CHỪNG NÀO THÌ DONALD TRUMP MỚI “THỨC TỈNH”?

Thứ tư - 24/08/2016 04:59

CHỪNG NÀO THÌ DONALD TRUMP MỚI “THỨC TỈNH”?

Đại hội Đảng toàn quốc của hai phe Cộng Hoà và Dân Chủ vừa kết thúc vào cuối tháng 7 vừa qua là dịp để cho cử tri toàn quốc được dịp nhìn rõ hơn về hai ứng viên được chính thức đề cử bởi mỗi đảng trong cuộc chạy đua vào đầu tháng 11 sắp tới để định đoạt nhân vật sẽ trở thành chủ nhân của Toà Bạch Ốc trong vòng 4 năm sắp đến.
Sau những giờ phút “hồ hởi” của các đại biểu về tham dự đại hội đảng cũng như của cử tri trên toàn quốc được dịp chứng kiến những hình ảnh được xem như là tốt đẹp và tích cực nhất cho các ứng viên “gà nhà”, tình hình vận động tranh cử thường là tạm lắng đọng hơn. Lý do là vì người dân đang bước vào tháng 8 của mùa hè và giành nhiều thời gian hơn cho những sinh hoạt giải trí hoặc nghỉ hè trước khi bước vào mùa tựu trường của các em học sinh và sinh viên.
Các cơ quan truyền thông cũng bận tâm nhiều hơn về một sinh hoạt thể thao nổi trội đáng chú ý, đó là Thế Vận Hội mùa Hè đang diễn ra ở thành phố Rio de Janeiro của Ba Tây (Brazil), đặc biệt lần này với thành tích sáng chói của rất nhiều các nam nữ lực sĩ của Hoa Kỳ ở nhiều bộ môn khác nhau như bơi lội (với Michael Phelps và Katie Ledecky), thể dục (gymnastics) với Simone Biles và các kiều nữ của Hoa Kỳ đè bẹp các đối thủ kỳ cựu và nổi tiếng như Nga Sô, Trung Cộng để giành khá nhiều huy chương đủ loại. Trong lúc đó, đối thủ lâu đời đáng ngại nhất của Hoa Kỳ từ trước tới nay là Nga Sô (hậu thân của Liên Sô) giờ đây đã phải nhường bước số 2 cho một nước cộng sản khác là Trung Cộng sau khi phái đoàn Nga bị mang tiếng nặng nề vì vụ tai tiếng dùng thuốc trợ lực phi pháp (doping) có hệ thống và còn được nhân viên nhà nước bao che và cùng toa rập. Hậu quả tai hại của nó đã khiến cho nhiều lực sĩ của Nga phải bị “treo giò” bởi Uỷ Hội Thế Vận và không được quyền tham dự Thế Vận Hội.
Tình hình thời sự chính trị tại Hoa Kỳ, đặc biệt liên quan đến cuộc vận động bầu cử tổng thống, thường là chỉ thực sự sôi nổi trở lại vào đầu tháng 9, sau ngày lễ Lao Động, cùng thời điểm với mùa tựu trường của đa số học sinh và sinh viên trên toàn quốc. Đây cũng là dấu mốc đánh dấu thời điểm tranh đua ráo riết giữa 2 ứng cử viên của 2 chính đảng trong 2 tháng cuối cùng để mong lấy phiếu ủng hộ của đa số các cử tri thuộc khuynh hướng trung dung hoặc độc lập, và đến lúc đó vẫn còn chưa quyết định sẽ ủng hộ cho ai.
Thế nhưng cuộc bầu cử năm nay từ lúc ban đầu đã cho thấy nó là một hiện tượng kỳ lạ và bất ngờ nhất trong lịch sử chính trường nước Mỹ, với một ứng viên cũng kỳ lạ và quái gỡ khác thường nhất nhưng cuối cùng lại đánh bại được tất cả các đối thủ khác trong đảng Cộng Hoà, đó là Donald Trump. Vì thế nên mới dẫn đến một chi tiết bất ngờ và kỳ lạ khác, đó là chưa bao giờ người dân Mỹ sẽ phải đối diện với một vị tân tổng thống có đa số cử tri bực mình hay oán ghét nhất: hoặc là bà Hillary Clinton của đảng Dân Chủ với khoảng 54-56% cử tri bất mãn hoặc không tin tưởng, nhưng có lẽ cũng còn đỡ hơn là Donald Trump của đảng Cộng Hoà có đến 61-64% cử tri chê bai hoặc chống đối hoặc. (Trong một chừng mực nào đó, người ta có thể ví von rằng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, người dân tại Hoa Kỳ chỉ có một trong hai lựa chọn: giữa một ứng viên xấu (bad) và một ứng viên khác còn xấu tệ hơn nữa (worse)!
Lần này, cuộc vận động bầu cử cũng khác lạ hơn so với những kỳ tranh cử trước đây khi mà giới truyền thông tiếp tục chú ý đến khá nhiều vào một thời điểm tưởng chừng như ít xáo trộn trên chính trường vào giữa mùa hè yên ắng, một phần có lẽ cũng vì ứng cử viên Donald Trump tiếp tục tạo nên những sóng gió khiến mọi người không thể không chú ý đến.
Hầu hết các tờ báo lớn tại Hoa Kỳ thường không dấn thân sâu vào nội tình những cuộc bầu cử ở thời điểm ban đầu, dù rằng mọi người có thể đã hiểu rõ quan điểm hay khuynh hướng ưa chuộng của ban giám đốc hay ban chủ biên của các cơ quan truyền thông đó. Nói chung, dù là theo khuynh hướng cấp tiến hay bảo thủ, các tờ báo tại Hoa Kỳ thường đóng vai trò thông tin để tường thuật khá trung thực tất cả những diễn biến trên chính trường để từ đó mọi người dân có thể theo rõi thời sự một cách chính xác và đầy đủ, dù rằng mỗi tờ báo đều có một số lượng các nhà bình luận đưa ra những nhận định hay quan điểm riêng rẽ của mình. Chỉ đến vài ngày chót trước ngày bỏ phiếu, các ban biên tập của các tờ báo mới chính thức đưa ra quan điểm của mình, thường là để ủng hộ (endorse) cho một ứng viên nào đó. [Cũng xin mở ngoặc thêm ở đây là việc một ứng viên nhận được sự ủng hộ chính thức (endorsement) của một (hay đa số) tờ báo lớn tại một địa phương, một tiểu bang hay trên toàn quốc tuy mang một ý nghĩa biểu tượng rất quan trọng, nhưng chưa chắc đó là dấu chỉ báo hiệu đúng nhất về kết quả thắng thua sau cùng].
Tờ Wall Street Journal, một trong những tờ nhật báo kỳ cựu và nổi tiếng đứng hàng đầu tại Hoa Kỳ, gần đây cũng đã nhập cuộc khá tích cực trong cuộc bầu cử năm nay với nhiều bài xã luận của ban biên tập cùng nhiều bình luận gia khác, phần lớn có lẽ cũng vì yếu tố kỳ lạ và bất ngờ nhất của các ứng viên trong cuộc bầu cử năm nay. Trong ngày Chủ Nhật vừa qua (14/8), tờ WSJ lại cho đăng một bài xã luận mới nhất có nội dung đầy bất lợi cho nhà tỷ phú Donald Trump, với cái tựa đề khá chính xác là “Trump’s Self-Reckoning”, có thể tạm dịch là Giờ Tính Sổ cho Trump.
(Vì lẽ đó nên kẻ viết bài này, dù đang trong thời gian nghỉ hè thường niên cùng với gia đình và lần này về thăm nhà, nhưng chẳng may lại lây mắc bệnh cảm nên chỉ nằm nhà ngồi xem tin tức, và do đó mới có thì giờ ngồi viết bài tổng hợp phân tích này để thưa chuyện cùng bạn đọc).
Mặc dù tờ WSJ cũng nổi tiếng và uy tín không thua gì một tờ nhật báo hàng đầu khác là tờ New York Times (NYT), nhưng mọi người đều biết rõ là tờ NYT có khuynh hướng cấp tiến trong khi tờ WSJ ủng hộ lập trường bảo thủ rõ rệt vì đây là cơ quan ngôn luận đại diện cho giới tư bản hàng đầu tại Hoa Kỳ. Vì thế cho nên bài xã luận của tờ WSJ phải được coi như là một lời phân tích đáng chú ý cho phe bảo thủ và đảng Cộng Hoà chứ không phải chỉ đơn thuần là một lời chỉ trích của một tờ báo có lập trường thiên tả như thói quen của nhiều người (đặc biệt là trong giới truyền thông tiếng Việt tại hải ngoại) thường hay vơ đũa cả nắm tất cả những cơ quan truyền thông lớn mỗi khi đọc các bài báo không phù hợp với nhận định hoặc cảm tính cá nhân của mình.
Bài xã luận của tờ Wall Street Journal trong số mới nhất vào Chủ Nhật cuối tuần qua cho rằng ứng viên được chính thức đề cử của đảng Cộng Hoà và những người ủng hộ ông cuồng nhiệt trong thời gian qua giờ đây đang phải đối đầu với “giờ phút của sự thật” (moment of truth).
Sự thật đó là gì? Theo ban chủ biên tờ WSJ, “khoảng thời gian còn lại để cho ông Donald Trump có thể xoay ngược thế cờ đang càng ngày càng rút ngắn lại”. Nếu diễn dịch một cách bình dân hơn, người ta có thể nói là ông Trump chỉ còn một ít ngày ngắn ngủi để thay đổi tình thế quá bất lợi với hy vọng giảm bớt hay ngăn chặn những thiệt hại cho mình hầu có thể lật ngược tình thế trong tương lai. Tuy nhiên, con số những ngày ngắn ngủi còn lại đó càng teo dần, và chỉ trong ít lâu nữa thì coi như sẽ tắt ngúm niềm hy vọng của ông Trump cũng như phe Cộng Hoà cho triển vọng thành công của họ, lúc ban đầu tưởng chừng như cũng sáng sủa sau 8 năm cầm quyền của TT Obama thuộc phe Dân Chủ, nhưng giờ đây có lẽ cũng sẽ trôi theo giòng nước cuốn của làn sóng chống đối Trump. Lý do đơn giản của kết luận bi quan của ban chủ biên tờ WSJ vì họ cho rằng ông Trump đã tiếp tục gây chống đối bực mình cho đảng Cộng Hoà, và tệ hơn nữa là ông đã không biết cách điều hành một chiến dịch vận động tranh cử hữu hiệu. 
Bài báo đưa ra nhiều chi tiết cho thấy tỉ lệ ủng hộ cho ông Trump tại nhiều tiểu bang ngang ngửa (swing states) đang ngày càng tụt dốc, và cá nhân nhà tỷ phú này cũng như bộ tham mưu của ông đã quá bết bát trong việc điều hành một bộ máy vận động rất quy mô và phức tạp của một cuộc tranh cử có tầm mức quá rộng lớn.
[Tưởng cũng nên nhắc lại là tuy cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là một cuộc bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu khi mọi cử tri trên toàn quốc đều cùng đi bỏ phiếu trong ngày thứ Ba đầu tháng 11 sắp tới (trừ những người đã chọn quyền đi bỏ phiếu sớm trước đó), nhưng kết quả thắng thua lại không đơn giản như nhiều người lầm tưởng khi nghĩ rằng ứng viên nào giành được số phiếu cao nhất là coi như thắng cuộc].
Thật ra kết quả chung cuộc là tổng hợp kết quả của từng tiểu bang cộng lại, và mỗi ứng viên về đầu tại một tiểu bang coi như sẽ nắm trọn tổng số phiếu cử-tri-đoàn (electoral votes) của tiểu bang đó. Tiểu bang càng đông dân, như California, Texas, Florida, New York, thì càng có phiếu cử-tri-đoàn cao hơn. Tổng số phiếu cử-tri-đoàn là 538, do đó người nào đạt được 270 phiếu cử-tri-đoàn là coi như đã vượt qua đa số quá bán và đương nhiên đắc cử. Do đó, kết quả bầu cử tổng thống Mỹ chính là kết quả cộng lại của 50 tiểu bang riêng rẽ cùng diễn ra trong ngày. 
Do bởi nhiều yếu tố đa dạng của lịch sử, có khoảng 40 tiểu bang có thành tích hay khuynh hướng nghiêng rõ ràng theo khuynh hướng cấp tiến (bầu cho Dân Chủ) hay bảo thủ (bầu cho Cộng Hoà), và chiều hướng này đã không thay đổi từ nhiều thập niên liên tiếp vừa qua, do đó kết quả tại các tiểu bang này coi như đã được biết trước. Chỉ còn lại khoảng 10 tiểu bang được xem là ngang ngửa vì tỉ lệ cách biệt giữa hai bên rất khít khao, và vì thế nên cả hai phe Dân Chủ lẫn Cộng Hoà đều ráo riết vận động tại những nơi này mà thôi.
Có thể nói là cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ chỉ thực sự đáng theo rõi tại 10 tiểu bang ngang ngửa này vì ảnh hưởng quyết định của nó, và người nào giành được đa số phiếu tại các tiểu bang này đương nhiên cũng sẽ có ưu thế nhiều hơn để trở thành người thắng cuộc. Trong bối cảnh hiện nay với 40 tiểu bang đã định hình khuynh hướng ủng hộ của cử tri, ứng viên phe Dân Chủ coi như đã có lợi thế với khoảng 232 phiếu cử-tri-đoàn trong khi ứng viên phe Cộng Hoà chỉ đạt chắc chắn có được khoảng 192 phiếu. Do đó, trong số hơn 110 phiếu cử-tri-đoàn còn lại ở 10 tiểu bang ngang ngửa, ứng viên phe Cộng Hoà (tức là ông Donald Trump) càng gặp áp lực nhiều hơn nữa để thắng lớn tại đa số các tiểu bang này thì mới hy vọng lật ngược tình thế.]
Trong tình cảnh bất lợi đã có sẵn đó, ông Trump thay vì khôn ngoan và bình tĩnh nhận định tình hình để mong tìm một sinh lộ thoát nạn thì lại tiếp tục lên tiếng chỉ trích giới truyền thông sau khi có nhiều loạt bài đưa ra những hình ảnh tiêu cực bên trong nội bộ của ông. Trong một bài lên tiếng trên mạng thông tin Twitter, ông Trump viết như sau: “Nếu bọn truyền thông gớm ghiếc và tham nhũng này theo dõi chiến dịch vận động của tôi một cách đứng đắn và đừng đưa ra những ý nghĩa sai lệch các lời nói của tôi, thì tôi có lẽ sẽ dẫn trước bà Hillary đến 20%.
Theo ban chủ biên tờ WSJ, thì có lẽ ông Trump nói rất đúng khi cho rằng đa số giới truyền thông đều mong muốn thấy ông bị thất cử. Nó cũng giống như trước đây, đa số giới truyền thông cũng không muốn thấy những ứng cử viên của phe Cộng Hoà được thành công, như trường hợp của các ứng viên George W. Bush (Bush Con),  George H.W. Bush (Bush Bố) và Ronald Reagan. Thế nhưng những người này cuối cùng cũng đã đắc cử. Lý do của sự khác biệt này là ông Trump đã tạo quá nhiều cơ hội dễ dãi cho giới truyền thông và những đối thủ của ông có thể tấn công một cách hiệu quả.
Điều đáng nói, và cũng đáng lo cho những người quan tâm đến uy tín của đảng Cộng Hoà, là tất cả những người phụ tá trong bộ tham mưu của ông Trump, và kể cả những người thân trong gia đình ông ta, cũng muốn rằng ông Trump hãy đưa ra một thông điệp rõ ràng để cổ động cho sự thay đổi trong lựa chọn của cử tri sau 8 năm cầm quyền của phe Dân Chủ và ông Obama. Tất cả đều muốn ông hãy chịu khó tuân theo kỷ luật của một chương trình vận động tranh cử. Họ muốn ông hãy chú ý nhiều hơn về đề tài phát triển kinh tế quốc gia, nâng cao lợi tức cho người dân, và chính sách đối phó với bọn khủng bố. Họ nghĩ rằng ông Trump nên dồn nhiều nỗ lực để biến cuộc bầu cử này trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về nhân vật Hillary Clinton, thay vì về chính cá nhân ông ta. Và vì thế nên họ muốn ông Trump hãy cố gắng mỗi ngày giành thêm chút thì giờ để có thể tìm hiểu hoặc học hỏi thêm về các đề tài quan trọng mà ông ta cần phải thông hiểu nếu như ông sẽ trở thành tổng thống.
Liệu những đòi hỏi như vậy có quá khó khăn hay không cho một ứng cử viên có tham vọng trở thành tổng thống? Đối với mọi chính trị gia khác, điều này thật ra là chuyện bình thường mà mọi người đều phải cố gắng, nhưng với riêng ông Trump thì dường như nó có vẻ hơi khó khăn để thực hiện được. Thay vì chịu khó ngồi đọc các bản tài liệu tóm lược một số những vấn đề trọng đại mà các ứng viên cần phải nắm vững để trả lời với báo giới hoặc để thuyết phục người nghe, ông Trump chỉ thích ngồi xem các chương trình tranh luận trên truyền hình. Ông vẫn lạc quan tin rằng chiến thuật “ăn nói đốp chát, ăn miếng trả miếng” như trong cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua đã khiến ông hạ gục được tất cả các đối thủ khác trong phe Cộng Hoà sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý và ủng hộ của nhiều giới cử tri bảo thủ ôn hoà hoặc có khuynh hướng độc lập, dù rằng nhiều người trong nhóm này đều nghi ngại rằng một người có tâm tính và lời lẽ bốc đồng như vậy liệu có xứng đáng để trở thành vị tổng tư lệnh tối cao của đệ nhất siêu cường hay không.
Donald Trump dường như cũng tin rằng đám đông có mặt trong những buổi mít-tinh được tổ chức để vỗ tay ủng hộ gà nhà một cách cuồng nhiệt có thể được coi như là bằng chứng rõ ràng chứng tỏ khả năng giành được lá phiếu, chứ không cần phải có một bộ máy rộng lớn với hàng chục ngàn những nhân viên tình nguyện cùng với một hệ thống làm việc tinh vi và hữu hiệu để có thể kêu gọi cử tri cùng phe là hãy siêng năng đi đến thùng phiếu. Ông ta dường như cũng tin rằng với phương tiện truyền thông Twitter hoặc Facebook mà hiện nay ông có thể phát tán thông tin đến đám đông những người ủng hộ thì điều đó cũng bù đắp lại khiếm khuyết mà ông đang thua đối thủ Hillary Clinton rất xa khi mà phe Dân Chủ đã tung ra hơn 100 triệu Mỹ kim cho các mẩu quảng cáo bất lợi cho ông Trump tại những tiểu bang ngang ngửa. 
Tuy nhiên, cho đến nay mọi người đều đã thấy là tất cả những điều đó đều không có hiệu quả. Và những người thấy rõ hơn ai hết chính là những phụ tá thân cận nhất của ông, những người đã vô tình hay cố ý tiết lộ ra ngoài những chi tiết về sự lủng củng trong nội bộ. Những người này có thể đã làm chuyện đó là để bảo vệ uy tín của họ sau này (khi biện minh rằng chính họ đã khuyên can nhưng ông Trump không nghe theo lời khuyến cáo của họ), nhưng điều đó cũng là dấu hiệu thường xảy ra cho những chiến dịch vận động tranh cử đang gặp thất bại. Nhưng điều đáng nói hơn nữa là những dấu hiệu lủng củng trong nội bộ bị tiết lộ ra ngoài thường là chỉ xảy ra vào tháng 10, tức là vào thời điểm mà cuộc vận động đã trải qua một thời gian dài, chứ chưa bao giờ nó lại xảy đến vào giữa tháng 8 khi mà cuộc vận động gần như chưa thực sự bắt đầu.
Điều đáng lo và đáng buồn hơn hết cho các viên chức và chiến lược gia của đảng Cộng Hoà là đáng lý ra họ đã có một con đường khá thuận lợi để giành lại Toà Bạch Ốc trong năm nay. Theo một chuyên gia đánh giá về triển vọng thành công của các ứng viên là ông Alan Abramowitz dựa trên nhiều yếu tố đa dạng (từ mức tăng trưởng kinh tế GDP trong năm, đến tỉ lệ ủng hộ của vị tổng thống đương nhiệm và thời gian dài 8 năm cầm quyền tổng thống về một đảng) thì tỉ lệ thành công của phe Cộng Hoà năm nay tương đối khá cao, nhất là khi ứng cử viên của phe Dân Chủ là bà Hillary Clinton lại được xem như là một ứng viên tổng thống có tỉ lệ cử tri không ưa thích cao thứ nhì trong lịch sử. Điều trớ trêu cho phe Cộng Hoà là đối thủ của bà Clinton lần này lại chính là người có tỉ lệ tệ hại cao nhất, không ai khác hơn chính là Donald Trump.
Những cuộc thăm dò dân ý gần đây cho thấy là sự ủng hộ cho ông Trump đang tụt dốc tại hầu hết các tiểu bang ngang ngửa. Tại một số nơi như New Hampshire, ông bị bà Clinton dẫn xa đến trên 10 điểm. Những tiểu bang có nhiều kỹ nghệ thuộc vùng Midwest mà ông Trump thích hô hào là ông sẽ lôi kéo số lượng lớn những cử tri thuộc thành phần lao động, chẳng hạn như Wisconsin, Michigan và Pennsylvania, giờ đây lại ồ ạt chuyển sự ủng hộ cho bà Clinton. Điều đáng ngại hơn nữa là tại một số các tiểu bang mà các ứng viên phe Cộng Hoà trước đây như các ông John McCain (vào năm 2008) và Mitt Romney (2012) đã thắng dễ dàng thì giờ đây tỉ lệ hơn thua của ông Trump trên bà Clinton cũng bị rút ngắn lại để trở thành khá khít khao một cách đáng ngại. Điều này cho thấy là nếu như ứng cử viên của phe Cộng Hoà còn phải lo chật vật đi vận động tại một số tiểu bang như Georgia, Arizona hoặc Utah thì nó có thể là dấu hiệu báo trước một làn sóng thất bại vỡ bờ cho Donald Trump và phe Cộng Hoà trong năm nay.
Thay vì giành thời giờ để nghiên cứu về một số các đề tài để đưa ra lời trấn an cho đa số cử tri vẫn còn chưa tin tưởng vào mình cũng như để sửa soạn cho những cuộc tranh luận sắp tới với đối thủ Hillary Clinton, ông Trump lại thích nói nhiều hơn về mình trong 3 tuần lễ vừa qua và những lời nói của ông đều trở thành vũ khí nạp đạn cho những người chống đối để chứng minh về tư cách và mức độ trưởng thành và chững chạc của một chính trị gia còn non kém và háo thắng như ông ta. (Chẳng hạn như khi ông hô hào với cử tri ủng hộ ông cuồng nhiệt rằng chính TT Obama là kẻ khai sinh ra tổ chức Hồi giáo quá khích ISIS, và bà Clinton là người đồng sáng lập của tổ chức ISIS này! Rồi ông cũng nói khích thêm rằng nếu bà Clinton được đắc cử thì sẽ đưa ra những chính sách giới hạn việc sở hữu súng ống, và do đó những người dân nào muốn bảo vệ Tu Chính Án số 2 này (cho phép người dân được quyền có súng ống) là hãy đứng lên tìm cách triệt hạ bà! (Vài ngày sau thì ông Trump mới đính chính rằng từ ngữ “triệt hạ” nên hiểu theo nghĩa bóng của nó chứ không phải theo nghĩa đen như nhiều người đã chỉ trích ông, bởi vì đa số những cử tri ủng hộ Donald Trump một cách cuồng nhiệt thường là giới ít học, hơi nông cạn nên dễ bị kích động bởi những lời hô hào mị dân của ông.)
Để kết luận, bài báo của tờ WSJ đã chỉ trích thẳng thừng và nêu đích danh những người lợi dụng thời cơ để đánh bóng cho hình ảnh của Donald Trump trong thời gian qua rằng ông ta là một ứng viên có thể đánh bại được bà Hillary Clinton trong cuộc đua năm nay. Đó là những người như các ông Chris Christie (thống đốc New Jersey), Newt Gingrich (cựu Chủ tịch Hạ viện), Rudy Giuliani (cựu Thị trưởng New York), Paul Manafort (Trưởng nhóm vận động cho Trump) và nhiều bình luận gia trên các chương trình bảo thủ cực hữu của phe Cộng Hoà, từ nhiều tháng qua đã luôn miệng trấn an rằng thế nào rồi thì ông Trump cũng sẽ thay đổi để phù hợp với tình thế mới.
Tuy nhiên, giờ đây chính các thầy bàn kiểu “quân sư quạt mo” này cần phải đối diện với sự thật, trước khi chính cá nhân ông Trump cũng phải tỉnh ngộ trước khi sự việc đã trở thành quá muộn. Nếu như ông ta không chịu thay đổi từ đây cho đến ngày lễ Lao Động vào đầu tháng 9 sắp tới, thì coi như đảng Cộng Hoà không còn có chọn lựa nào khác ngoài việc chấp nhận lá bài Donald Trump đã bị đốt cháy, và từ đó họ sẽ dồn mọi nỗ lực và tiền bạc để có thể cứu vãn cho các ứng viên ở Quốc Hội và nhiều chức vụ chính quyền tiểu bang cấp dưới.
Chuyện dài về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chắc chắn là sẽ còn nhiều kỳ sắp tới, hứa hẹn nhiều biến chuyển thay đổi bất ngờ khó tiên đoán. Xin hẹn sẽ trở lại đề tài này trong những bài báo kế tiếp, và chúng ta cũng đành phải tiếp “wait and see” là vì vậy.  
 
 
Sàigòn, ngày 15/08/2016
 
TB: Vài ngày sau khi bài viết được gửi để đăng trên báo, đã có thay đổi lớn trong cuộc vận động khi ông Paul Manafort đã quyết định rút lui khỏi chức vụ Trưởng ban điều hành cuộc vận động, và cá nhân ông Trump cũng bắt đầu lên tiếng nhìn nhận là đã có nhiều lúc đưa ra những lời nói hớ hênh, gây tổn thương cho nhiều người v.v. Điều trớ trêu là Paul Manafort được xem như là một chuyên gia kỳ cựu về vận động và do đó cũng khiến nhiều người bảo thủ tin tưởng rằng có thể thuyết phục Donald Trump sớm thức tỉnh để thay đổi.
Sàigòn, cập nhật 20/08/2016

Tác giả bài viết: MAI LOAN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập28
  • Hôm nay10,179
  • Tháng hiện tại330,668
  • Tổng lượt truy cập35,977,013
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây