CHÚA GIÊSU ĐÃ XUỐNG VỊ TRÍ RỐT HẾT

Thứ hai - 23/09/2024 10:20
tải xuống (2)
tải xuống (2)

Các môn đệ đi theo Chúa Giêsu, bàn luận với nhau để biết ai là người lớn nhất: “Các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9:34). Các ông, và hầu hết dân Do thái bấy giờ, nghĩ rằng Nước Trời là sự khôi phục vương triều Đavít hay vương triều Sôlômôn, là những thời kỳ hùng mạnh trong lịch sử Do Thái. Có lẽ các ông cãi nhau vì phần lớn người ta thường nghĩ rằng “người lớn nhất” là người có sức mạnh, quyền lực và trổi vượt hơn người khác. Nhân dịp này Chúa Giêsu dạy các ông ai thực sự là người lớn nhất trong Nước Thiên Chúa.

1. Chọn sống theo Lời Chúa như chuẩn mực các giá trị

Tìm cách khẳng định các giá trị của bản thân trong cuộc sống là một việc xem ra rất tự nhiên, của hầu hết mọi người. Tuy nhiên sống các giá trị đó sao cho đúng với Lời Chúa mới là nền tảng của các giá trị của bản thân, có khả năng giúp con người vượt lên trên “thói tự nhiên” để đi vào “cảnh giới siêu nhiên”. Đây là một vấn đề có tầm quan trọng quyết định. Thật không may, nhiều người tự nhận là Kitô hữu nhưng không nhận thấy các giá trị theo chuẩn mực Lời Chúa khác với các giá trị của thế gian mà họ đang theo đuổi. Kitô giáo đặt nền tảng trên các giá trị tâm linh, vô hình, và vĩnh cửu, trong khi thế gian lại coi trọng những gì vật chất, cân đo đong đếm được, có lợi thực tế trước mắt cho chính mình.

Sự khác biệt giữa các giá trị đó còn sâu xa hơn thế nữa. Quan điểm thế gian nói rằng mỗi người chúng ta tự đặt ra tiêu chuẩn cho riêng mình. Mỗi người tự quyết tạo ra đời mình qua tính cách, lối sống, kế hoạch hoạt động của riêng mình. Giá trị cuộc sống là do cảm nhận và suy nghĩ riêng mỗi cá nhân và sự chấp nhận của những người chung quanh. Lợi nhuận và quyền lợi cá nhân phải đặt lên hàng đầu. Vấn đề mấu chốt là các tiêu chuẩn đó có thực sự đem lại hạnh phúc vững bền không, hay chỉ đem lại những vui thích ảo ảnh, những thỏa mãn chóng qua?

Trong khi đó, các giá trị Kitô giáo lại hệ tại Lời Thiên Chúa trong Kinh thánh, vốn khẳng định rằng chính Thiên Chúa đặt ra tiêu chuẩn cho những gì là đúng thực, là chân lý và là vĩnh cửu. Đó là những giới răn hướng dẫn lối sống hàng ngày của con người đúng theo mục đích họ đã được Thiên Chúa tạo nên, theo hình ảnh của Ngài. Chính việc sống theo Lời Thiên Chúa quyết định giá trị mỗi người là gì, chứ không phải cảm giác hay cảm xúc, vốn là những xung năng thôi thúc những ham muốn và tham vọng cá nhân. Điều quan trọng nhất là tuân phục Ý Chúa: yêu mến Thiên Chúa và người khác. Chính các giá trị và niềm hy vọng Kitô giáo tạo nên một “cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh” (Hípri 6:19). Khi chọn Lời Chúa làm nền tảng, Kitô hữu cảm thấy chắc chắn về điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Sự vững tâm đó làm giảm căng thẳng, cho phép đưa ra những lựa chọn khôn ngoan và tạo ra sự bình an nội tâm, cả khi những cơn bão của cuộc sống ập đến “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7:24-25). 

Ngược lại, các giá trị trần thế giống như một nền cát. Chúng tan biến khi gió bắt đầu thổi và mưa rơi xuống. Vì chúng không thỏa mãn được khát khao sâu xa của cõi lòng, nên chúng để lại một khoảng trống to lớn trong tâm hồn, một cảm nhận về cái hư không vô nghĩa, và mau chóng dẫn đến sự vỡ mộng, thất vọng. Đây là nguyên cớ của tâm trạng chán chường và dẫn đến không ít quyết định tự hủy hoại đời mình: “Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (Mt 7:26-27).

Điều gì xảy ra khi chúng ta theo đuổi thứ gì đó mà chúng ta cho là có giá trị nhưng lại không nắm giữ được nó? Hoặc khi đã nắm giữ được nó, chúng ta lại thấy nó gây ra thất vọng? Tệ hại nhất là, điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta nhận ra rằng không còn gì trong trời đất này có giá trị hoặc ý nghĩa nào vốn có thể trở thành nền tảng cho cuộc sống của chúng ta? Khi chúng ta rơi vào tâm trạng đó, tâm trí của chúng ta trở nên rối loạn, cảm giác của chúng ta sụp đổ. Đó là lúc chúng ta bước vào vùng nguy hiểm.

Chúa Giêsu hôm nay dạy các môn đệ rằng người lớn nhất, nghĩa là có giá trị nhất, trong Nước Trời là “người phục vụ mọi người” (Mc 9:35) kể cả những người mọn hèn nhất, giống như các trẻ thơ: “Ngài đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mc 9:37). Những người mọn hèn nhất, trong đó có trẻ em, nằm trong số những người cần được các môn đệ của Chúa Giêsu phục vụ. Những người mọn hèn này không có khả năng trả lại những gì họ đã nhận được. Chính vì vậy mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phục vụ họ. Đây mới là tinh thần phục vụ đích thực, cho đi mà không mong cầu được đền đáp theo chuẩn mực “bánh ít đi bánh qui lại” của người đời. Đối với Chúa Giêsu “việc làm cao cả” trước mặt Thiên Chúa được đo lường bằng những giá trị lớn lao hơn: phục vụ Thiên Chúa nơi những kẻ nghèo hèn. Chúa Giêsu đồng hóa chính mình với những kẻ bé mọn: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”, thậm chí Ngài khẳng định rõ ràng: “Và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9: 37). Như thế, phục vụ những kẻ bé mọn chính là phục vụ Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu cho thấy rõ tiêu chuẩn sống của những ai muốn theo Ngài: “Hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao” (Mt 6:35).

2. Chúa Giêsu đến để phục vụ hết mọi người; đây là giá trị tuyệt đối.

“Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài, và ba ngày sau khi bị giết chết, Ngài sẽ sống lại” (Mc 9:31). Cuộc khổ nạn mà Chúa Giêsu tỏ bày cho các môn đệ của Ngài là một nhiệm mầu không thể nuốt trôi đối với các ông, như thể những đau khổ sắp đến đó phủ bóng đen lên họ, báo trước những kỳ vọng âm thầm của họ vào Chúa Giêsu sẽ trở nên vô vọng.

“Khi về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi các ông: Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” (Mc 9:33). Chúa Giêsu hỏi như vậy là để giúp các môn đệ xác định mối bận tâm trong tâm trí và lòng dạ của họ. Còn Ngài đã thấu rõ cõi lòng con người vì “… Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139:1-4). Các môn đệ “làm thinh” không dám trả lời Ngài (Mc 9:34), có lẽ do xấu hổ về cuộc thảo luận của họ. Chúa Giêsu không khiển trách các môn đệ. Ngài dịu dàng làm cho họ hiểu được một bài học có tầm quan trọng lớn nhất đối với những ai bước theo Ngài, cho họ biết thế nào là người lớn nhất: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9:35). Sự vĩ đại thực sự là trở thành người tôi tớ phục vụ. Điều này liên quan đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, bởi vì khi nói như vậy, Chúa Giêsu đang nói về chính mình. Ngài tự coi mình là người tôi tớ “phục vụ mọi người”. Và Thầy đi đến đâu thì môn đệ phải đi đến đó.

Đôi khi chúng ta phải mất rất nhiều thời gian mới hiểu được rằng mình thường xuyên ôm ấp khát mong trở nên “vĩ đại”. Chúng ta thường bắt đầu bước theo Chúa Giêsu trong sự vô tư và nhiệt thành. Nhưng rồi ra, như các môn đệ của Chúa, chúng ta ngó quanh “xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9:34). Chúa Giêsu biết rõ các môn đệ của Ngài muốn trở nên “những người lớn lao”. Đó là một mong muốn đáng khích lệ. Tuy nhiên việc ấy đã trở nên xấu xí và méo mó vì thứ tội kiêu hãnh cá nhân. Thay vì thăng tiến trong hành trình hướng về Thiên Chúa, chúng ta tìm mọi cách, kể cả cãi nhau, tranh giành “làm người đứng đầu” (Mc 9:35). Từ một khát vọng trở nên vĩ đại biến thành một thứ ham muốn được mọi người biết đến là vĩ đại, vĩ đại hơn người khác. Chúng ta mong được người khác khen ngợi, thán phục. Chúa Giêsu không bác bỏ toàn bộ mong muốn đó, Ngài chỉ cho các môn đệ con đường giúp loại bỏ những xấu xí và méo mó để khát khao ấy được biến đổi trọn vẹn thành một sự lớn lao tốt lành. Chúa Giêsu dạy rằng sự vĩ đại thực sự không phải là đứng đầu vượt trên những người khác đứng thứ hai, thứ ba hay thứ tư. Sự lớn lao đích thực không phải là khẳng định bản thân để người khác khen ngợi, nhưng là sự sẵn lòng đứng cuối cùng, đặt mình vào vị trí phục vụ mọi người, trở nên phúc lành cho nhiều người chừng nào có thể. Đó không phải là con đường “thăng cấp” trước mặt người đời nhưng là con đường đi xuống, xuống tới vị trí rốt hết. Chính Chúa Giêsu đã xuống tới vị trí rốt hết ấy, như Chân phước Charles de Foucauld đã cảm nhận và suy ngẫm: “Chúa Giêsu đã chiếm lấy vị trí cuối cùng một cách tuyệt đối đến nỗi không ai có thể chiếm được vị trí đó của Ngài” [*]. Vị trí ấy được diễn tả nơi: “Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Philíp 2:6-7) và “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài” (Mc 9:31).

Sự khiêm hạ ấy không phải hạ thấp, như người ta lầm tưởng, nhưng là nâng cao phẩm giá con người: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23:12). Người lớn lao nhất là người từ chối mọi hình thức kiêu ngạo, trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Chính trong tâm thế này Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Ngài cho các môn đệ. Chúa Giêsu đang chuẩn bị hiến mạng sống mình cho thế gian bằng một cử chỉ hết sức khiêm hạ, thế mà ở đây các môn đệ không hiểu lời Ngài, lại thích làm người lớn nhất!

Xin Chúa giúp chúng ta để tâm tiếp tục suy ngẫm lời Thánh Giacôbê trong bài đọc thứ hai: “Ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan…Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ” (Gc 3:16 - 4:3). Chỉ khi Chúa Kitô “hạ mình,vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Philíp 2:8) thì: “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Chúa Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:9-11).

 

Nguồn tin: Phêrô Phạm Văn Trung ​​​​​​​

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập57
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm56
  • Hôm nay15,776
  • Tháng hiện tại255,680
  • Tổng lượt truy cập35,521,961
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây