Hình ảnh truyền thông thần linh

Thứ bảy - 03/06/2023 22:22
unnamed (1)
unnamed (1)
Trong đời sống con người xã hội thông tin giao hảo với nhau là một nhu cầu cần thiết, mà ngôn ngữ tiếng nói thông hiểu giữa nhau là chìa khoá phương tiện tối quan trọng trong mọi lãnh vực.
 
Vậy có hình ảnh truyền thông gì trong đời sống đức tin tinh thần đạo giáo không ?
 
Những dấu chỉ như làn gió, như ngọn lửa, như âm thanh…là những phương tiện truyền thông báo hiệu trong suốt dọc lịch sử đời sống con người xưa nay.
 
Thánh sử Luca nơi sách kinh thánh Công vụ các tông đồ đã diễn tả thuật lại hình ảnh truyền thông đó qua sức mạnh âm thanh tiếng động của làn gió:
 
“ Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi,2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp.” ( CV 2,1-2).
 
Hình ảnh sức mạnh của gió bão thường xảy ra trong thiên nhiên khắp vũ trụ trời đất xưa nay. Hình ảnh này nhắc nhớ đến những trận cuồng phong bão táp một khi nổi lên, có mưa to gây lụt lội càn quét gây ra những thiệt hại kinh hoàng tàn phá những cây rừng, nhà cửa trốc mái nghiêng đổ, bờ đất lở trôi đi, cầu cống đường xá bị phá xập…các phương tiện giao thông, kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng gián đoạn đình trệ…
 
Nhưng làn gió mạnh ùa vào nhà ngày lễ Ngũ Tuần như trong Kinh Thánh diễn tả nói đến lại rất khác đầy ngạc nhiên. Nó không gây ra hậu quả cảnh hoang tàn đổ nát kinh hoàng nào.
 
Trong thiên nhiên xưa nay gió to giông bão xảy đến từ bên ngoài đổ ập xuống bao phủ bên ngoài chung quanh thiên nhiên. Nhưng cơn gió mạnh ngày lễ Ngũ Tuần năm xưa ở Jerusalem, nơi các Tông Đồ Chúa Giêsu và có Đức mẹ Maria tụ tập đọc kinh cầu nguyện thì khác.
 
Làn gió mạnh đó không ở bên ngoài chung quanh nhà cùng cây cối thiên nhiên gây ra tàn phá hoang tàn. Nhưng nó làm cho bên trong có đầy sức sống tươi mát. Lẽ dĩ nhiên, có thể gây ra cho các Tông Đồ và cho cả Đức mẹ Maria nữa cảm giác từ kinh ngạc đến sợ hãi. Vì không hiểu sức mạnh làn gió to bỗng dưng xảy ra này mang gây ra sự gì cho họ. Nhưng sau cùng họ nhận ra sức tươi mát phấn khởi cho tinh thần tâm hồn họ.
 
Làn gió bão thổi bên trong căn nhà diễn tả một hình ảnh cơn gió bão trong tâm hồn nội tâm của các Tông đồ sống trải qua ở thời điểm chuyển tiếp giữa Chúa Giêsu Kitô phục sinh về trời và sức mạnh Chúa Thánh Thần hiện xuống, như Chúa Giêsu Kitô đã đoan hứa, sẽ gửi sai Thánh Thần xuống cho trần gian.
 
Vì các Vị cảm thấy bơ vơ, cảm thấy tâm hồn đời sống như bị đong đưa, khi thấy Chúa Giêsu Thầy mình trở về trời, không còn hiện diện giữa họ nữa. Một khoảng trống chiếm ngự tâm hồn họ.
 
Sức mạnh làn gió ập vào nội tâm tinh thần con người Ngày lễ Ngũ Tuần năm xưa là hình ảnh phương tiện truyền thông thần linh của Thánh Thần Thiên Chúa hiện xuống trần gian.
 
Và Thánh sử Luca còn dùng hình ảnh nữa diễn tả thuật lại truyền thông thần linh của Thiên Chúa:
 
3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.( Cv 2,3-4)
 
Hình ảnh lửa nói đến sức nóng, sự nhiệt thành. Hình lưỡi lửa ngự đậu trên các Thánh Tông Đồ và Đức Mẹ Maria là ngọn lửa truyền thông thần linh. Nó không gây ra cháy tàn phá thiêu rụi gây thiệt. Nhưng gây ảnh hưởng làm cho các Vị tông đồ có khả năng sức lực mở miệng lưỡi ra rao giảng làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô.
 
Hình ngọn lưỡi lửa thần linh Chúa không chỉ khai mở khả năng nơi các Tông đồ ăn nói làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô, nhưng còn nơi cả những người nghe các Vị tông Đồ giảng đạo, có khả năng hiểu được các Vị nói gì. Mặc dù các Vị nói tiếng Do Thái, nhưng các dân từ khắp các nước chung quanh với những nền văn hóa ngôn ngữ tiếng nói khác nhau hôm đó đến chứng kiến, vẫn hiểu được như họ đang nghe tiếng mẹ đẻ của riêng mình.
 
Phương tiện truyền thông thần linh này không là một chiều ( monolog), nhưng là cuộc đối thoại hai chiều ( dialog). Vì giúp cho hai bên thông hiểu nhau.
 
Một phép lạ nhiệm mầu đã xảy ra khiến rào cản ngôn ngữ tiếng nói văn hóa đã được xóa bỏ. Một truyền thông thần linh của Thiên Chúa hiện đến trong trần gian.
 
Thánh sử Luca đếm kể đến các dân khắp các vùng nước chung quanh ngày lễ Ngũ Tuần đến mừng lễ đồng thời nghe chứng kiến các Tông Đồ Chúa Giêsu Kitô được Chúa Thánh Thần ngự xuống giúp ăn nói thông thái mạnh dạn làm chứng cho Chúa. 
 
Họ là dân nước đến từ Libya, ngang qua miền Nam nước Ai Cập, miền Caledonia vùng miền nam và phía đông bờ biển Địa trung hải và xa tận hơn nữa . Như thế họ hình thành một phần đông những cư dân không chỉ thuộc những nền văn hóa chung quanh thời lúc đó, nhưng về hình thể địa lý vươn rộng tới chu vi chung quanh vùng  thành Babylon.
 
Nơi địa điểm thành Babylon ngày xưa đã xảy ra biến cố ngôn ngữ bất đồng- từ đó xảy ra tình trạng thông tin truyền thông bị trái ngược lộn xộn, khiến con người không còn khả năng hiểu nhau nữa, khi họ dự tính xây cây tháp Babel vươn đụng chạm tới trời cao, như Kinh thánh thuật lại ( ST 11,1-9), muốn thách thức Thiên Chúa, để chứng tỏ ngang bằng như Ngài. 
 
Và kết quả tháp Babel không thực hiện được. Vì truyền thông tin về ngôn ngữ bất đồng giữa nhau gây ra tình trạng hoang mang chao đảo, không ai hiểu ai.
 
Ngày lễ Ngũ Tuần, Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống với hình lưỡi lửa ban cho người nói rao giảng là các Tông Đồ Chúa Giêsu, cùng người nghe là các dân nước vùng chung quanh bên Trung Đông, khả năng cùng thông hiểu nhau như tiếng mẹ đẻ của mình. Dù họ nói ngôn ngữ tiếng khác nhau.
 
Bức rào cản truyền thông về ngôn ngữ bất đồng được xóa bỏ bài trừ, giúp con người thông hiểu nhau. Đó là công trình cao cả thần linh thánh đức của Thánh Thần Thiên Chúa được loan truyền thể hiện nơi trần gian.
 
Ngày nay, con người thường hay vấp phải rào cản truyền thông làm ngăn chặn sự thông hiểu giao thông giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau, nhất là trong lãnh vực tinh thần đạo giáo, và với cả công trình vũ trụ thiên nhiên.
 
Mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần là mừng làn gió, ngọn lưỡi lửa truyền thông thần linh của Thiên Chúa khơi lên lòng nhiệt thành với tình yêu của Ngài, và hướng dẫn giúp thông hiểu nhau trong nếp sống giữa con người với nhau, cùng với sự sống trong công trình thiên nhiên.
 
Mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống
 

 

Nguồn tin: Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập30
  • Hôm nay6,934
  • Tháng hiện tại90,066
  • Tổng lượt truy cập34,722,785
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây