KHOAN DUNG THEO TINH THẦN CHÚA KITÔ

Chủ nhật - 29/09/2024 05:48

Một trong những thói tật của con người là nghĩ rằng mình giỏi giang, biết hết mọi sự về bản thân,về  thế giới và cả về Thiên Chúa. Do đó, họ kiêu hãnh coi thường người khác không thể cùng đẳng cấp với mình. Bài Tin Mừng hôm nay chứng tỏ khuynh hướng này cũng không ngoại lệ nơi các môn đệ của Chúa Giêsu ngay khi Ngài còn đang trên đường rao giảng Nước Thiên Chúa. 

1. Suy nghĩ, nói năng và hành động nhân danh Chúa Kitô.

Mọi sự nơi Chúa Giêsu đều là thánh thiện, cả Tên của Ngài. Chính Tổng lãnh thiên thần Gabriel là người đầu tiên nói ra tên Chúa Giêsu với mẹ của Ngài, “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1:31). Chính Chúa Cha trên trời ban cho Ngài tên gọi Giêsu. Thánh Phêrô là một trong những tông đồ đầu tiên rao giảng nhân Danh Chúa Giêsu khi ngài chữa lành một người què: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Chúa Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!” (Cv 3:6). Thánh Phaolô cũng tôn vinh danh thánh Chúa Giêsu khi ngài nói: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Chúa Giêsu Kitô là Chúa” (Philíp 2:9-10). Thánh Phaolô rao giảng nhân danh Chúa Giêsu thường xuyên đến nỗi ngay cả một số thầy trừ quỷ Do Thái lưu động cũng cố bắt chước ngài bằng cách ra lệnh cho quỷ dữ: “Nhân danh Đức Giêsu mà ông Phaolô rao giảng, ta truyền lệnh cho các ngươi!” (Cv 19:13).  

Tuy nhiên trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, thánh Máccô cho thấy các môn đệ của Chúa Giêsu lại nghĩ mình là những người bảo vệ độc quyền danh xưng của thầy mình: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản” chỉ với lý do: “vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9:38). Khi lý luận như thế các ông vô hình trung trở thành những kẻ chôn vùi danh xưng của Ngài, không muốn chia sẻ Chúa Giêsu cho ai khác. Họ biến mình thành những người không khoan dung, rơi vào thói cục bộ, óc phân biệt phe nhóm, đố kỵ với những người không cùng phe với mình. Dĩ nhiên trong não trạng đó thì không ai, ngoại trừ họ, có đủ tư cách hợp pháp để nhân danh Chúa Giêsu giải thoát những người bị quỷ ám: “Có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản” (Mc 9:38). Chúa Giêsu sửa lối suy nghĩ hạn hẹp của các ông bằng cách dẫn họ trở lại với điều cốt yếu: khi chống lại và đẩy lùi mọi sự dữ, mà ma quỷ là nguồn cơn, thì không ai có đủ tư cách hay tự mãn được. Không quan trọng người đó là ai, thuộc về nhóm nào, đoàn thể nào. Chính ông Môsê khi xưa trả lời ông Giosuê: Anh ghen dùm tôi à ? Phải chi Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Ngài để họ đều là ngôn sứ ! Vì Chúa đã ban Thần Khí của Ngài trên họ” (Ds11:29). Hành động mang tính quyết định là nhân danh quyền năng Chúa Kitô để đem lại sự sống tốt lành và loại bỏ điều tai hại. Những ai nói năng, hành xử không vì danh Chúa Kitô cách chân thực, dù họ có tuyên bố thuộc về Hội thánh của Ngài, đều có thể gây gương mù và gây hại cho những người khác. 

Không ai có quyền độc chiếm Chúa Giêsu! Thiên Chúa là người chủ duy nhất của vườn nho của Ngài; Ngài muốn chọn ai vào làm trong vườn nho của mình là tùy theo sự thông biết tuyệt đối của riêng Ngài! Chúa Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến để thi hành thánh ý Thiên Chúa là yêu thương cứu độ loài người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ” (Ga 3: 16-17). Chúng ta ngày nay cần đón tiếp những ai thực sự nhân danh Chúa Kitô và cẩn thận với những ai nhân danh Ngài nhưng lại nói sai, làm ngược những gì Ngài giảng dạy. Thật vậy, trình thuật nhấn mạnh rõ ràng chuẩn mực của mọi việc tốt lành là “lấy danh Thầy mà trừ quỷ” (Mc 9:9:38). Đây là điều căn bản trong các công việc của đoàn thể, giáo họ, giáo xứ, và đừng ngăn cản bất cứ ai sống theo những gì họ được Chúa kêu gọi, chỉ vì “người ấy không theo chúng ta”, không theo các tiêu chuẩn của chúng ta. Việc phân định điều tốt xấu là một bổn phận trong Giáo hội, nhưng từ chối bất cứ ai chỉ vì họ không đáp ứng được các tiêu chuẩn của chúng ta hoặc chỉ vì chúng ta không thích họ là điều Chúa Giêsu không muốn: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy” (Mc 9:39). Tất nhiên, có rất nhiều người tự xưng là giáo chủ và tiên tri trong thế giới ngày nay, sử dụng lời Chúa nhằm mục đích danh lợi cá nhân. Họ thực ra không làm việc “vì danh Chúa Giêsu Kitô”, họ làm việc vì cái danh của chính họ, theo chuẩn mực thế gian, theo “thói đời”. Chính lối sống của họ đi ngược lời Chúa. Tránh xa những kẻ phản chứng là điều cần thiết. Tuy nhiên, Thiên Chúa có lý do tốt lành của Ngài, mà chúng ta không hiểu rõ, khi Ngài chọn ai đó làm phát ngôn viên cho Ngài. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu cho phép họ nói và hành động nhân danh Ngài. Chính Chúa Giêsu kêu gọi Mátthêu và Phaolô, khi ấy các ông chưa đạt chuẩn …. Các ông sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu và sau đó trở thành tông đồ của Ngài, đúng chuẩn.

Không phải đóng kín lại với một nhóm người Công giáo nhỏ bé của mình, tưởng mình có Chúa Giêsu, là đã nên đạo đức hoàn hảo. Ngược lại, khiêm nhường mở lòng mình ra với người khác, đi đến, mở rộng bàn tay, đôi mắt để chia sẻ giúp đỡ những người đang đau khổ, thấp cổ bé họng, đó mới là làm sáng Danh Thiên Chúa. Thuộc về Giáo hội Chúa Kitô không chỉ đơn giản là có tư cách thành viên, giống như thành viên của nhiều hội nhóm xã hội. Thành viên trong dân Chúa, dù thuộc bất cứ quốc gia, chủng tộc, lịch sử hay văn hóa nào, là những người biết đi đến với nhau và hợp tác với tất cả những ai hoạt động vì công lý, nhân phẩm, sinh thái...xây dựng một xã hội, một thế giới ngày càng công bằng, nhân ái. 

2. Người môn đệ Chúa Kitô phải nêu gương sống tốt lành

“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Chúa Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9:41). Lòng bác ái nhân Danh Chúa Giêsu sẽ được ghi nhận và tưởng thưởng, còn gương xấu sẽ bị trừng phạt: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9:42). Thật vậy, người Kitô hữu được kêu gọi nên mẫu gương tốt lành cho người khác, như Chúa Kitô. Nếu họ nêu gương xấu, họ khiến người khác vấp ngã. Lời của Chúa rất mạnh mẽ: “thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9:42). Những gì nơi chúng ta dẫn đến tội lỗi đều cần được “loại bỏ tận gốc”. Nếu bàn tay của chúng ta chỉ để lấy cắp, cướp giật hoặc đánh nhau thì nó có giá trị gì? Nếu bàn chân, nếu mắt chúng ta là nguyên nhân gây ra tội lỗi, hãy chặt nó đi, hãy móc nó ra! (Mc 9: 43-47). Đó là lời cảnh báo khẩn thiết phải kiên quyết tránh xa tất cả những gì “làm cớ cho anh sa ngã...phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt” (Mc 9:43). Chúng ta được kêu gọi cảnh giác thường xuyên với mọi khía cạnh trong cuộc sống chúng ta. Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cần phải luôn nhận định đâu là “dịp tội” phải tránh, vì không môn đệ nào của Chúa có thể coi mình là trong sạch. Sự hoán cải cần được thực hiện liên tục. Chúa Giêsu không chấp nhận những hành động gây gương mù cho những ai tin vào Chúa Kitô, dù họ chỉ là những người nhỏ nhất. Chúng ta phải chịu trách nhiệm nặng nề về những hành động như thế. Nhiều chọn lựa của chúng ta trong đời có thể là “tội gây gương mù” này, và sẽ ném chúng ta xuống biển với cối đá quanh cổ.

Vì vậy, bất cứ ai làm gương xấu cho người khác, bất cứ ai sống cuộc sống lệch lạc, bất cứ ai dẫn dắt người khác đi theo con đường sai trái, bất cứ ai lừa dối và thao túng người khác cách xảo quyệt và gian dối, bất cứ ai tạo ra, biện minh và thúc đẩy điều ác, thay vì xa tránh nó, đều phải chịu sự phẫn nộ của Thiên Chúa và cái chết đời đời: “bị ném vào hoả ngục” (Mc 9:47).

Nhưng thật đáng tiếc còn có biết bao nhiêu người không muốn xa tránh việc gây gương xấu cho người khác? Có bao nhiêu chính trị gia, người nổi tiếng, kể cả các nhà lãnh đạo tôn giáo, những người làm cha mẹ và những người lớn tiếp tục làm gương xấu cho người khác, cho những người “bé nhỏ”?

Thánh Giacôbê trong bài đọc thứ nhất cho chúng ta biết một nguyên nhân lớn gây ra gương xấu là lòng ham muốn của cải. Con người trong sự giàu có của mình trở nên kiêu ngạo, xa hoa, truy tìm khoái lạc, vô tâm, bất công với người khác, gian lận, tham lam, hãm hại người vô tội, không cần đến Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ kết án họ. “Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người. Tài sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn. Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các người. Các người đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này. Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh. Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thoả mãn trong ngày sát hại. Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người” (Gc 5:1-6).

Sự thờ ơ với Thiên Chúa, sự thiếu cầu nguyện, những cuộc cãi vã, sự tức giận, sự vô trách nhiệm, sự sao nhãng trong vấn đề đức tin, sự lừa dối, lòng tham, sự ích kỷ, sự không hướng dẫn, không khuyên bảo, không sửa sai, không khuyến thiện, thiếu dịu dàng, thiếu tử tế, dù là trong gia đình hay trong giáo xứ, trong khu phố hay ở nơi làm việc - tất cả những điều này, chẳng phải là những gương xấu mà chúng ta gây ra cho những người thân yêu, hàng xóm hay đồng nghiệp của mình sao?

Để chữa căn bệnh này, việc đầu tiên là ý thức về mức độ nghiêm trọng của tội lỗi. Hậu quả của nó rất nghiêm trọng: hỏa ngục. Mất đi tứ chi mà vào Nước Thiên Chúa còn hơn đầy dủ thân thể mà phạm tội sa hỏa ngục: “Thà cụt một chân... thà chột mắt... thà thân thể tàn tật... mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ thân thể mà xuống địa ngục” (Mc 9:46-47). MỤC LỤC

 

 

Nguồn tin: Phêrô Phạm Văn Trung ​​​​​​​

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập134
  • Hôm nay10,293
  • Tháng hiện tại273,455
  • Tổng lượt truy cập35,919,800
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây