Người lớn cũng có thể mắc viêm não Nhật Bản B
Từ đầu mùa đến nay, khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhập gần chục trường hợp bị viêm não Nhật Bản B, khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 14 trường hợp, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương tiếp nhận 4 - 5 trường hợp là người lớn bị viêm não Nhật Bản.
Chị Nguyễn Thị Mị trú tại Cẩm Giàng, Hải Dương có con nhỏ đang điều trị viêm não tại BV Bạch Mai cho biết bé nhà chị 4 tuổi. Bé có triệu chứng sốt cao. Sau nửa ngày sốt không hạ và bé nôn nhiều, đầu nóng. Bé kêu đau đầu. Tiến triển bệnh rất nhanh khiến vợ chồng chị không trở tay kịp. Chỉ sau 1 tiếng, bé đã lơ mơ tri giác. Vợ chồng chị đưa con lên Bệnh viện tỉnh thì bé đã rơi vào hôn mê và phải chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.
Các bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai cho biết cháu bé bị vi rút tấn công vào các tế bào não gây viêm não. Sau khi làm các xét nghiệm các bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị viêm não do vi rút viêm não Nhật Bản B. Việc điều trị cho cháu bé chủ yếu sử dụng các thuốc kháng vi rút.
|
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (BV Nhiệt đới Trung ương) đang cấp cứu cho một bệnh nhân người lớn hôn mê do viêm não Nhật Bản B |
Một trường hợp khác bị viêm não là cháu Nguyễn Th. Th. đang điều trị tại BV Nhi Trung ương. Sau khi bị sốt cao, chán ăn, cháu bé buồn nôn và rơi vào trạng thái li bì, mất tri giác. Mẹ của cháu bé cho biết cháu chưa tiêm vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản.
Trường hợp của bệnh nhân Cao Thị T. trú tại 46 tuổi, Cẩm Khê, Phú Thọ cũng bị viêm não Nhật Bản đã điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Theo người nhà của bệnh nhân chị T. kêu mệt mỏi, sốt cao, buồn nôn, hạ huyết áp.
Khi gia đình đưa chị xuống bệnh viện huyên, bác sĩ chẩn đoán viêm não và giới thiệu lên thẳng BV Nhiệt đới Trung ương. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó khoa cấp cứu Hồi sức BV Nhiệt đới Trung ương cho biết nhiều người lớn cho rằng viêm não Nhật Bản chỉ xảy ra ở trẻ em là không đúng. Bệnh có thể lây nhiễm ở bất cứ người nào chưa có kháng thể chống viêm não Nhật Bản.
Không có thuốc đặc trị, chỉ tiêm phòng ngừa bệnh
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết căn nguyên do vi rút viêm não Nhật Bản B, vi rút này bình thường sống ở các loài chim tu hú. Mùa hè, loài chim bay về vùng trồng hoa quả để ăn. Muỗi đốt chim sau đó đốt sang lợn. Muỗi đốt lợn và chuyển sang người, lúc đó người bị nhiễm vi rút. Ít trường hợp muỗi truyền trực tiếp từ chim sang người.
Đối với người lớn đã từng bị muỗi đốt có thể mắc bệnh này. Trước kia bệnh viêm não Nhật Bản B phổ biến, nhiều người bị từ bé, sống đến lớn đã có sức đề kháng. Trẻ em chưa có kháng thể nên hay bị vi rút tấn công nhiều hơn.
Biến chứng của viêm não Nhật Bản B, bác sĩ Cấp cho biết vi rút tấn công não gây tổn thương tế bào thần kinh trong não nên bản thân người bệnh bị nặng.
Sau khi bị muỗi đốt, sốt, thời gian ủ bệnh 6, 7 ngày, sau đó xuất hiện triệu chứng sốt, đau đầu, buồn nôn, rối loạn tri giác, lơ mơ, hôn mê, hôn mê sâu, co giật, rối loạn về vận động run rẩy, rối loạn tâm thần, thể hiện nhiều triệu chứng khác nhau.
Do vi rút viêm não Nhật Bản B không có kháng vi rút đặc hiệu, các bác sĩ chỉ điều trị hỗ trợ triệu chứng, nâng đỡ bệnh nhân, chống phù não và chờ bệnh nhân tự hồi phục. Bác sĩ Cấp cho biết thêm vì không có thuốc đặc hiệu nên nhìn chung tỷ lệ tử vong cao, di chứng còn nhiều. Nặng nhất là tồn tại thực vật, nhẹ thì bị liệt, rối loạn về tâm thần, tri giác. Một số bệnh số bệnh nhân có di chứng co giật, động kinh.
Đối với trẻ nhỏ, sau khi bị viêm não Nhật Bản B, điều trị thành công có thể để lại di chứng rối loạn phát triển về sau, có bất thường về phát triển.
PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế cho biết, đến nay cả nước ghi nhận 280 trường hợp mắc (bao gồm cả viêm não Nhật Bản B và các trường hợp viêm não khác), 4 trường hợp tử vong.
Tuy có thể xuất hiện ở các mùa trong năm, nhưng tại khu vực phía Bắc mùa hè là thời gian cao điểm của bệnh viêm não, đặc biệt viêm não Nhật Bản B.
Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản B, người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế như: Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B cho trẻ đầy đủ và đúng lịch: mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng các chất xua đuổi côn trùng để phòng muỗi đốt. Đồng thời thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh khu chăn nuôi, phát quang bụi rậm, khơi thông hoặc lấp các cống rãnh, thường xuyên diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng.