NẠN ĐỘC QUYỀN

Chủ nhật - 29/09/2024 05:50

Độc quyền kinh doanh sản xuất, độc quyền phân phối, buôn bán, độc quyền lãnh đạo đất nước, độc quyền làm việc thiện, độc quyền phụ trách công tác giáo dục… thực sự là những chước cám dỗ khó vượt qua. Khi đã nắm độc quyền thì vị thế của chúng ta là như bất khả xâm phạm và dĩ nhiên lợi ích của chúng ta luôn được bảo đảm. Đằng sau những thứ độc quyền ấy, có một thứ độc quyền chủ yếu chi phối tất cả, đó là độc quyền chân lý, nghĩa là chỉ riêng mình ta mới đúng và như thế những ai khác ta hay ngược với ta đều là sai lạc.

Khi Đức Chúa ban Thần khí cho cả những người không đến Lều Hội Ngộ, Giosuê đã xin Môsê ngăn cấm họ. Giosuê đã ngỡ ngàng trước câu trả lời Môsê: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần khí của Người trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ !” (Ds 11,29). Chắc chắn Môsê muốn nhắc bảo Giosuê rằng chớ nên độc quyền ân ban của Đức Chúa. Thần Khí Thiên Chúa luôn tự do như gió trời, muốn thổi đâu thì thổi (x.Ga 3,8).

Có nhiều thứ độc quyền xem ra hữu lý nhằm để bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất, quyền tác giả…Tuy nhiên từ việc bảo vệ những quyền lợi chính đáng người ta cũng dễ dàng bị cám dỗ ganh tương đố kỵ và tìm cách loại trừ những ai có quyền lợi tương đồng như mình bằng nhiều hình thức. Người hành xử bằng sự độc đoán, độc quyền, chuyên chế vốn thường canh cánh trong lòng nỗi lo sợ kẻ khác tranh quyền, tranh lợi. Nguyên việc người ta như mình hay ngang hàng với mình họ cũng không chịu nỗi huống là qua mặt mình hay hơn mình. Lòng ganh tương, đố kỵ xui khiến chúng ta tìm đủ lý do, đủ mọi cách thế để kìm hãm tha nhân, dìm kẻ khác xuống hoặc ít ra là ngăn cản không cho người ta phát triển hay tiến lên. Thánh Giacôbê khẳng định “Ở đâu có ganh tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ xấu xa” (Gc 3,16). Điều xấu xa, tồi tệ nhất đó là cả người ganh tương và người bị đố kỵ, cả hai đều bị hạn chế phát triển và khó có thể làm được sự gì tốt đẹp cách đúng nghĩa.

“Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9,38). Ngài Gioan nêu một lý do xem ra có phần hữu lý. Nhưng đằng sau hai từ chúng ta, không biết thầy Giêsu có được bao nhiêu phần, nhưng phần của tập thể nhóm Mười Hai và cách riêng phần của ngài Gioan thì không nhỏ. Ẩn sâu dưới sự độc quyền chính là sự kiêu ngạo, tham danh, hám lợi. Chỉ có ta hay phe nhóm chúng ta mới là duy nhất đúng, vì thế chỉ có ta hay phe ta mới có quyền giáo dục, mới có quyền lãnh đạo… và rồi chỉ có ta, phe ta mới được hưởng lợi lộc và được tôn vinh. Đã từng có thời, Kitô hữu chúng ta cũng rơi vào tình trạng độc quyền chân lý. Chỉ có người Công Giáo mới nắm được chân lý, còn ngoài ra đều là tà đạo hay lạc đạo. Hậu quả của thái độ độc tôn, độc quyền thật đáng ghê sợ mà lịch sử ghi lại đó là những cuộc chiến tranh, những sự đàn áp bất công, loại trừ tha nhân cách này cách khác… Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã nhiều lần xin lỗi cách công khai, thì chúng tin chắc rằng trong tương lai sẽ chẳng còn xuất hiện những bước chân của đoàn quân thập tự hay các phiên tòa xử người dị giáo.

Kitô hữu tin rằng muốn được hạnh phúc đích thực và trường tồn thì phải qua Chúa Kitô, vì không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Người, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x.Ga 14,6). Thế mà Chúa Giêsu đã nói với Gioan: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40). Lời khẳng định của Người giúp ta xác quyết rằng cho dù chân lý là duy nhất nhưng vẫn có đó nhiều ngõ lối để tiếp cận. Hạnh phúc Nước Trời chỉ có một, nhưng Thiên Chúa có nhiều cách thế để ban chính mình cho nhân loại mọi thời và mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Chúa Giêsu trong chuyện dụ ngôn ngày thế mạt đã minh họa sự thật này. Ngay cả những người tự nhận là khi sinh thời đâu có biết Người, thế mà họ cũng đã “ủng hộ” Người, nghĩa là tiếp bước theo Người và sống cho Người, để rồi đáng được hưởng phúc muôn đời (x.Mt 25, 31-46).

“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6,13). Một trong những chước cám dỗ mà ta cần xin Chúa cứu đỡ, đó là mặc cảm tự tôn. Tự tôn là một hình thái của kiêu ngạo. Khi mặc cảm tự tôn được hổ trợ bằng chút thế, chút lực thì người ta sẽ tìm cách giữ độc quyền trong hành động và sẽ độc đoán trong phán quyết. Độc quyền, độc đoán là một lối sống, một cung cách hành xử của kẻ độc tài và hệ quả tất yếu là những hành vi độc ác, dẫu cho có khi là vô tình. “Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Lịch sử cho thấy người độc tài rất hiếm đem lại những điều tốt đẹp cho nhân loại, mà thường là những sự xấu xa, tồi tệ.

Đức Phanxicô và nhiều vị mục tử hàng đầu trong Giáo hội đã khẳng định chủ nghĩa giáo sĩ trị là một hình thái độc tôn, độc quyền. Đức Hồng Y Jean Claude Hollerich trong phiên họp chung thứ 12 về tính hiệp hành ngày 18/10/2023 tại hội trường Phaolô VI đã nói rằng nó là một trong những nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều điều xấu xa trong Giáo Hội. Ngoài việc cảnh giác cho bản thân, thì bạn, tôi, chúng ta cần làm gì để hạn chế và tiến dần đến chỗ loại bỏ những hình thái độc quyền, độc tôn trong Giáo Hội và những cơ chế độc tài phi nhân, bất chính ngoài xã hội? Hãy chặt chúng đi! Hãy móc chúng đi! Đây là mệnh lệnh mang tính sống còn, không chỉ cho bản thân chúng ta mà còn cho những kẻ bé mọn là những người luôn được Thiên Chúa ưu ái. 

 

Nguồn tin: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – GP. Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập118
  • Hôm nay6,330
  • Tháng hiện tại87,698
  • Tổng lượt truy cập35,010,180
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây