Lòng Vòng Xóm Nhà Lá.

Thứ ba - 25/08/2020 05:38

Lòng Vòng Xóm Nhà Lá.

Phan Xuân Sinh Lời nói đầu: Đây là một chuyện vui trong đời sống. Mọi hoàn cảnh xẩy ra, tên tuổi nhân vật không có trong thực tế. Nếu có sự trùng hợp chỉ là vô tình và ngẫu nhiên chứ tác giả không chủ ý. Kính mong quý vị độc giả lượng tình tha thứ.

Một lần tôi đi bác sĩ, ông tên là David Nguyễn. Tôi nghĩ trong đầu, chắc ông bác sĩ nầy còn trẻ lắm. Những người trẻ thường lấy tên Mỹ để dễ dàng trong chuyện học tập, tiếp xúc giao thiệp với người bản xứ.

Còn ông bác sĩ nầy tuổi đã cao, sắp sửa hưu trí, khách hàng chính của ông là người Việt, cái bằng bác sĩ của ông do Đại học Y khoa Sài Gòn cấp. Vì nhu cầu khẩn cấp cần bác sĩ người Việt để đáp ứng với số lượng nhập cư của dân Việt đông đảo, chính phủ Mỹ đặc ân cho một số bác sĩ cũ ở Việt Nam, qua một cuộc thi sơ sài, qua một đợt thực tập ngắn ngủi, rồi cấp cho một giấy chứng nhận tương đương để phục vụ đồng hương.

Thế mà có ông muốn chối bỏ cái gốc gác của mình. Cái tên “Đạm”của cha mẹ đặt cho ông, ông bắt những khách hàng Việt Nam phải gọi ông là David, tôi nghe có cái gì không ổn, tôi cảm thấy ngường ngượng khi phải gọi tên ông.

Môt bà khách hàng của ông dân miền Nam Lục tỉnh, chân chất, ít học, nói tiếng Mỹ với giọng miền Nam đặc sệt. Khi tiếp xúc với ông, bà rất kính trọng và lễ phép: “Dạ thưa bác sĩ Đê-dịt”, tôi trố mắt ngạc nhiên, tưởng rằng bà chế nhạo ông, nhưng thấy mặt bà tỉnh bơ có vẻ thành thật trong giọng nói, mà hình như bác sĩ đã quen tai với cái tên tiếng Mỹ đọc giọng miền Nam nầy nhiều lần nên ông cũng tỉnh bơ như bà đó vậy.

Tôi thắc mắc, tại sao ông không lấy cái tên Đạm để tiếp xúc với khách hàng, đồng hương của mình, sao ông lại đày đọa dân của mình như vậy chứ? Còn cái tên David kia dùng cho giấy tờ hay tiếp xúc với người bản xứ thì hay biết mấy. Người bạn của tôi là Luật sư Nguyễn Xuân Phước, trên giấy tờ ông tên là Phillip Nguyen, nhưng chưa bao giờ tôi nghe ông dùng tên nầy tiếp xúc với đồng hương, mặc dù ông theo học luật ở Mỹ.

Chuyện lấy tên Mỹ, tôi hoàn toàn không đả phá. Sống trên đất nước Hoa Kỳ mình phải thay đổi để dễ dàng hội nhập. Tuy nhiên cũng phải tùy trường hợp. Khi đi làm sở Mỹ hoặc tiếp xúc với Mỹ, ta dùng tên đó để giao tiếp. Đằng nầy có những người suốt đời từ trong nước ra tới hải ngoại chỉ tiếp xúc với người Việt, lận lưng được vài câu tiếng Anh ba rọi, thế nhưng khi hỏi tên thì James, Michael, Robert v.v… như một thằng Mỹ chính thống, thấy ngượng không chịu được, thế nhưng người ta cho đó là một cái “mốt” thời thượng. Ai không như vậy tức là bị lỗi thời, không theo kịp cái đà tiến hóa của loài người.

Một hôm vợ chồng tôi được mời tham dự bữa tiệc mà chúng tôi không biết là tiệc gì. Khi đến nơi thì tôi mới biết đó là tiệc sinh nhật của một người mang tên là Julie, tôi thấy trên chiếc bánh sinh nhật và những bong bóng mang hàng chữ “Happy Birthday Julie”.

Tôi nói với đứa con gái duy nhất của ông bà chủ nhà ra mở cửa cho chúng tôi, là hôm nay sinh nhật của cháu lớn quá, chúc mừng cháu. Cô bé chưng hửng lắc đầu cải chính ngay là sinh nhật của mẹ cháu. Bây giờ đến lượt tôi chưng hửng, tôi không thể nào ngờ được một người bán cá ở Việt Nam, lam lũ, chỉ mới biết đọc, biết viết sơ sài, thế mà vượt biên qua tới đây, lột hết, rửa sạch, trở thành giới trí thức, một người Mỹ chính hiệu.

Làm sao biết ngày sinh nhật của mình. Chỉ biết mình mang tuổi Tí, Sửu, Dần, Mẹo… gì đó đã may lắm rồi. Đằng nầy tưởng tượng ra ngày sinh của mình, rồi ầm ĩ tổ chức nọ kia, cho hợp với đà văn minh. Suốt trong bữa tiệc tôi nghẹn ngào ngồi nhìn “cô Tư bán cá” chợ Hàn Đà Nẵng thuở nào, bây giờ mang tên Julie chủ tiệm Nails ở Mỹ. Mọi người trong bàn tiệc gọi chị Julie một cách tỉnh bơ, chứ không ai còn gọi chị Tư như ngày nào.

Thay da đổi thịt trong cuộc sống là lẽ thường tình và mừng cho họ có một cuộc sống khấm khá. Thế nhưng một thứ trưởng giả học làm sang, chạy theo những phù phiếm, che đậy cuộc sống chân chất của quá vãng. Thật tội nghiệp cho cô “Julie” bây giờ, không còn một chút hiện thân của cô “Tư” bán hàng dễ thương ở chợ Hàn ngày xưa.

Chúng ta thỉnh thoảng ra đường bắt gặp những người Việt Nam gọi nhau… bằng những cái tên Mỹ. Những người trẻ tuổi thì chúng ta không nói làm gì, đằng nầy mấy ông bà đã trưởng thành tại Việt Nam, con cháu lủ khủ thế mà bỏ đi cái tên cúng cơm lâu đời của mình để khoác lên cái tên ngoại lai thật khó chịu. Họ rất hãnh diện mang cái tên “Mỹ” nầy, đôi khi tiếng Anh lắp bắp cắn chưa bể một chữ.

Tôi xin kể một trường hợp mà tôi đã chứng kiến, cười ra nước mắt. Có một gia đình đồng hương mời tôi dự đám giỗ cụ thân sinh của chủ nhà. Vợ chồng chủ nhà cũng trên bảy mươi tuổi.

Ngày xưa trước 1975, ông cụ làm chủ tịch xã ngoài Quảng Nam, tên của ông là Trần Từ Giã. Nghe nói có hai người con, một trai, một gái, tuổi cũng xấp xỉ năm mươi, lúc đó qua đây theo diện ăn theo với vợ chồng ông.

Khi tất cả mọi người ngồi vào bàn tiệc, ông chủ nhà xin lỗi quý khách đợi thêm vài phút vì phải chờ “May-cồ” tới. Mọi người đều nghĩ trong bụng, chắc ông Mỹ nầy là thượng khách của gia đình, hoặc là người rể quý Mỹ của ông chủ nhà.

Mười phút sau có vợ chồng và mấy đứa con mở cửa chính bước vào. Ông chủ nhà thốt lên: “Vợ chồng thằng May-cồ tới rồi”. Ai cũng nhìn ra cửa, thấy gia đình một người Việt Nam, người chồng chừng năm mươi tuổi có tên là “May-cồ” là con trai của ông chủ nhà, mà khách khứa cứ tưởng là một ông Mỹ.

Ông chủ nhà giới thiệu với mọi người Micheal là con trai trưởng của ông. Gia chủ tuyên bố lý do bữa tiệc, rồi trong bàn có một người lớn tuổi thay mặt cho khách nói lời cảm tạ. Ông khách nầy là người Quảng Nam, bạn với chủ nhà, hay ăn nói móc họng. Ông trịnh trọng đứng dậy:

“Thưa ông Trần Từ Giã, thưa ông May-cồ Dách-sơn là cháu đích tôn của cụ đã khuất,”

Người con trai của chủ nhà đứng dậy chặn ngang:

“Thưa bác, cháu tên là Michael Từ Trần, chứ không có chữ Jackson phía sau giống như người ca sĩ nổi tiếng của Mỹ.”

Ông cụ cười ha hả, trả lời một cách châm biếm:

“Sao ông không lấy hết tên của người ta làm của mình, lấy chi… nửa vời nghe chướng quá. Nên tôi thêm vào cho nó đỡ ngượng.”

Rồi ông chậm rãi:

“Ngày giỗ của ông nội, ông là cháu đích tôn mà không tới sớm để thắp cho ông nội một cây hương. Ông tới trễ như một người khách, thì tôi không lạ gì ông từ bỏ cái tên cúng cơm mà cha mẹ đã đặt cho ông.

Ông bắt cha mẹ, gia đình và khách khứa dự bữa tiệc hôm nay gọi ông bằng một cái tên lạ hoắc, mà gia phả của người Việt mình không chấp nhận được. Ông làm khó mọi người để làm gì vậy?

Tất cả bà con mình qua đây ai cũng đổi bằng xương máu, nước mắt. Không có ai qua đây để chơi, để phùng xòe, để đua đòi. Ông nên mang cái tên nầy dùng trong xã hội Mỹ, trong công sở ông làm việc.

Ra khỏi sở xin ông gửi nó lại đó, về với gia đình, với đồng hương, với cái tên thật của mình. Người ta chê cười tư cách của mình sống, chứ có mười cái tên Mỹ đẹp đẽ mà sống chẳng ra gì, người ta lại càng chê cười chế giễu nhiều hơn.”

Tất cả những người có mặt trên bàn tiệc im phăng phắc. Chưa vào tiệc đã nếm qua cái món khai vị nóng sốt, đậm đà “bản sắc dân tộc”. Dù có đói rát ruột, sau khi nếm qua món khai vị nầy, mọi người trong bàn tiệc cảm thấy bụng đã no đầy ắp. Ông May-cồ ngồi cúi mặt. Một bài học thấy thấm đau, mà tôi biết, không bao giờ ông quên được trong đời của ông sau nầy.

Tôi thấy nhan nhản trên đường phố Bolsa, San Jose, Houston, Dorchester, Washington DC, Chamblee v.v… những nơi kinh doanh của người Việt mà tôi đã đi qua trên đất Mỹ, những cái tên nửa nạc nửa mỡ: Andrew Nguyễn, Susan Phạm, Dustin Ngô, Thomas Lê… trương trên bảng hiệu, trong các tờ báo quảng cáo, thấy rất nhức đầu.

Họ là người Việt thuộc thế hệ thứ nhất, làm ăn với người Việt chứ không có thằng cha Tây, con mẹ đầm nào dính vào đây. Khách hàng của họ là 100% dân Việt Nam, thế mà họ sợ để cái tên thuần chất Việt Nam sẽ giảm uy tín của bổn hiệu, mất đi tín nhiệm với khách hàng.

Phải tỏ mình là công dân Hoa Kỳ, mang cái first name Mỹ mới đúng cách, đúng phẩm chất cao. Bao nhiêu năm tôi khắc khoải về chuyện nầy, nếu đúng như vậy thì tại sao có nhiều người vẫn dùng tên họ Việt, khách đến đông đúc?

Nếu họ làm ăn với người bản xứ, thì mang tên Mỹ không ai nói làm gì, vì đó là một cách giúp giao tiếp thuận lợi. Đằng nầy ngay trong gia đình họ vẫn gọi nhau: John, Lisa, Liz, Peter… nghe sao chướng tai quá.

Thế hệ thứ hai, thứ ba, sinh ra ở đây. Họ mang tên Mỹ từ nhỏ, nên bắt buộc họ phải dùng tên Mỹ. Còn có những ông bà qua đây trễ tràng, không có thời giờ bước vào trường học, phải lao động cật lực để nuôi gia đình.

Khi đời sống ổn định, có bằng công dân Hoa Kỳ, họ bắt đầu nghĩ ngay đến thay đổi sao cho phù hợp. Đó cũng là một bước tiến tốt. Tuy nhiên chúng ta không thể nhắm mắt quơ càn, tốt xấu hầm bà lằn, mà phải thận trọng chắt lọc cái gì tốt ta dùng, cái gì xấu ta bỏ. Đó là con người khôn ngoan thực dụng.

Một bà mang tên Tám, sau khi cầm cái bằng công dân trong tay, mọi người phải gọi bà là Tammy. Nhiều người quen miệng gọi bà Tám, bà làm bộ không nghe, không biết cái tên nầy. Phải gọi là Tammy thì bà mới quay qua trả lời.

Xem trên TV nhân ngày lễ gì đó, phóng viên đến phỏng vấn một bà cụ trên 65 tuổi: “Thưa bà xin cho biết quý danh?” Cụ bà nhanh nhẹn trả lời ngay: “Tôi tên là Tracy Nguyễn”. Nghe bà xưng tên, tôi muốn té xuống ghế.

Một bà ngồi coi truyền hình với gia đình tôi, nhận ra được bà Tracy là người có quen biết với bà, bà kia la lên: “Con mẹ nầy tên Trác làm workcenter với tôi ở Dorchester, mèn đéc ơi mang tên Mỹ”, rồi bà cười ha hả: “Đồ quỷ không hà”. Cái tên Mỹ chỉ để dùng trong giấy tờ khi hữu sự, chứ áp dụng với người đồng hương với nhau thấy kỳ quá.

Một số ít người Việt ở Mỹ quan niệm rằng khi vào công dân Mỹ phải dùng tên Mỹ nầy bất cứ nơi đâu, ngay cả trong gia đình. Thằng Tí, con Mén, bà Út, ông Lượm, mới gọi nhau ra rả ngày hôm qua. Sáng nay đi tuyên thệ nhận bằng công dân về, thì áp dụng tên ấy ngay lập tức: Thằng John, con Cecile, bà Jolie, ông Jim, không một chút ngượng mồm ngượng miệng.

Trong gia đình được Mỹ hóa một cách nhanh chóng. Để cho đồng hương biết rằng gia đình đã được lột xác không còn dính dấp gì cái xứ Việt Nam nghèo khổ bên kia xa lắc xa lơ. Không còn nghĩ tới tổ tiên ông bà, xa lánh đồng hương.

Tìm mua một cái nhà ở vùng Mỹ trắng thật xa vì cho rằng ở gần người Việt có nhiều rối rắm. Bây giờ mình thuộc loại “high class” rồi, phải dứt phăng cái “đuôi Vietnamese” cho nó bớt hổ thẹn. Khách ngoài đường ai hỏi mình từ đâu tới, không ngại ngần trả lời: “I’m Japanese”.

Lại cũng vì “tôi là người Nhật”. Tôi nghe một bà quen biết kể cho một chuyện thật buồn cười. Khi mới qua đây bà đi làm một hãng điện tử, người supervisor hỏi lai lịch. Bà trả lời là dân Nhật Bổn. Bà nghĩ rằng mình nói là dân Nhật tụi Mỹ nó kính nể hơn, còn tự nhận rằng dân Việt tụi Mỹ nó khinh lắm, hơn nữa đây là thành phố nhỏ của tiểu bang Pennsylvania, nơi khỉ ho cò gáy nầy làm gì có người Á Đông, nói gì mà không được.

Không ngờ người đó vui mừng gọi ngay một bà Nhật Bổn thứ thiệt, đang làm trong hãng ra giới thiệu, vì có một đồng hương Nhật mới vào làm để cho hai người quen biết nhau. Bà người Nhật mừng quá chạy tới nói môt tràng tiếng Nhật. Bà Nhật “dỏm” ú ớ, đành phải thú thật rằng bà là người Việt.

Bà người Nhật giận lên, mắng cho một trận rồi ngoay ngoảy bỏ đi. Bà nầy thấy mắc cỡ quá, cũng trốn ra khỏi sở, không bao giờ dám bén mảng tới đây, dù cái “job” tương đối thơm, đành phải bỏ đi xin làm nơi khác.

Một anh bạn kể cho nghe một chuyện mà anh đã gặp trong sở làm. Đều là người Việt Nam cả, hai người cũng khá lớn tuổi gặp nhau nói chuyện vui vẻ, nhưng đến khi hỏi tên, ông kia thưa: “Dạ, tôi tên là Thompson”. Ông kia giật mình tưởng mình nghe lộn nên hỏi lại cho chắc. Ông kia vẫn thưa y như vậy.

Ông nầy thấy gai mắt quá, hỏi vặn ông kia: “Chứ anh có biết tên tôi là gì không?” Ông kia lắc đầu, ông nầy nói một cách đanh đá: “Tôi tên là Colt 45″. Rồi ông quay mặt bỏ đi ngay. Đến giờ giải lao, ông đến gặp tôi kể lại chuyện nầy với lời giận giữ: “Chạy trối chết qua đây lo kiếm cơm đủ hết hơi, còn bày đặt học đòi lấy tên Mỹ mà không biết nhục.

Thompson với Carbine nghe muốn ói. Cho nên tôi chơi lại liền, Colt 45 là loại súng nhỏ dành cho chỉ huy. Còn tiểu liên Thompson với Carbine chỉ dành cho lính. Ý của tôi chưởi xéo cho hắn biết, đây thứ thiệt mà còn dẹp tiệm, đừng có hợm hĩnh như vậy”. Tôi ôm bụng cười bò càng.

Đi lòng vòng lắng nghe những chuyện xẩy ra cho cộng đồng người Việt, giống như ngày xưa báo chí Sài Gòn lượm lặt những cái chuyện tréo ngoe xẩy ra trong dân chúng, đúc kết thành “Chuyện dài nhân dân tự vệ”, “Chó cắn xe, xe cán chó”, nó dai dẳng trong đời sống không hết được.

Những chuyện như thế nầy chưa chắc đã xẩy ra, người viết chỉ tưởng tượng cho người đọc mua vui và tránh bớt đi cái khó coi, cái hợm hĩnh vướng mắc mà ta có thể gỡ nó bằng tấm lòng, chứ không mang tính chỉ trích hay hạch tội. Tôi mong rằng người đọc xuề xòa bỏ qua, nếu tôi không mang lại một nụ cười thoải mái.

Houston.

Phan Xuân SinhLòng Vòng Xóm Nhà Lá.

Phan Xuân Sinh

Lời nói đầu: Đây là một chuyện vui trong đời sống. Mọi hoàn cảnh xẩy ra, tên tuổi nhân vật không có trong thực tế. Nếu có sự trùng hợp chỉ là vô tình và ngẫu nhiên chứ tác giả không chủ ý. Kính mong quý vị độc giả lượng tình tha thứ.

__________

Một lần tôi đi bác sĩ, ông tên là David Nguyễn. Tôi nghĩ trong đầu, chắc ông bác sĩ nầy còn trẻ lắm. Những người trẻ thường lấy tên Mỹ để dễ dàng trong chuyện học tập, tiếp xúc giao thiệp với người bản xứ.

Còn ông bác sĩ nầy tuổi đã cao, sắp sửa hưu trí, khách hàng chính của ông là người Việt, cái bằng bác sĩ của ông do Đại học Y khoa Sài Gòn cấp. Vì nhu cầu khẩn cấp cần bác sĩ người Việt để đáp ứng với số lượng nhập cư của dân Việt đông đảo, chính phủ Mỹ đặc ân cho một số bác sĩ cũ ở Việt Nam, qua một cuộc thi sơ sài, qua một đợt thực tập ngắn ngủi, rồi cấp cho một giấy chứng nhận tương đương để phục vụ đồng hương.

Thế mà có ông muốn chối bỏ cái gốc gác của mình. Cái tên “Đạm”của cha mẹ đặt cho ông, ông bắt những khách hàng Việt Nam phải gọi ông là David, tôi nghe có cái gì không ổn, tôi cảm thấy ngường ngượng khi phải gọi tên ông.

Môt bà khách hàng của ông dân miền Nam Lục tỉnh, chân chất, ít học, nói tiếng Mỹ với giọng miền Nam đặc sệt. Khi tiếp xúc với ông, bà rất kính trọng và lễ phép: “Dạ thưa bác sĩ Đê-dịt”, tôi trố mắt ngạc nhiên, tưởng rằng bà chế nhạo ông, nhưng thấy mặt bà tỉnh bơ có vẻ thành thật trong giọng nói, mà hình như bác sĩ đã quen tai với cái tên tiếng Mỹ đọc giọng miền Nam nầy nhiều lần nên ông cũng tỉnh bơ như bà đó vậy.

Tôi thắc mắc, tại sao ông không lấy cái tên Đạm để tiếp xúc với khách hàng, đồng hương của mình, sao ông lại đày đọa dân của mình như vậy chứ? Còn cái tên David kia dùng cho giấy tờ hay tiếp xúc với người bản xứ thì hay biết mấy. Người bạn của tôi là Luật sư Nguyễn Xuân Phước, trên giấy tờ ông tên là Phillip Nguyen, nhưng chưa bao giờ tôi nghe ông dùng tên nầy tiếp xúc với đồng hương, mặc dù ông theo học luật ở Mỹ.

Chuyện lấy tên Mỹ, tôi hoàn toàn không đả phá. Sống trên đất nước Hoa Kỳ mình phải thay đổi để dễ dàng hội nhập. Tuy nhiên cũng phải tùy trường hợp. Khi đi làm sở Mỹ hoặc tiếp xúc với Mỹ, ta dùng tên đó để giao tiếp. Đằng nầy có những người suốt đời từ trong nước ra tới hải ngoại chỉ tiếp xúc với người Việt, lận lưng được vài câu tiếng Anh ba rọi, thế nhưng khi hỏi tên thì James, Michael, Robert v.v… như một thằng Mỹ chính thống, thấy ngượng không chịu được, thế nhưng người ta cho đó là một cái “mốt” thời thượng. Ai không như vậy tức là bị lỗi thời, không theo kịp cái đà tiến hóa của loài người.

Một hôm vợ chồng tôi được mời tham dự bữa tiệc mà chúng tôi không biết là tiệc gì. Khi đến nơi thì tôi mới biết đó là tiệc sinh nhật của một người mang tên là Julie, tôi thấy trên chiếc bánh sinh nhật và những bong bóng mang hàng chữ “Happy Birthday Julie”.

Tôi nói với đứa con gái duy nhất của ông bà chủ nhà ra mở cửa cho chúng tôi, là hôm nay sinh nhật của cháu lớn quá, chúc mừng cháu. Cô bé chưng hửng lắc đầu cải chính ngay là sinh nhật của mẹ cháu. Bây giờ đến lượt tôi chưng hửng, tôi không thể nào ngờ được một người bán cá ở Việt Nam, lam lũ, chỉ mới biết đọc, biết viết sơ sài, thế mà vượt biên qua tới đây, lột hết, rửa sạch, trở thành giới trí thức, một người Mỹ chính hiệu.

Làm sao biết ngày sinh nhật của mình. Chỉ biết mình mang tuổi Tí, Sửu, Dần, Mẹo… gì đó đã may lắm rồi. Đằng nầy tưởng tượng ra ngày sinh của mình, rồi ầm ĩ tổ chức nọ kia, cho hợp với đà văn minh. Suốt trong bữa tiệc tôi nghẹn ngào ngồi nhìn “cô Tư bán cá” chợ Hàn Đà Nẵng thuở nào, bây giờ mang tên Julie chủ tiệm Nails ở Mỹ. Mọi người trong bàn tiệc gọi chị Julie một cách tỉnh bơ, chứ không ai còn gọi chị Tư như ngày nào.

Thay da đổi thịt trong cuộc sống là lẽ thường tình và mừng cho họ có một cuộc sống khấm khá. Thế nhưng một thứ trưởng giả học làm sang, chạy theo những phù phiếm, che đậy cuộc sống chân chất của quá vãng. Thật tội nghiệp cho cô “Julie” bây giờ, không còn một chút hiện thân của cô “Tư” bán hàng dễ thương ở chợ Hàn ngày xưa.

Chúng ta thỉnh thoảng ra đường bắt gặp những người Việt Nam gọi nhau… bằng những cái tên Mỹ. Những người trẻ tuổi thì chúng ta không nói làm gì, đằng nầy mấy ông bà đã trưởng thành tại Việt Nam, con cháu lủ khủ thế mà bỏ đi cái tên cúng cơm lâu đời của mình để khoác lên cái tên ngoại lai thật khó chịu. Họ rất hãnh diện mang cái tên “Mỹ” nầy, đôi khi tiếng Anh lắp bắp cắn chưa bể một chữ.

Tôi xin kể một trường hợp mà tôi đã chứng kiến, cười ra nước mắt. Có một gia đình đồng hương mời tôi dự đám giỗ cụ thân sinh của chủ nhà. Vợ chồng chủ nhà cũng trên bảy mươi tuổi.

Ngày xưa trước 1975, ông cụ làm chủ tịch xã ngoài Quảng Nam, tên của ông là Trần Từ Giã. Nghe nói có hai người con, một trai, một gái, tuổi cũng xấp xỉ năm mươi, lúc đó qua đây theo diện ăn theo với vợ chồng ông.

Khi tất cả mọi người ngồi vào bàn tiệc, ông chủ nhà xin lỗi quý khách đợi thêm vài phút vì phải chờ “May-cồ” tới. Mọi người đều nghĩ trong bụng, chắc ông Mỹ nầy là thượng khách của gia đình, hoặc là người rể quý Mỹ của ông chủ nhà.

Mười phút sau có vợ chồng và mấy đứa con mở cửa chính bước vào. Ông chủ nhà thốt lên: “Vợ chồng thằng May-cồ tới rồi”. Ai cũng nhìn ra cửa, thấy gia đình một người Việt Nam, người chồng chừng năm mươi tuổi có tên là “May-cồ” là con trai của ông chủ nhà, mà khách khứa cứ tưởng là một ông Mỹ.

Ông chủ nhà giới thiệu với mọi người Micheal là con trai trưởng của ông. Gia chủ tuyên bố lý do bữa tiệc, rồi trong bàn có một người lớn tuổi thay mặt cho khách nói lời cảm tạ. Ông khách nầy là người Quảng Nam, bạn với chủ nhà, hay ăn nói móc họng. Ông trịnh trọng đứng dậy:

“Thưa ông Trần Từ Giã, thưa ông May-cồ Dách-sơn là cháu đích tôn của cụ đã khuất,”

Người con trai của chủ nhà đứng dậy chặn ngang:

“Thưa bác, cháu tên là Michael Từ Trần, chứ không có chữ Jackson phía sau giống như người ca sĩ nổi tiếng của Mỹ.”

Ông cụ cười ha hả, trả lời một cách châm biếm:

“Sao ông không lấy hết tên của người ta làm của mình, lấy chi… nửa vời nghe chướng quá. Nên tôi thêm vào cho nó đỡ ngượng.”

Rồi ông chậm rãi:

“Ngày giỗ của ông nội, ông là cháu đích tôn mà không tới sớm để thắp cho ông nội một cây hương. Ông tới trễ như một người khách, thì tôi không lạ gì ông từ bỏ cái tên cúng cơm mà cha mẹ đã đặt cho ông.

Ông bắt cha mẹ, gia đình và khách khứa dự bữa tiệc hôm nay gọi ông bằng một cái tên lạ hoắc, mà gia phả của người Việt mình không chấp nhận được. Ông làm khó mọi người để làm gì vậy?

Tất cả bà con mình qua đây ai cũng đổi bằng xương máu, nước mắt. Không có ai qua đây để chơi, để phùng xòe, để đua đòi. Ông nên mang cái tên nầy dùng trong xã hội Mỹ, trong công sở ông làm việc.

Ra khỏi sở xin ông gửi nó lại đó, về với gia đình, với đồng hương, với cái tên thật của mình. Người ta chê cười tư cách của mình sống, chứ có mười cái tên Mỹ đẹp đẽ mà sống chẳng ra gì, người ta lại càng chê cười chế giễu nhiều hơn.”

Tất cả những người có mặt trên bàn tiệc im phăng phắc. Chưa vào tiệc đã nếm qua cái món khai vị nóng sốt, đậm đà “bản sắc dân tộc”. Dù có đói rát ruột, sau khi nếm qua món khai vị nầy, mọi người trong bàn tiệc cảm thấy bụng đã no đầy ắp. Ông May-cồ ngồi cúi mặt. Một bài học thấy thấm đau, mà tôi biết, không bao giờ ông quên được trong đời của ông sau nầy.

Tôi thấy nhan nhản trên đường phố Bolsa, San Jose, Houston, Dorchester, Washington DC, Chamblee v.v… những nơi kinh doanh của người Việt mà tôi đã đi qua trên đất Mỹ, những cái tên nửa nạc nửa mỡ: Andrew Nguyễn, Susan Phạm, Dustin Ngô, Thomas Lê… trương trên bảng hiệu, trong các tờ báo quảng cáo, thấy rất nhức đầu.

Họ là người Việt thuộc thế hệ thứ nhất, làm ăn với người Việt chứ không có thằng cha Tây, con mẹ đầm nào dính vào đây. Khách hàng của họ là 100% dân Việt Nam, thế mà họ sợ để cái tên thuần chất Việt Nam sẽ giảm uy tín của bổn hiệu, mất đi tín nhiệm với khách hàng.

Phải tỏ mình là công dân Hoa Kỳ, mang cái first name Mỹ mới đúng cách, đúng phẩm chất cao. Bao nhiêu năm tôi khắc khoải về chuyện nầy, nếu đúng như vậy thì tại sao có nhiều người vẫn dùng tên họ Việt, khách đến đông đúc?

Nếu họ làm ăn với người bản xứ, thì mang tên Mỹ không ai nói làm gì, vì đó là một cách giúp giao tiếp thuận lợi. Đằng nầy ngay trong gia đình họ vẫn gọi nhau: John, Lisa, Liz, Peter… nghe sao chướng tai quá.

Thế hệ thứ hai, thứ ba, sinh ra ở đây. Họ mang tên Mỹ từ nhỏ, nên bắt buộc họ phải dùng tên Mỹ. Còn có những ông bà qua đây trễ tràng, không có thời giờ bước vào trường học, phải lao động cật lực để nuôi gia đình.

Khi đời sống ổn định, có bằng công dân Hoa Kỳ, họ bắt đầu nghĩ ngay đến thay đổi sao cho phù hợp. Đó cũng là một bước tiến tốt. Tuy nhiên chúng ta không thể nhắm mắt quơ càn, tốt xấu hầm bà lằn, mà phải thận trọng chắt lọc cái gì tốt ta dùng, cái gì xấu ta bỏ. Đó là con người khôn ngoan thực dụng.

Một bà mang tên Tám, sau khi cầm cái bằng công dân trong tay, mọi người phải gọi bà là Tammy. Nhiều người quen miệng gọi bà Tám, bà làm bộ không nghe, không biết cái tên nầy. Phải gọi là Tammy thì bà mới quay qua trả lời.

Xem trên TV nhân ngày lễ gì đó, phóng viên đến phỏng vấn một bà cụ trên 65 tuổi: “Thưa bà xin cho biết quý danh?” Cụ bà nhanh nhẹn trả lời ngay: “Tôi tên là Tracy Nguyễn”. Nghe bà xưng tên, tôi muốn té xuống ghế.

Một bà ngồi coi truyền hình với gia đình tôi, nhận ra được bà Tracy là người có quen biết với bà, bà kia la lên: “Con mẹ nầy tên Trác làm workcenter với tôi ở Dorchester, mèn đéc ơi mang tên Mỹ”, rồi bà cười ha hả: “Đồ quỷ không hà”. Cái tên Mỹ chỉ để dùng trong giấy tờ khi hữu sự, chứ áp dụng với người đồng hương với nhau thấy kỳ quá.

Một số ít người Việt ở Mỹ quan niệm rằng khi vào công dân Mỹ phải dùng tên Mỹ nầy bất cứ nơi đâu, ngay cả trong gia đình. Thằng Tí, con Mén, bà Út, ông Lượm, mới gọi nhau ra rả ngày hôm qua. Sáng nay đi tuyên thệ nhận bằng công dân về, thì áp dụng tên ấy ngay lập tức: Thằng John, con Cecile, bà Jolie, ông Jim, không một chút ngượng mồm ngượng miệng.

Trong gia đình được Mỹ hóa một cách nhanh chóng. Để cho đồng hương biết rằng gia đình đã được lột xác không còn dính dấp gì cái xứ Việt Nam nghèo khổ bên kia xa lắc xa lơ. Không còn nghĩ tới tổ tiên ông bà, xa lánh đồng hương.

Tìm mua một cái nhà ở vùng Mỹ trắng thật xa vì cho rằng ở gần người Việt có nhiều rối rắm. Bây giờ mình thuộc loại “high class” rồi, phải dứt phăng cái “đuôi Vietnamese” cho nó bớt hổ thẹn. Khách ngoài đường ai hỏi mình từ đâu tới, không ngại ngần trả lời: “I’m Japanese”.

Lại cũng vì “tôi là người Nhật”. Tôi nghe một bà quen biết kể cho một chuyện thật buồn cười. Khi mới qua đây bà đi làm một hãng điện tử, người supervisor hỏi lai lịch. Bà trả lời là dân Nhật Bổn. Bà nghĩ rằng mình nói là dân Nhật tụi Mỹ nó kính nể hơn, còn tự nhận rằng dân Việt tụi Mỹ nó khinh lắm, hơn nữa đây là thành phố nhỏ của tiểu bang Pennsylvania, nơi khỉ ho cò gáy nầy làm gì có người Á Đông, nói gì mà không được.

Không ngờ người đó vui mừng gọi ngay một bà Nhật Bổn thứ thiệt, đang làm trong hãng ra giới thiệu, vì có một đồng hương Nhật mới vào làm để cho hai người quen biết nhau. Bà người Nhật mừng quá chạy tới nói môt tràng tiếng Nhật. Bà Nhật “dỏm” ú ớ, đành phải thú thật rằng bà là người Việt.

Bà người Nhật giận lên, mắng cho một trận rồi ngoay ngoảy bỏ đi. Bà nầy thấy mắc cỡ quá, cũng trốn ra khỏi sở, không bao giờ dám bén mảng tới đây, dù cái “job” tương đối thơm, đành phải bỏ đi xin làm nơi khác.

Một anh bạn kể cho nghe một chuyện mà anh đã gặp trong sở làm. Đều là người Việt Nam cả, hai người cũng khá lớn tuổi gặp nhau nói chuyện vui vẻ, nhưng đến khi hỏi tên, ông kia thưa: “Dạ, tôi tên là Thompson”. Ông kia giật mình tưởng mình nghe lộn nên hỏi lại cho chắc. Ông kia vẫn thưa y như vậy.

Ông nầy thấy gai mắt quá, hỏi vặn ông kia: “Chứ anh có biết tên tôi là gì không?” Ông kia lắc đầu, ông nầy nói một cách đanh đá: “Tôi tên là Colt 45″. Rồi ông quay mặt bỏ đi ngay. Đến giờ giải lao, ông đến gặp tôi kể lại chuyện nầy với lời giận giữ: “Chạy trối chết qua đây lo kiếm cơm đủ hết hơi, còn bày đặt học đòi lấy tên Mỹ mà không biết nhục.

Thompson với Carbine nghe muốn ói. Cho nên tôi chơi lại liền, Colt 45 là loại súng nhỏ dành cho chỉ huy. Còn tiểu liên Thompson với Carbine chỉ dành cho lính. Ý của tôi chưởi xéo cho hắn biết, đây thứ thiệt mà còn dẹp tiệm, đừng có hợm hĩnh như vậy”. Tôi ôm bụng cười bò càng.

Đi lòng vòng lắng nghe những chuyện xẩy ra cho cộng đồng người Việt, giống như ngày xưa báo chí Sài Gòn lượm lặt những cái chuyện tréo ngoe xẩy ra trong dân chúng, đúc kết thành “Chuyện dài nhân dân tự vệ”, “Chó cắn xe, xe cán chó”, nó dai dẳng trong đời sống không hết được.

Những chuyện như thế nầy chưa chắc đã xẩy ra, người viết chỉ tưởng tượng cho người đọc mua vui và tránh bớt đi cái khó coi, cái hợm hĩnh vướng mắc mà ta có thể gỡ nó bằng tấm lòng, chứ không mang tính chỉ trích hay hạch tội. Tôi mong rằng người đọc xuề xòa bỏ qua, nếu tôi không mang lại một nụ cười thoải mái.

Houston.

 

Tác giả bài viết: Phan Xuân Sinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập40
  • Hôm nay8,354
  • Tháng hiện tại317,174
  • Tổng lượt truy cập36,371,729
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây