Nước Trời được Chúa Giêsu đề cập trong dụ ngôn “Hạt Giống Tự Mọc Lên,” (Mc 4:26-34) ví Nước Trời như một hạt giống. Ngài nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.” Cái mà chúng ta vẫn gọi là “tự động” hoặc “tự nhiên” thì thật ra đó là ý Chúa quan phòng và tiền định.
Không ai thấy Nước Trời, nhưng Nước Trời vẫn lớn dần trong mỗi chúng ta và trong xã hội. Đơn giản và thực tế như chính phủ, chẳng ai thấy chính phủ và chẳng ai là chính phủ, nhưng chính phủ vẫn hiện hữu.
Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” Ngài muốn dùng cách nói cụ thể để ai cũng hiểu, tất nhiên tùy theo mức độ nghe và hiểu của mỗi người – nhưng phải hiểu đúng, không được theo ý riêng mà suy diễn.
Thực sự không đơn giản để có thể hiểu ý Chúa qua Phúc Âm. Có lẽ dụ ngôn “Người Gieo Giống” (Mt 13:18-23; Mc 4:13-20; Lc 8:11-15) là dụ ngôn duy nhất được Chúa Giêsu đã giải thích cặn kẽ, tỉ mỉ. Để hiểu các dụ ngôn khác, có thể lưu ý 3 điều:
1. XÁC ĐỊNH PHẠM VI TÂM LINH. Chúa Giêsu thường giới thiệu một dụ ngôn bằng cách nói “Nước Trời ví như, giống như...” (đề cập 7 lần trong chương 13, Phúc Âm theo Thánh Mátthêu). Trong dụ ngôn “Người Biệt Phái và Người Thu Thuế,” Thánh Luca ghi: “Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác...” (Lc 18:9)
2. PHÂN BIỆT ĐIỀU CHÍNH VÀ PHỤ. Không phải các chi tiết của dụ ngôn đều có ý nghĩa sâu sắc, một số chi tiết chỉ làm cho câu chuyện thực tế hơn. Chẳng hạn trong dụ ngôn “Người Gieo Giống,” Chúa Giêsu giải thích mà không bình luận về bốn loại đất khác nhau. Chi tiết “bốn loại” là chi tiết phụ.
3. ĐỐI CHIẾU KINH THÁNH. So sánh Kinh Thánh với Kinh Thánh là quy luật chú giải vô giá khi tìm hiểu các dụ ngôn. Các dụ ngôn minh họa giáo lý, và các giáo huấn của Chúa Giêsu luôn rõ ràng, mạch lạc. Các dụ ngôn không mâu thuẫn với Lời Chúa (Kinh Thánh), vì Chúa Giêsu xác định: “Không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì.” (Ga 12:49)
Trong các Phúc Âm nhất lãm có khoảng 35 dụ ngôn. Khi dùng dụ ngôn, Chúa Giêsu thường dùng hình ảnh đời thường để minh họa nhưng mang ý nghĩa cao siêu. Chúa Giêsu thích dùng dụ ngôn, có lẽ vì loại văn này độc đáo, như Kinh Thánh cho biết: “Ngài không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn.” (Mt 13:34; Mc 4:34) Có lần các môn đệ hỏi: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” (Mt 13:10) Ngài trả lời: “Bởi vì anh em được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.” (Mt 13:11-15; x. Mc 4:10-12 và Lc 8:9-10)
Khi chỉ có Thầy trò với nhau, Chúa Giêsu giải thích hết cho các môn đệ hiểu. Ngài nói rằng việc sử dụng các dụ ngôn có hai mục đích: Mặc khải sự thật cho những người muốn biết và che giấu sự thật đối với những người dửng dưng, không quan tâm. Nhóm Biệt Phái đã công khai khước từ Đấng Mêsia và phỉ báng Chúa Thánh Thần, họ phạm loại tội nặng nhất mà không được tha cả ở đời này và đời sau. (x. Mt 12:22-32) Họ đã ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói về những người cứng lòng, đui mù và câm điếc: “Hãy đi nói với dân này rằng: Cứ nghe cho rõ, nhưng đừng hiểu, cứ nhìn thật kỹ, nhưng đừng nhận ra. Hãy làm cho lòng dân này ra đần độn, cho tai nó điếc, cho mắt nó mù; kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành.” (Is 6:9-10)
Chúa Giêsu thường nói câu này khi kể dụ ngôn: “Ai có tai nghe thì nghe.” (Mc 4:9; Mc 4:23; Mc 7:16; Lc 8:8; Lc 14:35) Đó là cách mời gọi lắng nghe dụ ngôn, không chỉ nghe cho biết mà là tìm kiếm sự thật của Thiên Chúa. Ngài ban cho mỗi người có HAI TAI và MỘT MIỆNG, tức là phải NGHE nhiều hơn NÓI.
Thiên Chúa phán hứa từ xưa: “Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót, Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi. Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Israel. Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành. Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa. Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi. Chính Ta là Đức Chúa, TA ĐÃ PHÁN LÀ TA THỰC HIỆN.” (Ed 17:22-24) Trong đó có “hình bóng” của dụ ngôn thời Tân Ước mà Chúa Giêsu sử dụng để nói về Nước Trời. Đó là một lời hứa, nhưng là lời hứa đang ứng nghiệm trong thời chúng ta đang sống – Thời Cánh Chung.
Mọi lời Chúa hứa đều được Ngài hiện thực, tất cả đều ứng nghiệm. Thánh Vịnh gia thân thưa: “Thú vị thay được tạ ơn Chúa, được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao, được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya.” (Tv 92:2-3) Tạ ơn và xưng tụng Chúa là trách nhiệm của phàm nhân, các “sinh vật cao cấp” được Ngài tạo dựng vì yêu quý và thương xót.
Màu xanh thiên nhiên cho thấy sức sống dồi dào của cảnh vật, đó là nhờ bám rễ sâu vào lòng đất để hút các dưỡng chất; cũng vậy, con người sẽ thanh thản và bình an phát triển nhờ hồng ân Thiên Chúa, mãi mãi không tàn úa. Thánh Vịnh gia so sánh: “Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Libăng được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta; già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, để loan truyền rằng: Chúa thực là ngay thẳng, là núi đá cho tôi ẩn náu, nơi Người chẳng có chút bất công.” (Tv 92:13-16)
Thánh Phaolô bộc bạch: “Chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước NHỜ LÒNG TIN chứ không phải NHỜ ĐƯỢC THẤY CHÚA. Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa.” (2 Cr 5:6-8) Đức tin thực sự rất cần thiết, cần hơn việc “được thấy Chúa.” Thế nhưng, nhiều người vẫn “đua nhau” tìm kiếm “sự lạ” ở nơi này hoặc nơi kia, Thánh Thể là phép lạ vĩ đại nhất, hằng ngày vẫn xảy ra tại các nhà thờ hoặc nhà nguyện ở khắp nơi trên thế giới. Cứ đua nhau tìm điều gì lạ ở đâu đó chỉ là phong trào, rồi cuộc sống chẳng thay đổi thì vô ích!
Thánh Phaolô cho biết: “Dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là LÀM ĐẸP LÒNG NGƯỜI. Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.” (2 Cr 5:9-10) Ý Chúa không phức tạp như chúng ta tưởng, ý Chúa là bổn phận trong thời điểm hiện tại, dù chúng ta ở nơi nào. Làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình là “làm đẹp lòng Chúa.” Đơn giản mà lại không dễ. Đừng ảo tưởng!
Sách Châm Ngôn cũng có những điều tương tự. Ông vua khôn ngoan Salômôn đã dùng tỷ giảo cách để dạy về sự thật, đặc biệt trong tính tương đương điển hình, sinh ra một “dụ ngôn đơn giản.” Chẳng hạn: “Cơn thịnh nộ của vua như tiếng gầm sư tử, kẻ làm vua nổi giận là làm hại chính mình.” (Cn 20:2) Tiếng gầm của sư tử được ví như cơn giận của nhà vua để so sánh.
Phương pháp so sánh là cách giúp người ta dễ hiểu vấn đề nào đó. Văn so sánh là đặc ngữ trong các dụ ngôn – ngụ ngôn không có loại này. Dụ ngôn và ngụ ngôn có nghĩa tương đương và có nghĩa khác nhau.
– Ngụ ngôn (Anh: parable, fable; Pháp: parabole, fable) là câu chuyện ngắn, đơn giản, bằng văn xuôi hoặc văn vần, mang tính hoang đường, truyền thuyết, hư cấu, “bịa” ra như chuyện phiếm, nhưng vẫn có bài học luân lý, mang tính giáo dục, răn đời; các nhân vật thường là vật hoặc con vật được nhân cách hóa, các nhân vật cũng có thể là người hoặc thần linh.
– Dụ ngôn (Anh: parable, Pháp: parabole) cũng là câu chuyện ngắn, đơn giản, bằng văn xuôi, mang tính bí ẩn, tính tục ngữ, đặc biệt là có chiều kích tâm linh. Chúa Giêsu KHÔNG DÙNG NGỤ NGÔN, Ngài dùng DỤ NGÔN.
Lạy Thiên Chúa, xin ban trí thông minh để chúng con hiểu đúng ý Ngài và biết thi hành các huấn lệnh của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
Nguồn tin: Thomas Aq. Trầm Thiên Thu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn