Chuyện 'kinh dị' ở các sân bay Trung Quốc

Thứ ba - 26/08/2014 11:08

Một phi cơ của China Eastern Airlines. Ảnh: appletravel.cn (Nguồn: Vnexrpess)

Một phi cơ của China Eastern Airlines. Ảnh: appletravel.cn (Nguồn: Vnexrpess)
Kiểm soát viên không lưu ngủ gật và nạn trễ chuyến... kinh niên

Đăng Bởi  - 08:30 24-08-2014

 

Câu chuyện "kinh dị" mới nhất: Hãy điền thêm nạn kiểm soát viên không lưu ngủ gật vào danh sách các nỗi thống khổ khi đáp máy bay ở Trung Quốc.
“Vào mộng” lúc làm nhiệm vụ hướng dẫn hạ cánh

Ngày 8.7.2014, chiếc máy bay Boeing 737 của hãng hàng không dân dụng China Eastern Airlines khi bay gần đến thành phố Vũ Hán (miền trung Trung Quốc)  đã liên lạc với đài kiểm soát không lưu địa phương nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào. Sự im lặng kéo dài 12 phút.

Theo báo Wall Streeet Journal, một cán bộ điều hành bay ở  sân bay Vũ Hán xác nhận: “Phi công đã gọi đài kiểm soát không lưu rất nhiều lần nhưng không ai trả lời”.

Kết quả điều tra:  hai nhân viên kiểm soát không lưu ngủ gật trong khi làm việc nên không để ý cuộc gọi từ máy bay.

Tin mừng là sau đó, liên lạc được thiết lập và chiếc Boeing 737 hạ cánh an toàn, trễ lịch đáp 2 giờ.

Mãi đến ngày 19.8, báo chí Trung Quốc mới tiết lộ thông tin. Lập tức cư dân mạng TQ phản ứng đầy bức xúc. Một nhà thầu bất động sản nổi tiếng là Ren Zhiqiang viết  trên trang mạng Sina Weibo: “Đấy là một hành vi vô trách nhiệm”. 

Chủ ngân hàng Wang Wei viết: “Hành vi ấy khiến tính mạng của hàng trăm người trên máy bay bị nguy hiểm”. Một người khác viết: “Quá vô trách nhiệm. Riêng sức ép công việc và sự mệt mỏi không thể biện hộ cho việc ngủ gật khi làm việc”.

Người phát ngôn của cơ quan điều hành bay Trung Quốc nói: đã mở điều tra vụ vi phạm kỷ luật làm việc này, và 2 nhân viên đã phải chuyển sang nhiệm vụ khác, nhưng không cho biết chi tiết. Bà cũng trấn an, khi việc hạ cánh của chiếc Boeing bị trễ, một nhân viên khác vẫn theo dõi chuyến bay. “Chúng tôi sẽ không cẩu thả với an toàn bay. Nó luôn là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi”.

Nhiều cư dân mạng khác đòi đuổi việc hai nhân viên kiểm soát không lưu. Nhưng cũng có những người khác “thông cảm” cho các nhân viên mệt mỏi. Một cư dân mạng tự nhận là nhân viên kiểm soát không lưu, viết trên trang của anh: 

“Nào có ai quan tâm đến đời sống của nhân viên kiểm soát không lưu. Vài năm qua, tần suất bay tăng 20%, nhưng phải mất 2 đến 3 năm mới đào tạo được một nhân viên kiểm soát không lưu chuyên nghiệp.

Sự thay đổi này có hậu quả này là lực lượng này thiếu nhân sự. Họ phải làm thêm giờ nhưng lương thì đang giảm. Ngủ gật khi làm nhiệm vụ là sai. Nhưng giới truyền thông chẳng bao giờ quan tâm đến cuộc sống của chúng tôi”.

Theo Wall Street Journal, Trung Quốc không là quốc gia duy nhất có nhân viên kiểm soát không lưu trở thành “con mồi” của cơn thèm ngủ, vì nhiều thành phố Mỹ, từ Boston đến Washington cũng vướng phải vấn nạn này.

“Cứ bay cái đã” là “mệnh lệnh”

“Bệnh” khác của ngành hàng không Trung Quốc là các chuyến bay thường bị trễ giờ. Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để xây nhiều sân bay lớn nhất và hiện đại nhất thế giới, nhưng xem ra họ lại không thể tổ chức cho các chuyến bay cất cánh đúng giờ.

Cũng vì chuyện trễ chuyến, thế nên, nên chẳng thiếu chuyện hành khách bực dọc tấn công nhân viên mặt đất, tiếp viên hàng không  trên máy bay đang bay!

Những vụ hành hung gây sự này khiến tình hình ở các sân bay luôn căng thẳng, đến độ các nhân viên được khuyến cáo chớ nên thông báo bất kỳ sự trễ chuyến nhiều giờ nào.

Vì thế, hồi đầu tháng 8.2013, Cục quản lý hàng không Trung Quốc “chỉ đạo” 8 sân bay lớn cố gắng giảm sự trễ chuyến, bằng cách yêu cầu các chuyến bay thương mại cất cánh đúng giờ, ngay cả khi chưa có chỗ hạ cánh tại đích đến !

Biện pháp “cất cánh không hạn chế” này có hiệu lực tại các sân bay ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, Thành Đô, Côn Minh, Tây An.

Báo Tin tức Bắc Kinh nhận xét biện pháp này “cải thiện hiệu quả” hoạt động tại các sân bay. Ví dụ, sân bay quốc tế ở Bắc Kinh đã tăng tỷ lệ cất cánh đúng giờ lên từ 15 đến 20%.

Trước đó, sân bay Bắc Kinh có tỷ lệ trễ chuyến tệ nhất trong 35 sân bay lớn nhất thế giới, theo theo công ty nghiên cứu hàng không FlightStats. Hồi tháng 7.2013, chỉ có 18 % trong 22.000 chuyến bay rời khỏi sân bay Bắc Kinh đúng giờ, FlightStats, khiến sân bay này bị xếp là sân bay tệ nhất thế giới về sự đúng giờ.

Thượng Hải chẳng khá hơn, và không sân bay Trung Quốc nào có thể có một nửa số chuyến cất cánh đúng giờ.

Tuy nhiên, các chuyên gia và người dân vẫn tỏ ra bi quan trước quyết định của Cục, vì máy bay phải lượn quanh sân bay nhiều giờ trước khi được phép hạ cánh, trong khi khâu kiểm soát không lưu ở Trung Quốc không được đánh giá cao.

Ngay cả các sân bay quốc tế lớn ở các nước khác thường yêu cầu máy bay lượn nhiều vòng để chờ hạ cánh,  vẫn là một áp lực lớn lên nhân viên đài kiểm soát không lưu.  

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời một chủ nhiệm khoa kiểm soát không lưu thuộc Đại học hàng không dân dụng Trung Quốc chỉ trích biện pháp này là “lố bịch, thiếu an toàn và phi thực tế”, vì khi máy bay phải lượn nhiều giờ trên không chờ có điểm đỗ, các hãng bay sẽ phải tốn thêm tiền đổ xăng máy bay.

Và số giờ bay “phát sinh” sẽ tạo thêm áp lực cho tổ lái, hành khách cũng bị hoang mang.

Theo báo Telegraph (Anh) tình hình trễ chuyến ngày càng trầm trọng vì có nhiều hãng bay nhảy vào làm ăn trong khi chỉ có vài đường bay được cho phép, nên khi có sự cố như thời tiết xấu, các hãng đành phải giữ máy bay dưới đất thay vì cho cất cánh.

Sự trễ chuyến nghiêm trọng tất nhiên gây ra tổn thất kinh tế. Công ty Corporation China chuyên tư vấn các công ty muốn làm ăn ở Trung Quốc cho biết: 60% khách hàng của họ đang xem xét thôi không làm ăn ở Bắc Kinh nữa, vì những vấn nạn thường trực ở sân bay: “Sự trễ chuyến khiến chuyện làm ăn là không thể”.
 

Tiếp viên hàng không phải học võ kung-fu!

Ngày 17.7.2013, hơn 30 khách vượt qua nhóm bảo vệ an ninh, xông vào đường băng tại sân bay Nanchang sau khi bị trễ chuyến bay 7 giờ vì thời tiết xấu.

Dịp cuối tuần trước đó, các hành khách ở Thượng Hải toan giật bảng tên của một nữ tiếp viên trước khi đánh cô. Hậu quả là 2 nhân viên bị thương, 3 hành khách bị bắt. Nhân viên Ni Xuying bị thương nói: “Hành khách rất dễ nổi nóng và tinh thần bất ổn”.

Hồi cuối tháng 6.2013, một nữ giáo viên cấp 1 cũng “nổi khùng” khi chuyến bay của cô từ Wenzhou đi Bắc Kinh bị hủy: cô giáo Liu Weiwei tát rồi đạp một tiếp viên của hãng bay Air China té nhào.

Cô biện hộ: “Tôi chờ quá lâu mà chẳng ai phục vụ tôi chai nước hay miếng bánh ăn đỡ đói”.

Hồi tháng  3.2013, doanh nhân Graham Fewkes người Anh nói với Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ,rằng ông phải chứng kiến cảnh các hành khách vỗ tay hoan hô một nam khách đánh một nữ  tiếp viên khi chuyến bay đến đảo Sanya bị trễ.
Để đối phó các vị khách vũ phu, hãng bay Hong Kong Airlines hồi năm 2013 đã thống kê: trung bình mỗi tuần có 3 vụ hành khách gây hấn và hành hung, và hãng còn phải yêu cầu nhân viên đoàn phi hành (từ cơ trưởng đến tiếp viên) đều phải học vài thế võ Thiếu Lâm để tự vệ !  
Các tiếp viên học võ Kung-fu 

Trong hè năm 2013, đã xảy ra hơn 20 vụ đánh nhau, dù tiếp viên đã được huấn luyện sơ tán, phục vụ thức ăn-nước uống và giữ bình tĩnh cả với hành khách “đầu gấu” nhất.

Một tiếp viên nam trẻ nói: “Nguyên tắc của chúng tôi là không đánh lại, dù khách đánh mình”.

Anh còn phải chặn hành khách không tông cửa để thoát khỏi một máy bay bị đáp trễ, còn tiếp viên mặt đất phải đề phòng khách đập chỗ làm việc, thậm chí chạy ra đường băng.

Phơi bày tính xấu dịp Xuân về

Tháng 2 là quãng thời gian kinh hoàng nhất của nhân viên một hãng bay đến hoặc rời khỏi Trung Quốc, nơi đang là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới.

Vì nó phơi bày hết tính xấu của hành khách Trung Quốc vào thời điểm diễn ra “cuộc di dân vĩ đại”, với hàng chục ngàn người tìm mọi cách có được tấm vé máy bay, xe lửa, xe đò để về quê ăn Tết âm lịch.
Hành khách chen chúc nhau và la hét để có được tấm vé 

Ngày 6.2.2013  ở sân bay quốc tế Changshui ở Côn Minh: một đoạn video được tung lên mạng YouTube, chiếu cảnh ông Yan Linkun (cán bộ ngành mỏ và là đảng viên) đập nát tan hai máy điện toán ở cổng lên máy bay và cầm một bảng hiệu đập vào cửa kính, chỉ vì ông và gia đình đáp hụt chuyến bay. 

Ngày 14.2.2013  ở sân bay quốc tế Bắc Kinh: 6 hành khách ngồi khoang thương gia không chịu cài dây lưng an toàn hoặc không tắt nguồn điện thoại di động trước khi cất cánh.

Rồi họ gây hấn với các tiếp viên và cơ trưởng, khiến cơ trưởng phải quay lại cổng đỗ. Thế là trễ chuyến.
 Cảnh nhếch nhác và "tự nhiên" ở sân bay Trung Quốc

Ngày 20.2 ở sân bay quốc tế Baiyun ở Quảng Châu: chuyến bay đi Melbourne (Úc) bị trễ vì hai khách Trung Quốc đánh một nhân viên mặt đất.

Ngày 22.2, trên chuyến bay từ Paris (Pháp) về Vũ Hán, hai khách say “lết bánh” vì ực hết 16 chai rượu nên tỏ ra hung hăng khiến cơ trưởng phải can thiệp. Họ còn dọa giết nữ hành khách Wen Fei với lý do “mày là cái đ…gì mà chõ vào việc tao?”.

Sau đó, Wen viết bình luận trên mạng xã hội Sina Weibo: “Khi người Trung Quốc ra nước ngoài, cái mất mát không phải là tiền, mà là nhân cách. Tất cả những kiểu ứng xử xấu xa đó phản ánh nghèo nàn về người Trung Quốc”. 

Chẳng thiếu những vị khách say quậy, đòi phá cửa lên máy bay khi bị trễ chuyến hoặc có cả chuyện những ông bố bà mẹ cho con…ị ngay trên máy bay đầy người. Các cung cách ứng xử không văn minh được “phô” ra trong một tuần nghỉ Tết: máy bay chật kín khách, đài kiểm soát không lưu quá tải, trễ chuyến thường xuyên và hậu quả là hành khách nổi cáu.

Cũng có những vị khách lần đầu đi máy bay nên đặt kỳ vọng cao vào sự phục vụ của tiếp tiên hàng không, sau khi họ nếm mùi bị “đày” trên các chuyến xe lửa mất nhiều tiền vé nhưng bị người “nhà tàu” ép uổng đủ chiêu trò.

“Nổ” ẩu “máy bay có bom”
 
 Hành khách TQ cũng đem cả những câu đùa dại lên máy bay. Theo tờ Wuxi Daily, lời dọa đùa “va-li này  có bom” đã phổ biến từ nhiều năm nay, càng là lý do khiến chuyến bay bị trễ.

Báo này dẫn lời Zhou Hua, một nam hành khách thường ra nước ngoài, khi Zhou được hỏi nên so sánh thế nào giữa hành khách TQ với hành khách nước ngoài: “Tôi không phải là người ghét đồng bào, nhưng tôi thà phục vụ người nước ngoài hơn nếu tôi là tiếp viên. Khách nước ngoài luôn bỏ rác vào thùng, đeo dây an toàn, xả nước bồn cầu và mang dép, chứ không như đồng bào bỏ ra để vớ hôi tỏa khắp khoang”.

Việc trễ  chuyến còn có những lý do như công an phải điều tra những tuyên bố “có khủng bố đe dọa” giả. Sau này, TQ ra luật kẻ nói láo kiểu này sẽ phải ngồi tù hơn 5 năm. Tân Hoa Xã nói năm 2013 có 80 vụ đe dọa giả.

Nhưng các chuyên gia nói vấn đề chính của sự trễ chuyến là ngành hàng không phát triển quá “khủng”, cùng những hạn chế bay liên quan việc quân đội kiểm soát 80 % không phận (ở châu Âu và Mỹ, quân đội chỉ chiếm 20 % không phận).

Chẳng hạn, nếu quân đội mở cuộc tập trận lớn thì việc trễ chuyến càng lớn, vì quân đội được ưu tiên sử dụng hành lang bay dân sự.

Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) thì đến năm 2016, sẽ có gần 500 triệu người TQ sử dụng các đường bay, trong khi TQ đang xây thêm hơn 180 sân bay.

Bích Ngọc (tổng hợp)

Tác giả bài viết: thanh thanh van

 Tags: kiểm soát

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập207
  • Hôm nay18,676
  • Tháng hiện tại242,395
  • Tổng lượt truy cập35,508,676
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây