THẤT TRUNG (CN 27 QN.A).

Thứ tư - 01/10/2014 22:25

THẤT TRUNG (CN 27 QN.A).

Dân Do-thái khi đã an cư lạc nghiệp nơi vùng Đất Hứa, họ gia công làm việc để gầy dựng cuộc sống. Chấm dứt thời gian lữ hành ăn Manna, thịt chim cút và uống nước suối. Giữa vùng đất sỏi đá, họ đã dùng sức lao động để chuẩn bị những mảnh vườn trồng nho mầu mỡ. Có lẽ nhiều người trong chúng ta không quen thuộc với hình ảnh vườn nho, dàn nho hay cây nho nặng trĩu trái ngọt.


 


THẤT TRUNG (CN 27 QN.A).
(Is 5, 1-7; Phil 4, 6-9; Mt 21, 33-43).
 Tiên tri Isaia ví von dân Do-thái như vườn nho được chăm tưới: Người rao giậu, nhặt đá, trồng cây chọn lọc, xây tháp giữa vườn, lập máy ép trong vườn và trông mong nó sinh qủa nho nhưng nó lại sinh toàn nho dại (Is 5, 2). Người chủ trồng loại nho tốt trong vườn, nhưng kết qủa dàn nho chỉ sinh ra toàn trái nho dại. Isaia ngụ ý nói về đời sống bất trung của dân Do-thái. Một dân tộc được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc và bảo vệ ân cần, nhưng rồi dân chúng chứng nào cứ tật đó. Họ đã từ bỏ giáo huấn của Chúa để chạy theo lối sống của các dân ngoại.
Đọc qua lịch sử của dân Do-thái, chúng ta nhận biết họ là một dân tộc rất thông minh, ưu tú và giầu có. Họ đã trải qua biết bao thăng trầm để kiến thiết đất nước. Các dân tộc chung quanh luôn quấy phá, nên chẳng mấy khi dân chúng được sống trong yên hàn. Xưa kia, Thiên Chúa đã hứa ban cho họ một dòng dõi đông đúc và trường tồn, nếu họ biết trung thành giữ các huấn lệnh và giữ lời giao ước. Suốt dọc lịch sử của hơn một ngàn năm trước Đấng Cứu Thế xuất hiện, họ đã bị lưu đầy xa xứ nhiều lần, làm nộ lệ cho ngoại bang và thành thánh bị phá đổ tan hoang. Chúa vẫn yêu thương và kiên nhẫn qui tụ họ lại như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh. Thời gian tín trung chẳng kéo dài được bao lâu, họ lại buông bỏ rời xa Chúa. Hậu qủa của sự bất trung: Giờ đây ta tỏ bày cho các ngươi biết ta sẽ làm gì đối với vườn nho ta; Ta sẽ phá hàng rào, để nó bị tàn phá, sẽ phá tường để nó phải bị gầy đạp (Is 5, 6). Dân lại bị lưu đầy tản mác, không phải chỉ trong thời của tiên tri Isaia, nhưng vận số kéo dài cho đến ngày nay. Chẳng mấy khi quê hương xứ sở nước Do-thái được sống trong an bình.
Tiên tri Isaia diễn tả tâm tình của người chủ đau buồn vì bị con cái từ chối và làm cho thất vọng. Như cha mẹ đã rên siết trong lời than van mà Isaia đã thốt lên: Nào còn việc gì phải làm cho vườn nho ta, mà ta không làm? Không có sự buồn phiền sầu não nào hơn là bị bỏ rơi. Như gươm sắc thâu qua trái tim và ghi hằn vết sâu thương tích. Tiên tri đã diễn tả sự vô ơn của một đoàn dân đã hưởng nhờ biết bao ơn lành phước lộc, nhưng đã không sinh ra được hoa qủa mong muốn. Như Giáo hội mẹ cũng mang nhiều tâm tư sầu khổ khi thấy con cái mình thơ ơ lãnh đạm trong việc sống đạo và hành đạo. Nhiều Kitô hữu không còn là muối là men để ướp đời, nhưng đã bị đời ô nhiễm làm biến chất không sinh hoa qủa tốt lành.
Câu truyện dụ ngôn trong bài phúc âm hôm nay tường thuật về việc ông chủ vườn nho cho các tá điền thuê để kiếm hoa lợi. Một vườn nho được chuẩn bị kỹ lưỡng và xếp đặt đầy đủ các phương tiện để giúp thu hoặch mùa màng tốt. Tá điền là những người làm công quản lý gia sản của chủ. Họ đã gian tham lạm dụng sự tin tưởng của ông chủ để làm những việc thất đức. Người làm vườn đã xua đuổi, giết chóc và hãm hại các đầy tớ của chủ được sai đến để thu phần hoa lợi. Vì ác tâm, họ đã giết cả người con thừa tự. Họ tìm cách tiêu diệt tất cả hậu duệ để chiếm đoạt gia sản. Họ đã vào hùa với nhau: Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: Đứa con thừa tự kia rồi, nào anh em, chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó (Mt 21, 38). Lời Chúa trong dụ ngôn này đã động chạm tới các thượng tế và kỳ lão trong dân, vì họ hiểu rằng Chúa Giêsu đang ám chỉ tới cách cư xử thất trung của họ và cha ông họ đối với các tiên tri xưa.
Chúa Giêsu tóm lược sự thất nghĩa của dân tộc Do-thái qua câu truyện dụ ngôn ngắn. Đúng thế, không tiên tri nào được quí trọng nơi quê hương xứ sở của mình. Hầu hết các tiên tri chịu chung một số phận là bị ghét bỏ, đánh đập, xua đuổi và bị giết hại. Chúa Giêsu là vị tiên tri cao cả và là Con Thiên Chúa, rồi đây họ cũng không tha. Nhưng dù họ có loại bỏ và giết đi, Chúa Kitô đã trở nên viên đá góc của tất cả mọi niềm tin và hy vọng. Chúa Giêsu phán: Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh: Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc, đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta (Mt 21, 42). Đá góc quan trọng nối hai bờ tường lại giáp mối với nhau. Chúa Giêsu là trung gian kết hợp con người trong yêu thương.
Trên thế giới hiện nay, có tổng cộng trên 2.18 tỉ Kitô hữu trong mọi tầng lớp. Ba nhóm Kitô hữu đông nhất là Giáo Hội Công Giáo, Tin Lành và Chính Thống Giáo Đông Phương. Có trên 1.09 tỉ người là Công Giáo, nửa số Kitô hữu còn lại cũng đều tin vào Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ. Giống như muôn hoa đua nở, có rất nhiều giáo phái khác nhau trong cùng một niềm tin. Các giáo phái thuộc các tôn giáo luôn củng cố và phát triển mỗi ngày vững mạnh hơn. Sự đối thoại liên tôn giúp các phe nhóm trong các Giáo Hội sát gần lại với nhau hơn. Tuy có nhiều khác biệt về tổ chức, chủ trương, cách hành lễ và thực hành đạo, nhưng chung qui về một tảng đá góc, đó là Chúa Giêsu Kitô. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận định để trả lời cho đại diện của nhóm những người Tin Mừng rằng: “Tôi không quan tâm tới việc cải đạo những anh chị em Tin Mừng qua đạo Công Giáo. Tôi muốn người ta tìm được Chúa Giêsu ngay trong cộng đồng của họ. Hiện có rất nhiều đạo lý mà chúng ta không thể nhất trí với nhau được. Nhưng chúng ta hãy để ý tới việc biểu lộ tình yêu của Chúa Giêsu.”
Một thực tế là niềm tin và cuộc sống con người khó thay đổi để trở nên một, nhưng vẫn có thể hiệp nhất với nhau trong Chúa Kitô. Cách tốt nhất là chấp nhận nhau và thăng tiến mỗi ngày để giúp nhau sống tốt hơn. Chúng ta không thể đi ngược lại thời gian. Giáo Hội trải qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm trong cơ cấu tổ chức. Niềm tin vào Chúa Kitô được tỏ bầy dưới nhiều hình thức rất đa dạng. Mỗi người được mời gọi vào làm vườn nho cho Chúa. Lúc nào vườn nho cũng cần được vun xới để sinh hoa kết qủa tốt. Mỗi chúng ta đều là tá điền có bổn phận chăm lo một phần nhỏ trong vườn nho nhà Chúa. Khi mùa thu hoặch đến, chúng ta hy vọng sẽ thu phần hoa lợi tốt qua đức bái ái yêu thương và biết chia sẻ cuộc sống. Dụ ngôn về các tá điền thách đố chúng ta tiếp tục trung thành làm việc trong vườn nho Chúa, đừng để bị thất vọng. Chúng ta sẽ cung cấp những hoa trái tốt lành bằng gương sáng trong cuộc sống.
Thánh Phaolô khuyến khích chúng ta đặt niềm tin tưởng vào Chúa Kitô trong khi cầu nguyện. Không thể cậy dựa vào sức riêng của mình, nhưng với ơn trợ giúp của Chúa, chúng ta sẽ gặt hái được nhiều thành qủa trong đời sống tâm linh: Anh em thân mến, anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ (Phil 4, 6). Đừng lo lắng nhưng hãy phó thác vào sự quan phòng của Chúa. Chúa tiếp tục dẫn dắt lịch sử nhân loại. Thiên Chúa đã gieo những hạt giống tốt vào tâm hồn của chúng ta, Ngài mong mỏi hạt giống sẽ sinh ra nhưng bông hạt quí báu. Đừng để sinh ra những trái nho chua vô bổ của sự hiềm thù, ganh ghét, ích kỷ và vô ơn.
Lạy Chúa, chúng con là môn đệ, là tá điền và là chứng nhân của Chúa, xin cho chúng con biết nỗ lực tiến bước và làm phát sinh những hoa qủa tốt là lòng bao dung, sự quảng đại, yêu thương và tha thứ.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trần Việt Hùng Bronx, New York

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập17
  • Hôm nay7,562
  • Tháng hiện tại71,412
  • Tổng lượt truy cập35,717,757
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây