Lời xin lỗi của thầy.

Thứ hai - 22/11/2021 23:02
unnamed
unnamed


Tôi biết ơn người thầy chưa từng dạy tôi ngày nào, nhưng đã cứu cả cuộc đời tôi bằng một câu nói.
Năm thứ nhất đại học, tôi như đứa con cưng của thầy cô giáo một khoa thuộc Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Điểm thi của tôi luôn nằm trong top ba, được thầy cô yêu mến, đặc biệt là thầy chủ nhiệm, tóc xoăn, rất trẻ và năng động. Chúng tôi, những sinh viên 19 tuổi, lần đầu bước ra đời, đều mong một ngày thành đạt như thầy.
Tôi bị ốm nặng trước kỳ thi học kỳ nên đã viết một lá đơn xin phép nghỉ thi, đưa tận tay thầy chủ nhiệm. Thầy bảo cứ yên tâm nghỉ chữa bệnh, có phép rồi có thể làm bài cùng các bạn thi lại nhưng vẫn tính điểm như đợt đầu. Tôi hoàn toàn tin tưởng.
Vài tháng sau, tôi bất ngờ nhận được giấy triệu tập của hội đồng kỷ luật nhà trường về việc đã bỏ cả kỳ thi học kỳ không xin phép, nguy cơ bị đuổi học. Không hiểu chuyện gì đang xảy ra, tôi đi tìm thầy chủ nhiệm nhiều lần nhưng không gặp. Mọi người nói, thầy đang chuẩn bị tu nghiệp ở nước ngoài, ít khi lên cơ quan. Ngày đó điện thoại thông minh và Internet chưa phổ biến. Người không muốn gặp, quả không thể tìm.
Tôi là đứa con gái nhà quê ra thành phố trọ học. Bố mất từ khi gần một tuổi, không có anh chị em. Mẹ ở vậy nuôi tôi. Mẹ là nông dân thức khuya dậy sớm, một thân một mình chật vật để con vào đại học đã là quá giỏi. Mẹ hiền lành, chẳng bao giờ ra khỏi lũy tre làng, chỉ mong không có ai động đến con mình, mà có bị động đến cũng ôm con rồi khóc. Bởi vậy, tôi rất thương mẹ, sợ mẹ không chịu nổi nên đã không cho mẹ biết chuyện mà tự mình vượt qua.
Sáng hôm ấy, trước cổng đại học danh tiếng, tôi run run cầm lá đơn đến hội đồng kỷ luật của trường. Căn phòng có chiếc bàn to và dài. Thầy hiệu phó ngồi một đầu, tôi đứng một đầu, xung quanh là các thầy cô phó, trưởng các khoa.
Tôi chưa bao giờ đứng gần ban lãnh đạo nhà trường đến thế. Tất cả đều nhìn tôi bằng ánh mắt như thể tôi là đồ bỏ đi. Thầy hiệu phó nghiêm khắc đọc bản án dành cho tôi. Rằng chúng tôi không tìm thấy lá đơn xin phép nào như em đã trình bày. Cho nên, em sẽ bị đình chỉ học một năm và gửi giấy về địa phương thông báo cho gia đình biết.
Toàn thân tôi run lẩy bẩy, sợ hãi tột cùng. Đó là khoảnh khắc sợ hãi và tuyệt vọng đầu tiên trong đời tôi sẽ không bao giờ quên.
Tôi nhìn thầy phó khoa của mình bằng ánh mắt van xin, cầu cứu. Nhưng đáp lại chỉ là thái độ lạnh lùng khiến tôi sởn hết gai ốc. Thầy hôm ấy không phải người tôi từng quen biết, kính trọng. Thầy hiệu phó hỏi tôi, em còn gì để nói không. Tôi không có gì để nói, chẳng có bằng chứng nào. Chính xác là tôi không nói được câu gì, đứa con gái 20 tuổi nước mắt giàn giụa, cầm quyết định kỷ luật trong tay, nghĩ là cuộc đời mình đã kết thúc.
Tôi muốn rời khỏi trường ngay lập tức và không bao giờ quay lại. Tôi nghĩ có kẻ hãm hại mình, nhưng tôi và thầy chủ nhiệm có thù oán gì đâu. Tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi đi lang thang cả chục cây số, dọc các con đường của thủ đô rực rỡ ánh đèn rồi trở về căn phòng trọ vào đêm khuya, khóc một mình, sợ việc học dang dở, sợ thông báo về nhà thì mẹ và mọi người sẽ biết. Mẹ làm sao sống được. Tôi là niềm tự hào duy nhất của mẹ. Tôi trở nên chán đời, thật sự đánh mất niềm tin vào cuộc đời và con người, nhất là vào nghề giáo, cái nghề mà tôi từng ước ao từ nhỏ. Giấc mơ được đứng trên giảng đường không còn nữa.
Một năm sau ngày không thể quên, tôi lên khoa để rút hồ sơ. Trên cái cầu thang tối của khoa hôm đó, tôi gặp một người. Thầy cũng dạy khoa tôi nhưng tôi chưa bao giờ học thầy nên không biết tên. Thầy khoảng 45 tuổi, dáng cao lớn, râu tóc hơi dài kiểu nghệ sỹ, gương mặt và ánh mắt cương nghị. Thầy chăm chú nhìn tôi rồi hỏi: "Em có phải Loan không?". "Vâng", tôi đáp. "Thầy xin lỗi em" - "Tại sao thầy lại xin lỗi em?".
Thầy im lặng một lúc rồi nói: "Thầy xin lỗi vì đã không bảo vệ được em. Chuyện em bị kỷ luật oan, cả khoa ai cũng biết. Chúng tôi đã tìm thấy lá đơn xin phép của em, thật ra thầy chủ nhiệm của em đã quên không thông báo. Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều cuộc họp để xem có thể lật lại hồ sơ minh oan cho em. Nhưng mọi người đều không đồng ý vì thầy vừa thi đỗ đợt đi tập huấn nước ngoài, tương lai đang rộng mở, nếu chuyện này lộ ra ngoài, thầy ấy có thể mất tất cả. Tôi đã cố gắng bảo vệ em, nhưng chỉ có mình tôi, lại không có quyền quyết định nên không làm gì được. Tôi rất xin lỗi em!".
Suốt cuộc đời mình, tôi không bao giờ có thể quên khoảnh khắc ấy. Cái khoảnh khắc đã cứu vớt trái tim tuổi trẻ của tôi. Tôi đứng chết lặng tại chỗ mà không nói được điều gì. Thầy rời đi lúc nào tôi không biết, còn không kịp nói lời cảm ơn hay hỏi tên.
Cuộc sống cứ cuốn tôi đi. Vốn dĩ năm nay tôi có lời hẹn với bản thân sẽ đi tìm gặp thầy bằng được, rồi Covid và tôi chưa về Hà Nội được nên lời hẹn vẫn còn đó. Nhưng thầy ơi, nếu như thầy đọc được bài viết này, thì suốt hơn 20 năm qua, trên mọi chặng đường em đi, mỗi việc em làm, em vẫn luôn mang theo khuôn mặt chữ điền cùng ánh mắt của thầy hôm ấy, với tất cả lòng biết ơn và kính trọng.
Gần đây, tôi tự hỏi, nếu tôi không gặp thầy khi lên cầu thang, nếu thầy không nói với tôi lời xin lỗi mà tôi tin rằng thầy đã giữ trong lòng hàng năm trời, thì tôi có mang theo tổn thương ấy suốt đời? Nhưng thật may vì điều đó đã không xảy ra. Chỉ nhờ lời giải thích chân thành của thầy, tôi đã xóa bỏ hoàn toàn oán hận, trở lại làm cô bé tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu cuộc sống. Thầy đã trả lại cho tôi sự trân trọng với nghề giáo.
Thời gian sau, tôi nhận được hồi âm từ một giáo sư danh tiếng của khoa. Giáo sư cười rất tươi, bảo tôi đừng lo lắng, thầy đã tác động để tôi không bị gửi giấy kỷ luật về địa phương, hồ sơ của tôi vẫn "sạch", gia đình không biết. Cô trưởng khoa cũng nói riêng: "Chuyện coi như chưa từng xảy ra, em vẫn là cô học trò giỏi nhất nhì khoa ngày nào". Nhưng tôi đã rời trường, bắt đầu con đường khác.
Tôi cũng không bao giờ gặp lại thầy chủ nhiệm, người đã khiến cuộc đời tôi bước sang trang mới. Câu chuyện đã lâu và may thay, trải nghiệm về những thầy cô tuyệt vời luôn lặp đi lặp lại với tôi đến tận bây giờ. Tôi quên thầy chủ nhiệm cũ lâu rồi, không oán giận.
Bằng một câu nói, người thầy chưa biết tên đã đặt lại vào tay tôi niềm tin với nghề dạy học. Nhiều năm qua, tôi đã luôn dành 5%-10% thu nhập cho quỹ học tập của bản thân và nhờ rất nhiều thầy cô tuyệt vời, tôi đã có được sự trưởng thành hôm nay.
Nhờ thầy, tôi tự hứa luôn sống lương thiện, đứng về lẽ phải, bênh vực kẻ yếu và giúp đỡ người khác bất cứ khi nào có thể. Đối với tôi, người thầy còn chính là người truyền cảm hứng. Vì thế, tình yêu với nghề giáo vẫn theo tôi đến tận bây giờ khi đang là một giáo viên tiếng Anh.
Thầy cô không chỉ dạy học trò kiến thức mà còn dạy cách làm người. Làm người là bài học khó nhất, nhưng người thầy tôi chưa biết tên đã làm được, không phải bằng những bài giảng đạo đức dài loằng ngoằng hay ngôn từ nhẵn nhụi.


 

Nguồn tin: Đỗ Thị Cẩm Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập78
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm75
  • Hôm nay14,290
  • Tháng hiện tại437,449
  • Tổng lượt truy cập32,421,172
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây