Ghen là hiện tượng tâm lý bình thường, nó có mặt mọi nơi dưới nhiều hình thức, chi phối đời sống con người từ trẻ đến già mà không mấy ai để ý tới. Thói ghen tương phát triển mạnh là nhờ ở chỗ người ta không biết là mình ghen. Ghen mà không biết là mình ghen, cái đó mới nguy. Tính ghen tương thúc đẩy ta vui khi kẻ khác bị chuyện buồn, và khiến ta buồn khi người khác gặp điều vui.
Ghen ghét được coi là một trong 7 mối tội đầu. Lần giở lại những trang đầu Kinh Thánh, chúng ta khám phá ra thói ghen ghét. Ma quỉ phát ghen với cảnh sống hạnh phúc của ông bà nên ra công cám dỗ ông bà. Ông A-dong và bà E-và, vì không bằng lòng với những gì mình có, muốn bằng và thậm trí hơn Thiên Chúa nữa, nên A-dong và E-và ghen tuông với Thiên Chúa hái trái cấm để ăn (x. St 3).
Ghen ghét trong Kinh Thánh
Ghen tương đã đến trong thế gian, len lỏi vào mọi nơi để làm hại con người. Cựu Ước có nhiều cảnh ghen tương, vì ghen tương người ta đã chém giết, đã làm khổ nhau như một số người điển hình: Ca-in giết A-ben (St 4,8); E-sau và Gia-cóp (St 27, 41); Anh em con của Gia-cóp và Giu-se (St 37,4.8); Áp-sa-lon và Đa-vít (2Sm 13,22).
Trong Tân ước, có những người thù ghét Chúa Giê-su và tìm cách làm hại Người như hững thầy thượng tế: Mt 27,1.20: Lc 22,2; Người Giu-đa: Mt 27,22.25; Những kinh sư và Biệt phái: Mt 12.14; Mc 3,6; 11,18; Lc 11,53-54. Mười môn đệ và anh em Gia-cô-bê và Gio-an xin một chức vị lớn trong nước của Ngài đã minh chứng điều đó; Anh cả và đứa em hoang đàng (x. Lc 15,11-32).
Ghen ghét nảy sinh khi so sánh mình với người khác. Sở dĩ có ghen ghét vì người ta người khác hơn mình, mình bị nép vế, bị mất ảnh hưởng, Giô-suê là một bằng chứng. Khi ông Mô-sê được thần khí của Thiên Chúa ngự xuống nói chuyện, thì ông dùng một phần thần khí ngự trên ông mà đặt trên 72 kì mục trong lều trại. Còn hai kì mục nữa là ông En-đát và ông Mê-đát không có mặt ở trong lều trại mà cũng nhận được thần khí nói tiên tri (x. Ds 11,27). Ðiều đó làm ông Giô-suê thắc mắc. Ông Mô-sê khuyên ông Giô-suê đừng quan tâm, vì càng nhiều người nói tiên tri, thì Thiên Chúa càng được vinh danh.
Thánh Gia-cô-bê có kinh nghiệm xương máu về tôi ghen ghét, ngài viết: Vậy “ở đâu có ghanh tị và cãi vã, ơ đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đọa… Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ” (x. Gc 3, 16-4,3).
Thánh Gio-an Tông đồ cũng không nằm ngoài cái thường tình ấy. Ông quan ngại về việc Ðức Giê-su ban quyền năng cho người nghe. Ông ghen tị vì có người không cùng nhóm các Tông đồ đã dùng danh Chúa mà trừ quỉ (x. Mc 9,38). Ông nghĩ rằng họ không được phép vì họ không thuộc nhóm các tông đồ mà lại hành động theo thần trí của Thiên Chúa. Chúa bảo ông: “Không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó có thể nói xấu về Thầy” (Mc 9,39).
Đừng bó óc bè phái
Người đời thường có óc bè phái, ích kỷ, bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phương châm của thế gian là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”. Chúa Giê-su dạy các môn đệ đừng nhìn người khác bằng cặp mắt đố kỵ, nhưng hợp tác với những người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai chẳng chống đối các con là ủng hộ các con” (x. Mc 9,40 ).
Nước Trời và sự sống đời đời là mục tiêu tối hậu. Chúng ta thấy đó đây có người tháo chân, móc mắt, cắt ruột để kéo dài sự sống tạm bợ, xem ra nhẹ nhàng. Để có được sự sống đời đời, chúng ta phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ khác, từ bỏ hy sinh những gì cản trở sống đời đời của chúng ta.
Tay, chân, mắt là những bộ phận rất quan trọng trong cơ thể không thể thiếu để có một đời sống bình thường. Tuy nhiên, chúng có thể trở thành duyên cớ cho ta vấp phạm, sa ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời. Chặt tay, chặt chân hay móc mắt là những điều kinh khủng, gây đau đớn. Bị què tay, què chân hay chột mắt ở đời này là điều chẳng ai muốn. Nhưng Chúa Giê-su mời chúng ta nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu, can đảm cắt bỏ với những thụ tạo đang làm hư hỏng ta chẳng những đời này mà cả đời sau nữa. Chúng ta phải can đảm, quảng đại sống cho giá trị của Tin Mừng, dẫu cho có thiệt thòi, mất mát những vinh hoa trần thế, nhưng có được chỗ đứng trong vương quốc của Thiên Chúa.
Đừng là cớ vấp phạm
Sống yêu thương, quảng đại, hy sinh vì Nước Trời, nên ngay ở đời này chúng ta phải sống tốt, sống gương mẫu, đừng làm cớ vấp phạm cho ai. Nhấn mạnh đến điều này, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô giảng trong Thánh lễ sáng thứ Năm ngày 27 tháng 2 năm 2014 tại Nhà nguyện Mác-ta, ngài nói: “Người Ki-tô hữu bất nhất sẽ làm cớ vấp phạm, và cớ vấp phạm thì giết hại người khác”.
Mang danh là Ki-tô hữu, thì cần phải sống như Ki-tô hữu, suy nghĩ như Ki-tô hữu, cảm nhận như Ki-tô hữu và hành động như Ki-tô hữu. Đó là sự thống nhất trong đời sống của một Ki-tô hữu, nếu thiếu một trong những điều này, thì chúng ta không còn là Ki-tô hữu nữa. Cần phải sống trước sau như một, sống bất nhất sẽ gây rất nhiều tai hại cho người khác.
Thánh Gia-cô-bê đã nặng lời khiển trách những người Ki-tô hữu sống bất nhất huênh hoang, Ngài viết: “Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi”. Trong cộng đoàn có người sống bất nhất như thế thì rất tai hại, trở nên cớ vấp phạm cho người khác”.
Chúa Giê-su lên án người làm cớ vấp phạm: “Kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn”.
Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết sống yêu thương, sống quảng đại mưu tìm kiếm nước Trời, và đừng là cớ vấp phạm cho người khác, nhất là trẻ em. Amen.
Nguồn tin: Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn