THÁNH THỂ, MỘT ƠN BAN TỘT ĐỈNH CỦA THIÊN CHÚA

Thứ bảy - 10/06/2023 09:16
tải xuống (4)
tải xuống (4)
Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô mà chúng ta cử hành Chúa nhật hôm nay là một biểu lộ hân hoan đối với sự hiện diện thường hằng của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Lễ này được cử hành theo truyền thống với một cuộc rước Thánh Thể khắp khu vực xung quanh nhà thờ sau thánh lễ. Kết thúc cuộc rước, Thánh Thể được đưa trở lại Nhà thờ để Chầu. Đó là một việc tôn sùng lớn lao hướng về Chúa Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể.
Vài nét lịch sử
Trong Giáo Hội Sơ Khai, việc tôn thờ Mình và Máu Chúa Kitô chỉ giới hạn trong việc cử hành Thánh Thể và rước lễ, và các Giáo Phụ như Augustinô và Ambrôsiô khuyến khích thái độ thờ lạy trong Thánh Lễ. Tuy nhiên, vào thế kỷ 13, để đền tạ những phạm thánh và bất kính của những người phủ nhận Bí tích Thánh Thể, nhiều phong trào giáo dân ở Bắc Âu đã cổ động lòng sùng kính bí tích này. Họ tổ chức những giờ chầu Thánh Thể, linh mục ban phép lành với Mình Thánh Chúa, kéo chuông nhà thờ khi linh mục thánh hiến bánh và rượu. Tại Liège, Bỉ, nhờ thánh nữ Juliana (1193-1258), một nữ tu khiêm hạ và thánh thiện của dòng Augustinô tại Mont-Cornillon, họ đã xin Đức cha Robert de Thorete, là giám mục địa phương, cử hành một lễ kính Mình Thánh vào ngày thứ năm sau Chúa nhật kính Chúa Ba Ngôi. Mặc dù ban đầu còn do dự, nhưng vào năm 1246, Đức Giám Mục Thorete chấp thuận lời thỉnh cầu cho phép cử hành lễ Mình Máu Chúa Kitô trên toàn giáo phận. Như vậy, Lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành lần đầu tiên tại Liège, Bỉ, vào năm ấy. Sau này tại Ý, năm 1263, trong nhà thờ thánh Catarina, tại Bolsena, phía bắc thành phố Rôma và phía nam thành phố Orvieto, một linh mục sau khi đọc lời truyền phép đã nghi ngờ về bánh và rượu trở thành Máu và Thịt Chúa Giêsu. Tức thì Máu Thánh chảy đẫm khăn thánh và khăn bàn thờ. Ðức Giáo Hoàng nghe tin này, bèn ra lệnh đem khăn về để tạm tại nhà thờ Orviette. Chính Phép Lạ này khiến Ðức Giáo Hoàng Urbano IV (1262-1268) ban hành Tông sắc Transiturus de hoc mundo, năm 1264, thành lập lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu, như một ngày lễ cho toàn thể Giáo hội Latinh. Trong bức Tông Sắc của mình, Đức Urban IV đã viết rằng: “Để củng cố và đề cao Đức Tin chân thật, sau khi cân nhắc cẩn thận, Ta truyền lệnh rằng, ngoài những cuộc tưởng nhớ hằng ngày mà Giáo hội thể hiện đối với Bí Tích rất thánh này, mỗi năm sẽ còn có một Đại Lễ đặc biệt nữa được cử hành vào một ngày nhất định, và cụ thể là vào ngày thứ Năm sau tuần Bát Nhật kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong ngày đó, dân thánh thiện sẽ sốt sắng và mau chóng tập trung lại trong các ngôi Thánh Đường của chúng ta, và tại đó, các bài Thánh Ca sẽ được vang lên bởi các Giáo sĩ và các Giáo dân với trọn niềm vui thánh thiện.” [1] Khi Đức Giáo Hoàng Piô V (1504-1572) sửa đổi Lịch Rôma chung, Lễ Mình Máu Thánh Chúa - Corpus Christi - được ngài giữ lại cùng với Lễ Chúa Ba Ngôi.
Ðức Giáo Hoàng Urbano IV giao cho Thánh Tôma Aquinô, đang là nhà thần học của Giáo hoàng, soạn thảo những bản văn phụng vụ cho ngày lễ trọng này. Thánh Tôma Aquinô đã sáng tác một bài thánh ca dành cho Kinh Chiều của ngày lễ này, Pange Lingua, cũng được hát vào Thứ Năm Tuần Thánh trong cuộc rước Mình Thánh Chúa đến bàn thờ tạm. Hai câu cuối của Pange Lingua [2] trở thành bài thánh ca Tantum Ergo, được sử dụng cho các Giờ Chầu Mình Thánh Chúa. 
Tin mừng và ý nghĩa của Thánh Thể
Mặc dù Thứ Năm Tuần Thánh cũng được coi là Lễ Mình và Máu Chúa Kitô, nhưng ngày đó dành để nhớ đến việc Chúa Giêsu thiết lập Chức Linh mục: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22: 19) và giới răn yêu thương qua việc rửa chân phục vụ nhau: “Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 3: 13-15). 
Lễ Mình Máu Thánh Chúa được thiết lập là để dành ra một ngày lễ chỉ tập trung vào Bí tích Thánh Thể: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6: 51).
Khi chúng ta quy tụ trong Thánh Lễ, chúng ta biết rằng với tư cách là những người đã được rửa tội, chúng ta tạo thành cộng đoàn Thánh Thể, cộng đoàn này với việc chủ sự của linh mục, sẽ tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua - cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh - của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hiệp dâng lễ vật của chúng ta với lễ vật của linh mục, Đấng đại diện cho Chúa Kitô, để lễ vật bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô, mà chúng ta lãnh nhận khi Rước lễ, để chúng ta có được sự sống thần linh muôn đời của chính Chúa Kitô: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6: 58).
Sự sống này bắt nguồn từ tâm điểm của Thánh Lễ: hiệp thông với Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6: 56). Thánh lễ - cuộc cử hành Bí Tích Thánh Thể - là sự tái hiện hành động của Chúa Giêsu vào đêm trước khi Ngài chịu chết. Trong Bữa Tiệc Ly: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Ngài cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22: 19-20). 
Trong những lời nói và hành động đó, trong giây phút trao hiến thiêng liêng đó, Chúa Giêsu đã hình dung trước hành động cao cả nhất của Ngài là hiến thân trên Thập giá. Hội thánh tin tưởng và lặp lại hành động thánh thiêng đó để tuân theo mệnh lệnh của Ngài mỗi khi chúng ta tập trung quanh bàn thờ, kết hợp lại với nhau, để cùng nhau đón nhận Bánh được bẻ ra và Chén được chia sẻ, chính là Thân Mình bị tan nát và Máu bị đổ ra của Chúa Kitô, để đem lại sự sống đích thực đời đời cho những ai tin vào sự hiện diện của Ngài trong Giáo hội và trong Bí tích Thánh Thể: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6: 53-55).
Việc nâng tâm hồn chúng ta lên Thiên Chúa chắc chắn là một yếu tố quan trọng trong sự thờ phượng của chúng ta. Nhưng việc thờ phượng Thiên Chúa mà chúng ta dâng lên qua bí tích thánh thiêng này không chỉ đơn thuần là việc của riêng con người. Chính việc Chúa Giêsu biến đổi bánh, là “hoa mầu ruộng đất”, và rượu là “sản phẩm từ cây nho”, mà chúng ta được mời gọi tham dự vào bằng việc dâng “công lao của con người”, trở thành Mình và Máu của Ngài, mới làm cho việc thờ phượng của chúng ta trở nên việc thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực: là sự tự hiến của Chúa Giêsu Kitô trên Thập giá qua lời tuyên bố “Cứ phá huỷ Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2: 19) báo trước về mầu nhiệm thập giá, về cái chết và sự phục sinh của Ngài. Giờ đây con người gặp gỡ Thiên Chúa không cần phải qua trung gian nào khác, kể cả Đền thờ và Lề luật, nhưng qua Chúa Kitô. Bánh và rượu được cộng đoàn dâng lên, tượng trưng cho lao động, cuộc sống với tất cả những khiếm khuyết của chúng ta, và chúng ta liên kết chúng với sự tự hiến của Chúa Kitô cho Chúa Cha để trở nên hy tế tột đỉnh: hy tế Thánh Thể. Nhờ đó, chúng ta được biến đổi và trở nên điều mà thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ nhất: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Chúa Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Ngài sao?” (1Cr 10: 16). 
Sống ý nghĩa Thánh Thể
Một trong những cảnh gây xúc động nhất trong Tin Mừng của Thánh Gioan là cảnh Chúa Giêsu Biến Hình trên Núi Tabor. Các môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan muốn níu giữ giây phút chiêm niệm đó. “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Lc 9: 33). Nhưng giống như mọi khoảnh khắc xuất thần, thời gian trôi qua. Chúng ta phải trở về với những điều bình thường của cuộc sống. 
Lễ Mình Máu Thánh Chúa là một cơ hội đặc biệt để chúng ta không chỉ chứng kiến mà còn tham dự vào sự biến hình của Chúa Giêsu khi chúng ta chiêm ngắm sự hiện diện luôn mãi của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Nhưng giây phút thiêng liêng này không thể kéo dài mãi được. Bởi vì chúng ta phải quay trở lại sự phức tạp của cuộc sống hiện tại. Nhiệm vụ của chúng ta là biến đổi thế giới mà chúng ta đang sống, như những lời của Thánh Irênê, tiến sĩ Hội Thánh: “Gloria Dei est vivens homo - Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống”.
Được nuôi dưỡng bằng Lương Thực từ Thiên Đàng này, chúng ta nhờ ân sủng của Thiên Chúa qua ân huệ của Chúa Thánh Thần, được trang bị và tăng thêm sức mạnh để tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô trong các khu phố, nơi làm việc, bệnh viện, trường học và các khu vực khác trong cộng đồng của chúng ta. Đây là ơn kêu gọi của chính chúng ta - trở thành bánh bẻ ra cho người khác, như Thân Mình Chúa Kitô tự hiến cho tất cả mọi người mọi nơi.
Vào ngày lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa này, một lần nữa chúng ta hãy nhận ra và quý trọng hơn nữa đặc ân được tham dự Bí tích Thánh Thể và tự do lãnh nhận món quà Mình và Máu Chúa Kitô để chúng ta luôn nghiệm được sự hiện diện đồng hành của Chúa Giêsu trên hành trình cuộc sống trần thế này: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con.” 


[1] ĐTC Urban IV: Tông Sắc thiết lập Đại Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa. Bản dịch của Georg Ott. In: Georg Ott: Eucharisticum. Pustet, Regensburg 1869.
[2] Câu 5. Tantum ergo Sacramentum. Veneremur cernui: Et antiquum documentum
Novo cedat ritui: Praestet fides supplementum Sensuum defectui.
Câu 6. Genitori, Genitoque, Laus et iubilatio, Salus, honor, virtus quoque, Sit et benedictio: Procedenti ab utroque, Compar sit laudatio. Amen.
[3] Lời nguyện kết thúc Kinh chiều Lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa Kitô.  
 

Nguồn tin: ​​​​​​​ Phêrô Phạm Văn Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập31
  • Hôm nay15,621
  • Tháng hiện tại336,110
  • Tổng lượt truy cập35,982,455
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây