CON ĐƯỜNG CỦA LÒNG TIN LÀ CON ĐƯỜNG CỦA LÒNG MẾN

Thứ bảy - 15/04/2023 10:26
unnamed (3)
unnamed (3)
Chúa nhật II phục sinh, Giáo hội tuyên dương lòng thương xót Chúa.  Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ này đáp lại ý Chúa muốn qua thánh nữ Maria Faustina: “Ta muốn ngày lễ kính lòng thương xót là một trợ giúp và là nơi trú ẩn cho mọi linh hồn và nhất là cho những người tội lỗi đáng thương.  Trong ngày ấy, lòng thương xót của Ta sẽ rộng mở, Ta sẽ tuôn đổ một đại dương hồng ân xuống các linh hồn đến gần nguồn mạch lòng thương xót của Ta” (Tiểu nhật ký, số 699).  Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II qua đời vào đêm cuối tuần Phục Sinh đầu tiên (ngày 2 tháng 4 năm 2005).  Lòng thương xót Chúa đã chiếu một luồng ánh sáng vào cái chết của một vị thánh thời đại.
 
Lòng thương xót của Chúa được biểu lộ qua cuộc thương khó và cái chết của Ngài trên thập giá.  Điều quan trọng được Thánh Kinh ghi nhận là thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang thương tích của cuộc khổ nạn, vẫn còn lỗ đinh ở chân tay và vết giáo đâm ở cạnh sườn.  Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành nay thành những vết sẹo.  Lòng thương xót ghi đậm nét nơi các vết thương trên thân thể Chúa.  Vì thế, việc đầu tiên khi hiện ra với các môn đệ, sau khi trao ban bình an, là Chúa cho các ông xem các vết thương ở tay và cạnh sườn, các môn đệ vui mừng và bình an.
 
Lòng thương xót Chúa đối với con người trước và sau phục sinh không thay đổi, vì Chúa Giêsu vẫn là một để cho người ta nhận ra Ngài.  Vết thương diễn tả lòng thương yêu của Chúa với con người không thay đổi.  Ngài còn khoe và cho phép Tôma lấy tay kiểm tra vết thương.  Chúa không che dấu, không tiếc xót dù Tôma có cứng lòng, đòi thực tế phải thấy mới tin.
 
  1. Đức tin của Tôma
 
Chúa sống lại, các môn đệ không dễ dàng tin, thánh sử Luca kể: “Khi từ mộ trở về, các bà Maria Macđala, bà Gioanna và bà Maria, mẹ ông Giacôbê và các bà khác cùng đi với mấy bà này.  Các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy.  Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin” (Lc 24,11).  Thánh Matthêu thuật lại: khi mấy người phụ nữ báo tin cho các môn đệ: Chúa đã sống lại rồi, các ông cũng hoài nghi.  Rồi, “khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28,17).  Riêng Tôma đã nói một câu quyết liệt: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.  Đây là kiểu tin bằng lý luận kiểm chứng, chỉ tin khi thấy, khi đã có đủ bằng chứng rõ ràng hiển nhiên.
 
Tôma đại diện cho những người lý luận, cái gì cũng muốn xem tận mắt, bắt tận tay.  Chỉ tin những gì thấy được.  Chỉ chấp nhận những gì sờ được.  Đòi kiểm nghiệm tất cả.  Đòi tự mình chứng nghiệm tất cả.  Không chỉ tin vào lời nói suông.  Tôma không vội tin một cách dễ dàng như bao người khác.  Ông là người có tính thực tế của khoa học phải qua kiểm chứng, kiểm nghiệm bằng mắt thấy, tai nghe, tay chân sờ mó đụng chạm hẳn hoi thì mới tin.  Đây phải chăng là thái độ khôn ngoan, cẩn thận trước một quyết định hết sức quan trọng của đức tin nơi Tôma?  Cám ơn thánh Tôma, vì nhờ ngài mà các môn đệ khác được chứng kiến tỏ tường Chúa sống lại, được nhìn thấy những vết thương ở tay chân và cạnh sườn Người.
 
Trước khi tin, Tôma phải hoài nghi đã.  Tôma chỉ tin những điều hợp lý, những gì ‘thấy được, sờ được.  Đây không phải là thái độ cố chấp của Tôma mà ngược lại là thái độ không nhẹ dạ, không cả tin vội vàng bằng tai nghe.  Đó là lối phân tích theo nhận định tự nhiên của con người và cũng là kinh nghiệm sống đức tin của nhiều người chúng ta.  Dù sao, đây cũng là một khó khăn riêng tư của Tôma trong việc tin vào Chúa sống lại.  Chúa Giêsu hiểu ông, nên đã đích thân đến và giúp cho ông dễ dàng hơn để tin vào Chúa.  Ngài mời gọi ông hãy tin vững vàng.  Và ông đã nói lên lời tuyên xưng đức tin thật đẹp đẽ, thật trang trọng ‘lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi.’  Cuối cùng, Chúa Giêsu đã ban cho Toma sự bình an và đức tin mạnh mẽ qua sự hoài nghi, để ông tuyên xưng đức tin cá nhân của mình: “Lạy Thiên Chúa của con.  Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, Tôma đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi.  Theo lưu truyền, ông đi rao giảng đức tin và lòng thương xót của Chúa ở Ba tư, Xyri rồi chịu tử đạo ở Ấn Độ.
 
Thần học gia Hans Kung nói: “người tín hữu không bao giờ nghi ngờ sẽ khó lòng hoán cải một người hoài nghi.  Nhà thần học Paul Tillich nói: “sự hoài nghi chín chắn là sự khẳng định của đức tin.  Nó chứng tỏ một sự quan tâm rất nghiêm chỉnh.  Còn Thomas Merton bảo: “người có niềm tin mà chưa từng trải qua sự nghi ngờ thì không phải là người có niềm tin.  Jean Guitton, một nhà triết học người Pháp, nói: “Chính vì nghi ngờ thường trực mà tôi lại có thể tin vững.  Thực tế, trên đời có biết bao điều chúng ta không thấy mà vẫn tin, không kiểm tra được mà vẫn phải chấp nhận và sống điều ấy.  Sự hoài nghi giúp chúng ta trưởng thành trong đức tin, thúc đẩy ta thắc mắc, tìm hiểu, học hỏi, cầu nguyện, nghiên cứu sách vở (Lm. Pet. Bi Trọng Khẩn).
 
  1. Lòng mến của Gioan
 
Có hai mức độ tin: mức độ thấp là tin vì thấy, tin dựa vào bằng chứng; mức độ cao là tin mà không cần thấy, tin không dựa trên bằng chứng mà dựa trên tình yêu.  Đây là mối phúc thứ 9 như lời Chúa Giêsu nói với tông đồ Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,28).  Không thấy mà tin không có nghĩa là tin một cách mù quáng, vu vơ, không có cơ sở, không có lập trường mà là bằng tình yêu nên đức tin vững mạnh hơn, truởng thành hơn.  Thánh Gioan, “người môn đệ Chúa yêu,” bằng tình yêu, Gioan “đã thấy và đã tin” và nhận ra điều mà mọi người khác không nhận ra.  Phúc âm kể: khi thấy một bóng người mờ mờ đi trên mặt biển, mọi người khác đều tưởng là ma, chỉ có Gioan là tức khắc nhận ra đó là Thầy mình.  Khi Chúa Phục Sinh hiện ra bên bờ biển hồ Tibêria, “các môn đệ không nhận ra” nhưng “môn đệ được Chúa Giêsu thương mến” đã nhận ra và nói với Phêrô “Chúa đó” (Ga 21, 4-7)…  Rõ ràng, con đường tình yêu đi đến niềm tin nhanh chóng hơn, nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn.
 
Tin mừng Phục Sinh cho thấy: có hai con đường dẫn tới đức tin, một con đường bằng lý luận với những bằng chứng rõ ràng, và con đường thứ hai là dựa vào tình yêu thoạt xem có vẻ tầm thường nhưng thực ra lại nhanh chóng, nhẹ nhàng và cũng không kém phần vững chắc.  Chúng ta hãy củng cố đức tin của mình bằng cả hai con đường đó.  Phải có những suy nghĩ lý luận thật vững chắc về Chúa, mặt khác chúng ta cũng hãy cố gắng yêu mến Chúa ngày càng nhiều hơn, bởi vì cũng như thánh Gioan, nếu có thêm sức mạnh của tình yêu, chúng ta sẽ được mở mắt để nhận biết những gì mà người không yêu Chúa không nhận biết.
 
  1. Lòng Chúa Xót Thương
 
Nhân loại thời nay khát khao một “Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót” (1Ga 4,8; Ep 2.4) để họ tôn thờ, tựa nương và tìm được ý nghĩa cuộc đời.  Lòng thương xót là tình yêu thương, là lòng trắc ẩn với người đau khổ, với người nghèo đói, với người bệnh tật, với người tội lỗi.  Nhân loại thời nay cần tình yêu, đây là một dấu chỉ của thời đại.  Vì thế, mỗi người tùy vào khả năng của mình hãy đặc biệt quan tâm đến việc thực thi lòng thương xót.  Mỗi tín hữu được mời gọi trở thành nhân tố tích cực để sống và làm chứng cho lòng thương xót.
 
Điều làm nên nét độc đáo của người tín hữu là nhân đức thương xót, thể hiện bằng đạo yêu thương, được bộc lộ nơi bản thân và cuộc đời mỗi cá nhân.  Mỗi người, bằng cách thực thi bác ái, lòng thương xót và tha thứ, có thể trở nên dấu chỉ quyền năng tình yêu của Thiên Chúa có sức biến đổi tâm hồn, đem lại hòa giải và bình an.  Trong Tông sắc Misericordiae Vultus (Dung mạo Lòng Thương Xót), ĐTC Phanxicô nói: “Thời đại ngày nay, khi Hội Thánh đang thực thi công cuộc Tân Phúc Âm hóa, lòng thương xót quả là cần thiết để một lần nữa tạo nên nhiệt tình mới và đổi mới các hoạt động mục vụ.  Điều tối quan trọng đối với Hội Thánh, cũng như để làm cho lời rao giảng của Hội Thánh đáng tin, chính là sống và làm chứng cho lòng thương xót.  Ngôn ngữ và hành động của Hội Thánh cần phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha” (số 12).  Đáp lại lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô, trong Thư gởi cộng đoàn Dân Chúa (17.9.2015), HĐGMVN nhấn mạnh: “Mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.  Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống.
 
Chúa Phục Sinh cho các tông đồ xem những thương tích cuộc khổ nạn nay đã thành sẹo như mời gọi các ngài chiêm ngắm chính nguồn mạch của Lòng Thương Xót không bao giờ cạn vơi.
 
Thánh Tôma Aquinô đã cầu nguyện rằng: “Chúa ơi, con không xin được xem thương tích Chúa như thánh Tôma tông đồ, nhưng con tuyên xưng Chúa là Chúa của con.  Hãy làm cho con luôn tin vào Chúa, cậy trông vào Chúa và yêu mến Chúa nhiều hơn nữa.  Người Kitô hữu đôi khi không cần trí tuệ để tin vào những thực tại thiêng liêng; không cần giác quan để kiểm soát những dấu chỉ mầu nhiệm trong đạo, mà cần sống bằng lòng mến.  Càng yêu mến nhiều thì càng tin chắc.  Càng tin vững thì càng bình an.  Như vậy, con đường của lòng tin là con đường của lòng mến.  “Ai xót thương người, sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).  Những ai luôn tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh đều luôn sống tích cực và khám phá ra điều kỳ diệu trong những cái tầm thường để có khả năng chứng mình về tình yêu và lòng thương xót của Chúa.
 


 

Nguồn tin: Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập95
  • Hôm nay16,269
  • Tháng hiện tại338,149
  • Tổng lượt truy cập35,984,494
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây