Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ năm - 06/04/2023 23:14
(Xh 12, 1-8.11-14; 1Cor 11, 23-26; Ga 13, 1-15). Hằng năm các tín hữu đạo Do-thái tưởng niệm lễ Vượt Qua một cách rất long trọng. Thiên Chúa đã cứu cha ông họ ra khỏi cảnh làm nô lệ nơi xứ Ai-cập. Trước khi ra đi, người Do-thái đã ăn bữa tiệc Vượt Qua với thịt chiên nướng, rau đắng và bánh không men. Chúng ta không thể tưởng tượng được biến cố lịch sử vĩ đại này. Đã có khoảng 600 ngàn người, không kể trẻ em đã rời Ai-cập để tiến vào miền Đất Hứa. Họ ra đi một cách vội vã và khẩn cấp cùng với đoàn súc vật. Đã có hơn 430 năm lập nghiệp tại xứ người, cuộc sống và giang san của họ cũng đã ổn định. Chắc chắn họ cũng đã sở hữu đất đai, ruộng vườn, nhà cửa và chợ búa xóm làng. Vâng lệnh Chúa, họ đã phải từ bỏ mọi gắn bó với cuộc sống qua nhiều đời. Một hy sinh vô cùng lớn lao. Chúa Giêsu rất trung thành với các truyền thống tôn giáo, hằng năm Chúa đều trở về Giêrusalem ăn mừng lễ Vượt Qua. Để chu toàn sứ mệnh cứu rỗi nhân loại, Chúa Giêsu không dừng lại ở việc tưởng niệm lễ Vượt Qua của người Do-thái. Chúa đã dẫn dắt lịch sử ơn cứu độ tới một lễ Vượt Qua trong giao ước mới. Giao ước tình yêu bằng giá máu của chính Ngài. Chúa Giêsu đã về tham dự lễ Vượt Qua cuối cùng tại Giêrusalem. Chúa hiểu rõ về sứ mệnh phải hoàn tất. Chúa Giêsu đã tỉ mỉ chuẩn bị tinh thần và dạy dỗ các tông đồ trong cách thế phục vụ và mục vụ. Một cử chỉ vô cùng ấn tượng là Chúa Giêsu lấy nước và cúi xuống rửa chân cho từng môn đệ. Ngài đã tự hạ tới cùng để thi hành công việc của các đầy tớ. Bài học khiêm nhường này là nền tảng của các nhân đức trong việc phục vụ anh chị em. Rửa chân cho nhau có nghĩa là phục vụ lẫn nhau, tha thứ cho nhau và yêu thương nhau. Đã dám cúi xuống rửa chân thì không còn phân biệt bàn chân dơ hay sạch, bàn chân người lạ hay quen và bàn chân của người thân hay kẻ thù, bài học của Chúa quá đỗi thẳm sâu. Chúa đã rửa chân cho tất cả các tông đồ. Ngài đã chuẩn bị tâm hồn các tông đồ để sẵn sàng lãnh nhận mầu nhiệm tình yêu hiến dâng. Chúng ta biết rằng thánh Phaolô không được tham dự các nghi lễ này cùng với các tông đồ trong bữa Tiệc Ly. Phaolô cũng không học từ các tông đồ, nhưng được chính Chúa Kitô phục sinh mạc khải cho. Cốt lõi của Giao Ước mới là hiến lễ của Chúa Kitô trên thập giá. Liên kết giữa Bí tích Thánh Thể và Hy lễ hiến dâng là một. Mừng lễ Vượt Qua mới, Chúa Giêsu đã không dùng máu chiên bò tanh hôi, nhưng chính Máu Châu Báu của Ngài làm lễ dâng. Bí tích Tình Yêu được hoàn tất trên thánh giá. Thân xác của Chúa bị nộp, bị đánh tan nát bầm dập, bị gai nhọn đâm thấu và đinh đóng rách nát thịt da. Máu Tân Ước là giá máu của những vết thương đòn đánh và lưỡi đòng đâm thấu trái tim. Thịt Máu của Chúa trở thành lễ dâng vô giá, có thể xóa sạch hết mọi tội nhơ. Chúa Kitô chỉ cần dâng hiến một lần là đủ. Trong tất cả các thánh đường Công Giáo, trước bàn thờ tế lễ luôn có tượng chịu nạn, Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá. Nhắc nhở chúng ta rằng hy tế hiến dâng lên Chúa Cha là Con xin vâng ý Cha mọi đàng. Chúa Kitô muốn hy tế được tiếp tục là dấu chỉ của tình yêu hiến dâng: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Chúng ta tưởngnhớ đến việc Chúa đã chịu đau khổ, chịu chết và sống lại để cứu độ trần gian. Lạy Chúa, chúng con bước vào Tam Nhật Thánh, cao điểm của tất cả các Nghi thức Phụng Vụ, xin cho chúng con được tham dự tích cực vào đời sống ân sủng mà Chúa đã trao ban cho Giáo Hội. Chúng con tưởng nhớ biến cố Chúa đã chịu đau khổ, chịu chết và sống lại để cứu độ chúng con.
THỨ SÁU TUẦN THÁNH. TỪ TRẦN (Is 52, 13-53, 12; Dt 4, 14-16. 5, 7-9; Ga 18, 1-19, 42). Bầu khí ngày Thứ Sáu Tuần Thánh nơi các thánh đường thật vắng lặng. Hôm nay, ngày duy nhất trong năm phụng vụ, không có cử hành thánh lễ. Chỉ có phần Nghi thức Phụng vụ Lời Chúa, Suy tôn hôn kính Thánh Giá và Rước lễ. Giáo Hội mời gọi các tín hữu dành thời gian suy gẫm về sự thương khó của Chúa Giêsu và ăn chay kiêng thịt. Trong phần Phụng vụ Lời Chúa chiều nay, chúng ta nghe bài ca thứ tư về người Tôi Trung của tiên tri Isaia. Đây là hình bóng của Chúa Giêsu trong ngày chịu thương khó. Chúa Kitô đã mặc thấy thân phận của người tôi tớ và hoàn tất mọi lời các tiên tri đã loan báo. Người Tôi Trung đã trải nghiệm mọi khổ đau của con người, để nhờ đó mà gánh lấy tội ác của chúng ta. Người ta coi người như kẻ bị Thiên Chúa đánh phạt, ruồng bỏ như kẻ phong cùi và bị nhuốc hổ. Người tôi trung không làm điều chi bất chính, nhưng đã chịu mọi sự sỉ nhục và thương tích để mọi người được chữa lành. Nhờ sự đau khổ và sự chết, người tôi tớ trung thành đã hoán cải và mở đường cứu rỗi đem nhiều người trở về cùng Thiên Chúa Cha. Tiên tri Isaia đã tiên báo mọi chi tiết diễn tiến trong cuộc khổ nạn mà người tôi tớ Chúa sẽ phải chịu. Qua khổ ải, người tôi trung sẽ được vinh thăng tấn phát và cao cả tuyệt vời. Chỉ vỏn vẹn trong ba năm, Chúa Giêsu đã đi rảo khắp vùng từ Galilêa, qua Samaria và Juđêa để rao truyền chân lý tin mừng. Chúa giảng đạo một cách công khai cho dân chúng khắp vùng. Chúa Giêsu có đời sống thanh bạch, rao giảng sự thật và làm các phép lạ công khai. Có nhiều người muốn bắt bẻ về cách hành xử và lời giảng của Chúa, nhưng Chúa đã đáp lại một cách rất khôn ngoan và chân thành. Tuy nhiên, não trạng của các nhà lãnh đạo tôn giáo không dễ đổi thay, nên đã gây nhiều cớ cho sự xúc phạm. Tâm trí của nhiều người bị che khuất, nên không thể nhận ra được sứ mệnh cứu thế thực sự của Chúa Kitô. Cả hệ thống chính quyền và tôn giáo tìm cớ để kết án tử hình Chúa Giêsu. Bài thương khó của thánh Gioan có rất nhiều chi tiết về cuộc hành khổ Chúa. Chúa Giêsu trả lời một cách rất khẳng khái rõ ràng về sứ mệnh của Ngài. Nước của tôi không thuộc về thế gian này. Chúa đến để làm chứng cho sự thật. Sự thật của Tin mừng cứu độ. Chúa xuống trần để mở đường dẫn đưa con người vào chung hưởng hạnh phúc viên mãn, vì Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Có nghĩa là Chúa muốn giúp chúng ta tìm ra con đường giải thoát, con đường sự thật, sống trong bình an và hoan lạc cả đời này lẫn đời sau. Làm sao chúng ta nhận biết đâu là chân lý? Chúa Giêsu nhắc nhở rằng ai thuộc về chân lý thì nghe Chúa: Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ (Mt 5, 37). Chúng ta đang sống trong một thế giới bát nháo, vàng thau lẫn lộn và khó phân biệt phải trái, đúng sai hoặc tốt xấu. Trào lưu xã hội đẩy đưa con người vào những thị hiếu choáng ngợp hấp dẫn. Việc gì cũng có thể làm. Với khoa học kỹ thuật công nghiệp tiến bộ ngoài sức tưởng tượng, người ta có thể tạo hình, ghép cảnh, ngụy ngôn, cắt xén sửa đổi thông tin, truyền thông bất cập, thông tin một chiều và nhiều hình thức ngụy trang khác. Chúng ta phải hết sức cẩn thận phân tích và kiểm chứng khi tìm đọc các tin tức trên sách vở, báo chí và các trang mạng. Đôi khi chúng ta lại thích chạy theo các tin tức giật gân, tin nóng và tin vịt mà không để tâm đến Tin Mừng của Chúa. Chúa Giêsu đến trong thế gian để làm chứng cho sự thật và chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta. Chân lý là từ trên ban xuống. Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý. Làm nhân chứng cho sự thật là làm nhân chứng cho Chúa. Sự thật thì sáng tỏ và đơn sơ. Lời Chúa là lời sự thật. Chúng ta hãy đọc, tìm hiểu, suy gẫm và đem lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng vô tội. Chúa đã thắng vượt tất cả những thử thách, cạm bẫy và mưu mô của con người. Chúa Giêsu đã sống trọn vẹn bản tính của Thiên Chúa và loài người. Con người của Chúa đã trải qua mọi sự đau khổ cùng cực nhất của kiếp người. Chúng ta hãy chạy đến với trái tim đầy lòng thương xót của Chúa. Chúa sẽ đón nhận mọi tâm tư cần thổ lộ tâm tình và sự cảm thông nâng đỡ. Lạy Chúa, chúng con tưởng niệm Chiều Tử Nạn, Chúa đã hoàn tất sứ mệnh nơi trần gian. Xin cho chúng con biết thông phần đau khổ để đền vì tội lỗi của chúng con. Xin cho chúng con biết vác thập giá hằng ngày mà đi theo Chúa cho tới cùng. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.
THỨ BẢY TUẦN THÁNH CANH THỨC (Mt 28, 1-10). Chiều thứ Sáu nơi đỉnh đồi Golgôtha, Chúa Giêsu đã trút hơi thở trên thánh giá. Xác Chúa được hạ xuống, tắm rửa, xức thuốc thơm và được mai táng trong mồ. Gần trong khu vườn có ngôi mộ mới, chưa chôn ai. Xác của Chúa được đặt trong ngôi mộ mới nàyvà có tảng đá lấp cửa mồ. Trong sự thinh lặng của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng ngẫm suy về những biến cố của cuộc đời Chúa Giêsu. Khởi đầu, Chúa Giêsu được sinh ra trong hang lừa máng cỏ tại Bethlehem. Ít ngày sau, qua mộng báo, cha Giuse và mẹ Maria đã đem Chúa trẻ thơ trốn chạy sang nước Ai-cập khỏi sự lùng giết của vua Hêrôđê. Sau khi vua Hêrôđê băng hà, gia đình thánh thất đã trở về làng Nazarét, vùng Galilêa để lập nghiệp. Chúa Giêsu đã âm thầm sinh sống và trưởng thành tại miền đất nhỏ bé này. Từ miền Nazarét, hằng năm Chúa Giêsu theo cha mẹ trẩy về thành thánh Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua của người Do-thái. Tam thập như lập, Chúa đã ra rao giảng Tin mừng cứu độ, thực hiện các phép lạ và chọn lựa huấn luyện các môn đệ để tiếp tục sứ mệnh. Vỏn vẹn ba năm trời, Chúa đã rảo khắp các vùng từ Galilêa xuống Giuđêa rao giảng, canh tân và mời gọi mọi người sám hối vì Nước Chúa đã đến gần. Chúng ta có thể nhìn tổng quát hành trình giảng đạo của Chúa gần quê nhà, chung quanh vùng biển hồ Galilêa: Chúa Giêsu sinh sống bằng nghề mộc tại Nazarét, khởi đầu rao giảng và chịu phép rửa của Gioan tại sông Giođan, biến hình trên núi Tabor, dự tiệc cưới tại Cana và làm phép lạ hóa nước thành rượu, đi dọc bãi biển chọn gọi các môn đệ đầu tiên tại Magdala, giảng trên núi Tám Phúc, dạy dỗ tại Capernaum, làm phép lạ cho sóng biển yên lặng tại Tabgha và phép lạ bánh cá hóa nhiều tại Bethsaida, ngồi trên thuyền giảng đạo gần Chozarin, đi trên mặt nước biển hồ Galilêa, xua trừ quỷ ám khiến đàn heo xô xuống biển tại Gergesa, truyền các tông đồ thả lưới bên phải thuyền, truyền ông Phêrô ra câu cá lấy đồng bạc đóng thuế gần Hippos và các tông đồ bứt lúa trên đường đi qua ruộng lúa vào ngày Sabát. Chúa Giêsu đã hoàn tất những lời tiên báo của các tiên tri. Trong khi đi rao giảng, Chúa Giêsu đã mạc khải về Nước Trời, về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Mạc khải về chính mình qua lời giảng dạy có uy quyền biến đổi tâm can. Các phép lạ chữa lành các thứ bệnh tật, xua trừ ma quỷ, biến đổi thiên nhiên và cho kẻ chết sống lại. Qua các quyền phép lạ lùng đã chứng minh Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Chúa mở cửa Nước Trời đón nhận những ai tin vào Ngài. Sáng thứ Bảy Tuần Thánh, khung cảnh nhà thờ vắng lặng, gian cung thánh không có hoa nến, nhà tạm bỏ ngỏ và không có cử hành bất cứ nghi thức phụng vụ nào cho đến tối vọng Phục Sinh. Giáo Hội khuyến khích mọi thành phần dân Chúa canh thức trong suy gẫm nguyện cầu. Thực tế cuộc sống đạo hôm nay, hình như ý nghĩa nhiệm mầu của ngày thứ Bảy Tuần Thánh bị phai nhạt dần sự thánh thiêng, bù lại là những tổ chức hình thức bên ngoài ồn ào lấp đầy khoảng trống im lặng. Có nhiều giáo xứ tổ chức rầm rộ mai táng Chúa, rồi hôn chân và rước kiệusầm uất như ngày hội. Chúng ta đang đánh mất sự thinh lặng thánh trong khi tưởng niệm Chúa Giêsu còn chôn trong mồ đá. Vào tối vọng Phục Sinh, Giáo Hội cử hành đại lễ, trang trí hoa đèn lộng lẫy. Trước thánh lễ, có nghi thức làm phép lửa, nến Phục Sinh được thắp lên và đoàn dân Chúa vừa tiến bước vào cung thánh vừa hát: Ánh sáng Chúa Kitô và mọi người thưa: Tạ ơn Chúa. Linh mục chủ tế sẽ xông hương và hát Mừng Vui Lên (Exultet). Tối nay, phần Phụng vụ lời Chúa dài với các bài đọc trích từ Sách Sáng Thế Ký, Xuất Hành, Sách Các Tiên Tri Isaia, Ezekien, Barúc…đáp ca các Thánh Vịnh và Lời nguyện. Tiếp theo là hát Kinh Vinh Danh trọng thể và chuông nhà thờ vang vọng inh ỏi. Sau khi nghe bài trích thơ của thánh Phaolô, cộng đoàn dân Chúa hát: Alleluia, Alleluia mừng Chúa Phục Sinh. Công bố tin mừng Chúa đã sống lại. Vọng Phục Sinh là cao điểm nhất trong các cử hành trong năm Phụng Vụ. Giáo Hội khởi đầu một sứ vụ mới trong một niềm tin mới. Niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh trong một tổ chức tôn giáo mới, đó là Đạo Công Giáo. Đạo mới không còn giữ luật của ngày Sabát, nhưng sống ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa.