LỄ LÁ 2023

Thứ năm - 30/03/2023 19:37
tải xuống (1)
tải xuống (1)
Nghi thức phụng vụ khai mạc Tuần Thánh mang nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: khởi đầu là bầu khí náo nhiệt tưng bừng, kết thúc là một thảm kịch bi thương.  Bài thương khó theo thánh Matthêu đưa chúng ta từ phòng Tiệc ly, đến chân thập giá và cuối cùng kết thúc nơi một nấm mồ được niêm phong.  Nghe đọc trình thuật thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta cũng hoảng hốt như các môn đệ và số đông dân chúng đương thời.  Có lẽ nào một người tự xưng là Thiên Chúa mà nay phải chết cách nhục nhã thương đau?  Có lẽ nào một vị ngôn sứ đã từng nổi tiếng về quyền năng trong lời nói cũng như hành động mà nay phải thất bại trước mưu mô toan tính của con người?  Công lý ở đâu?  Phải chăng trời không có mắt?  Còn biết bao vấn nạn nữa được đặt ra, trong sự hoang mang sợ hãi của những người chứng kiến.  Nỗi sợ ấy lớn đến mức các môn đệ sợ hãi chạy trốn.  Giây phút Chúa Giêsu chịu thương khó và chịu chết là thời điểm của quyền lực tối tăm.  Bạo lực và gian dối nhấn chìm tất cả trong đau thương và bi đát.
 
Những sự kiện được trình bày trong Bài Thương khó, sẽ được lần lượt cử hành qua các lễ nghi của Tam nhật Vượt qua.  Ngày lễ lá chỉ là khúc dạo đầu của các lễ nghi Tuần Thánh.  Trong Tam nhật Vượt qua, chúng ta sẽ từng bước đi theo Chúa Giêsu từ nhà Tiệc Ly (thứ Năm Tuần Thánh) đến chân đồi Canvê (thứ Sáu Tuần Thánh).  Cùng cảm nhận sự hoang mang trống vắng của các môn đệ, chúng ta đến bên mộ Chúa (thứ Bảy Tuần Thánh), rồi cuối cùng là niềm vui Phục sinh vỡ oà nơi chúng ta và các Kitô hữu trên khắp địa cầu.
 
Hãy trở lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu.  Tác giả Phúc âm cũng như các độc giả gốc Do Thái nhận ra nơi Chúa Giêsu người tôi tớ đau khổ mà ngôn sứ Isaia diễn tả.  Bài đọc thứ nhất Lễ Lá là Bài ca thứ ba, trong số bốn bài ca về người tôi trung của Đức Giavê.  Ngôn sứ Isaia diễn tả một người bị đánh bầm dập, chịu phỉ nhổ nhạo cười mà không thẹn thùng và cũng không cãi lại.  Đó là người tôi tớ trọn niềm trung kiên để thực hiện thánh ý Đức Giavê.  Tương tự như thế, thánh Matthêu diễn tả những nhục hình mà Chúa Giêsu đã chịu.  Những người lĩnh La Mã chế giễu Chúa và trút lên Người những trận mưa đòn trong sự ngạo nghễ của một đại quốc đối với công dân của một nước chư hầu.  Họ đã biến Người thành một tên hề để giải khuây.  Trong tình huống này, Chúa Giêsu vẫn nhẫn nhục.  Người mang vào bản thân sự đau đớn tinh thần cũng như thể xác.  Đối với một người đã có thời nổi tiếng và vinh quang, mà nay chịu nhuốc nha sỉ nhục, thì nỗi nhục càng lớn hơn gấp bội.
 
Trong trình thuật thương khó, đám đông dân chúng, dù không phải là nhân vật chính, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn.  Mới trước đó họ cầm ngành lá để tung hô Chúa khi Chúa vào thành thánh, với sự thán phục và tự hào.  Vậy mà giờ đây họ giơ cao tay để đòi Philatô giết Chúa.  Họ nằng nặc đòi tha Baraba là một tù nhân khét tiếng, và đòi lên án tử cho Chúa Giêsu.  Lòng thù hận đã làm cho con mắt họ trở nên mù tối.  Dù biết Chúa Giêsu là người vô tội, họ vẫn tìm cớ để tố cáo Người.
 
Đức Giêsu cô đơn giữa một đám đông khát máu.  Chặng đường thập giá cho chúng ta thấy chỉ có vài người phụ nữ bày tỏ lòng xót thương theo cảm tính nữ nhi.  Các môn đệ sợ hãi chạy trốn.  Những người đã trầm trồ thán phục khi Người rao giảng và làm phép lạ, nay chẳng thấy đâu.  Chúa đã đón nhận thập giá trong tâm tình vâng phục Chúa Cha.  Bài đọc II, trích thư của thánh Phaolô gửi giáo dân Philipphê đã diễn tả điều đó.  Người đã vâng lời cho đến chết và chết trên cây thập tự.  Tuy vậy, Chúa Giêsu không kết thúc cuộc đời ở nấm mộ.  Người đã phục sinh.  Qua sự phục sinh vinh quang này, Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Người.  Cả trên trời dưới đất và nơi âm phủ đều phải tuyên xưng Người là Chúa.
 
Trình thuật thương khó không chỉ là sự kiện của quá khứ cách đây hai ngàn năm, mà còn là của ngày hôm nay.  Thế giới hiện tại chính là đám đông hỗn độn năm xưa.  Quả vậy, trong xã hội của chúng ta, vẫn còn đó những người vô tội bị kết án oan sai và bị giết chết.  Biết bao người là nạn nhân của bạo lực, của chiến tranh, của kỳ thị.  Họ là những người yếu thế trước cường quyền.  Khi đọc trình thuật thương khó, mỗi chúng ta đều có thể nhận ra mình là một nhân vật trong vở kịch bi thương đó.  Hai ngàn năm đã qua, vẫn còn đó một đám đông ồn ào quan điểm bất nhất.  Vẫn còn đó những Philatô, những ký lục và biệt phái.  Họ là những người cậy quyền thế để áp bức dân nghèo.  Chúa Giêsu vẫn đang vác thập giá ngang qua cuộc đời chúng ta.  Người hiện thân nơi anh chị em chúng ta, nhất là nơi những người đau khổ và bất hạnh.  Chúng ta thờ ơ với những đau thương của Người, khi chúng ta thờ ơ với nỗi đau của đồng loại.  Biến cố thập giá giúp ta hồi tâm để tìm lại chính mình, đồng thời xin Chúa ban sức mạnh để tiếp tục tiến bước trong hành trình cuộc đời.
 
Chứng kiến biến cố thập giá năm xưa, nhiều người đương thời cũng đặt ra những vấn nạn về bất công, đau khổ và về sự gian ác của con người.  Hôm nay, trong cuộc sống của chúng ta, những vấn nạn đó cũng vẫn đang được đặt ra, thậm chí vấn nạn về sự hiện hữu của Thiên Chúa và về lòng thương xót của Người.  Chúng ta hãy nhìn lên thập giá Chúa Giêsu để phần nào hiểu được ý nghĩa của đau khổ.  Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta: đã sinh vào kiếp người, ai cũng phải chết.  Lửa thử vàng, gian nan thử đức.  Những ai yêu mến và hy sinh vì tha nhân, sẽ tìm được hạnh phúc cho bản thân mình.  Hạnh phúc đó, không ai lấy mất, nhưng tồn tại mãi mãi.  Thập giá cũng nói với chúng ta: chính con người đang hủy hoại đồng loại và không ngừng gây đau khổ cho nhau.  Hãy ngưng bạo lực!  Hãy xây đắp tình huynh đệ!  Như thế đau khổ sẽ bị đẩy lui và hạnh phúc sẽ tràn đầy.  Chúa Giêsu sẽ nâng đỡ chúng ta trong hành trình thập giá, như chính Người đã hứa.
 
Trong những ngày sắp tới, chúng ta cùng với Giáo Hội hoàn vũ cử hành nghi thức Tam nhật Vượt qua.  Những nghi thức này, thường là khá dài, hàm chứa những ý nghĩa biểu tượng rất sâu sắc.  Trong thinh lặng sâu lắng, chúng ta chiêm ngưỡng hình ảnh người Tôi tớ Giavê và suy tư cuộc khổ nạn của Người.  Qua đó, cuộc đời chúng ta được biến đổi, bao dung quảng đại hơn.  Chúa Giêsu đã chết vì chúng ta.  Người là nạn nhân của bạo lực và của vu khống.  Người khiêm nhường và hiền lành giữa cơn lốc hận thù của những người đồng bào.  Người chấp nhận cái chết để đem lại tự do và giải thoát cho muôn dân.  Người chính là con chiên vượt qua mới, thay thế cho con chiên vượt qua cũ của phụng tự Cựu ước.
 
Thập giá không chỉ là biểu tượng của thương đau và thất bại, nhưng còn là dấu chỉ của tình yêu và hy vọng.  Nếu Chúa Giêsu đã chết trên thập giá, thì Người cũng đã sống lại vinh quang.  Thập giá chỉ là một giai đoạn mang tính nhất thời.  Đau khổ nào rồi cũng sẽ qua đi.  Sau cơn mưa trời lại hửng sáng.  Sự phục sinh vinh quang mới là đích điểm của Đức tin Kitô giáo.  Thế nhưng, không chết thì làm sao sống lại?  Khi tham dự các nghi thức Tuần Thánh, Giáo Hội mượn lời thánh Phaolô để kêu mời chúng ta hãy cùng chết với Đức Kitô để được sống lại với Người.  Hình ảnh hạt lúa mì gieo xuống đất chấp nhận mục nát để nảy nở, mọc cây và sinh hoa kết trái, chính là biểu tượng cho niềm hy vọng của chúng ta.

 

Nguồn tin:   TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập33
  • Hôm nay8,909
  • Tháng hiện tại102,649
  • Tổng lượt truy cập34,735,368
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây