Giờ đây hơn bao giờ hết, những nơi này đồng nghĩa với tự do, đem lại cảm giác được giải phóng và rời khỏi tình trạng cách ly tại nhà.
Và khi giãn cách xã hội trở thành hiện thực với nhiều người, thì dành thời gian ở không gian rộng ngoài trời sẽ tốt cho sức khỏe theo nhiều hướng.
BBC Culture giới thiệu một số dự án không gian ngoài trời đẹp ngoạn mục do các kiến trúc sư và chuyên gia về cảnh quan thực hiện, giúp ta thỏa mãn khao khát không gian rộng lớn - và giúp ta hiểu rõ hơn những tiến bộ mới trong thiết kế đô thị.
Công viên Superkilen, Copenhagen
Các loại ngoại thất đường phố quen thuộc không tồn tại ở công viên Superkilen.
Nơi đây là không gian dài 1km có vỉa hè cực kỳ phi thường, được gọi là "công viên đô thị" ở Nørrebro, giữa khu dân cư đông đúc với nhiều cộng đồng từ hơn 60 quốc gia, nằm ở phía bắc trung tâm thành phố Copenhagen.
Kết hợp các cơ sở vật chất dành cho thể thao và sân chơi cho trẻ em cùng với nhiều khu vực có chỗ ngồi, nơi đây phân khu theo màu sắc - các quảng trường với màu hồng cực nổi, màu đỏ và màu cam - tượng trưng cho nhiều hoạt động khác nhau.
Các tòa nhà liền kề công viên cũng được sơn một phần theo cùng sắc màu, tạo ra cảm giác không gian này rộng lớn hơn thực tế.
Dự án do thành phố Copenhagen và tổ chức Realdania đề xướng. Realdania là một hiệp hội tư nhân ở Đan Mạch, cung cấp quỹ cho các dự án kiến trúc.
Và công trình này được thiết kế bởi công ty kiến trúc Đan Mạch nổi tiếng tên Bjarke Ingels Group (BIG) kết hợp với kiến trúc sư cảnh quan Topotek1 và tập thể nghệ sĩ của Superflex.
Điều khác thường ở đây là, một tham vấn sâu với cộng đồng địa phương đã cho ra kết quả là mọi người đưa vào công viên những vật thể mà họ cực kỳ yêu quý, từ đài phun nước kiểu Morocco và máy tập thể thao giống ở Venice Beach, Los Angeles, đến những biển hiệu đèn neon từ Qatas và Nga.
Một tấm biển kim loại được gắn chìm ở ngay vị trí bên cạnh vật dụng với tên gọi và giải thích xuất xứ của nó.
NGUỒN HÌNH ẢNH,FRANCISCO NOGUERA
Quảng trường Marsa do công ty Acme có trụ sở ở London thiết kế, và sử dụng chất liệu hàng rào và trần bằng đá
Với đợt mở rộng gần đây của thành phố Muscat, thủ đô của Oman, dọc theo bờ biển đã xây lên một cảng biển mới, bến thuyền và quảng trường đa chức năng Marsa Plaza.
Acme, công ty kiến trúc có trụ sở tại London, thắng giải trong cuộc thi quốc tế thiết kế ra quảng trường rộng 5.000m2, nơi vừa được xây xong vào năm 2018.
Hai bên quảng trường là những khu nhà có chiều cao trung bình và thấp, nhìn ra bến thuyền và biển. Kiến trúc này có đài phun nước, sảnh đường hòa nhạc và chiếu phim, đồng thời có không gian cho chợ ẩm thực và triển lãm nghệ thuật.
"Dấu ấn của tòa nhà mới rất chặt chẽ trong quy tắc tối ưu hóa không gian ngoài trời," Duarte Lobo Antunes, một kiến trúc sư của dự án nói.
"Oman có văn hoa rất thư giãn và là nơi nghỉ dưỡng phổ biến ở Trung Đông," Lobo Antunes chia sẻ. "Ở Muscat mọi người thường gặp gỡ vào buổi tối, đặc biệt thời gian từ tháng Năm đến tháng Chín, cũng là khoảng thời gian mà ban ngày mọi người tránh đến những nơi không có bóng râm."
Các tòa nhà trên quảng trường sử dụng chất liệu mành và trần nhô ra làm bằng loại đá có tên hoa hồng sa mạc với tông màu trung tính, từ màu kem ngả qua nâu, đem lại nhiều sắc độ cũng như đem lại hơi hướng của biển.
Các bậc thang dẫn về bến thuyền thêm vào cảm giác không gian như vô tận.
Những đường nét sinh động trên quảng trường có nét quen thuộc với họa tiết thường thấy trên các sàn nhà kiểu truyền thống ở Oman.
"Quảng trường thể hiện tính chất thân thuộc của Muscat. Đó là nơi mọi người có thể đi lang thang và gặp gỡ ở nhiều nơi chốn," Lobo Antunes giải thích thêm.
NGUỒN HÌNH ẢNH,JOHN STURROCK
Cảnh quan khu vực cỏ xanh do Dan Pearson thiết kế đem lại ốc đảo thư giãn giữa lòng thành phố
Công viên Gasholder ở đường King's Cross, London, kết hợp giữa một di tích từ kiến trúc công nghiệp Thế kỷ 19 - một bình chứa ga không còn sử dụng từ thời Victoria - với một khu vườn mùa hè mới, do công ty kiến trúc Bell Phillips thiết kế, và cảnh quan đồng cỏ do Dan Pearson thực hiện.
Dự án này đã phải tháo dỡ một bình ga cao 250m, đưa khung vòng tròn với đường kính bên trong 40m từ địa điểm cũ (giờ là Quảng trường Pancras) và vận chuyển nó đến địa điểm nhìn về hướng Kênh Regent's.
NGUỒN HÌNH ẢNH,JOHN STURROCK
Công viên Gasholder phối kết giữa kiến trúc công nghiệp Thế kỷ 19 với một khu vườn mùa hè do Công ty kiến trúc Bell Phillips thực hiện
Sự kết hợp giữa cũ và mới không đem lại cảm giác khó chịu, nhờ vào cách công ty Bell Phillips đặt thêm hàng cột tròn bằng thép bóng loáng với trần chạy ôm vòng theo đường kính trong của khung.
Các vòng tròn đồng tâm này bao quanh khu vực rộng lớn, với thảm cỏ xanh biếc được trồng cùng với hoa trắng và hoa vàng rực rỡ.
Ánh sáng phản chiếu từ các bề mặt gương tạo ra hiệu ứng mềm mại, thậm chí làm giảm tính vật chất của chúng.
Mỗi đêm, ánh sáng trắng nhẹ nhàng lấy cảm hứng từ hiện tượng nhật thực, do nhà thiết kế ánh sáng Speirs và Major, thắp sáng cấu trúc theo chu kỳ 20 phút và thỉnh thoảng dừng lại khoảng thời gian 2 phút trong bóng tối đầy kịch tính.
"Một số vị trí trong công viên đem lại cảm giác hẻo lánh, một số vị trí khác lại tích cực, với người chạy bộ và trẻ em chơi cùng cha mẹ - gần đó có một trường học," Hari Phillips, đồng giám đốc tại công ty Bell Phillips, nói.
"Thời gian phong tỏa đã khiến ta nhận ra không gian mở quý giá đến mức nào, đặc biệt ở những thành phố có mật độ dân cư cao."
NGUỒN HÌNH ẢNH,GIULIO MARGHERI
Công trình sắp đặt StoDistante ở Tuscany do Studio Caret thiết kế
Hoàn thành vào tháng Năm vừa rồi, StoDistante (Trong tiếng Ý có nghĩa là "Tôi giữ khoảng cách") là kiến trúc sắp đặt ở Vichio, gần Florence.
Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở Ý sinh ra gần thành phố Thế kỷ 13 này, trong đó có Giotto, người đã được đặt tên cho một trong các quảng trường nơi đây là Piazza Giotto.
Giờ đây với công trình sắp đặt mới này, do công ty kiến trúc địa phương Caret Studio thực hiện, đã đem quảng trường tiến thẳng vào Thế kỷ 21 bằng cách thể hiện quy định giãn cách xã hội hiện hành ở Tuscany.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GIULIO MARGHERI
Các ô vuông được sơn hòa hợp với cảnh quan xinh đẹp trên quảng trường
Sự can thiệp nhẹ nhàng của Caret Studio đem lại giải pháp thanh nhã cho tình trạng giãn cách xã hội mà không phá vỡ thiết kế tuyệt đẹp của quảng trường: công ty này đã sơn những ô vuông trắng trực tiếp lên nền đường đá cuội bằng loại sơn trắng có thể tẩy bỏ được.
"Quảng trường tạo ra một mạng lưới hướng dẫn mọi người cách di chuyển vòng quanh quảng trường an toàn," Giulio Margheri, đồng sáng lập của Caret Studio vào năm 2014 với Matteo Chelazzi và Federico Cheloni, giải thích; hai người trong nhóm sinh ra ở Viccchio.
"Mọi người biết rằng khi đứng trong mỗi ô vuông trắng, họ cách người kia 1,8 m so với tâm của hình vuông kế tiếp."
Hy vọng là không gian này sẽ được sử dụng làm rạp chiếu phim mở và nơi tập thể thao khi lệnh cấm tụ tập đông người được nới lỏng trong tương lai.
"Chính quyền Vicchio ủng hộ dự án này từ ban đầu," Margheri nói. "Chúng tôi thấy StoDistante là chiến lược thiết kế có thể ứng dụng vào không gian công cộng ở nhiều thành phố và thị trấn khác, cho phép cư gian khởi động lại không gian mở sau thời cách ly."
NGUỒN HÌNH ẢNH,TIMOTHY SCHENCK
Tượng The Spur là nét chấm phá cuối cùng cho The High Line, và là một bức điêu khắc đồ sộ do Simone Leigh thực hiện
Khi Ricardo Scofidio, một đối tác trong nhóm kiến trúc Diller Scofidio + Renfro, mới bắt tay thực hiện dự án High Line vào năm 2003, ông có mong muốn gìn giữ tính chất nguyên vẹn của công trình trên cao này, vốn đã không còn được sử dụng từ năm 1980.
Phần cầu cạn trên cao không được sử dụng của đường ray hỏa xa trung tâm New York, còn được gọi với cái tên Đường tàu Phía Tây (West Side Line), đã tiến hóa theo nhiều năm tháng, từ vị trí là di sản thời hậu công nghiệp trở thành vị trí màu mỡ cho cây xanh phát triển ở những cụm vi khí hậu khác nhau.
Scofidio, người cấu trúc lại tính chất của khu đường ray thành công viên khi phối hợp với Dự án James Corner Field Operations và nhà thiết kế cây xanh Piet Oudolf, không muốn trấn áp tự nhiên: "Chúng tôi không muốn cây xanh bị cầm tù bởi những vỉa hè rõ ràng mà muốn xóa nhòa ranh giới giữa cây xanh và công trình xây dựng," ông nhớ lại. "Chúng tôi khuyến khích cây xanh chiếm hữu công trình, và mọc qua những khe nứt."
Giờ đây, địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng này ở New York có tầm nhìn qua sông Hudson trải đầy các băng ghế làm từ thanh đường ray, với 120 loài cây và cây thân gỗ đem lại bóng mát.
NGUỒN HÌNH ẢNH,IWAN BAAN
The High Line đã phối kết thành công giữa thiên nhiên và kiến trúc
Phần cuối đường ray nối ra không gian mở, gọi là Spur, kéo dài dọc theo Đường số 30, do cùng nhóm thiết kế thực hiện và mở cửa năm ngoái.
Tuy nhiên, ở nơi đây văn hóa lại tràn chiếm thiên nhiên: ở ngã ba này, đường ray phình to thành một quảng trường lớn, nơi một công trình kiến trúc đồ sộ trở thành trung tâm; tác phẩm khai trương từ Brick House của nghệ sĩ Simone Leigh, là tượng điêu khắc người phụ nữ da đen với phần thân trên mở rộng thành ngôi nhà gạch đất nung.
Tượng The Spur là không gian biểu diễn âm nhạc. Quảng trường này cũng có những yếu tố thời thượng, như cấu trúc trồng cây nghiêng khổng lồ.
James Corner mô tả: "Không gian đầy kịch tính này có rất nhiều chỗ ngồi và nơi ngắm cảnh và khiến bạn đắm chìm vào không gian khổng lồ của thành phố, mở ra những tầm nhìn mới."
Nguồn tin: Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn