THIÊN CHÚA KÊU GỌI MỖI NGƯỜI CHÚNG TA 

Thứ bảy - 08/02/2025 22:26
tải xuống (5)
tải xuống (5)

Không có Thiên Chúa, mọi điều chúng ta làm chỉ là phù du mà thôi. Tác giả thánh vịnh nói: “Nếu Chúa không xây nhà, những người xây dựng cũng uổng công; Nếu Chúa không canh giữ thành, thì người canh gác thức canh cũng uổng công” (Tv 126:1). Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan và nhiều người khác đã kinh nghiệm điều này trong mẻ cá kỳ diệu trên bờ Hồ Ghennêxarét. 

Chỉ mình Chúa là đủ

Nếu Chúa Giêsu không hiện diện trên con thuyền cuộc đời chúng ta, con thuyền đó không chỉ không thể bắt được con cá nào mà còn không thể chống chọi được bất cứ cơn sóng nào trong giông bão. Nhưng nếu Chúa Giêsu hiện diện bên cạnh chúng ta, thì chắc chắn cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi, sẽ không còn yếu đuối, tăm tối, u sầu như trước nữa.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu luôn yêu cầu người ta đặt niềm tin nơi Ngài, ngay trong những điều tưởng chừng như vô lý. Chúng ta cần tin vào Ngài. Bằng chứng hôm nay là, khi “Ngài bảo ông Simon: Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá. Ông Simon đáp: Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả” (Lc 5: 4-5). Câu nói của Phêrô như muốn cho Chúa Giêsu thấy một sự vô lý nào đó trong lời yêu cầu của Ngài. Nghề nghiệp cha truyền con nối lâu đời của ngư dân vùng hồ Ghennêxarét là đánh cá ban đêm. Thế mà ở đây có một người như từ trên trời rơi xuống ngay giữa ban ngày và yêu cầu ông Phêrô, ngư phủ nhiều năm lăn lộn trong nghề: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”! Hơn nữa, theo tìm hiểu của Phêrô, vị Rabbi này xuất thân làm nghề thợ mộc, không phải ngư dân chính cống. Phêrô có lý do để thắc mắc chứ. Tuy nhiên, tuyên bố ngay sau đó của Phêrô đã thay đổi mọi thứ: “Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5:5). Đó là biểu lộ của sự tin tưởng, của sự tín thác, của sự vâng theo. Chính điều này tạo ra một mẻ cá bội thu: “Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới” (Lc 5:6). Đó là một kết quả ngoài mong đợi, rõ ràng là một dấu lạ: “Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm” (Lc 5: 7). Việc này rất đơn giản đối với Chúa Giêsu. Nếu vài phút trước Phêrô còn tỏ ý không tin tưởng gì lắm và miễn cưỡng với yêu cầu của Chúa Giêsu, thì giờ đây ông quá ngạc nhiên đến nỗi sững sờ và hoảng sợ, không thể phản ứng cách nào khác, chỉ còn biết: “Sấp mặt dưới chân Chúa Giêsu và nói: Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5: 8). Không chỉ Phêrô thôi đâu, các ngư dân khác, vốn cứng tay nghề, cũng không thể có phản ứng nào khác: “Tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simon, cũng kinh ngạc như vậy” (Lc 5:9-10). Điều này sẽ thay đổi mãi mãi lối nghĩ phàm nhân của Phêrô và các bạn chài với ông. Do vậy, chỉ sau một lời khuyến khích của vị Thầy vừa thực hiện dấu lạ, họ từ bỏ mọi thứ để theo Ngài: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta. Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Ngài” (Lc 5: 10-11).

Tin tưởng và tuân theo Lời của Chúa Giêsu giúp chúng ta loại bỏ sự do dự và đảo ngược sự thất bại của chúng ta thành kết quả tràn đầy, vượt quá sự mong ước. Khi chúng ta thừa nhận sự bất xứng của mình trước mặt Thiên Chúa, Ngài liền nâng đỡ, thêm sức mạnh cho chúng ta và nói với mỗi người chúng ta rằng: “Đừng sợ”. Ngài còn kêu gọi chúng ta trở thành “những người thu phục người ta”. Thiên Chúa luôn là người đầu tiên đến với chúng ta. Ngài đồng hành với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, cho chúng ta thấy những gì Ngài có thể làm trong chính trong cuộc sống cụ thể mỗi ngày của chúng ta. Ngài cũng mời gọi chúng ta buông bỏ hết mọi sự mà theo Ngài. Tuy nhiên Ngài vẫn để chúng ta tự do lựa chọn. Anrê, Phêrô, Giacôbê và Gioan đã chọn đi theo Chúa trong sứ mệnh của Ngài, để từ “những người đánh cá” họ trở thành “những người thu phục người ta”. 

Sống và theo Chúa Giêsu không phải là chuyện dễ dàng. Khi sống và theo Chúa Giêsu, chúng ta không bao giờ biết chúng ta đi được bao lâu và bao xa. Thực vậy, hiểu được ý nghĩa lời nói của Chúa Giêsu: “Từ nay anh em sẽ là người thu phục người ta” không phải là điều dễ dàng đối với Phêrô và các bạn đồng hành của ông, ngay cả khi các ông không còn nghi ngờ lời của Chúa Giêsu như trước đó. Tuy nhiên, quyền năng của Chúa Giêsu tỏ lộ qua mẻ cá lạ lùng đã thúc đẩy họ bỏ hết mọi sự để theo Ngài mà không tỏ ý e dè gì nữa. Vẫn có nhiều điều nhiệm mầu mà Thiên Chúa đang thực hiện trong thế giới này, như mẻ cá lạ lùng trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, giúp chúng ta vững tin vào Chúa Giêsu. Nếu chuyên cần cầu nguyện trong khiêm hạ, chúng ta không khó nhận ra rằng, Thiên Chúa đang biểu lộ, bằng nhiều cách khác nhau, quyền năng của Ngài, và thúc đẩy mỗi người bước đi theo Ngài.

Logic của Chúa Giêsu không phải là logic của chúng ta. Chúng ta không thể nhìn xa hơn mũi mình, nhưng Chúa Giêsu nhìn thấy tương lai của chúng ta. Nếu chúng ta muốn đi xa và vững chắc, hãy để Chúa Giêsu hướng dẫn và cùng Ngài thực hiện kế hoạch mà Ngài vạch ra cho chúng ta, cùng với chúng ta. Có lẽ chúng ta như ngôn sứ Isaia, trong bài đọc thứ nhất, muốn tránh né Thiên Chúa và thưa với Ngài: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Chúa các đạo binh! (Is 6: 5), và giống như Phêrô: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5: 8). Nhưng chính Thiên Chúa dùng quyền năng như than hồng từ bàn thờ chạm vào miệng chúng ta, thanh luyện và thánh hóa con người chúng ta và nói: “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội...Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Liệu chúng ta có dám thưa: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6:7-8), hoặc như Phêrô và các bạn chài của ông: “Bỏ hết mọi sự mà theo Ngài” (Lc 5:11) không? Sau này, khi thánh Tôma Aquinô nghe giọng nói từ cây Thánh giá trên bàn thờ hỏi: “Tôma, con đã viết rất hay về Ta; vậy con muốn nhận được phần thưởng gì?” ngài đã trả lời: “Lạy Chúa, con không cần gì cả, vì chính Ngài, là đủ cho con”. Chúng ta hãy tín thác vào Chúa và sẵn sàng thưa: “Chỉ mình Chúa là đủ cho con rồi.”

Tiếng gọi của Chúa dành cho mỗi người

Trước hết, để gặp Chúa Giêsu, chúng ta phải lắng nghe lời Ngài với một trái tim rộng mở, sẵn sàng thay đổi lối nghĩ, lời nói, hành vi và cách sống. Nhưng nếu lắng nghe là quan trọng, thì học cách nhận ra những dấu chỉ của Chúa trong cuộc sống của chúng ta cũng quan trọng không kém. Những dấu chỉ đó như những tín hiệu Chúa gửi đến, kêu gọi chúng ta phó thác sự bất tài vô dụng của chúng ta cho Ngài. Simon nhận ra ngón tay của Chúa trong mẻ cá lớn, ông không nói “Chà, thật là một thời cơ ta phải nắm lấy. Đây là lúc ta thể hiện bản lĩnh!” Trái lại, điều đầu tiên ông làm là thú nhận mình là kẻ tội lỗi, không có công trạng gì để nhận được ân sủng như vậy và chấp nhận ân ban đó với tất cả sự khiêm hạ. Và khi Chúa Giêsu mời gọi ông làm một nghề đánh bắt khác, ông không lý luận, không bàn cãi lắm lời nữa, mà chỉ đơn giản là đi theo Chúa.

Không ai thánh thiện và xứng đáng đủ để có thể lãnh nhận ân sủng của Chúa, để được Chúa gọi đi rao giảng Lời Ngài. Mọi người đều là tội nhân và không ai xứng đáng với sứ vụ loan báo Tin Mừng. Nhưng Chúa đến để tìm kiếm những người tội lỗi, những tâm hồn nghèo khó. Chính Chúa muốn dùng những người tội lỗi và yếu hèn này để chạm đến trái tim của từng con người và tất cả mọi người.

Chính Chúa muốn dùng chúng ta, những tâm hồn nghèo khó, những người tin vào tình yêu và lòng thương xót vô hạn của Chúa, để biểu lộ quyền năng và lòng thương xót của Ngài dành cho mọi người. Chúng ta có sẵn sàng lắng nghe Lời Ngài và chấp nhận lời kêu gọi mà Ngài đặt vào cõi lòng sâu thẳm chúng ta, vào trong cuộc sống của chúng ta, để hoàn thành sứ mệnh mà Ngài trao cho chúng ta không?

Được Chúa kêu gọi không nhất thiết là trở thành linh mục hay tu sĩ, nam hoặc nữ. Điều căn bản là chúng ta đáp lại tiếng gọi của Ngài trong cuộc đời riêng tư của từng người. Thiên Chúa có tiếng gọi riêng cho mỗi người con của Ngài. Tiếng gọi Chúa dành cho mỗi người chúng ta là gì? Chúng ta có thực sự muốn tìm hiểu tiếng gọi này không? Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc lắng nghe tiếng Chúa, tìm hiểu xem Ngài mong đợi điều gì nơi mỗi người chúng ta? Chúa Giêsu muốn chúng ta thay đổi lối nghĩ phàm trần của mình thành tầm nhìn siêu nhiên như tầm nhìn của Chúa. 

Thật không dễ chút nào, nhất là trong xã hội được gọi là hậu hiện đại của chúng ta, một xã hội con người không còn tin vào những chuẩn mực luân thường đạo lý vốn đã được thiết lập từ lâu đời, không còn dựa vào một nền tảng tuyệt đối nào nữa, không còn dựa vào ngay cả Thiên Chúa, dễ sa vào khuynh hướng duy tương đối và khuynh hướng hoài nghi tuyệt đối. [*]

Trong hiện trạng như thế, chắc chắn Kitô hữu chúng ta cần phải nghe và suy ngẫm lại Lời Chúa, trong bài đọc thứ hai, qua tiếng nói của Vị Tông đồ Dân ngoại: “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích. Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Ngài đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh...Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Ngài ban cho tôi đã không vô hiệu; tôi đã làm việc nhiều... nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi” (1 Cr 15: 1-10). 

 

[*] “Trong một thế giới như vậy, thay vì đề cao những điểm quy chiếu luân lý nền tảng và truyền thống siêu hình ổn định, lý trí triết học hậu hiện đại lại phủ nhận nó. Đức tin Kitô giáo là một sợi chỉ dệt nên địa lục châu âu, nhưng người ta đang thống nhất trong việc từ chối hơn là đón nhận đức tin đó. Trong đà tục hóa nói chung, con người đang muốn xóa bỏ những biểu hiện và ngay cả những dấu vết Kitô giáo trong sinh hoạt tri thức, văn hóa và xã hội. Mặt khác, con người quá đề cao lợi nhuận, tiêu dùng, những giá trị thực tại và khuynh hướng tự do cá nhân. Đó là những căn nguyên dẫn đến thái độ dửng dưng hay chống lại các chuẩn mực luân lý, niềm tin và xa rời Thiên Chúa. Chủ nghĩa Hậu hiện đại không hướng con người đến những giá trị siêu việt, thay vào đó lại đặt ra quá nhiều câu hỏi mà không có câu trả lời rõ ràng, chúng trở nên nghiêm trọng hóa bởi các ràng buộc mơ hồ về xã hội, cá nhân và trí tuệ, dẫn đến sự mơ hồ nơi con người về thái độ sống, lý tưởng và tương quan nhân vị. Văn hoá giờ đây hời hợt và trống rỗng về nhân bản, đạo đức, luân lý, đặc biệt ở các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam... làm cho tâm thức con người vừa trở nên vô cảm vừa vô vọng” (https://giaophanthanhhoa.net/triet-hoc/triet-hoc-hau-hien-dai-va-nhung-anh-huong-cua-no-26657.html).

Nguồn tin: Phêrô Phạm Văn Trung ​​​​​​​

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập119
  • Hôm nay16,075
  • Tháng hiện tại183,319
  • Tổng lượt truy cập36,685,975
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây