Năm lên 7 tuổi, tôi dứt khoát bỏ nhà ra đi. Lý do là vì không thể nào chịu nổi cái bầu khí ngột ngạt gia đình với một người cha nghiện ngập, ăn không ngồi rồi, suốt ngày lân-la đầu đường cuối chợ. Tôi ra đi không mang theo bất cứ vật dụng gì, ngoại trừ bộ áo đang mặc trên người.
Tôi đi bộ mãi đến Lucre, một làng nằm cách Cusco 25 cây số về hướng nam, gần biên giới với nước Bolivia. Nơi đây tôi gặp một người đàn bà tôi chưa quen biết. Tôi hỏi xin bà một chỗ trọ và bù lại tôi hứa sẽ làm tất cả những gì bà cần tôi làm. Người đàn bà chấp thuận và bảo tôi quét dọn nhà cửa cho bà. Mọi sự xem ra dễ dàng trôi chảy trong vòng vài tuần lễ.
Nhưng hạnh phúc - dầu chỉ đạt mức cỏn con tối thiểu - không kéo dài lâu. Mọi sự bỗng một sớm một chiều thay đổi tận gốc rễ. Bắt đầu với lương thực. Tôi chỉ nhận phần ăn nhỏ xíu kèm theo lời nhiếc mắng khinh-chê: ”thằng vô-tích-sự / đứa ngu đần”! Mặc dầu mới 8 tuổi đời, tôi đã hiểu thấm thía thế nào là thân phận của kẻ nghèo hèn thất học bị giới giàu sang đối xử rẻ mạt! Con trai bà chủ - một thanh niên khoảng 25 tuổi - cư xử với tôi như loài cầm thú! Tôi nhớ như in ánh mắt khinh-khỉnh, giọng nói miệt-thị kèm theo cử chỉ khinh-bỉ mỗi khi anh đối diện với tôi.
Sau cùng gia đình bà chủ quyết định sai tôi đi chăn đàn súc vật gồm vài con chiên và mấy con cừu, mãi tận trên đồi Cordigliera. Có những ngày tôi đi chăn chiên với cái bụng đói meo. Trong những ngày dài đăng-đẳng ấy, một mình ngồi buồn-hiu dưới trời nắng gay-gắt hoặc ngồi thu mình chịu-trận dưới những cơn mưa tầm-tã, lòng tôi dâng lên niềm uất hận vô bờ. Tôi nguyền rủa cha mẹ và nguyền rủa chính tôi vì đã vô phúc sinh ra làm người trên cõi đời này! Tôi nhớ có những lần tôi khóc trọn ngày, khóc trong cô đơn buồn tủi. Thật vô cùng bất hạnh nếu ngày nào tôi trở về nhà mà thiếu một con chiên hay một con cừu! Tôi bị đánh đập tàn nhẫn, bị bỏ đói và bị đuổi trở lại đồi để tìm cho ra con vật bị lạc mất.
Bởi vì cuộc sống quá khốn khổ và đói khát như thế nên đôi lần tôi có ý định quay về làng cũ sum họp với gia đình. Nhưng tôi không thể thực hiện ý muốn vì trong túi không có một đồng xu. Rồi gia đình bà chủ lại gởi tôi đến trường với duy nhất một cuốn vở. Làm như thế để mọi người thấy rằng tôi chỉ là một thằng nhỏ vô-tích-sự!
Vào một lúc vì không thể chịu đựng được nữa tôi dứt khoát rời bỏ căn nhà bà chủ ác-độc và ra đi, dầu không biết phải đi đâu. Không biết đi đâu nhưng điều duy nhất tôi biết rõ lúc ấy chính là:
- Không thể có điều gì khốn khổ bi đát hơn sẽ xảy ra so với những gì tôi đã trải qua!
Tôi rời làng Lucre với con tim tan nát và với ý nghĩ đắng cay vì cho rằng cuộc đời tôi quả thật bất hạnh, không đáng sống! Tôi nghiêm chỉnh nghĩ đến việc kết liễu mạng sống cho xong. Năm ấy tôi độ 12 hay 13 tuổi.
Sau đó tôi tìm được việc làm nơi một tiệm bánh mì. Nhưng chỉ vỏn vẹn sau 3 ngày, bà chủ cũ lù-lù xuất hiện. Bà la ó om sòm. Bà vu-khống tôi ăn cắp tiền của, quần áo và chưa trả hết nợ trong thời gian tôi được ở nhà bà và được bà nuôi dưỡng. Chửi rủa hả-hê, bà đùng-đùng lôi tôi ra trạm cảnh sát. Rất may nhờ ơn Chúa, cảnh sát đoán biết tất cả thảm trạng cuộc đời tôi, nên quyết định giải thoát tôi khỏi nanh vuốt người phụ nữ dữ-dằn.
Thời gian này, tôi thành công trong việc vừa đi làm vừa đi học. Ban ngày tôi đến trường, ban tối tôi đến lò bánh mì. Đồng lương rẻ mạt đến độ đôi khi không đủ tiền trang trải mọi chi phí và mua thức ăn. Có những ngày tôi chỉ ăn toàn rau cỏ. Trong những ngày khốn khổ ấy tôi rất thương nhớ mẹ hiền và muốn quay về với gia đình. Nhưng lòng oán ghét thân phụ vẫn còn quá đậm đến độ tôi vẫn không muốn trông thấy mặt ông, người mà tôi cho là phải chịu trách nhiệm về mọi khốn khổ đau thương tôi đã trải qua.
Sau khi xong bậc trung học, tôi bắt đầu làm việc toàn phần. Mỗi ngày tôi đứng bán bánh mì và cà-rem. Thế rồi THIÊN CHÚA Quan Phòng cho tôi có dịp gặp và quen biết một trong những người làm việc với Phong Trào Thừa Sai Tôi Tớ Người Nghèo Thế Giới Thứ Ba. Ít lâu sau đó Phong Trào đề nghị cho tôi một công việc nơi trụ sở của Phong Trào tại Huacarpay, cách thành phố Cusco khoảng 20 cây số.
Bầu khí nơi tôi làm việc hoàn toàn mới lạ. Nơi đây tôi gặp những người cư xử với tôi như một chủ-thể có nhân phẩm, thật sự để ý đến tôi và hoàn toàn tín nhiệm nơi tôi. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc và không giấu được nỗi sung sướng đến rơi lệ. Ngay chính lúc ấy tôi bỗng nhận ra cách rõ ràng rằng, suốt thời gian qua, THIÊN CHÚA luôn theo sát, chăm sóc và dẫn dắt tôi trong từng đường đi nước bước.
Hai năm sau, Phong Trào xây cất ”Thành Phố Thanh Thiếu Niên” tại Andahuaylillas và khánh thành ngày 25-8-2007. Giờ đây Trung Tâm Giới Trẻ trở thành căn nhà thật sự của tôi. Tôi làm bất cứ việc gì người ta cần tôi phụ một tay, ngay cả việc giúp bếp, nơi phải dọn bữa ăn mỗi ngày cho khoảng 250 người. Một trong những ơn huệ trọng đại nhất là được theo học các khóa giáo lý do các Linh Mục phụ trách. Nhờ các buổi học hỏi này mà tâm lòng tôi hoàn toàn biến đổi. Tôi lớn mạnh trong Tình Yêu và trong Đức Tin Công Giáo.
Tôi quyết định quay về làng cũ để chào thăm cha mẹ và nhìn lại căn nhà nơi tôi chào đời. 15 năm xa cách giờ đây tôi là thanh niên 22 tuổi đời. Làng tôi cũng khác xưa: có điện và có nước uống trong lành. Căn nhà nghèo nàn lụp xụp xưa kia của gia đình bây giờ cũng khá hơn một chút. Cha Mẹ tôi đi vào tuổi già. Tôi biết mặt hai đứa em trai sinh ra sau khi tôi bỏ nhà đi lang thang. Đặc biệt thân phụ tôi không còn say sưa rượu chè. Cuộc hội ngộ diễn ra vô cùng cảm động. Mọi người ôm hôn tôi và khóc nức nở. Mẹ tôi khóc ròng.
Muôn vàn cảm tạ hồng ân bao la của THIÊN CHÚA Quan Phòng. Tôi trở lại Trung Tâm Giới Trẻ tiếp tục làm việc và gởi một phần lương về giúp gia đình.
... ”Chớ để tâm hồn con chìm đắm trong phiền muộn, cũng đừng để mình nặng trĩu những ưu tư. Tâm hồn sướng vui thì con người giàu sức sống, niềm vui sẽ kéo dài tuổi thọ. Hãy ru ngủ hồn con và trấn an cõi lòng, nỗi buồn chán, hãy đẩy xa con, vì nó đã làm cho nhiều kẻ vong mạng, chứ không hề đem lại lợi ích chi. Nóng nảy, bực bội khiến ngày đời bị rút ngắn, và lo lắng làm cho già trước tuổi. Lòng thơ thới thì miệng thấy ngon, thưởng thức được đồ ăn thức uống” (Sách Huấn Ca 30,21-25).
(”Missionari Servi dei Poveri del Terzo Mondo”, Opus Christi Salvatoris Mundi, Septembre 2008, Anno 21, 2o Quadrimestre 2008, trang 25-27)