NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐÍCH THỰC

Thứ bảy - 26/10/2024 08:42
tải xuống (2)
tải xuống (2)

Thông tin trên báo chí (theo VietCatholic News ngày 22-09-2000) về chàng thị trưởng đẹp trai của thành phố Ficarra, mới 34 tuổi, đã lặng lẽ từ nhiệm để đi tu, đã gây chấn động toàn nước Ý. Hôm 20-09-2000, Antonio Mancuso đã chính thức đến trình diện tại một dòng tu ở Milan, bắt đầu cuộc đời một tu sĩ. Antonio cho biết anh đã thấy mình có ơn gọi linh mục từ ngày còn là cậu bé giúp lễ, đã suy nghĩ trong bao năm về vấn đề này và trằn trọc rất nhiều sau khi theo dõi các bài thuyết giảng của Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô 2 trong Đại hội Giới trẻ Thế giới lần thứ 15. Antonio bỏ lại sau mình chức vụ thị trưởng, căn nhà do cha anh để lại, một mẹ già, hai anh em, và thành phố Ficarra xinh đẹp với 2.000 cư dân dưới quyền. Quyền thị trưởng Franco Tumeo đã xác nhận quyết định của Antonio với thông tấn xã ANSA. Ông nói : “Quyết định mà thị trưởng chúng ta đã chọn cần phải được hoàn toàn tôn trọng và hy vọng rằng không ai lợi dụng chuyện đó. Chẳng cần phải nói, chúng ta cầu chúc cho Antonio Mancuso những điều tốt đẹp nhất với xác tín rằng quyết định của anh là hoa trái của những suy nghĩ trong nhiều năm qua.” Quyết định từ nhiệm của anh sẽ khiến cho thành phố Ficarra phải bầu cử lại sớm hơn, có lẽ vào tháng 06-2001. Tạm thời một ủy ban đặc biệt sẽ thay thế công việc của nguyên thị trưởng. Với bằng chính trị học ưu hạng, Antonio đang là một ngôi sao sáng chói của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo Ý. Anh đã là thị trưởng trẻ nhất của quốc gia này, lúc mới 27 tuổi, từ 1992 đến cuối tháng 9-2000. Ngày 14-09, một tháng kể từ Đại hội Giới trẻ Thế giới lần thứ 15, sau nhiều đêm không ngủ, Antonio đã từ giã tòa thị trưởng chẳng nói với ai một lời nào. Thư từ nhiệm đã được gởi đến văn phòng 2 ngày sau đó qua đường bưu điện.

1. Nhìn thấy Đấng Mê-si-a

Câu chuyện chàng cựu thị trưởng-tân tu sĩ dễ thương vừa thấy là một phiên bản mới của câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Trong bản văn này, chỗ đứng của việc chữa lành rất nhỏ bé : không một lời nói hay một cử chỉ thần thông nào cả. Phải chăng Mác-cô muốn quên để nhấn mạnh một phép lạ thuộc loại khác, phép lạ mà ông sẽ cho thấy đặc tính trong ngôn ngữ của riêng ông. Đúng thế, bản văn nằm trong một văn mạch nói về việc Đức Giê-su tiến lên Giê-ru-sa-lem để chịu khổ nạn, đằng sau là nhóm môn đệ miễn cưỡng theo Thầy. Người đã ba lần loan báo sự cố đau thương sắp xảy đến, nhưng các ông vẫn không muốn hiểu, không muốn chấp nhận. Trong viễn tượng thần học này, phép lạ làm cho đôi mắt Ba-ti-mê mở ra có giá trị như một dấu chỉ và việc anh ta bước theo Đức Giê-su lập tức có ý nghĩa như một bài học.

Cuộc chữa lành ấy quả là một thiên phóng sự sống động. Từ giữa đám đông, một anh mù la lớn, người ta bảo anh im lặng, anh càng la to hơn nữa và động đến tâm can Đức Giê-su. Đức Giê-su chờ đợi các tiếng kêu nầy. Người lắng nghe đức tin của chúng ta, Người rung động khi nó mạnh mẽ : “Gọi anh ta lại đây”. Đám đông, đúng là đám đông, lập tức thay đổi thái độ. Mới quát nạt anh đó, giờ lại khuyến khích anh : “Cứ yên tâm ! Đứng dậy ! Người gọi anh đấy !” Tất cả những gì chúng ta gọi là việc tông đồ đều nằm trong sự thúc đẩy này : “Đứng dậy, Người gọi anh đấy”. Thiên Chúa muốn chúng ta biết nói : “Người gọi anh”, biết làm trung gian tốt nhờ luôn thấy nỗi khát khao Thiên Chúa trong những tiếng kêu của con người. Nhưng ước gì chúng ta cũng biết nghe khi ai đó -hay một cuốn sách, một tiếng nội tâm- nói với ta: “Người gọi anh”.

Ba-ti-mê vất áo choàng vướng víu để nhảy tới Đức Giê-su. Ở đây cũng thế, hình ảnh thật sống động. Rũ bỏ những cái ngổn ngang, đứng dậy từ cuộc sống ngồi lì, gỡ mình khỏi những gì giữ ta xa Chúa. Cái áo choàng ấy là vật duy nhất mà người nghèo sở hữu. Vất bỏ nó, Ba-ti-mê đã thực hiện điều mà Đức Giê-su đã không làm được với chàng thanh niên giàu sang : anh đã bỏ mọi sự mà đi theo Người. Đi theo cách nào ? Anh nhảy lên, đứng phắt dậy. Cú nhảy trong đêm tối là cú nhảy đức tin vì mắt anh vẫn còn mù.

Và đó là một đức tin sắt đá. Như mọi người, Ba-ti-mê biết Đức Giê-su là ông thợ mộc làng Na-da-rét. Nhiều kẻ đã vì đó vấp ngã. Phần anh, lớn tiếng bảy tỏ đức tin, anh là kẻ đầu tiên cao giọng tuyên xưng người Na-da-rét ấy là con Đa-vít, Đấng Mê-si-a. Đã ở trong ánh sáng, anh mù kêu : “Thưa Thầy ! Xin cho tôi nhìn thấy được.” Đằng sau khát vọng được nhìn thấy ánh sáng, Đức Giê-su đã nhận ra nơi anh khát vọng được biết nhiều hơn về Đấng Mê-si-a, được nhìn thấy thực tại tối hậu ẩn khuất dưới dáng vẻ bề ngoài. Chính nhờ một đức tin như thế mà quyền năng của Đức Giê-su đã có thể đảo lộn anh toàn bộ. Câu cuối cùng của bài Tin Mừng là câu phải tác động chúng ta hơn hết : “Anh ta đi theo Người”.

2. Bước theo Đấng Tử Nạn

Quả vậy, điều mà câu “Lòng tin của anh đã cứu anh” muốn nói, đó chính là ơn cứu rỗi ta đi vào khi bước theo Đức Giê-su. Ba-ti-mê tìm lại được thị quan và nhiều hơn thế nữa: đôi mắt để thấy Đức Giê-su quá rõ đến nỗi đã muốn nên môn đệ Người.

Đức Giê-su đã không lầm khi nghe tiếng kêu đức tin mạnh mẽ ấy. Đó chưa hẳn là đức tin đầy đủ sẽ triển nở sau Phục sinh. Nhưng Ba-ti-mê đã chắc chắn mình đứng trước Đấng Mê-si-a rồi, đã chắc chắn rằng chính sức mạnh của Thiên Chúa sắp tác động đến anh trong Đức Giê-su và khi điều đó xảy ra, anh chẳng ngập ngừng một phút : nếu Đức Giê-su là sức mạnh của Thiên Chúa thì phải theo Người.

Đó là tấm gương cho các môn đệ, đó là tấm gương cho người đã được thánh tẩy, được soi sáng nhờ gặp gỡ Đức Ki-tô. Ba-ti-mê đi theo Người trên con đường Người đi, con đường lên Giê-ru-sa-lem, con đường dẫn đến thập giá.

Tóm lại, nghệ thuật của Mác-cô đạt đến đỉnh hoàn thiện ở đây. Hai hình ảnh thật trái ngược nhau: hoàn cảnh ban đầu của Ba-ti-mê (ngồi ở vệ đường, mù lòa, ăn xin) và hoàn cảnh kết thúc (đứng, nhìn thấy, đi trên đường và đem Tin Mừng đi) là nhằm nói lên một biến chuyển quan trọng. Đặt trình thuật này vào lúc Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem, dẫn theo bạn bè và đám đông tiến về “ánh sáng” soi rõ hơn thân thế và sứ mạng của Người, rõ ràng tác giả muốn dùng câu chuyện như một minh họa cho thấy nhờ đâu, người ta mới trở nên “môn đệ đích thực”. Môn đệ cần phải để Thầy dẫn đến sự giác ngộ của đức tin. Phép lạ chữa anh mù ở Bết-xai-đa (x. 8,22-26) đã thúc đẩy môn đệ Đức Giê-su khám phá Người là Đấng Mê-si-a. Giờ đây, với phép lạ chữa anh mù ở Giê-ri-cô, Đức Giê-su lại mời gọi họ -những kẻ muốn đi theo Người- hãy mở rộng đôi mắt tâm hồn để đón nhận Đấng Mê-si-a đau khổ và khải hoàn, trong đức tin.

Phần chúng ta, những kẻ biết về Đức Giê-su nhiều hơn Ba-ti-mê, phải chăng chúng ta có đôi mắt để nhìn Người ? Đến độ cảm thấy dâng lên trong mình cái ước vọng từng làm nảy sinh các thánh : “Lạy Chúa, con muốn đi theo Ngài”, cái ước vọng đã khiến ông thị trưởng trẻ tuổi Antonio Mancuso bỏ cả một tương lai chính trị đầy triển vọng để gia nhập một dòng tu.

Trong thực tế, Đức Giê-su thường bị vây quanh bởi nhiều môn đệ mù tối, còn lề đường thì lại đầy những người mù sáng mắt. Nhóm trước bị khép kín trong những bảo đảm vĩnh viễn, bị ràng buộc bởi những tham vọng và vướng mắc nhỏ nhen, bị khống chế bởi nỗi sợ hãi gian khó hay sợ hãi thế quyền. Dẫu mang danh Ki-tô hữu, thậm chí lãnh đạo Ki-tô hữu, họ có thể sống như chẳng hề là môn đệ của một Tôn sư đã dám chịu đau khổ và bị giết chết vì sự thật, công lý và tình yêu. Nhóm sau thì có lòng khiêm nhường và tin tưởng, có đức khôn ngoan để biết luôn luôn lắng nghe, đón nhận những bất ngờ của Thánh Thần và những từ bỏ có sức giải thoát, có lòng yêu mến sự thật đến độ sẵn sàng chấp nhận gian khổ vì bênh vực công lý. Dầu có thể chưa phải là Ki-tô hữu, không là môn đệ Đức Ki-tô trên phiếu lý lịch, họ đã theo Người trên con đường của Người rồi. Vào Nước Trời đâu phải là những kẻ chỉ mở miệng “Lạy Chúa! Lạy Chúa!”

 

Nguồn tin: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập59
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại269,464
  • Tổng lượt truy cập35,915,809
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây