CHIẾC LÁ CUỘC ĐỜI

Thứ năm - 28/03/2024 05:15
tải xuống (5)
tải xuống (5)

Nghi thức khai mạc Tuần Thánh được gọi là “Lễ Lá”. Tuy cành lá chỉ chiếm vị trí rất khiêm tốn trong nghi thức, nhưng được dùng làm tên gọi cho Thánh lễ long trọng này. Thực ra, chỉ một chi tiết nhỏ trong Bài Thương Khó liên quan đến lá. Cả bốn tác giả Phúc Âm đều kể lại biến cố Đức Giê-su vào thành thánh. Thánh Mát-thêu và Mác-cô nhắc đến việc dân chúng rải lá trên đường để Đức Giê-su đi qua. Riêng thánh Gio-an lại tường thuật việc người dân cầm cành thiên tuế để đón Người. Những lời tung hô của người dân cho thấy, họ nhận ra nơi vị Ngôn sứ thành Na-da-rét hình ảnh của vua Đa-vít, một vị vua luôn là niềm tự hào của dân tộc Do Thái. “Hoan hô! Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng vua Ít-ra-en”. Những người Do Thái hiểu biết lịch sử sẽ dễ dàng nhận ra, đó là bầu khí tưng bừng của dân chúng năm xưa, khi họ đón Đa-vít chiến thắng lẫy lừng trước người Phi-li-tinh và trở về trong vinh quang. Thánh Gio-an còn trích dẫn Ngôn sứ Da-ca-ri-a (Dcr 9,9): “Hỡi thiếu nữ Si-on, đừng sợ! Này Đức Vua của ngươi ngự đến, ngồi trên lưng lừa con” (Ga 12,15). Cả bốn tác giả đều trình bày việc Đức Giê-su vào thành thánh như một cuộc khải hoàn mang tính thiên sai. Qua cuộc tiến vào thành thánh, Đức Giê-su chứng tỏ Người là Đấng Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa và là Đấng muôn dân mong đợi.

Chúng ta hãy trở về với những cành lá được dùng trong ngày Đức Giê-su vào thành thánh. Có những chiếc lá được rải trên lối đi. Có những chiếc lá được dân chúng cầm ở tay để tung hô chúc mừng. Chiếc lá nào cũng mang màu xanh mướt, biểu tượng của lòng nhiệt thành, niềm vui và sự tươi mát. Những chiếc lá này tượng trưng cho niềm hân hoan của dân chúng khi Chúa Giê-su tiến vào thành thánh. Tuy vậy, thân phận của những chiếc lá, dù rất đẹp, nhưng lại hết sức mong manh. Những chiếc lá hôm nay còn xanh, ngày mai đã ngả màu héo úa. Thánh lễ khai mạc Tuần Thánh dẫn khởi đầu bằng bầu khí hân hoan khi Chúa vào thành thánh, và kết thúc bi thương với hình ảnh Người chịu khổ nạn. Đức Giê-su, Đấng Công chính, đã trải qua nhiều đau thương trong những ngày cuối đời trên dương thế. Người luôn cam chịu mà không phản ứng lại. Người chấp nhận những gian khó vì vâng phục Chúa Cha và vì yêu mến nhân loại (Bài đọc I và Đáp ca). Trong suốt Tuần Thánh và nhất là Tam Nhật Vượt qua, chúng ta cùng với Giáo hội Hoàn vũ chiêm ngắm Đức Giê-su, một con người bị đánh đập tàn nhẫn đến biến dạng, bị vu khống đủ điều xấu xa và cuối cùng bị giết chết trên thập giá.

Như những cành lá xanh nhanh chóng nhạt màu phai sắc. Người dân thành Giê-ru-sa-lem, khi đón Chúa vào thành, hân hoan tưng bừng là thế, mà chỉ mấy ngày sau đó họ thay lòng đổi dạ. Đó là một đám đông hỗn độn, bừng bừng sát khí đòi Phi-la-tô lên án tử cho Chúa Giê-su. Một chi tiết phụ trong trình thuật nhưng lại làm nổi bật sự hận thù vô cớ của người Do Thái, đó là trường hợp Ba-ra-ba. Anh ta là một tên trộm cướp, hoặc một thành viên băng đảng. Nhưng, một nghịch lý trớ trêu là người dân lại xin tha cho người tù khét tiếng này, để một mực bắt Chúa Giê-su phải chết. Phi-la-tô là người ngoại và là đại diện cho chính quyền dân sự. Ông muốn tha Chúa Giê-su. Gợi ý tha bổng một tù nhân vào dịp lễ Vượt qua là một lối thoát nhằm phóng thích Chúa Giê-su, nhưng bất thành. Chúa Giê-su đã bị lên án tử. Bản án và việc xét xử được thực hiện vội vàng, ngay trong đêm. Chúa Giê-su đã phải tự vác thập giá đến nơi hành hình và đã bị đóng đinh trên cây gỗ ấy.

Chắc chắn trong lúc dân chúng kết án Chúa Giê-su trong cảnh hỗn loạn, có những người mến Chúa và thương Chúa. Họ rất muốn minh oan cho Chúa Giê-su. Tuy vậy, tiếng nói của họ quá nhỏ, bị át bởi cường quyền và đám đông đang hầm hầm giận giữ. Và, những tiếng nói của lẽ phải ấy đã bị bóp nghẹt. Ngày hôm nay cũng thế, có biết bao tiếng nói đòi công bằng và tôn trọng nhân phẩm bị bóp nghẹt giữa cơn cuồng phong của những kẻ mạnh vô luân!

Mỗi năm, chúng ta cử hành Lễ Lá để phác hoạ và diễn tả cuộc vào thành Giê-ru-sa-lem long trọng của Chúa Giê-su năm xưa. Phụng vụ có đề nghị nghi thức làm phép lá và phát cho dân chúng. Sách nghi lễ còn nói rõ: khi đi rước, vị chủ tế đi trước, sau đó là những người giáo dân, tay cầm ngành lá phấp phới. Chúng ta cũng thường có thói quen mang cành lá đã được làm phép về trưng bày tại gia đình, như một gợi nhớ về ý nghĩa Phụng vụ Tuần Thánh. Đó cũng là một nhắc nhở cho chúng ta về thân phận con người, và lòng trung thành trong đức tin và trong cách đối nhân xử thế.

Cuộc đời chúng ta như một chiếc lá. Vòng đời của chiếc lá khởi đầu từ ngày hé nở cho đến ngày úa vàng rồi rụng xuống đất. Vòng đời ấy dài hay ngắn tuỳ thuộc mỗi loại cây. Nhưng tất cả đều có một điểm giống nhau, là nếu rời khỏi cành, thì sẽ tàn úa. Chiếc lá xanh của lễ khai mạc Tuần Thánh nhắc cho chúng ta sự mỏng giòn chóng qua của kiếp người. Chiếc lá cũng nhắc chúng ta về sự thay đổi bất nhất của lòng dạ con người. Quả vậy, hành trình cất bước theo Chúa Giê-su, là hành trình liên lỉ suốt đời. Trong hành trình ấy, có nhiều khó khăn chông gai thử thách. Con Thiên Chúa đã mang thân phận con người, đã lao nhọc trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng và cuối cùng đã chết trên thập giá. Hình ảnh Đức Giê-su vác thập giá như nguồn khích lệ động viên mỗi chúng ta. Bởi lẽ thập giá, tức là những khổ đau, mâu thuẫn và thất bại, không từ một ai. Chúa Giê-su đã vác thập giá, và hôm nay Người cũng đang cùng vác thập giá với mỗi chúng ta. “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28). Chúa đã hứa với chúng ta như thế.

Xin Chúa giúp sức, để chúng ta có thể gìn giữ tâm hồn và cuộc đời luôn thắm mãi màu xanh. Amen. mục lục

 

Nguồn tin: + ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập34
  • Hôm nay9,402
  • Tháng hiện tại38,055
  • Tổng lượt truy cập35,304,336
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây