LỚN LÊN BỞI CHÚA

Thứ bảy - 15/06/2024 21:45
tải xuống (5)
tải xuống (5)

Chúng ta bắt đầu bài chia sẻ hôm nay bằng câu chuyện. Nội dung và các tình tiết trong câu chuyện rất thật, thật đến độ có nhiều người tưởng như truyện kể về hoàn cảnh của gia đình mình. Truyện kể như sau.

Có một gia đình kia có 4 người con. Gia đình anh chị mới đến Úc khoảng hơn chục năm. Chân ướt chân ráo tới định cư tại một xã hội hoàn toàn mới lạ với những gì mà họ đã được dậy bảo và trưởng thành ở Việt nam. Tuy bỡ ngỡ nhưng anh chị cố gắng chu tòan bổn phận và trách nhiệm làm cha mẹ trong môi truờng mới.

Khi còn nhỏ, cháu nào cháu ấy thật dễ thương, chăm chỉ học hành, vâng lời anh chị, ngoan ngoãn trong công việc. Đến tuổi dậy thì, các cháu đổ chứng, mỗi đứa một tật khiến cho anh chị lao tâm lao lực, thậm chí chán nản, bị trầm cảm rồi mất lòng trông cậy và chẳng biết bám víu vào ai. Nhưng anh chị vẫn tiếp tục vai trò làm đầy tớ phục vụ nhu cầu các con, làm thầy dậy chỉ bảo đường đi cho các con, làm lang y mỗi khi các cháu ngã bịnh.

Theo tôi, anh chị đã cố gắng hết sức trong việc giáo dục con cái. Tôi thông cảm và rất muốn chia sẻ nỗi khó khăn, niềm lo âu và cơn buồn phiền trong đời sống với họ. Tôi cảm phục lòng can đảm, sự hy sinh, lòng kiên nhẫn nói lên tình yêu của họ dành cho các cháu. Đó chính là công sức mà họ đã đóng góp để cho hạt giống mà Chúa đã gieo, đang gieo và tiếp tục gieo qua cuộc sống của họ và âm thầm mọc lên trong cuộc sống của các cháu. Tất cả được đặt trong niềm hy vọng là các hạt giống đó sẽ sinh hoa kết trái sau này.

Trước hoàn cảnh thật chông gai mà gia đình anh chị, bạn tôi đã và đang đối diện. Anh chị có thể nhận ra mình là kẻ thua cuộc, nhưng anh chị vẫn tin rằng Thiên Chúa yêu thương những người con của anh chị hơn anh chị yêu các cháu. Bởi vì, các cháu trước khi là con của anh chị thì phải là con của Thiên Chúa truớc. Như thế, Ngài có đường lối và cách ứng xử của Ngài.

Anh chị tin rằng Ngài không muốn một ai trong chúng ta bị hư đi. Chúng ta là những con người bất tòan mà còn biết hành xử với con cái mình như thế, gieo và tiếp tục gieo hạt giống tin yêu và hy vọng là nó sẽ sinh hoa kết trái; phuơng chi là Thiên Chúa. Người yêu thuơng, tiếp tục ban phát ân huệ, kiên tâm chờ đợi kết quả của ngày mùa, đến mùa thu họach sẽ đuợc bội thu.

Thưa anh chị em,

Tuy truyện kể trên đây không xẩy ra cho mọi gia đình, nhưng tình tiết của câu chuyện không xa lạ với hoàn cảnh sống của gia đình chúng ta. Các bậc cha mẹ dường như đều trải qua những kinh nghiệm giống như thế.

Một cách tương tự, đây cũng là hoàn cảnh của các tín hữu tiên khởi đã phải đối diện. Sau khi Chúa Giê-su về trời, ngự bên hữu Thiên Chúa. Các Tông đồ bắt đầu ra đi rao giảng về Nước Thiên Chúa. Công cuộc rao giảng và gieo trồng Lời Chúa của các môn đệ không được thuận lợi. Các ông bị chống đối, chịu cấm cách, bị bắt bớ, tù đầy thậm chí còn bị giết chết. Trước một thực tế đầy chông gai như thế, anh chị em tiên khởi có thể hỏi nhau rằng làm thế nào Nuớc Thiên Chúa có thể phát triển đây?

Câu trả lời được tìm thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Dụ ngôn về Nước Thiên Chúa mà chúng ta vừa nghe có thể đem đến cho họ và cả chúng ta một lời giải đáp. Trước hết, chúng ta cần ghi nhận rằng điểm chính của dụ ngôn nằm ở thái độ của người gieo giống hơn là bổn phận mà ông phải chu toàn. Trong bài Tin Mừng, ông được trình bầy như một kẻ lười biếng, chỉ biết gieo mà không nỗ lực canh tác. Sau khi gieo, ông trở về với cuộc sống thường nhật của mình.

Tuy, đó là vẻ bề ngoài của ông, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng: là một nhà trồng cấy chuyên nghiệp, ông có đủ kinh nghiệm để biết rằng thủa đất mà ông vừa gieo hạt giống xuống sẽ bắt đầu một tiến trình khiến cho hạt giống tăng trưởng mà không cần bất kỳ một sự can thiệp nào của ông. Ngoài niềm tin đó, việc kế tiếp mà ông cần làm là quan sát và kiên nhẫn chờ đợi, cho đến khi hạt giống chín thì vác liềm ra gặt mà thu hoa lợi về cho chủ.

Nếu dụ ngôn được hiểu như thế thì chúng ta cũng dễ dàng nhận ra ý của Thánh sử là: Nước Thiên Chúa thuộc về quyền cai quản của Thiên Chúa. Mọi người chúng ta chỉ là những người thợ trong cánh đồng này. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta có bổn phận đóng góp và chu toàn bổn phận của những người con, những người phụ giúp; còn việc làm cho Nước ấy tăng trưởng hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.

Cụ thể hơn, qua mầu nhiệm nhập thể Đức Giê-su đã đảm nhận vai trò đó. Người đến để rao giảng và phát triển Nước Thiên Chúa. Vì thế, Người có bổn phận làm cho hạt giống tăng trưởng. Người mới là người gieo giống chân thật. Còn chúng ta chỉ là những kẻ thừa hành, những người cộng tác.

Hoàn cảnh mà các cộng đoàn tiên khởi đang phải đối diện cũng là số phận mà Đức Giê-su đã trải qua.

Người đã thất bại, đã bị khước từ, bị chống đối, loại bỏ khỏi hội đuờng sau cùng bị giết chết. Người xem ra thất bại trước sự cứng tin của người nghe. Tâm hồn họ đã ra chai đá và không mở lòng ra để đón nhận những hạt giống trong Lời rao giảng của Người. Tuy nhiên, không vì thế mà hạt giống không được tăng trưởng. Chúng ta phải tin rằng: Hạt giống được gieo bởi Đức Giê-su. Người biết làm sao để cho hạt giống được tăng trưởng. Và, trong niềm tin, chúng ta chắc chắn rằng không có một sức mạnh nào có thể ngăn cản sự tăng trưởng của hạt giống.

Hạt giống của Chúa chứ không phải lời hay công sức của chúng ta. Vì thế, việc hạt giống nảy mầm, sinh hoa kết trái là của Chúa. Những điều cần làm thì chúng ta vẫn phải làm, vì đó là bổn phận của mình, nguời môn đệ của Chúa. Còn phần còn lại, kết quả của nó, thành công hay thất bại không phải là việc của mình. Kiên nhẫn đợi chờ với tinh thần lạc quan để chờ ngày thu hoạch.

Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy hết lòng tin tưởng với tâm hồn khao khát rằng Nuớc Thiên Chúa, cho dù đã được khai mạc bởi Đức Giê-su, nhưng còn sẽ đến để đem mọi sự đến hoàn thành. Và trong ngày đó, lối sống yêu thương và các công sức của chúng ta sẽ trở thành những bông lúa đầy mầu nắng ấm của tình yêu, sẽ triển nở để báo cho biết mùa gặt đã đến. Và lúc đó, chúng ta chỉ biết dâng lời chúc tụng và tôn vinh Chúa, Đấng đem mọi sự đến mức hoàn hảo và sung mãn nhất theo ý của Ngài.

Vì vậy, Lời Chúa trong dụ ngôn về sự tăng trưởng âm thầm của hạt giống giúp cho tôi xác tín hơn rằng: Chúa chúng ta là Đấng thật quảng đại, kiên tâm trong tình yêu và không hề áp đặt, luôn tôn trọng quyền tự do và mức độ đón nhận của con người. Để đáp trả, chúng ta hãy tự do đứng dậy rồi yêu thuơng, tha thứ và kiên tâm chờ đợi cùng nhau sinh hoa kết trái nhé. Amen! mục lục

 

Nguồn tin: Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập35
  • Hôm nay5,373
  • Tháng hiện tại255,415
  • Tổng lượt truy cập35,177,897
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây