NGƯỜI TÔI TỚ

Thứ bảy - 15/04/2017 06:49

NGƯỜI TÔI TỚ

Hôm nay toàn thể Giáo Hội tưởng niệm việc Chúa Giêsu chịu chết. Việc tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu không phải là ôn lại một kỷ niệm trong quá khứ, nhưng để chiêm ngắm việc Người chịu chết để ta khám phá ra Tình Vô tận mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Cái chết của Chúa Giêsu không phải như cái chết của một ông vua, một nhà lãnh tụ của quốc gia, của một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử của loài người. Cái chết Chúa Giêsu là cái chết của Người Con Một, Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa.

Giáo hội như muốn mời gọi chúng ta đi vào thinh lặng, từ các trang trí cho đến những bài ca phụng vụ, tất cả đều đưa chúng ta vào cõi thinh lặng.  Thinh lặng để nhìn ngắm Chúa Giêsu trên Thập Giá, thinh lặng để lắng nghe tiếng nói từ Thập Giá.  Thập Giá vẫn mãi mãi là một mầu nhiệm.  Tại sao điều đó có thể xảy ra cho Thiên Chúa?  Tại sao Con Một Thiên Chúa lại có thể chịu chết treo trên Thập Giá?

 

Cái chết của Chúa Giêsu mang nhiều ý nghĩa: Đó là cái chết được báo trước: “Con Người sẽ bị nộp cho các Thượng tế và Kinh sĩ.  Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại.  Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, sẽ đánh đòn và giết chết Người.” (Mc 10, 33-34).  Đó là cái chết vì yêu mến Chúa Cha, để vâng phục thánh ý Chúa Cha.

 

Chúa Giêsu chịu chết để tiêu diệt thần chết là ma quỷ và sự dữ.

 

Chúa Giêsu chịu chết vì tội lỗi của nhân loại, vì yêu thương và muốn cứu chuộc nhân loại.  Nhờ sự chết của Chúa, loài người được giao hòa với Thiên Chúa.  Nhờ sự chết của Chúa, con người được sống và được tham dự vào sự phục sinh của Người.  Thật vậy, Chúa chịu chết để cho con người được hưởng vinh quang trong Nước Trời.

 

Cho dù có phải hy sinh, tủi nhục, đau khổ, bị bỏ rơi, Chúa vẫn sẵn sàng đi trọn con đường đau thương, vẫn trung thành vác thập giá và nhất là phải chết trên thập giá.

Trên thập giá, Chúa Giêsu trở nên “Chiên Thiên Chúa đến gánh tội trần gian” (Ga 1,29), mang lấy tội lỗi nhân loại nơi thân mình Người.  “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,21).

 

Thiên Chúa đã chết vì tội chúng ta.  Thiên Chúa đã phải trả giá quá đắt để cứu loài người khỏi chết. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian như thế đó!  Vậy mà tôi vẫn vô tâm !

 

Về cuộc tử nạn và cái chết của Chúa Giêsu, thiết tưởng chúng ta chỉ nên giữ thinh lặng.  Trong thinh lặng, chúng ta mới cảm nhận được cái nhìn yêu thương trìu mến của Chúa Giêsu.  Và trong cái nhìn ấy chúng ta mới nghe được chính tiếng nói của Ngài.  Chỉ có kẻ đau khổ mới có thể đưa chúng ta vào nỗi khổ đau của họ.  Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể đưa chúng ta vào những nỗi khổ đau của Ngài.  Sự thinh lặng đưa chúng ta vào mầu nhiệm của khổ đau.

 

Trong hai người cùng chịu treo trên Thập Giá bên cạnh Chúa Giêsu, một người đã không ngừng lên tiếng kêu gào rủa xả, trong khi đó kẻ được mệnh danh là trộm lành chỉ biết thốt lên lời van xin cứu vớt.  Ðối với chúng ta, điều đó thật là phải lẽ, xứng với tội lỗi chúng ta.  Kẻ trộm lành quả thực đã đi sâu vào mầu nhiệm của Thập Giá, ông đã nhận ra thân phận tội lỗi của mình.

 

Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá trước tiên là một bày tỏ về bộ mặt tội lỗi của nhân loại.  Mãi mãi Thập Giá vẫn là biểu trưng của sự độc ác của con người.  Ðó là đỉnh cao trí tuệ của con người trong việc sáng chế ra những phương thế để hành hạ nhau, để loại trừ nhau, để chém giết nhau.  Ðó là bản án của tội lỗi nhân loại trải qua mọi thời đại.

 

Nhìn lên Thập Giá Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta chỉ có thể đấm ngực ăn năn về chính tội lỗi của mình mà thôi.  Thập Giá của Chúa Giêsu vẫn luôn có đó để chiếu rọi vào thân phận tội lỗi của con người.  Thập Giá không chỉ là mạc khải về tội lỗi của con người, nhưng tội lỗi còn là mặt trái của một nguồn ánh sáng vô biên.

 

Ðó là ánh sáng của tình yêu.  Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá là biểu tỏ của một tình yêu tha thứ cho đến cùng.  Có lẽ người trộm lành đã hiểu được điều đó khi ông quay nhìn sang Chúa Giêsu trên Thập Giá.  Trong ánh mắt của Chúa Giêsu, người trộm lành chỉ có thể thấy bừng lên tình yêu nhân từ và tha thứ khi được tình yêu Chúa Giêsu chiếu dọi vào.  Bên cạnh Chúa Giêsu, người trộm lành được ôm ấp với cái nhìn trìu mến và tha thứ của Ngài.

 

Ta còn được mời gọi nhìn thấy chính cây giá gỗ, trên đó Đức Giêsu chịu đóng đinh như là một dụng cụ nhục hình và tử hình.  Thập giá là hình phạt tiêu biểu mà Lề Luật dành cho người phạm trọng tội.  Vì thế, Thập Giá là biểu tượng cho công lí của con người.

 

Ấy vậy mà, người chịu đóng đinh là chính Đức Giêsu, Đấng hoàn toàn vô tội, Đấng công chính hoàn hảo; vì thế, sự công chính của con người chỉ là giả tạo, gian dối và chỉ có vẻ bề ngoài. 

 

Nơi Thập Giá, Đức Kitô muốn giải thoát ta một cách chính xác khỏi sự công chính giả tạo nhân danh Lề Luật, sự công chính bề ngoài đến từ chính chúng ta, để trao ban cho chúng ta sự công chính của chính Ngài, sự công chính đích thật của con Thiên Chúa.

 

Nơi Thập Giá, Đức Kitô mang vào mình mọi “bệnh hoạn tật nguyền” của chúng ta, để làm cho chúng ta trở nên lành mạnh, nên công chính cách nhưng không, như bài ca về “Người Tôi Tớ Đau Khổ” đã loan báo.  Vì thế, trên tất cả, nơi thập giá của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi nhìn ra trong tín thác và bình an thẳm sâu “Khuôn Mặt đích thật” của chính Thiên Chúa.

 

Và rồi khi khám phá ra khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, ta thấy một Tình Yêu vô tận đã yêu thương ta.  Nhận ra như vậy, ta lại sống như thế nào đó cho xứng đáng với sự hy sinh tột cùng của Tình Yêu vô tận đó.

 

 

Tác giả bài viết: Huệ Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập56
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại263,377
  • Tổng lượt truy cập35,909,722
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây