9 NÉT CHÍNH CHO THẤY PHÚC ÂM MARCÔ GIỐNG NHƯ MỘT CUỐN PHIM

Thứ sáu - 05/05/2023 10:47
unnamed (8)
unnamed (8)
Hằng năm, Giáo hội mừng lễ Thánh Marcô Thánh sử vào ngày 25-04.  Trong số 4 sách Tin Mừng, thì Phúc âm Marcô được xem là giàu tính biểu cảm, trực quan và cảm xúc nhất, đồng thời cũng là Phúc âm ngắn nhất.
 
Có thể nói, ở nhiều góc cạnh, Phúc âm Marcô giống như một cuốn phim sống động.  Mặc dù chẳng có gì liên quan, nhưng biểu tượng của Thánh Marcô là con sư tử, tự dưng dẫn chúng ta nhớ đến logo ấn tượng và cổ điển - con sư tử gầm gừ - của Hãng phim Metro-Goldwyn-Mayer!
 
Sau đây là 9 nét chính cho thấy Phúc âm Marcô giống như một cuốn phim.
 
  1. Phúc âm Marcô trực quan hơn nhiều so với các Phúc âm khác.
 
Marcô có một phương pháp giúp chúng ta hình dung từng cảnh.  Chẳng hạn:
 
- Phúc âm Matthêu và Luca, khi giải thích thắc mắc của các môn đệ xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời, thì Chúa Giêsu thay vì chỉ “gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông,” Marcô có thêm chi tiết “rồi ôm lấy nó và nói…” (9, 36)
 
- Cả 4 Phúc âm đều tường thuật Phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng mà: nguyên số đàn ông đã tới khoảng 5.000 người, nhưng chỉ có Marcô cho biết chi tiết là “họ ngồi thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi” (6, 39-40).
 
- Các Phúc âm đều kể về việc khi Chúa Giêsu bị bắt, các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết, thì Marcô thậm chí còn cung cấp một hình ảnh sống động của cảnh tượng bi đát này: “Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai.  Họ túm lấy anh.  Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng” (14, 51-52).
 
  1. Phúc âm Marcô có cấu trúc giống như một cuốn phim.
 
Chúng ta có thể nhận thấy nơi Phúc âm Marcô cấu trúc 3 màn trong các cuốn phim.
 
- Màn 1 là tình tiết kích động và hành động gia tăng — cuộc sống của người anh hùng bị xáo trộn và hướng tới một mục tiêu mới.  Trong Phúc âm Marcô, được Gioan báo trước, nhưng Chúa Giêsu là một nhân vật bí nhiệm, giáo huấn và quyền năng lạ thường của Người luôn khiến cho dân chúng ngạc nhiên, sửng sốt.
 
- Màn 2 là hành động gia tăng hơn nữa, khi các tình tiết phức tạp xuất hiện, những cột mốc ngày càng kịch tính và một bước ngoặt ở ngay giữa cuốn phim đã thay đổi mọi thứ, đó là việc Phêrô tuyên xưng đức tin.  Ðức Giêsu hỏi các môn đệ: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?"  Ông Phêrô trả lời: "Thầy là Ðấng Kitô."  Ðức Giêsu dần loan báo về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Người, nhưng cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.
 
- Màn 3 là cao trào khi mà tất cả dường như đã thất bại - và cuộc Thương khó của Đức Giêsu theo Marcô là khắc nghiệt nhất - cho đến khi kết thúc có hậu đầy tính bất ngờ của sự phục sinh.
 
  1. Câu chuyện của Marcô xây dựng cách bí nhiệm và hồi hộp.
 
Trong Phúc âm Marcô, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng, “mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em” nhưng lại bị che giấu với những người khác (4, 11-12).
 
Bí nhiệm là căn tính của Đức Kitô.  Marcô nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu muốn giữ kín căn tính của Người.  Ma quỷ và các thần ô uế biết Người, nhưng Chúa Giêsu cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.  Ngoài ra, Chúa Giêsu cũng ra lệnh cho người phong hủi và những ai được Người chữa lành “đừng nói gì với ai cả” (1, 44) nhưng hầu như không thành công vì “Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra” (7, 36).
 
  1. Chúa Giêsu trong Marcô là một “anh hùng hành động.
 
Trong Phúc âm Marcô, Chúa Giêsu luôn năng động, người bận rộn với việc chữa bệnh và trừ quỷ.  Trong 16 chương, Marcô dùng kiểu nói “ngay lập tức” tất cả 40 lần.
 
Như Brant Pitre, một nhà chú giải Thánh kinh cho thấy, Marcô cũng có quyết tâm giống như Gioan là minh chứng rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng theo cách là để cho Chúa Giêsu mạc khải điều đó qua hành động.
 
  1. Giống như trong một cuốn phim, Marcô không chỉ cho chúng ta thấy về những hành động mà còn về những phản ứng.
 
Trong Phúc âm Marcô, thường thì một nhân vật phụ dẫn sự chú ý của chúng ta đến ý nghĩa của các biến cố một cách kịch tính:
 
- Ngay từ đầu, những người chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu chữa lành một người bị quỷ ám đã kinh ngạc đến nỗi bàn tán với nhau, "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền” (1, 27).
 
Khi Chúa Giêsu tha tội cho người bại liệt, mấy kinh sư đang ngồi đó đã nghĩ thầm trong bụng rằng: Sao ông này lại dám nói như vậy? (2, 6-7).
 
- Sau khi trải nghiệm trực tiếp việc Chúa Giêsu dẹp yên sóng gió, các môn đệ hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (4, 41).
 
  1. Marcô luôn gia tăng kịch tính câu chuyện.
 
Có rất nhiều ví dụ về cách diễn tả gây ấn tượng của trong Phúc âm Marcô:
 
- Trong các Phúc âm khác, Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào trong hoang địa, thì trong Marcô, “Thánh Thần đẩy Người vào hoang địa” và “Người sống giữa loài dã thú.
 
- Cả Matthêu và Luca đều kể về câu chuyện Chúa Giêsu chữa người bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa, nhưng Marcô vẽ một bức tranh rất sống động về mặt cảm giác: “Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình” (5, 5), và chỉ có có tường thuật của Marcô đếm số lượng đàn heo 2000 con từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó (6, 13).
 
- Tình trạng của người phụ nữ bị băng huyết cũng được Marcô diễn tả chi tiết khi có thêm chi tiết so với Matthêu và Luca: “ bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc” đến độ “tán gia bại sản,” mà lại còn “thêm nặng là khác” (5, 26).
 
  1. Marcô diễn tả những cảm xúc của Chúa Giêsu nhiều hơn các Phúc âm khác.
 
-  Chúa Giêsu phản ứng với các sự việc bằng những cảm xúc đích thực của con người: “giận dữ”, “buồn khổ” vì sự chai đá của đám đông chứng kiến phép lạ Người chữa lành người bại tay (3, 5); “thất vọng” trước sự nhát đảm và yếu tin của các môn đệ (4, 40); “chạnh lòng thương” dân chúng như bầy chiên không người chăn dắt (6, 34); “ngạc nhiên” khi người đồng hương Nazareth không tin (6, 6); “cảm thấy đói” (11, 12); “đem lòng yêu mến” người thanh niên giữ luật từ thưở nhỏ (10, 21); và có lúc bị hãi hùng xao xuyến tại vườn Ghết-sê-ma-ni (14, 33-34).
 
- Marcô cũng chia sẻ những từ nguyên bản của Chúa Giêsu.
 
Khi cho con gái ông Gia-ia sống lại “Ta-li-tha kum” (Này bé, hãy trỗi dậy đi!) (5, 41); khi chữa người vừa điếc vừa ngọng “Ephphatha” (Hãy mở ra!) (7, 34); khi cầu nguyện tại vườn Ghết-sê-ma-ni “Abba” (cha ơi) (14, 36); và khi ở bị treo trên thập giá “Eloi, Eloi, lema sabachthani?” (Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?) (15, 34).
 
  1. Cũng có một “đoạn giới thiệu” cho “cuốn phim” Phúc Âm Marcô.
 
Theo truyền thống, thánh sử Marcô là thư ký của thánh Phêrô, nên nhiều người tin rằng Phúc âm của Marcô là của thánh Phêrô.  Trên thực tế, khi thánh Phêrô lên tiếng rao giảng câu chuyện về Đức Kitô trong sách Công vụ (10, 36-43), nó giống như một bản tóm tắt của Phúc âm Marcô, nói cách khác, nó gần giống như một đoạn giới thiệu về “cuốn phim” Phúc Âm Marcô.
 
  1. Phúc âm Marcô có một khẩu hiệu cho áp phích phim (movie-poster tagline).
 
Marcô bắt đầu Phúc âm bằng việc công bố “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (1, 1) và ngài dùng từ “Tin Mừng” nhiều hơn bất kỳ thánh sử nào khác.  Chắc chắn, từ Tin Mừng phải là một khẩu hiệu đối với mọi thời đại.
 
 

Nguồn tin: Tom Hoopes Nt. Anna Ngọc Diệp, OP - Chuyển ngữ từ: https://aleteia.org (25. 4. 2022) ​​​​​​​

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập29
  • Hôm nay16,269
  • Tháng hiện tại337,404
  • Tổng lượt truy cập35,983,749
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây