: 

“Nhưng điều tôi thấy là: Ai cày để trồng tội ác, Và ai gieo rắc rối phiền muộn, ắt sẽ gặt những thứ ấy.”  

Psalm 126:5 nói:  

“Những người đi ra gieo giống mà tuôn tràn giọt lệ, ắt sẽ gặt hái cách vui mừng.”  

Luke 12:24 nói: 

“Hãy xem loài quạ. Chúng chẳng gieo và chẳng gặt, chúng chẳng có kho thóc hay vựa lẫm, thế mà Ðức Chúa Trời vẫn nuôi chúng. Các ngươi thật quý giá hơn loài chim biết bao!”   

Trong mỗi ví dụ này, hay những tham khảo khác nói về việc gieo trồng và gặt hái, việc nhận được những phần thưởng cho những gì bạn làm xảy ra trong chính cuộc đời này, chứ không phải đời sau. Đó là một hoạt động của thời điểm hiện tại, và những liên hệ khác cũng thể hiện rõ ràng hoa trái mà bạn gặt hái được sẽ tương xứng với những hành động mà bạn đã thực hiện (gieo trồng). Ngoài ra, việc mình làm, gieo rắc trong cuộc đời này sẽ ảnh hưởng đến phần thưởng hay sự trừng phạt ở thế giới bên kia.  

Thế giới bên kia nó không giống như sự “tái sinh” hay hiện thân vào một cơ thể khác trên trần gian. Nó là một trong hai, đau khổ đời đời trong địa ngục (Matthew 25:46) hay cuộc sống đời đời trên thiên đàng với Chúa Giêsu, Đây mới là trọng tâm trong cuộc sống của Ki-tô hữu trên trần gian. Thánh Phao-lô đã viết trong (Galatians 6:8-9) rằng:  

“Ai gieo cho xác thịt của mình sẽ bởi xác thịt gặt sự hư nát; ai gieo cho Ðức Thánh Linh sẽ bởi Ðức Thánh Linh gặt sự sống đời đời. Xin chúng ta đừng nản lòng khi làm việc nghĩa, vì đến đúng kỳ chúng ta sẽ gặt nếu chúng ta không mệt mỏi mà bỏ cuộc.”  

 Ephesians 2:8-9 nói rằng: 

“Vì nhờ ân sủng, bởi đức tin, mà anh chị em được cứu; điều ấy không đến từ anh chị em, bèn là tặng phẩm của Ðức Chúa Trời; đó không phải là thành quả của việc làm, vì thế không ai có thể tự hào.” 

Chính vì thế, chúng ta nhận thấy những gì Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo cũng dạy về sự sống và chết; và việc gieo và gặt hái của sư sống đời đời nhưng không theo khái niệm đầu thai và quả báo của Phật giáo.  

Trên đây chỉ là vài lời mạo muội và thô thiển, loại múa rìu qua mắt thợ, của người viết; khi đọc qua chắc sẽ thấy còn rất phiến diện (?).  Người viết rất mong nhận được thêm sự chỉ giáo (cũng như chỉ trích) quý báu của quý vị…  Xin đa tạ trước.   

Thân mến, 

 

 

 

  

 

Nguồn tin: Trần Văn Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập70
  • Hôm nay5,339
  • Tháng hiện tại295,211
  • Tổng lượt truy cập35,561,492
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây