CÂU HỎI TÌM HIỂU
1. Bạn biết gì về ông Gioan trong Tin Mừng Mác-cô? Đọc Mc 1,19.29; 3,17; 5,37; 9,2.38; 10,35.41; 13,3; 14,33. Đọc thêm Lc 9,51-56.
2. Bạn có thấy gì tương phản khi đọc Mc 9,14-18 và Mc 9,38 không?
3. Đọc Mc 9,38. Bạn thấy ông Gioan và các môn đệ có khuyết điểm gì? Đọc thêm sách Dân số 11,26-30.
4. Đọc Mc 9,39-40. Cho biết hai lý do Đức Giêsu đã đưa ra để sửa sai ông Gioan và các môn đệ.
5. So sánh Mc 9,40 với Mt 12,30. Hai câu này có mâu thuẫn với nhau không?
6. Đọc Mc 9,42. “Những kẻ bé mọn” ở đây để chỉ ai vậy? “Làm vấp ngã” nghĩa là gì? Câu nói này của Đức Giêsu có kinh khủng không?
7. Đọc Mc 9,43-48. Trong những câu này, nguyên nhân làm vấp ngã đến từ đâu? Các câu 43, 45, và 47 có gì giống nhau không?
8. Đọc Mc 9,42-48. Có phải hiểu các câu này của Đức Giêsu theo nghĩa đen không? Tại sao không? Nếu không hiểu theo nghĩa đen, thì qua những câu kinh khủng này, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì?
CÂU HỎI SUY NIỆM:
Đọc Mc 9,43.48. Trong hai câu trên, hoả ngục được mô tả như thế nào? Bạn tin có hoả ngục không? Tại sao? Theo bạn, để “vào cõi sống” hay “vào Nước Thiên Chúa” có dễ không?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Gioan là một trong bốn ngư phủ đầu tiên theo Đức Giêsu. Ông là con ông Dêbêđê và là anh em ruột với Giacôbê (Mc 1,19.29). Hai anh em này nằm trong Nhóm Mười Hai tông đồ, và cả hai được Thầy Giêsu đặt cho biệt danh là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là “những đứa con của thiên lôi” (3,17; xem thêm Lc 9,51-56). Phêrô, Giacôbê và Gioan là ba môn đệ thân tín thường được Thầy Giêsu dẫn đi riêng với mình. Chỉ ba ông này được đến nhà ông trưởng hội đường và được dẫn vào phòng cô con gái ông mới chết, để chứng kiến phép lạ hoàn sinh (5,37). Chỉ ba ông này được Thầy dẫn lên núi cao để thấy Thầy hiển dung (9,2). Chỉ ba ông này được đi theo Thầy và ở gần Thầy hơn các ông khác trong vườn Dầu (14,33). Nhưng Gioan, cùng với Giacôbê, cũng là người có nhiều tham vọng trần tục, thích chức quyền khi theo Thầy Giêsu (9,38-40; 10,35-40).
2. Ở Mc 9,14-1, sau biến cố Hiển Dung, Thầy Giêsu xuống núi cùng với ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Chín môn đệ còn lại trong Nhóm Mười Hai không có khả năng trừ quỷ khi được yêu cầu bởi người cha của một cậu bé (Mc 9,14.18). Ngược lại, ở Mc 9,38, một người không thuộc nhóm Mười Hai lại có thể trừ được quỷ, nhân danh Đức Giêsu!
3. Qua câu nói của ông Gioan ở Mc 9,38, ta thấy nhóm Mười Hai (“chúng con”) tỏ ra bực bội khi thấy có người “không theo chúng ta,” nghĩa là không thuộc về nhóm môn đệ Đức Giêsu, mà lại dám “nhân danh Thầy mà trừ quỷ”. Cả nhóm đã cố gắng ngăn cản người này, vì họ muốn độc quyền sử dụng Danh của Thầy. Họ không chấp nhận để người ngoài nhóm được dùng Danh này, như thế họ cũng muốn độc quyền trong việc trừ quỷ. Trong Cựu Ước, Giosuê cũng đã từng xin Môsê ngăn cản để hai ông En-đát và Mê-đát đừng nói tiên tri nữa, chỉ vì họ không thuộc nhóm 70 kỳ mục ưu tuyển (Ds 11,26-30).
4. Đức Giêsu không chấp nhận phản ứng trên đây của Nhóm Mười Hai. Ngài đưa ra hai lý do. Lý do 1: Đức Giêsu cho rằng ai làm phép lạ đuổi quỷ nhân danh Ngài thì cứ sự thường, ngay sau đó người ấy sẽ không thể trở mặt mà nói xấu chống lại Ngài (Mc 9,39). Hơn nữa, khi nhân danh Đức Giêsu mà trừ quỷ hay làm phép lạ, người ấy hẳn phải có lòng tin vào Danh của Ngài. Lý do 2: Đức Giêsu khẳng định rằng ai không chống lại chúng ta thì coi như họ đứng về phía chúng ta (Mc 9,40). Đây là một thái độ cởi mở đối với những ai tuy ở ngoài nhóm môn đệ, nhưng lại không chống đối nhóm. Ngài đòi các môn đệ coi họ như bạn.
5. Trong Mc 9, 40 Đức Giêsu nói: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” Còn trong Mt 12,30, Ngài lại nói một câu có vẻ ngược lại: “Ai không với tôi là chống lại tôi…”. Thật ra hai câu trên không mâu thuẫn, vì được nói trong những hoàn cảnh khác nhau. Trong Mt 12,30, khi những người Pharisêu cố chấp không tin Đức Giêsu, cho rằng Ngài nhờ cậy quỷ lớn để trừ quỷ nhỏ (Mt 12,24), thì Ngài đòi họ phải dứt khoát chọn theo Ngài; nếu không, họ sẽ thuộc phe chống lại Ngài. Còn trong Mc 9,40 Ngài cho thấy ai dùng Danh của Ngài mà đuổi quỷ, ai không chống lại nhóm của Ngài (= chúng ta) thì coi như đã đứng về phía nhóm rồi.
6. “Những kẻ bé mọn” ở Mc 9,42 để chỉ những người không có vai vế trong cộng đoàn, dù họ cũng là tín hữu Chúa Kitô. Đây cũng có thể là các trẻ em hay những người yếu đức tin. “Làm ai vấp ngã” nghĩa là gây dịp tội, khiến ai đó phạm tội hay khiến họ mất đức tin. Đối với Đức Giêsu, tội này rất nặng, vì ảnh hường đến sự sống đời đời của một người, dù là người bé nhỏ trong cộng đoàn. Hình phạt kinh khủng Ngài dành cho người gây gương mù cho thấy sự trầm trọng của tội này: cột cái cối lớn (cối kéo bởi con lừa) vào cổ mà quăng người ấy xuống biển.
7. Trong Mc 9,43-48 nguyên nhân làm một người vấp ngã không đến từ bên ngoài, nhưng từ chính thân xác của người đó như tay, chân, mắt, nghĩa là đến từ những gì rất gần gũi, quý báu và cần thiết với mình. Cả ba câu 43, 45 và 47 có cấu trúc giống nhau: “Nếu…làm cớ cho anh vấp ngã, thì …; thà … mà được vào cõi sống/Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ…mà phải vào hỏa ngục.” Đây là lối nói giàu hình ảnh và gây ấn tượng của Đức Giêsu. Thật ra, tay, chân hay mắt không phải là nguyên nhân chính khiến ta phạm tội, nhưng các dục vọng xấu xa chi phối chúng mới là nguyên nhân chủ yếu. Bởi đó ta cần chặt đứt những gắn bó lệch lạc với những gì rất quý báu và cần thiết, hơn là chặt tay chân hay móc mắt.
8. Chúng ta không nên hiểu lời Chúa dạy trong Mc 9,42-48 theo nghĩa đen. Đây là lối nói cường điệu Đức Giêsu. Ta không được cột cối đá vào cổ người gây dịp tội rồi ném xuống biển, hay chặt tay chân, móc mắt của chính mình nếu chúng làm cớ cho ta phạm tội. Tuy nhiên, qua lối nói mạnh mẽ này, Ngài đòi chúng ta phải cương quyết dứt khoát loại bỏ những nguyên nhân khiến ta vấp ngã phạm tội, dù làm như thế đòi ta phải hy sinh đau đớn như người mất một phần thân thể. Chỉ với thái độ từ bỏ quyết liệt ấy, ta mới được “vào cõi sống” (Mc 9,43.45), “vào Nước Thiên Chúa” (Mc 9,47), và thoát khỏi “hỏa ngục” (geenna, Mc 9,43.45.47).
Nguồn tin: Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn