HỌ HÀNG VỚI CHÚA

Chủ nhật - 09/06/2024 09:28
unnamed (9)
unnamed (9)
Cách nay ít năm, tại bệnh viện Milwankee, có một bé sơ sinh mù và còn bị chuẩn đoán là đần độn bẩm sinh do bại liệt não.  Sau khi sanh ít ngày, người mẹ đã nhẫn tâm bỏ đứa con sơ sinh tật nguyền.  May mắn cho em, một chị y tá tên là May Lempke, thấu hiểu tình trạng bé sơ sinh bị bỏ rơi đồng nghĩa với cái chết, đã nhận em về nuôi.
 
Chị May cùng chồng đặt tên cho đứa con nuôi đặc biệt của mình là Leslie.  Họ thay nhau xoa bóp cho Leslie hằng đêm, cầu nguyện cho Leslie hằng ngày.  Chị May khóc suốt vì Leslie đau đớn.  Leslie càng lớn, sự chăm sóc Leslie càng nhiêu khê: chị May phải khéo léo cột Leslie vào chiếc ghế để em khỏi té nếu chị muốn rời em.
 
Một ngày nọ, May thấy dường như Leslie có những biểu hiện khác thường khi nghe những bản nhạc.  Thế là, vợ chồng chị mua một cây đàn piano cũ và tranh thủ đánh đàn cho Leslie nghe; mua nhiều băng đĩa hoà tấu hy vọng Leslie được vui.
 
Bỗng vào một đêm đông năm 1971, vợ chồng May nghe thấy ai đó đang chơi bản hoà tấu dương cầm số 1 của Tchaikovsky.  Họ thức dậy để xem tiếng đàn lạ từ đâu.  Họ sửng sốt thấy Leslie đang vẹo mình trước đàn và chơi nhuần nhuyễn bản nhạc.  Từ đó, các bản nhạc Leslie đã nghe như đã tồn trữ trong óc và nay đang tuôn ra trên đôi tay của cậu.  Leslie giờ đây đã 28 tuổi, đi lại vẫn khó khăn, nói năng vẫn ngọng ngịu, nhưng là một tài năng âm nhạc.  Các bác sĩ giải thích: Leslie bị chậm phát triển về trí tuệ do não bị tổn thất nhưng lại cực kỳ tài năng.  Tài năng đó được duy trì và bộc phát nhờ tình yêu đặc biệt của cha mẹ nuôi là vợ chồng chị May Lempke (theo Reader’s Digest).
 
Đứng trước nghịch cảnh Leslie, liên hệ do máu huyết đã chào thua liên hệ do đức ái.  Hôm nay trong Tin Mừng, Đức Giêsu đang giới thiệu mối liên hệ đức ái đó.  Một cách nào đó, Đức Giêsu đã gọi mối liên hệ này là họ hàng của Ngài.
 
Thiết lập họ hàng thiêng liêng
 
Trong xã hội có nhiều mối liên hệ.  Rộng nhất là mối liên hệ đồng loại, rồi đến chủng tộc màu da.  Hẹp hơn là mối liên hệ đồng bào.  Nhỏ hơn là mối liên hệ đồng hương liên kết những người chung nơi chôn nhau cắt rốn.  Cuối cùng là mối liên hệ họ hàng huyết tộc nảy sinh do sự đồng một dòng máu di truyền.  Ngoài ra còn có mối liên hệ đồng môn, đồng nghiệp, đồng chí, đồng cảnh ngộ và bạn kết nghĩa…
 
Trong các mối liên hệ ấy, mối liên hệ họ hàng huyết tộc là phổ biến nhất, cụ thể nhất, và xét trong lãnh vực tự nhiên thường là bền chặt nhất.  Thế mà, khi đề cập đến mối liên hệ này, Đức Giêsu đã đặt vấn đề: “Ai là mẹ, là anh em ta?”  Mẹ và anh em theo nghĩa thường thì một em bé còn bế ngửa cũng biết và cảm nhận được!  Sao Chúa lại hỏi vậy?  Ở đây, Đức Giêsu đang mạc khải một mối liên hệ, đối với Ngài, mật thiết nhất và bền vững vĩnh cửu mà mối liên hệ máu huyết đứng bên sẽ trở nên quá nhỏ bé.  Đó là mối liên hệ họ hàng thiêng liêng phát sinh do đức Tin, phát triển nhờ đức Ái, và kiên trì nhờ đức Cậy trông.  Chất lượng của mối dây liên kết họ hàng thiêng liêng này hệ tại mức độ của sự thực hành lời Chúa.  Một người con càng thương cha mẹ thì càng dễ vâng lời, và càng vâng lời thì tình nghĩa con cái với cha mẹ càng thêm chất lượng.  Cũng vậy, một người chỉ thực sự là con cái Chúa khi biết đón nhận thánh ý Chúa và càng thực thi thánh ý Chúa thì tình nghĩa với Chúa càng thêm chất lượng.  Đức Giêsu gọi người đó là mẹ và là anh em của Ngài.
 
Khi Đức Giêsu đưa tiêu chuẩn xác định họ hàng dựa trên việc biết nghe và thực hành lời Chúa thì đồng thời Ngài cũng mặc nhiên cảnh báo có những trường hợp ngỡ là gần Chúa mà thật ra lại xa Ngài vời vợi.  Quả thế, những người có họ hàng máu huyết với Chúa, biết rõ về Chúa, gặp gỡ Chúa thường xuyên nhưng không bước theo Chúa bằng việc thực thi đường lối Chúa chỉ dạy vẫn mãi mãi là kẻ xa lạ với Chúa.
 
Cuộc đời Đức Giêsu diễn tả cho ta thấy một Thiên Chúa mê say con người: Ngài quên ăn quên nghỉ vì phần rỗi anh em (x. Ga 4, 5-34); Ngài nỗ lực đẩy lui Satan, không để cho ma quỷ tác oai tác quái nơi thế giới con người như kẻ “múa gậy vườn hoang.  Ai không đồng cảm với Chúa, không cùng Ngài trên một chiến tuyến chống lại Satan bằng việc nói không với Satan và nói có với Ngài trong đời sống… người đó luôn là kẻ xa lạ, thậm chí chống lại Ngài dù bề ngoài xem ra họ rất gần Ngài.  Kết cục, có lắm người phải ngã ngửa khi nghe Ngài kết luận: “Ta không hề biết các ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!”  Trong số đó có người là đồng hương, quá gần gũi với Chúa và có cả những kinh sư, luật sĩ, những người vẫn mang danh là chuyên viên trong đạo.
 
Phá vỡ họ hàng thiêng liêng
 
Nếu vâng nghe lời Chúa giúp ta nên họ hàng nghĩa thiết với Chúa thì ngược lại, bất tuân lệnh là biến mình thành kẻ xa lạ với Ngài.  Sự bất tuân khởi đi bằng sự thiếu tín nhiệm.  Adam – Evà trước khi giơ tay hái quả cấm thì trong lòng đã dấy lên sự không tin Chúa tốt lành (x St 3, 1-6).  Anh em họ hàng của Chúa trước khi đi bắt Chúa thì lòng họ đã không tin việc Chúa làm là bình thường, là khôn ngoan.  Chỉ có lòng tín nhiệm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa mới giữ con người sống trong đạo lý Chúa.  Mất tín nhiệm đồng nghĩa với khởi sự phản bội.  Không trung thành với đường lối Chúa biến người ta đang là kẻ nghĩa thiết họ hàng với Chúa thành kẻ xa lạ, và hơn nữa thành kẻ thù của Tình Yêu.  Adam – Evà sau khi trái lệnh Chúa, đã đánh mất tình thân với Chúa, chẳng còn cảnh ngày ngày gặp Chúa đàm đạo thân tình nữa (x. St 3, 8-10).
 
Thiếu lòng tin vững chắc vào sự sống đời sau dễ làm cho ta trái ý Chúa ở đời này.  Đúng vậy, mọi lỗi phạm thường do ta thiển cận, chỉ thấy cái được trước mắt mà không thấy cái mất lớn lao đằng sau.  Người ta sẵn sàng chịu thương chịu khó để hy vọng được mùa lúa bội thu; người ta chấp nhận khổ luyện để hy vọng chiến thắng.  Cũng vậy, khi đã xác tín vào phần thưởng phục sinh vinh quang vô tận Chúa dành cho kẻ nghĩa thiết với Chúa thì bằng mọi giá ta sẽ duy trì mối liên hệ họ hàng với Chúa.  Mọi sự từ bỏ ở đời này để vâng ý Chúa sẽ là chuyện nhỏ khi ta đã thấy được vinh quang lớn lao mai sau.
 
Howard kelly là một nhà sinh vật học nổi tiếng kiêm bác sĩ.  Lần kia, sau một ngày nghiên cứu, ông đến một nhà nghèo xin nước uống.  Một bé gái xuất hiện và ân cần biếu ông một ly sữa tươi mát.  Ông cám ơn và mong có dịp đền ơn bé.  Ít lâu sau, mẹ bé đau nặng, người ta chuyển mẹ bé tới một bệnh viện trên thành phố.  Cuối cùng bà khỏi bệnh nhưng không biết lấy tiền đâu để trả viện phí.  Như một phép lạ, bác sĩ chữa bệnh xuất hiện trên tay cầm phong bì bên trong viết: Viện phí đã được thanh toán để trả ơn một ly sữa.  Ký tên – Bác sĩ Kelly.   
 
Hy sinh cả đời thì có đáng gì so với vinh hạnh được là họ hàng của Chúa.
 

 
 

Nguồn tin: Trích Logos B

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập56
  • Hôm nay24,575
  • Tháng hiện tại292,063
  • Tổng lượt truy cập35,938,408
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây