THƯƠNG KHÓ
(Is 50, 4-7; Phil 2, 6-11; Mt 26, 14-27,66).
Bước vào Tuần Thánh, Giáo Hội cho chúng ta cơ hội lắng nghe và suy niệm về sự thương khó của Giêsu Kitô là Đấng Thánh. Chúa Giêsu đã hoàn thành tất cả những lời tiên báo của tiên tri Isaia về biến cố đau thương của người tôi tớ: Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu, tôi đã không che giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi (Is 50, 6). Đây là Bài ca thứ ba mà Isaia đã loan tin về Người Tôi Tớ Chúa, viết khoảng hơn 500 năm về trước. Chúa Giêsu đã sống trọn vẹn một kiếp người, có sinh ra và có từ trần. Quãng đời của Chúa sống trên trần gian chỉ vỏn vẹn 33 năm. Chúa đã sống ba mươi năm âm thầm lặng lẽ và trưởng thành nơi miền Nazarét bé nhỏ. Chúa Giêsu chỉ dùng ba năm cuối đời để rao giảng Tin mừng, thực hiện các phép lạ và mạc khải về Nước trời.
Ba năm giảng đạo của Chúa gặp rất nhiều khó khăn thách đố. Xuất thân từ làng quê miền Nazarét, ngay từ khởi đầu sứ vụ, Chúa Giêsu đã bị nhiều người đồng hương nghi ngờ, khinh dể và coi thường. Với dáng vẻ bình thường của một thanh niên trẻ, Chúa Giêsu bắt đầu sứ mệnh rao giảng Tin mừng cứu độ. Đối diện với một hệ thống tôn giáo hình thức và xã hội có truyền thống lề luật lâu đời, từng bước Chúa Giêsu đã đánh động con tim, khơi dậy tình yêu và canh tân cuộc sống. Như một nhà cách mạng nội tâm đổi đời, Chúa Giêsu đã đối mặt với nhiều sự chống đối, tẩy chay và thách thức. Một thân một mình gầy dựng, mời gọi và chọn lựa một nhóm môn đệ nòng cốt để truyền đạt chân lý nước trời. Chúa luôn tôn trọng quyền tự do của mỗi người. Chúa vạch rõ con đường để đi tìm sự thật, bất chấp những đố kỵ, ngăn cản và thù ghét. Một niềm tin tưởng và chu toàn thánh ý Chúa Cha.
Các người Biệt phái và Luật sĩ dựa vào lời Kinh Thánh để kết án Chúa Giêsu về việc không tuân giữ luật ngày Sabát, không rửa tay trước khi ăn và tội phạm thượng… Chúa Giêsu lại dứt khoát thay đổi những hình thức thờ phượng giả tạo bên ngoài của việc ăn chay, bố thí, lễ dâng, những sự khoe khoang rỗng tuếch và những lời cầu kinh chỉ bằng môi miệng nhưng tâm hồn thì xa Chúa. Ngày qua ngày, sự ghen tuông thù ghét chất chồng, nên các nhà lãnh đạo tôn giáo tìm cách tiêu diệt Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhận biết sự thù oán của họ, nhưng Chúa vẫn tiếp tục mở con đường hẹp dẫn tới sự sống thật. Vì Chúa muốn tình yêu, chứ không muốn hy lễ. Kính thờ Thiên Chúa trong thần trí và sự thật.
Chúa Kitô đã sẵn sàng đón nhận chén đắng mà Chúa Cha trao phó. Trước khi chịu khổ hình thập giá, Chúa Giêsu đã tha thiết nguyện cầu cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu chén này không thể qua đi được mà Con phải uống, thì xin theo ý Cha” (Mt 26, 42). Thời gian đã mãn, Chúa Kitô quyết định trở về Giêrusalem trong mùa lễ Vượt Qua của người Do-thái để hoàn tất sứ mệnh cứu độ. Các nhóm lãnh đạo tôn giáo đã toa rập gây cớ để bắt và xử án Chúa. Chúa Giêsu đã nhường bước và chấp nhận mọi xỉ nhục khổ đau mà không hề than van. Được dịp trả thù, các quan quyền, các nhà lãnh đạo tôn giáo, quân lính và dân chúng đã xỉ vả và hành hạ Chúa cho đến chết. Sau khi Chúa bị bắt, bị tra khảo, nhịn đói, nhịn khát, bị giam hãm, đánh đòn, đội vòng gai, vác thập giá nặng nề leo lên núi sọ, bị xô đẩy, bị đóng đinh treo trên thập giá và bị lưỡi đòng đâm thấu trái tim, Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mệnh và gục đầu trút hơi thở: Đoạn Chúa Giêsu kêu một tiếng lớn và trút hơi thở (Mt 27, 50).
Cách đây hơn hai ngàn năm lịch sử, Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ và đã kết thúc sứ mệnh cứu rỗi trên một vùng đất cụ thể là nước Do-thái. Ngày nay, người ta đã cố công khơi quật hoặc xây cất những thánh đường tại những nơi đã có dấu chân của Chúa, để giúp khách hành hương đến cầu nguyện, suy niệm, cảm nhận và hun đúc niềm tin. Đến thành Thánh Giêrusalem, theo truyền thống, chúng ta có thể kính viếng những nơi mà xưa Chúa đã đi qua như tại vườn cây dầu, chỗ Chúa bị bắt, chịu tra tấn và hầm giam, con đường thánh giá lên núi Sọ, nơi Chúa chịu đóng đinh và chết, nơi tắm xác, Mộ Chúa và nơi Chúa Phục Sinh từ cõi chết. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu thành Philipphê đã viết: Người đã hủy bỏ chính mình, mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm (Phil 2, 7)
Lạy Chúa, Tuần Thánh là cao điểm việc cử hành tưởng niệm Chúa đã chịu đau khổ, chịu chết và sống lại. Xin cho chúng con thấu hiểu và cảm nhận được tình yêu thương vô bờ của Chúa. Vì yêu, Chúa đã hy sinh mạng sống để cứu chuộc chúng con. Xin Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng con đã phạm.
_____________