Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ năm - 28/03/2024 05:01
Xưa kia, cái khung cảnh và căn phòng được Ðức Giêsu và các Tông đồ chọn làm nơi ăn bữa tối cuối cùng, thật sự là một nơi của bữa tiệc biệt ly, của sự tang tóc buồn sầu: Bên ngoài màn trời đầy u ám, tối đen và lạnh giá! Nhưng hôm nay trong ngôi thánh đường này, nơi chúng ta đang cùng nhau cử hành bữa Tiệc Ly, lại sáng rực và ấm cúng. Tuy nhiên, một sự cô quạnh băng giá nào đó đang len lỏi vào trong tâm hồn chúng ta mà sự thô bạo nặng nề của nó đã từng đè lên trái tim cũng như đôi vai của Chúa. Ðó là khi xuất hiện tên tuổi của một người mà trong các kinh nguyện phụng vụ chúng ta đọc khi cử hành việc tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa, cũng như trong bài Tin Mừng. Một tên gọi mà mỗi lần nghe nhắc đến lại gây ra một cảm giác khinh rẽ và tiêu cực: Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ phản bội! Thật bất hạnh cho Giu-đa!
Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi nghe tôi đề cập đến người môn đệ bất hạnh này, người mà trong một lúc nào đó đã không còn có thể giữ lòng trung thành với Sư Phụ mình được nữa. Dĩ nhiên không một ai có thể biết được rõ ràng những gì đã diễn biến trong nội tâm và ý nghĩ của Giu-Ða khi ông ta có toan tính như thế. Và chúng ta cũng không muốn đi tìm một lời cắt nghĩa hay một giải đáp về vấn đề đó! Nhưng trong buổi chiều hôm nay, tôi có ý nghĩ muốn xin anh chị em một chút thông cảm cho “người anh em Giu-đa” của chúng ta. Trước hết, khi chúng ta gọi Giu-đa là người anh em của chúng ta, chúng ta đã dùng chính ngôn từ của Chúa. Đúng vậy, buổi tối trong vườn Cây Dầu, khi Giu-đa hôn phản bội Thầy mình, thì Ðức Giêsu đã nói với Giu-đa những lời đầy ân tình mà chúng ta không thể quên được: “Bạn ơi, bạn dùng nụ hôn để phản bội Con Người sao?”
“Bạn ơi!” Tiếng này nói lên một sự âu yếm và tha thiết của tình yêu, của lòng thương xót và quảng đại của Chúa. Tiếng đó cũng làm cho anh chị em hiểu được tại sao bây giờ và ở đây tôi lại gọi Giu-đa theo như ngôn ngữ của Chúa là người anh em. Chúng ta đã biết rằng trong Bữa Tiệc Ly Ðức Giêsu đã nói: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ, nhưng là bạn hữu.” Các Tông đồ đã trở thành những người bạn thân thiết của Chúa, dù họ tốt hay xấu, quảng đại hay nhỏ nhoi, trung thành hay phản bội, v.v… tất cả họ luôn luôn là những người bạn của Chúa.
Chúng ta có thể phản bội lại tình bạn của Ðức Kitô. Nhưng Người thì không bao giờ phản bội chúng ta, là những người bạn của Người. Kinh thánh đã từng nói: “Dù cho cha mẹ con có bỏ rơi con đi nữa, thì Thiên Chúa cũng không hề bỏ rơi con” (Tv 27,10). Cả khi chúng ta không xứng đáng với sự trung thành của Chúa, cả khi chúng ta phủ nhận Người, chối từ Người, thì trước mắt và trong trái tim Chúa chúng ta vẫn luôn luôn là những bạn hữu của người. Bởi thế, Giu-đa vẫn là người bạn của Chúa cả ngay trong lúc ông ta phản bội Người bằng một nụ hôn!
Tôi đã tự hỏi: Làm sao một vị Tông đồ của Chúa lại có thể kết thúc như một kẻ phản bội?
Có ai hiểu được những bí ẩn của sự ác không? Có ai có thể nói cho chúng ta hay là làm thế nào mà chúng ta đã trở thành độc ác? Chúng ta đừng quên rằng mỗi người trong chúng ta vào một lúc nào đó đã khám phá thấy rằng sự ác từng đồn trú, từng nằm vùng trong trái tim và trong ý nghĩ của ta. Chúng ta đã nhìn thấy sự ác đó triển nở, lớn phồng lên mỗi ngày. Chúng ta không hề biết được tại sao chúng ta lại trao phó mình cho sự ác. Và một lúc nào đó sự dữ sẽ nổ tung lên. Từ đâu phát sinh ra sự ác? Ai đã sản xuất ra sự ác? Ai đã cướp mất niềm tin của chúng ta? Ai đã cướp mất khả năng của chúng ta để tin tưởng vào sự thiện và để yêu mến sự thiện?
Nhưng hiện tượng “Sự ác trong chúng ta” không còn là một điều bí ẩn nữa, cũng như sự phản bội của Giu-đa không còn là một bí ẩn nữa. Mọi người đều biết điều đó. Bất cứ lúc nào một vị Tông đồ cũng có thể trở thành kẻ phản bội được. Bất cứ lúc nào một Kitô hữu cũng có thể trở thành kẻ chối đạo. Bất cứ lúc nào một tín hữu dù đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy cũng có thể bội hứa với Ðức Tin của mình. Bất cứ lúc nào một người đã được ghi dấu trên mình nhân danh Thiên Chúa ba Ngôi, cũng có thể xúc phạm đến Thánh Danh đó. Vậy đâu là nguyên nhân của những thay đổi mang tính cách phản bội như thế?
Sự cám dỗ đã được bắt đầu với tiền bạc, với những ngón tay biết đếm tiền. Ðó là một cái vòng luẩn quẩn đáng buồn của loài người, xưa kia cung như ngày nay, mà một khi đã rơi vào trong đó người ta rất khó lòng thoát ra được. Bởi lẽ tiền bạc trong túi những người đó đã trở nên quá toàn năng và độc đoán. “Các ông cho tôi bao nhiêu, nếu tôi nộp Người cho các ông? Và họ đã chỉ trả cho y 30 đồng bạc” (x. Mt 26,14-16).
Chỉ cần 30 đồng bạc thôi cũng đã vừa giá cho Giu-đa để bán đổi người bạn, vị Sư Phụ của mình, Ðấng đã kén chọn ông ta trong muôn một và đã đặt làm Tông Ðồ; Ðấng ban cho chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, đã cho chúng ta có được nhân phẩm, sự tự do và những sự cao cả của những kẻ làm con Thiên Chúa. Vâng, tiền bạc, địa vị, danh dự, v.v… tất cả đều phát xuất từ Thiên Chúa, đều là ân huệ Thiên Chúa ban, nhưng chúng lại được nhiều người trọng vọng và được đánh giá cao hơn cả niềm tin của họ, hơn cả lòng trông cậy phó thác của họ vào Thiên Chúa.
Tuy nhiên, khi Giu-đa nghe lọt tai tiếng gào thét của đám đông: “Ðóng đinh nó vào thập giá! Ðóng đinh nó vào thập giá!” Khi Giu-đa nhìn thấy Thầy mình bị hành hạ và bị lãnh án tử trong dinh Phi-la-tô, bấy giờ tâm hồn ông ta bắt đầu xúc động, lòng một kẻ phản bội bắt đầu đâm ra quá xúc động và ông ta đã ném trả lại 30 đồng bạc giá máu của Ðấng vô tội xuống đất. Những đồng bạc đó giờ đây đối với ông ta không còn giá trị gì nữa. Ông ta vô cùng hối hận. Nhưng tiếc thay, mọi sự đã quá muộn!
Tội nghiệp cho Giu-đa! Thật tội nghiệp cho người anh em Giu-đa! Bởi vì cái tội nặng nhất không phải là hành động phản bội và bán đổi Ðức Kitô của ông ta, nhưng là sự thất vọng, sự nghi ngờ lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa nơi ông ta! Vì chính Phêrô cũng đã chối Chúa và tất cả các Tông đồ cũng đều đã bỏ Chúa, nhưng tất cả đã ăn năn hối cải trở về với Thầy mình và Ðức Kitô đã tha thứ cho tất cả họ và đồng thời đã tiếp nhận họ với tất cả sự tin tưởng.
Sau cùng, tôi lại muốn nhắc qua đến “Giu-đa” trong chính con người tôi, và cả đến “Giu-đa” có lẽ ở nơi các bạn nữa, đồng thời xin các bạn hãy cho tôi được cầu xin Ðức Giêsu ban cho tôi ơn phục sinh: Ðược gọi chính tôi là “bạn” trong chiều nay, sớm mai và trong đêm thứ bảy, đêm Phục Sinh. Bởi vì tiếng đó là ngôn ngữ của Phục Sinh! Tiếng đó được nói ra cho Giu-đa khốn khổ cũng như cho chính tôi, và cũng rất có thể cho một Giu-đa khốn khổ trong các bạn. Bởi vì đó là cả một niêm vui mừng trọng đại, khi Ðức Giêsu không muốn để chúng ta rơi vào cảnh bối rối lo âu sợ hãi, nhưng đã tha thứ cho chúng ta hết mọi tội lỗi. Chúng ta luôn nhớ rằng, hôm nay cũng như trong lúc chúng ta yếu đuối sa ngã, chúng ta luôn luôn là những người bạn của Chúa, như Giu-đa là người bạn muôn đời của Chúa!