THÁNH! THÁNH! THÁNH!

Thứ bảy - 08/02/2025 22:24
tải xuống (7)
tải xuống (7)

Mỗi khi cử hành Thánh lễ, ở phần kết của Kinh Tiền tụng, cộng đoàn phụng vụ hát hoặc đọc lời tung hô: Thánh! Thánh! Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh. Trời đất đầy vinh quang Chúa…”. Đây là lời tung hô mà ngôn sứ I-sa-i-a đã thấy trong thị kiến, được ghi lại trong cuốn sách mang tên của vị ngôn sứ này, được đọc trong Thánh lễ Chúa nhật hôm nay. Việc lặp lại ba lần một phẩm tính của Thiên Chúa, là lời khẳng định rằng: Chúa là Đấng thánh thiện ở mức cao cả nhất, và không một thần linh nào sánh bằng.

Thiên Chúa là Đấng chí Thánh, và Ngài muốn cho tất cả những ai tin vào Ngài đều nên thánh: “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11,14). Mệnh lệnh này được Thiên Chúa tuyên bố 6 lần trong sách Lê-vi, và 1 lần trong sách Đệ Nhị Luật. Chúa Giê-su tiếp nối giáo huấn của Cựu ước, và Người kêu gọi: “Các ngươi hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Như vậy, “hoàn thiện” là một cách nói khác để diễn tả cùng một khái niệm là “thánh thiện”. Khẳng định của Thiên Chúa trong Cựu ước sau này, được thánh Phê-rô nhắc lại trong thư của ngài (x.1 Pr 1,16).

Ngôn sứ I-sa-i-a đã kinh hoàng khi nhìn thấy Thiên Chúa vì theo quan niệm bấy giờ, những ai nhìn thấy Thiên Chúa đều phải chết. Lời Thiên Chúa đã thay đổi hoàn toàn quan niệm này. Vị ngôn sứ không phải chết. Hơn nữa, Thiên Chúa đã trao cho ông sứ mạng loan báo sứ điệp của Ngài.

Giống như ngôn sứ I-sa-i-a, khi chứng kiến mẻ lưới lạ, Phê-rô cũng kinh hoàng kêu lên: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Ông cũng cảm nhận được thân phận tội lỗi của mình, nên ông xin Chúa Giê-su tránh xa ông ra. Phản ứng của Chúa Giê-su cho thấy điều kỳ diệu: từ nay Thiên Chúa không còn xa lạ với con người. Từ nay, ai thấy Thiên Chúa sẽ không phải chết. Bởi lẽ Đức Giê-su là Thiên Chúa đã nhập thể làm người và ở với con người để chung chia phận người, giữa những vui buồn của họ. Không dừng lại ở đó, Chúa Giê-su còn cho phép các ông trở thành những cộng sự viên, thậm chí như những bạn hữu của Người. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su, kèm theo mẻ cá lạ, đã hoàn toàn chinh phục những người dân chài, và những người này đã bỏ hết mọi sự mà đi theo Người và trở nên môn đệ.

Các ngôn sứ trong Cựu ước có vai trò “bênh vực” hay “bảo vệ” sự thánh thiện của Thiên Chúa. Các ông lên án lối thờ phượng hình thức, màu mè và lối sống giả hình, vì như thế là xúc phạm đến Thiên Chúa và hạ thấp Ngài cùng với các ngẫu thần khác. Các ông cũng kịch liệt phản đối các vua khi “đem thần lạ về nhà”, như trường hợp vua A-kháp có vợ ngoại giáo là I-de-ven, hay vua Sa-lô-môn. Những vua này đã nghe vợ và xây đền thờ ngẫu tượng trong hoàng cung, như một sự thách thức đối với Thiên Chúa, là Đấng duy nhất đáng tôn thờ.

Đâu là mối tương quan giữa sự thánh thiện của Thiên Chúa và cuộc sống của Ki-tô hữu? Như lời mời gọi của Thiên Chúa trong Cựu ước và của Chúa Giê-su trong Tân ước, những ai tin vào Chúa thì phải đặt sự thánh thiện làm tiêu chí của cuộc đời. Nói cách khác, người tín hữu mỗi khi làm việc, quyết định, đối xử với anh chị em, phải suy nghĩ xem điều mình sắp làm có ảnh hưởng đến sự thánh thiện của bản thân và ơn gọi của Ki-tô hữu hay không.

Trên con đường đạt tới sự thánh thiện, chúng ta không đi đơn lẻ một mình, nhưng họ đi với anh chị em trong tình hiệp thông và trách nhiệm liên đới. Khởi đi từ sự thánh thiện của bản thân, Ki-tô hữu sẽ làm tỏa lan ánh sáng của sự thánh thiện đến với môi trường xung quanh. Nhờ những việc thiện của người tin Chúa, nhiều người khác sẽ nhận ra sự hoàn hảo và tốt lành của Người. Chúa Giê-su đã dùng một hình ảnh sinh động cụ thể để so sánh với những việc làm sau này của các tông đồ: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Trong cùng một trình thuật tương tự, thánh Mát-thêu lại dùng lối nói tượng hình hơn: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19).

Thiên Chúa chí thánh đã đến gặp gỡ chúng ta. Người mời gọi chúng ta nên hoàn thiện và nhờ đó chúng ta có thể cộng tác với Người trong công trình cứu độ trần gian. Người Ki-tô hữu không còn mặc cảm thân phận tội lỗi nữa, nhưng vững bước tiến lên nhờ tín thác vào lòng thương xót của Chúa. Thánh Phao-lô đã diễn tả sự tự tin của một người cảm nhận tình thương Thiên Chúa dành cho mình. Bản thân ông không còn mặc cảm về quá khứ tội lỗi, dù trước đó ông đã bách hại các Ki-tô hữu. Dù khiêm tốn nhận mình như một đứa con “đẻ non”, Phao-lô vững mạnh lên đường loan báo Đức Giê-su, để muôn dân được đón nhận ơn cứu độ của Người.

Xin Chúa cho chúng ta luôn cố gắng nỗ lực đạt tới sự hoàn thiện trong mối tương quan với anh chị em, để chúng ta được nên hoàn thiện như Chúa, là Cha chúng ta.

+

Nguồn tin: ĐTGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập147
  • Hôm nay16,075
  • Tháng hiện tại184,319
  • Tổng lượt truy cập36,686,975
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây