CAN ĐẢM NÓI và SỐNG LỜI CHÚA

Thứ hai - 23/09/2024 10:25
tải xuống (4)
tải xuống (4)

“Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31).

Thưa anh chị em, chúng ta nghe lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ về cuộc thương khó của Ngài. Khi nghe lời loan báo về cuộc thương khó này, một câu hỏi mà anh chị em và tôi có thể đặt ra: Tại sao Chúa Giêsu tốt lành, thánh thiện, đi đến đâu Ngài cũng gieo rắc những điều tốt lành cho người ta, vậy mà lại bị bắt bớ và giết chết?

Nếu chúng ta để ý thì câu trả lời nằm ngay ở trong bài đọc thứ nhất (x. Kn 2,12.17-20). Ở câu 12, chúng ta thấy những kẻ gian ác nói với nhau rằng: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo”. Hóa ra, người công chính bị hại là bởi vì đối với những kẻ gian ác họ thấy ngứa mắt, thấy bực bội khó chịu, giống như là đang đau mắt mà bị một luồng ánh sáng chiếu vào.

Để diễn tả cụ thể hơn, anh chị em nhớ lại câu chuyện của Thánh Gioan Tẩy giả. Mỗi năm vào dịp lễ Giáng sinh, chúng ta nghe Thánh Luca kể chuyện Chúa Giêsu được sinh ra ở Bêlem dưới thời của vua Hêrôđê đại đế. Ông có tới mấy người con trai, và sau này là ông chia phần cho mỗi người con coi sóc một phần lãnh thổ, trong đó cũng có một người con tên là Hêrôđê Antipas. Hêrôđê Antipas có một người anh trai tên là Philíp. Hêrôđê Antipas này thấy vợ của anh mình xinh đẹp, mà bà vợ của ông anh thì cũng lại đồng tình với ông này. Thành thử ra, hai người toa rập với nhau, rồi thì Hêrôđê Antipas quyết định cướp vợ của anh mình. Thánh Gioan Tẩy giả bảo không được làm như thế. Kết quả là ngài bị cho vào tù luôn. Và đến một ngày thuận tiện, Hêrôđê Antipas ra lệnh chém đầu thánh Gioan Tẩy giả (x. Mc 6:17-29).

Đấy là một minh họa rất cụ thể người công chính bị sát hại, bởi vì đối với kẻ gian ác, họ thấy chướng mắt họ, ngăn cản họ, và nếu chúng ta đọc Kinh Thánh thì sẽ thấy không chỉ có một chuyện đâu, mà nhiều chuyện tương tự như thế, và cũng không chỉ trong Kinh Thánh, mà lịch sử của Giáo hội và trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta vẫn gặp đi, gặp lại những trường hợp như vậy. Chẳng hạn như trong lịch sử của Giáo hội mà anh chị em nghe đến ông vua Henry VIII. Ông ấy cũng là Công giáo! Bà vợ của ông ấy làm sao đó, hoặc là không sinh con cho ông ấy được, thế là ông muốn cưới một người vợ khác, nên làm đơn xin phép Đức giáo hoàng. Đức giáo hoàng không cho. Ông quyết định không theo Công giáo nữa và lập Anh giáo riêng, mà khi đó có những vị quan lớn ở trong triều ngăn cản, không những không được mà bị cho vào tù luôn. Thế cho nên, những chuyện đó đó nó là cái minh họa rất cụ thể để giúp cho chúng ta hiểu Lời Chúa ngày hôm nay.

Vậy thì thưa anh chị em, tôi nghĩ có hai câu hỏi mà cho chính chúng ta khi đọc lời Chúa hôm nay có thể tự chất vấn mình.

Câu hỏi thứ nhất đó là: Có bao giờ anh chị em và tôi muốn sống thoải mái trong tội lỗi, và vì thế chúng ta gạt bỏ lời Chúa ra bên ngoài giống như ngày xưa người ta gạt bỏ Chúa Giêsu, thì bây giờ chúng ta gạt bỏ lời Chúa ra bên ngoài, để mình có thể sống thoải mái trong tội lỗi của mình?

Thánh Augustinô, như anh chị em biết, lúc còn trẻ ông cũng bê bối lắm, có bà mẹ là Thánh Monica lúc nào cũng ở bên cạnh để mà khuyên can, nhắc nhở. Ông khó chịu lắm! Lúc đó hai mẹ con đang ở bên châu Phi. Rồi Augustinô quyết định đi Italia ở thành phố Milano để lập nghiệp. Mẹ Monica cũng muốn đi theo, ông đành phải chiều thôi. Đưa mẹ ra tận bến cảng ban đêm, lúc bà đang thiếp ngủ, ông trốn mất. Monica thức dậy không thấy con trai đâu nữa, vì ông muốn sống thoải mái theo theo đam mê của mình, đành gạt mẹ sang một bên, không muốn bà mẹ ở bên cạnh để mà nhắc nhở khuyên can gì cả. Chúng ta cũng có thể những lúc như thế. Mình sống trong tội lỗi, mình biết rõ như vậy nhưng không bỏ được cái tội đó, cho nên mình muốn gạt bỏ lời Chúa. Tôi không muốn đến nhà thờ để khỏi phải nghe giảng. Tôi không muốn gặp ông Linh mục nào đó để khỏi phải nghe khuyên bảo này nọ, có khi tôi còn đặt vấn đề về nội dung Đức tin, nó đúng hay sai. Sâu xa là để tôi biện hộ cho cái đam mê xấu của mình, cái câu hỏi đó chúng ta có thể đặt ra cho chính mình.

Câu hỏi thứ hai đó là theo gương của Chúa Giêsu và các Thánh, anh chị em và tôi có can đảm để mà sống theo lời Chúa, nói lời Chúa cho dù mình phải chịu thiệt thòi không?

Chúng ta đọc ở trong Kinh Tám Mối Phúc, những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Mình có dám chấp nhận bị thiệt thòi, chứ đừng có nói gì bị bắt bớ, hay là bị bách hại, vì mình can đảm sống theo lời Chúa không? Đấy cũng là một câu hỏi rất quyết liệt cho chúng ta, thưa anh chị em.

Tôi gợi một vài ý suy niệm văn tắt như thế để tất cả chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau. Chúa biết là chúng ta yếu đuối. Xin Chúa thêm sức cho chúng ta để có sự can đảm nội tâm, sự can đảm từ phía bên trong để dám sống trung thành với lời Chúa, cho dù có thể vì vậy mà chúng ta phải chấp nhận những thiệt thòi trong đời sống. Nhờ vậy, một cách nào đó, chúng ta góp phần để làm chứng cho chân lý của Tin mừng mà Chúa mời gọi chúng ta. Amen.

 

Nguồn tin: + ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập44
  • Hôm nay5,069
  • Tháng hiện tại86,437
  • Tổng lượt truy cập35,008,919
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây