LÊN NÚI

Thứ sáu - 18/10/2024 09:11
unnamed (1)
unnamed (1)
Nếu Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, Phụng vụ muốn đưa chúng ta vào sa mạc với Chúa Giêsu, thì Chúa nhật này, Phụng vụ lại mời chúng ta cùng lên núi với Người.  Vào sa mạc để sống tinh thần khổ chế của chay tịnh; lên núi cao để được biến đổi, canh tân.
 
Trong truyền thống Thánh Kinh, núi cao thường được coi như nơi thuận tiện để con người được gặp gỡ Thiên Chúa.  Ba tháng sau khi ra khỏi Ai Cập, các vị kỳ lão đại diện cho Dân Do Thái được ông Môisen dẫn lên đỉnh núi Sinai để gặp Chúa.  Tại đây Chúa ban cho họ Luật Giao ước (x. Xh chương 19).  Ngôn sứ Elia trong cuộc chạy trốn vua Akháp đã đi bốn mươi ngày đêm để đến núi Horeb.  Ở đó, ông được gặp Chúa và tìm được sức mạnh để có thể đối diện với những khó khăn trong sứ mạng (x. 1V chương 19).  Trong Tân ước, núi cao cũng là những địa điểm gắn liền với giáo huấn của Chúa Giêsu.  Chính trên núi cao mà Người giảng tám mối phúc thật, được coi như Luật Mới của Tin Mừng.  Cũng trên đỉnh núi, người biến hình đổi dạng trước mặt ba môn đệ.  Và cuối cùng, trên núi cao, Đấng Phục sinh đã gặp gỡ các môn đệ và sai các ông đi khắp thế gian để tiếp tục sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Người đã thực hiện khi còn tại thế.
 
Để lên được núi cao, con người phải buông bỏ những ràng buộc.  Người nào mang quá nhiều hành trang sẽ khó có thể tới đỉnh núi.  Lên núi thiêng liêng là bỏ bớt những tham lam ích kỷ, những toan tính nhỏ nhen để con người thanh thoát.  Chỉ khi nào chấp nhận buông bỏ, chúng ta mới gặp được Chúa.  Có hai cuộc lên núi được đề cập trong Lời Chúa hôm nay, đó là Bài đọc I trích sách Sáng thế và Bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô.
 
Ông Abraham sinh được một mụn con vào lúc đã một trăm tuổi và ông đặt tên là Isaac.  Tên gọi này có nghĩa là “Thiên Chúa làm cho tôi cười,” như chính bà Sara vợ ông đã giải thích (x. St 21,1-7).  Chẳng cần phải nói, chúng ta cũng biết hai ông bà yêu quý cậu con trai nối dõi tông đường này thế nào, vì đây là niềm hy vọng và là niềm vui duy nhất của ông ở tuổi xế chiều.  Tuy vậy, Chúa muốn thử thách lòng trung thành của Abraham, và Ngài truyền cho ông sát tế con mình làm của lễ toàn thiêu trên một ngọn núi.  Dưới ngòi bút của tác giả, Abraham được diễn tả như một người kiên định và hoàn toàn phó thác vào Chúa.  Đối với ông, thánh ý Chúa là điều tối quan trọng, những điều khác chỉ là vô nghĩa, kể cả đứa con độc nhất của mình.  Nếu Abraham đã trung thành với Chúa, thì Chúa không bỏ rơi ông.  Chúa có cách can thiệp của Ngài.  Chính Chúa sẽ tìm ra một giải pháp, một lối thoát cho hoàn cảnh này.  “Chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ!” – lời nói của Abraham với con mình đã khẳng định sự xác tín của ông.  Và, quả thật là Chúa sẽ liệu, như chúng ta thấy ở phần kết của câu chuyện.  Ngọn núi từ đó được mang tên “Núi Đức Chúa sẽ liệu.”  Qua vị sứ thần, Thiên Chúa đã ghi nhận lòng vâng lời, trung thành và tín thác của ông, khi ông không ngần ngại sát tế đứa con thừa tự của mình.  Chính do lòng trung thành này mà Thiên Chúa hứa cho ông những điều tốt đẹp ở tương lai.  Đó là một dòng dõi đông đảo và được chúc phúc.
 
Cuộc lên núi thứ hai được diễn tả như một cuộc thần hiện của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.  Tác giả Mác-cô cẩn thận ghi rõ chi tiết thời gian “sáu ngày sau” ở đầu trình thuật.  Đó là sáu ngày sau khi Chúa Giêsu loan báo lần thứ nhất cuộc thương khó và phục sinh.  Trước lời loan báo này, xem ra các ông không hiểu gì.  Vậy nên ông Phêrô mới can gián Người và bị Người gọi là Satan (x. Mc 8,33).  Chính trong bối cảnh ấy là Chúa dẫn ba môn đệ thân tín lên núi và Người biến hình đổi dạng trước mắt các ông.  Ba môn đệ đó là Phêrô, Giacôbê và Gioan đã được chiêm ngưỡng Chúa Giêsu biến hình trên núi.
 
Các ông ngỡ ngàng trước cảnh tượng mà các ông nhìn thấy.  Nơi đây, các ông chứng kiến một cuộc “thần hiện” huy hoàng: Chúa Giêsu không còn dáng vẻ của một người thường như mọi ngày, nhưng Người đã tỏ hiện vinh quang Thiên Chúa, vinh quang sáng ngời, quyền năng mạnh mẽ.  Bóng mây bao phủ và tiếng nói từ trời là cách diễn tả Thiên Chúa Cha.  Ngài giới thiệu cho mọi người biết sứ mạng Thiên Sai của Con Một Ngài.  Hai nhân vật nổi bật của Cựu ước, ông Môisen tượng trưng cho Lề Luật, ông Elia tượng trưng cho truyền thống ngôn sứ, đều hiện ra cùng lúc để làm chứng về Chúa Giêsu.  Đối với độc giả Do Thái, khi đọc những dòng trình thuật này, chắc chắn họ không thể thắc mắc gì về sứ mệnh thiên sai của Đức Giêsu.  Người là Đấng được Lề Luật và các Ngôn sứ loan báo từ ngàn xưa, nay đã đến để cứu độ con người.  Ba môn đệ là những người được biến đổi trước hết.  Nếu trước đó sáu ngày, ông Phêrô còn ngờ nghệch và nghi nan, thì hôm nay khi chứng kiến Chúa biến hình, ông lại choáng ngợp trước vẻ huy hoàng của cuộc biến hình.  Ông đã ngỏ lời làm ba lều, một cho Chúa, một cho ông Môisen và một cho ông Elia.  Tác giả Phúc âm không quên chú giải thêm: ông không biết mình nói gì, vì kinh hoàng.  Khi chứng kiến cuộc “thần hiện” này, quan niệm về Đấng Thiên sai nơi ba tông đồ không còn mang những nét trần tục, nhưng hoàn toàn thần thiêng.  Nhờ sự biến đổi này, các ông xác tín vào Thày mình, Đấng họ đã từ bỏ mọi sự mà tin theo.
 
Trong cuộc sống thường nhật, giữa bao nhiêu bon chen tính toán trần tục, chúng ta thường bị cám dỗ và có nguy cơ trở nên tầm thường, ti tiện trong ứng xử.  Mùa Chay là mùa “lên núi” để tập sống tinh thần của Abraham, tín thác cậy trông vào Chúa.  Mùa Chay cũng là mùa lên núi như các tông đồ để cảm nhận rõ hơn sứ mạng của Đấng Cứu thế, với xác tín Người đang hiện diện giữa chúng ta.  Theo Chúa chính là một cuộc leo núi, kiên trì, liên lỉ.  Trong cuộc leo núi, có nhiều người bỏ dở ngang đường vì không đủ can đảm trút bỏ những vướng víu ngăn cản tiến lên.  Mùa Chay giúp ta nhìn lại chặng đường mình đã đi, nhiều khi không phải là lên cao nhưng trái lại, đang là những tụt dốc, làm chúng ta càng ngày càng trở nên xa Chúa và xa rời anh chị em mình.  Sám hối ăn năn, giao hòa với Chúa và với anh em, từ bỏ lối mòn của quá khứ để dám lên đường khởi đầu một hành trình mới, đó chính là một cuộc “lên núi” thiết thực đối với chúng ta.
 
“Chúa không hứa ban cho chúng ta một cuộc hành trình êm ả, Người chỉ hứa giúp ta đến đích an toàn” (John Gower – Thi sĩ người Anh, thế kỷ 14).
 

 

Nguồn tin: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập60
  • Hôm nay17,441
  • Tháng hiện tại238,669
  • Tổng lượt truy cập35,504,950
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây