Theo thời gian, tâm hồn người cần được gột rửa,…..(Ảnh từ Internet)
Tôi là kiểu người rất hay để ý đến cách suy nghĩ của người khác.
Khi lên đại học, một lần, tôi và người bạn ra công viên bờ sông ngắm cảnh, do trước đó có xem qua dự báo thời tiết, biết trời sẽ mưa nên mang theo dù.
Lúc gần 4 giờ chiều, chúng tôi đi ngang qua một con đường đông đúc người bán hàng rong, đột nhiên trời đổ mưa, đám người buôn bán nhanh chóng tản ra. Tôi với người bạn cũng rất nhanh chân chạy vào trú dưới một mái hiên ven đường. Tôi bất chợt thấy một ăn mày cụt chân ngay chính giữa đường cái, đang dùng tay cố ra sức lê mình đi hướng về phía dưới mái hiên.
Mưa theo bộ y phục rách rưới chảy xuống, tóc anh ta ướt đẫm, anh cúi đầu, cố để mình ít bị ướt hơn, rồi bất ngờ rủ mạnh hai tay.
Phản ứng đầu tiên của tôi ngay lúc đó là bung dù, nhưng đến khi chiếc dù sắp bật lên, tôi phát hiện người trú dưới mái hiên chẳng có động tĩnh gì, họ bình tĩnh nhìn anh ta lê lết trong mưa, vì thế tôi do dự, họ không trông thấy sao?
Tôi hỏi dò người bạn học, mong nhận được chút động viên từ bạn để làm cái việc tốt lành này.“Có cần tới chỗ người kia che dù cho anh ta hay không?”, tôi dè dặt hỏi thử.
“Không cần đâu, mọi người đây có ai làm đâu, chút nữa là anh cũng tới nơi rồi”.
Tôi đột nhiên lùi về mái hiên, thu dù lại, cúi đầu yên lặng.
Mắt tôi không rời khỏi người ăn mày, anh ta quả thực chẳng mấy chốc đã đến được bên dưới mái hiên, mưa cũng rất chóng tạnh.
Thế mà tối hôm đó, khi nằm trên giường, tôi không tài nào ngủ được, khi nhắm mắt trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh người ăn mày cúi đầu, cố gắng dùng tay lê mình đi trong mưa.
Trận mưa đó vậy mà ở trong tâm tôi rất lâu.
Tôi mất rất lâu mới có thể tống được cảm giác hối lỗi, tại sao tôi không đi đến che dù cho anh ta, rõ ràng là tôi có ý định này, tại sao tôi không làm chứ?
Bởi vì ai cũng không làm, bởi vì tôi sợ người khác cho rằng tôi giả bộ, bởi vì tôi sợ mình làm ra cái việc chẳng giống ai, bởi vì tôi để ý đến cách nhìn của người khác, bởi vì tôi chưa thực sự muốn làm, bởi vì, bởi vì …
Tôi suy nghĩ rất nhiều, nội tâm tự trách rất lâu, đột nhiên tôi tự nói với mình, sau này bất kể chuyện gì xảy ra, tôi cũng không được làm trái với mong muốn tận trong tâm mình.
Tôi nhớ, lúc nhỏ, mẹ dắt tôi đi dạo, lần đâu tiên tôi trông thấy một người ăn mày. Mẹ đưa tôi 1 đồng tiền, bảo tôi chạy tới đưa cho ông ta, đồng thời dặn tôi phải ngồi xuống đưa tiền. Tôi trốn sau lưng mẹ, có chút sợ hãi thẹn thùng, nhưng rồi cũng dè dặt tiến tới, ngồi xuống cầm tiền bỏ vào trong bát đựng nhỏ của ông ta. Ông ngẩng đầu lên vui vẻ nói cảm ơn. Tôi liền vội xoay người chạy đi….Bây giờ nhớ lại, cảm thấy ngày đó ánh mặt trời đặc biệt rực rỡ, còn tôi lại rất ư vui vẻ.
Sau khi lớn lên, đi học ở thành phố vào mùa đông, khi đó trời có tuyết rơi, y như rằng cũng sẽ có cụ già quỳ trên đất cuối đầu xin ăn. Lúc đầu, tôi chỉ cần vừa mới trông thấy liền cho tiền họ, nhưng rồi sau này tôi phát hiện ra rằng trên một con phố sẽ phải 3 – 4 lần cho tiền, tôi do dự, rất nhiều người cần giúp đỡ, tôi mãi mãi chính là giúp không xuể.
“Đều là gạt người cả thôi, họ kiếm được rất nhiều, tôi còn nghe nói có người hành khất cứ hết giờ là lái xe đi về”, bác gái bán khoai lang nói với tôi.
Tôi xách túi khoai lang lặng lẽ rời đi, không để ý tới họ, do không mang bao tay nên đôi tay hơi buốt vì lạnh. Khi ấy, tôi đang đi đến trường học, đột nhiên suy nghĩ, “Cứ cho là gạt người đi, mùa đông lạnh thế này thì quỳ trên mặt đất cũng không dễ dàng gì, họ hẳn là rất lạnh rồi, quỳ trên mặt đất, tuyết rơi nhiều như vậy cơ mà”. Tôi xách túi khoai lang hướng về phòng ngủ, rồi bất chợt điên cuồng chạy quay trở lại. Đáng tiếc là ngày ấy tuyết rơi nhiều quá, trên đường phố chẳng còn ai.
Tôi thẩn thờ quay trở về, đặt túi khoai lên bàn, bỗng nhiên có cảm giác khó chịu không giải thích được.
Làm việc thiện vốn là chuyện vui vẻ tự nhiên, từ lúc nào tôi bắt đầu thay đổi nghiêm trọng như thế.
Một khi lâm vào tâm trạng hoặc tình cảnh khốn cùng, thì sẽ ráng nhớ đến việc phải thay đổi suy nghĩ lan man trong đầu, nhưng khi đã thoát ly hoàn cảnh thì lại rất nhanh quên. Tôi không thể như vậy được.
Tôi không thể tiếp tục sống mà lại làm trái tâm ý của chính mình. Tâm tôi muốn gì, tôi sẽ làm cái đó.
Vẫn như trước kia, mỗi lần nhìn thấy những người ăn mày, tôi đều sẽ cho họ tiền, đôi khi sẽ cho đồ ăn, mua hoa quả kẹo. Họ sẽ đôi chút ngạc nhiên, nhưng rồi cũng vui vẻ nói cảm tạ.
Buổi sớm thức dậy, ra khỏi cửa tôi hay gặp người thu dọn rác khu phố, thường cho bà mấy bộ đồ không dùng nữa, đôi khi là đồ dùng hàng ngày. Thế là có lần đi ngang qua chỗ quét rác, bà gọi tôi lại, rồi ra vẻ bí ẩn từ trong túi lấy ra một vật nho nhỏ, tựa như một con búp bê thủ công thô sơ.“Mua tặng cô đó”, bà vui vẻ nói như một đứa trẻ.
Trời mưa, thấy người không mang dù, tôi sẽ bảo họ che cùng dù với mình, có người sẽ cảnh giác từ chối, cũng có người tỏ vẻ kinh ngạc nhưng rồi cũng đồng ý, trên đường trò chuyện với nhau thật vui, quen được vài người bạn không tồi.
Hãy như một đứa trẻ khi cho đi sự thiện lương ….(Ảnh minh họa từ Internet)
Khi ngồi trên tàu lửa, tôi sẽ nhường ghế cho người phụ nữ dẫn theo con không mua được vé, còn mình thì đứng cả đêm. Đợi đến khi xuống xe, người phụ nữ ấy nhiệt tình giúp tôi xách hành lý, lưu số điện thoại của tôi, còn giới thiệu cho tôi những nơi đáng đến thăm.
Tôi sẽ mua một hai cân trái cây còn sót lại của cô bán hoa quả, để cô được về nhà sớm với con. Riết rồi thành quen, cứ mỗi lần trên đường về nhà, đều tán gẫu vài câu. Có hôm, “Biết cô thích ăn đào, hôm nay tôi nhập về loại cực ngon, bán sẽ rất đắt nên để một ít lại cho cô”.
Khi nhìn thấy chú làm công không có tiền ăn cơm, kì kèo chút đỉnh với ông chủ quán rồi bị chế nhạo, tôi sẽ ngay lập tức gọi đồ ăn cho ông, rồi giả bộ vừa có việc gấp nên ăn không hết, nên nhờ ông ăn giúp. Ánh mắt ông đầy cảm kích. Ông chắc hẳn là đã có một đứa con dễ thương, hy vọng con của ông biết được rằng ba của nó vì nó mà nỗ lực rất nhiều.
Có 1 lần nhận được rất nhiều tiền lì xì của bạn bè, liền gởi đến cho một đứa trẻ “bơ vơ”, sống với ông bà do cha mẹ đi làm xa một năm mới được gặp con một lần. Không lâu sau cậu bé viết thư cho tôi, lời lẽ ngông nghênh nhưng trẻ con. Bạn bè tôi xem qua bảo rằng, chúng đều chẳng phải tự nguyện viết, chẳng qua là bị thầy cô bắt viết. Tôi cười cười, rồi rời đi. Bất ngờ không lâu sau, tôi nhận được điện thoại của cậu.
Giọng phổ thông không chuẩn, giọng vang, “Cảm ơn cô, cháu phải đi rất xa mới gọi điện cho cô được, cũng nhờ thầy cô giúp cháu hỏi số của cô, cháu với ông nội đều rất biết ơn cô, đợi sang năm ông và cháu muốn tặng cô ít ngô”.
Tôi nghe điện thoại mà nghẹn ngào nói không thành lời.
Tại sao con người muốn lương thiện? Tôi cũng không rõ, có lẽ là vì muốn được sống tự do mở rộng tấm lòng một chút.
Thế giới này rất nhiều người xấu, cũng có rất nhiều người tốt, cho đi thiện tâm, sẽ được nhận lại thiện tâm từ người khác.
Khi ta để ý đến ánh mắt của người khác cũng là lúc ta mất đi sự đồng cảm, cũng không biết hành động, nội tâm tôi sẽ áy náy, cảm thấy rằng bản thân đã phản bội sự chân thật của chính mình.
Còn khi biến hết thảy ý tưởng ôn hòa thiện lành thành hành động, thì dạng cảm giác nhẹ nhàng thoải mái này không có sự việc nào có thể thay thế được.
Nghĩ đến là phải làm ngay, không chỉ làm việc thiện mà cả những khát vọng.
Tuy nhiên, làm việc tốt, chớ mong cầu đáp trả.
Có người nói, bác gái bán khoai lang cũng rất đáng thương, bạn sao lại có thể cho tiền người ăn mày, bạn có nghĩ đến cảm nhận của bác bán khoai chưa?
Kì thực, ngày đó tôi muốn cho ông ta khoai lang, chứ không phải tiền, bởi vì nghĩ mình đủ khả năng giúp ông ta chút gì đó. Trước đó, tôi cũng có xem qua một bài báo, đại khái có nội dung là không cho tiền ăn mày, để đời sống sinh hoạt của những người thuộc tầng đáy xã hội không mất đi ước vọng nỗ lực, phấn đấu.
Không nên để cho họ nghĩ rằng tự bản thân tôi nỗ lực, còn người hành khất kia thì chẳng làm gì, tôi và đời sống sinh hoạt chẳng khác nhau lắm.
Tại đây, tôi cũng không có ý bàn luận là có nên cho tiền người ăn mày hay không, nói cho cùng thì vấn đề là nên hay không nên đồng cảm với người ăn mày.
Tôi chỉ cho rằng nếu bạn cho rằng chuyện này là đúng thì cứ việc làm, tôi cũng từng thử bỏ mặc họ, nhưng trong tâm sau đó lại bức rứt khó chịu, vậy nên tôi không muốn như thế.
Hơn nữa, người bán khoai lang cũng rất tốt, một buổi chiều nọ, bà với người ăn mày ở dưới mái hiên, đó là một đứa trẻ ăn mày bị tật ở chân, tôi đi siêu thị mua ít đồ cũng tránh mưa ở đó, bỗng nhiên tôi thấy bà ấy bóc vỏ khoai lang rồi đưa cho đứa trẻ ăn mày.
“Nhóc có lạnh không, nhà cháu ở đâu?”
Đứa trẻ chẳng nói chẳng rằng, chỉ lẳng lặng ăn khoai.
Tôi mới nhận ra rằng sự lương thiện chính là bản tính trời sinh, tôi với bạn dẫu cho có đọc bao nhiêu sách, tiếp thụ bao nhiêu tri thức thì cũng chẳng có quan hệ gì. Thiện lương không phải là sự ước thúc phẩm hạnh từ người khác, mà là tấm lòng bác ái đối với mọi người xuất phát từ nội tâm một cách tự nhiên.
Người xưa nói: “Yêu trẻ trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho”, ấy chính là kính trọng người già nhà ta cũng bằng như người già nhà người, yêu thương con trẻ của ta bằng như con trẻ của người.
Theo đó, con cái của người khác cũng giống con mình, người già nhà người khác cũng không khác chi người nhà mình.
Đại ý chính là như vậy, ước thúc bản thân trong giới hạn đạo đức để không làm tổn hại người khác, cũng là một loại thiện lương rồi.
Tóm lại, sống sao cho không thẹn với lương tâm, vui vẻ tự tại là tốt rồi.