TT Obama Và Luật Pháp

Thứ ba - 12/08/2014 22:52

TT Obama Và Luật Pháp

Xin chuyển tiếp đến quý thân hữu hai bài viết của Vũ Linh về đương kim tổng thống Obama và hiện tình đất nước Mỹ. Vũ Linh là tác giả (mà NLGO tôi chưa hề biết là ai) lâu lâu mới thấy xuất hiện một lần, nhưng bút pháp vững vàng, lôi cuốn, theo dõi thời cuộc kỹ lưỡng. NLGO
...Dường như xã hội chủ nghiã thật sự là con đường TT Obama muốn đi theo...


Ngay từ những ngày đầu khi TNS Barack Obama ra tranh cử tổng thống, đã có nhiều dư luận tố giác ông theo chủ nghiã cộng sản, có thể nói là “tân cộng sản”, tức là cộng sản tân thời, văn minh hơn và không sắt máu như cộng sản thời Xít-Ta-Lin hay Mao, nhưng căn bản là cộng sản, vạn sự là của chung do Nhà Nước quản lý. Nhẹ tay hơn thì gọi ông là người có khuynh hướng theo xã hội chủ nghiã –socialist- theo mô thức Tây Âu.

Phải nói ngay, kẻ viết này chưa bao giờ nhận định TT Obama là cộng sản, hay xã hội chủ nghiã, mà chỉ coi là ông là thành phần cấp tiến khá cực đoan thôi. Nhưng rồi càng ngày thấy TT Obama đi xa về phiá tả, tự nhiên cũng phải thắc mắc.

Ngay từ hồi mới tranh cử năm 2007-08, chẳng ai biết TNS Obama là ai, quan điểm như thế nào. Chỉ biết ông chủ trương đại đoàn kết toàn dân, bất kể xanh đỏ, trắng đen, già trẻ, giàu nghèo,... Và dân Mỹ hầu như bị hớp hồn bởi cái chiêu bài ôn hòa đó. Nhưng rồi dần dần người ta thấy... coi dzậy mà hổng phải dzậy. TT Obama đã mau chóng trở thành tổng thống tạo phân hóa lớn nhất trong tất cả các tổng thống cận đại.

Cách đây ít tuần, trên cột báo này có đăng bài về Hoàng Đế Obama rớt long bào, vì đã bị Tối Cao Pháp Viện tố cáo đã vi phạm Hiến Pháp, lạm quyền. Mà kết tội với số phiếu 9-0. Lạ lùng hơn nữa, đây không phải lần đầu mà lần thứ 13 TCPV biểu quyết 9-0 chống TT Obama, tức là trong đó có cả các thẩm phán nổi tiếng là cấp tiến, và cả hai nữ thẩm phán do chính TT Obama bổ nhiệm.

Ta cũng không nên quên trước khi làm tổng thống, ông Obama đã tốt nghiệp luật tại đại học trứ danh Harvard, làm tới chủ biên cho tạp chí Harvard Law Review, lại còn là phụ giảng về luật Hiến Pháp tại đại học Chicago trứ danh không kém. Như vậy tất nhiên phải rành luật, nhất là luật Hiến Pháp, hơn ai hết. Thế nhưng khi làm tổng thống thì ông lại là người bị Tối Cao Pháp Viện... lật ghế nhiều nhất trong tất cả các tổng thống cận đại, từ năm 1940 tới giờ.

Chuyện dân chúng kiện cáo Nhà Nước là hết sức bình thường trong cái xứ này. Đại đa số được giải quyết ở các cấp toà dưới. Thỉnh thoảng mới có vụ kiện cáo lên tới tận TCPV, và dĩ nhiên Nhà Nước được hay thua cũng là chuyện bình thường.

Trong trường hợp chính quyền Obama, với một tổng thống là siêu luật gia như vậy, chắc hẳn tỷ lệ thắng phải nhiều hơn thua. Nhưng thực tế ngược lại, TT Obama thua nhiều hơn thắng, mà lại thua đậm.

Vì thắc mắc sao lại có chuyện lạ như vậy được, nên kẻ viết này đã đi lục lạo xem TT Obama đã bị thua về những chuyện gì. Và những điều khám phá ra được đã làm cho kẻ viết này thật tình phải suy nghĩ lại. Xin chia sẻ với quý độc giả, gọi là để rộng đường dư luận.

Trước khi đi vào những mẫu chuyện đó, có lẽ phải nói sơ qua về thế nào là quan điểm “xã hội chủ nghiã”.

Nói chung thì theo quan điểm này, thế giới có quá nhiều bất công xã hội, người giàu ức hiếp người nghèo. Nếu không bị ức hiếp thì người nghèo vì hoàn cảnh từ ngày chào đời, cũng đã không có điều kiện công bằng để ngoi đầu lên, suốt đời lận đận trong cảnh khó khăn. Nhà Nước có bổn phận giúp đỡ họ, cứu họ khỏi phải bị giới nhà giàu hiếp đáp quá mức, và cũng làm sao cho họ có cơ hội tiến thân đồng đều.

Sự giúp đỡ này trên thực tế hiện thời, cả những đại tài phiệt cũng muốn. Thời đại này khác xa với thời thế kỷ 18-19 khi nhà giàu chỉ biết trấn lột người nghèo tối đa. Thời đại bây giờ, mấy ông đại gia thông minh hơn, lý luận cũng nên giúp mấy người nghèo ăn nên làm ra, khấm khá hơn, để họ có ít tiền mua sắm hàng do các đại gia bán ra. Chứ cả thiên hạ nghèo mạt rệp thì đại gia sản xuất hàng hoá ra bán cho ai?

Đó cũng là lý luận trên địa bàn chính trị thế giới. Những nước giàu viện trợ, giúp những nước nghèo khá hơn, để những nước này có thể trở thành thị trường tiêu thụ hàng hoá của nước giàu.

Tóm lại, ai cũng muốn giúp đỡ người nghèo để thiết lập một chế độ tương đối công bằng hơn, tư bản hay cộng sản cũng vậy. Khác nhau là ở mức giúp đỡ nhiều hay ít và bằng cách nào thôi. CS chủ trương lột của người giàu chia lại cho người nghèo, tư bản chủ trương mọi người chung lưng làm cái bánh lớn ra cho mọi người đều có phần.

TT Obama chủ trương giúp đỡ nhà nghèo với khuynh hướng muốn tái phân phối lợi tức mạnh, bằng cách đánh thuế nhà giàu nhiều hơn nữa để chia lại cho người nghèo. Dù sao thì cũng chưa đến mức muốn san bằng bất công xã hội bằng nhà tù, súng đạn, để bắt cả nước Mỹ phải đồng đều trước chén bo bo. Thành ra dựa trên tiêu chuẩn này, không thể nói TT Obama là cộng sản, cũng như chưa đủ tiêu chuẩn để nói TT Obama theo xã hội chủ nghiã.

Xã hội chủ nghiã cũng dựa trên nền tảng Nhà Nước vú em, chăn nuôi dân từ ngày còn là thai nhi cho đến khi nằm dưới hai thước đất.

Trong vấn đề này, TT Obama chủ trương Nhà Nước vú em thật, qua tất cả những chính sách của ông. Đặc biệt là qua Obamacare, bắt buộc tất cả mọi người không trừ một ai phải có bảo hiểm y tế, nếu không sẽ bị phạt nặng.

TT Obama còn muốn nhiều nữa, như muốn dẹp hết các hãng bảo hiểm tư nhân để Nhà Nước độc quyền lo chuyện bảo hiểm, nhưng mấy đại gia ngành bảo hiểm Mỹ không dễ nuốt như vậy. TT Obama muốn lấy thuế nhà giàu nhiều hơn nữa nhưng cũng chưa được. TT Obama cũng không muốn cho ai được chơi súng ngoại trừ Nhà Nước với cảnh sát, quân đội, nguy hiểm lắm. Nhưng chưa làm được vì dân Mỹ không thể từ bỏ súng được.

Tuy TT Obama chưa thiết lập được chế độ công bằng tuyệt đối trước chén bo bo cũng như chưa mang Nhà Nước bao trùm lên hết cả mọi chuyện được, nhưng nhìn qua hàng loạt quyết định của Tối Cao Pháp Viện mới thấy TT Obama đã có rất nhiều cố gắng trong chiều hướng đó. Cái không may cho TT Obama, và chắc phải gọi là cái may mắn cho chúng ta là TCPV đã không chấp nhận rất nhiều quyết định của chính quyền Obama, đã kéo tay TT Obama lại.

Chỉ trong vài tuần trước lễ Độc Lập vừa qua, TCPV đã biểu quyết 5 vụ công dân thưa kiện chính phủ và chính phủ thua đủ 5 vụ vì TCPV cho rằng Hành Pháp với tay quá xa, xa hơn Hiến Pháp cho phép.

VỤ THỨ NHẤT RILEY

Anh chàng David Riley vác súng bắn vào xe người qua đường chơi, trốn thoát không bị bắt. Mấy tháng sau, cảnh sát tình cờ chặn anh vì lái xe quá tốc độ, lấy điện thoại di động của anh, lục lọi, khám phá ra anh là thủ phạm, đưa anh ra tòa, kết án dựa trên thông tin từ điện thoại. Anh kháng cáo cho rằng cảnh sát vươn tay quá dài, lục coi trái phép các cuộc gọi riêng tư của anh.

Lên đến TCPV và TCPV biểu quyết 9-0 là Bộ Tư Pháp của TT Obama xâm phạm quyền riêng tư của anh này. Quyết định này có nghiã từ giờ trở đi, cảnh sát không có quyền dòm ngó vô điện thoại của thiên hạ nếu không xin trát tòa án trước. Nôm na ra, Nhà Nước Obama đã hành xử như một xứ công an trị cho phép cảnh sát truy lùng quá sâu vào đời sống riêng tư của thiên hạ.

VỤ THỨ NHÌ NOEL CANNING

Cột báo này đã bàn qua vụ này trong bài “Hoàng Đế Obama Rớt Long Bào”, liên quan đến việc TT Obama bổ nhiệm sái phép không thông qua Thượng Viện ba người vào Hội Đồng Quốc Gia Về Quan Hệ Lao Động. TCPV biểu quyết 9-0 TT Obama đã vi phạm Hiến Pháp, qua mặt Thượng Viện, với mục đích giúp các nghiệp đoàn.

VỤ THỨ BA HOBBY LOBBY STORES

Đây là một công ty tư nhân nhỏ, bị luật Obamacare bắt buộc phải mua bảo hiểm ngừa thai cho nhân viên. Công ty phản bác, cho rằng luật này ép công ty phải giúp ngừa thai, có thể đưa đến cả phá thai, là trái với tín ngưỡng của công ty, không chấp nhận chuyện phá thai.

Nhà Nước Obama bác bỏ lập luận này, cho rằng công ty không phải là “người”, hay cá nhân, nên không có tín ngưỡng.

Lên đến TCPV, và TCPV biểu quyết 5-4 công ty không phải là “người” nhưng dù sao thì Obamacare đã đi quá xa khi ép công ty phải trả tiền bảo hiểm ngừa thai và phá thai và công ty có quyền từ chối trả tiền bảo hiểm đó cho nhân viên. Tuy tỷ lệ chỉ là 5-4, nhưng hai thẩm phán cấp tiến là Stephen Breyer và Elena Kagan (do TT Obama bổ nhiệm) đã phụ giải thêm là tuy họ không biểu quyết theo đa số trong vấn đề này vì nhiều lý do, nhưng họ cũng đồng ý chính quyền Obama qua Obamacare đã xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, ép người ta làm trái với tín ngưỡng. Coi như biểu quyết này là 7-2.

Điều luật bắt công ty phải trả tiền bảo hiểm mua thuốc ngừa thai đã “giúp” gia tăng mạnh số người mua thuốc ngừa thai từ khoảng 1 triệu người năm 2012, lên tới 5 triệu năm 2013 theo thống kê của chính quyền Obama. Người ta có thể nhìn luật này như giúp “giải phóng” phụ nữ, hay giúp các bà có dịp vui vẻ nhiều hơn. Quyết định của TCPV sẽ không cắt giảm số người này, nhưng sẽ ảnh hưởng lớn lên các bà, các cô nhân viên các tổ chức và cơ sở tôn giáo như trường học, nhà thương, viện dưỡng lão.

VỤ THỨ TƯ HARRIS

Bà Pam Harris có con trai bị bệnh, ở nhà lo cho con. Bà xin trợ cấp và Thống đốc tiểu bang Illinois (Dân Chủ) cấp cho bà ít tiền trợ cấp để bà khỏi đi làm, với danh nghiã bà là công chức tiểu bang, nhân viên săn sóc sức khỏe tại gia – home healthcare worker-. Nghiệp đoàn các công chức (Service Employees International Uni-on- SEIU) chính thức ghi bà là công chức, bắt bà phải đóng lệ phí cho nghiệp đoàn vì coi như bà là thành viên của nghiệp đoàn. Thống Đốc và Bộ Tư Pháp hậu thuẫn nghiệp đoàn.

Lên đến TCPV, bị TCPV bác với lý luận mọi công dân đều có quyền tham gia hay không tham gia một tổ chức nghiệp đoàn. Cho dù bà lãnh tiền trợ cấp của tiểu bang, nhưng không có nghiã là bà là công chức bắt buộc phải tham gia nghiệp đoàn các công chức và đóng tiền niên liễm cho nghiệp đoàn. Đây là một đòn gần chí tử đối với nghiệp đoàn vì đặt lại toàn bộ nguồn lợi tức chính của nghiệp đoàn.

VỤ THỨ NĂM McCULLEN

TCPV bác bỏ 9-0 một luật của tiểu bang Massachusetts được Nhà Nước Obama hậu thuẫn tối đa, cấm không cho biểu tình chống phá thai trong vòng 35 feet (khoảng hơn 4 thước) cách bệnh viện phá thai. TCPV cho rằng những người chống phá thai hoàn toàn có quyền biểu tình bất bạo động bất cứ nơi nào họ muốn. Ở cái xứ Mỹ này mà lại có chuyện cấm biều tình?

Đó là năm trường hợp Nhà Nước Obama thua đậm mới đây tại TCPV. Rồi tin mới nhất cho biết Nhà Nước lại vừa thua một cuộc chiến nữa ở cấp tòa phá án, dưới TCPV một mức, có ảnh hưởng rất lớn lên Obamacare, với vụ dưới đây.

VỤ HALBIG

Bà Jacqueline Halbig thưa Bộ Y Tế đã trợ cấp tiền mua bảo hiểm cho một số những gia đình mua bảo hiểm y tế qua các trung tâm phối hợp của liên bang (federal exchanges). Hiện nay, có 36 tiểu bang chưa có, hay không chịu thiết lập trung tâm phối hợp của tiểu bang, khiến liên bang phải nhẩy vào lập trung tâm phối hợp của liên bang. Theo bà Halbig thì việc Bộ Y Tế trợ cấp khi mua bảo hiểm qua liên bang là vi phạm luật vì luật Obamacare chỉ cho phép trợ cấp những người mua bảo hiểm qua các trung tâm phối hợp của tiểu bang thôi.

Cãi cọ, thưa ra tòa lên đến cấp phá án liên bang (federal appeal), và toà đồng ý với lập luận của bà Halbig.

Tức là cho đến nay, TT Obama đã trợ cấp tiền mua bảo hiểm cho hơn 5 triệu người một cách bất hợp pháp, tốn công quỹ cả trăm triệu.

Vụ này coi như chưa xong vì chắc chắn sẽ lên đến TCPV, nhưng dù sao cũng cho thấy sự luộm thuộm của Obamacare, với không biết bao lỗ hổng, có thể đe dọa sự tồn vong của luật này luôn. Nếu TCPV đồng ý với tòa phá án, thì chỉ có hai giải pháp: một là hàng triệu người đã nhận trợ cấp sẽ phải hoản trả lại tiền (qua sở thuế) và nền tảng của Obamacare xụp đổ, hai là luật Obamacare phải sửa lại một cách quy mô. Nếu cuộc bầu cử tháng Mười Một tới mang lại chiến thắng cho phe CH tại cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện thì coi như Obamacare sẽ bị khủng hoảng nặng, có thể tiêu tan luôn, vì phe DC không có cách nào mang Obamacare ra thảo luận và biểu quyết lại được vì sẽ không đủ phiếu.

Ngoài ra trong vài năm qua, Nhà Nước cũng đã thua liên tục, điển hình là vài vụ sau:

VỤ JONES

TCPV cũng biểu quyết 9-0 không chấp nhận cho Nhà Nước có quyền lén lút gắn máy định vị GPS vào xe hơi của một người bị tình nghi phạm tội.

VỤ HOSANNA-TABOR

TCPV biểu quyết 9-0 bác bỏ lập luận của chính quyền Obama cho rằng Nhà Nước có quyền định nghiã ai là thành viên của giáo hội – church clergy-.

Trên đây chỉ là vài vụ thưa kiện tiêu biểu. Trong thời gian 5 năm chấp chánh, TT Obama đã bị TCPV bác bỏ với tỷ lệ 9-0, tổng cộng 13 lần. Tất cả những vụ thua kiện đều liên quan đến vấn đề Nhà Nước với tay quá xa, xâm phạm vào quyền riêng tư cá nhân kiểu các chế độ công an trị như lục điện thoại, gắn GPS vào xe, tìm cách áp đặt chế độ vú em bao đồng. Vụ Hosanna-Tabor lạ lùng nhất khi Nhà Nước tự cho mình quyền quyết định những người làm việc trong nhà thờ, ai là ông cha bà sơ, ai không, đến độ ngay cả bà thẩm phán Elena Kagan cũng phải nhận định lập luận của chính quyền thật là lạ lùng –“amazing”. Cũng không khác gì Nhà Nước CHXHCNVN quyết định ai là “Công Giáo yêu nước”.

 

* * *


Trước những kết quả thua liên tục như vậy, người ta có thể đặt câu hỏi sao Nhà Nước Obama, với ông siêu chuyên gia về luật Hiến Pháp, lại có thể thiếu hiểu biết về luật lệ đến như vậy. Đây là câu hỏi chính đáng khó có câu trả lời dứt khoát.

Theo ý kiến cá nhân của kẻ viết này –không phải là luật sư, chưa bao giờ học luật- thì Nhà Nước Obama không thể mù mờ về luật pháp như vậy được. Chẳng qua là một sự cố tình đẩy càng xa chính sách Nhà Nước Vú Em càng tốt, tới đâu hay tới đó, cùng lắm là TCPV bác thôi, rồi thì ta lại thử chiêu khác. Gặm nhấm được chừng nào hay chừng nấy. Dường như con đường xã hội chủ nghiã thật sự là con đường TT Obama muốn đi theo.

Đặt vấn đề như vậy ta mới thấy vai trò của TCPV quan trọng tới mức nào trong việc định hướng cho chính sách trị quốc của Mỹ. TCPV hiện nay có 4 thẩm phán bảo thủ, 4 cấp tiến, và một sàng qua sàng lại. Những vụ thất bại của TT Obama chỉ chứng minh TT Obama đã đi quá xa đến độ ngay cả những thẩm phán cấp tiến, trong đó có hai vị do chính TT Obama bổ nhiệm, cũng không chấp nhận được.

Tin giờ chót, Hạ Viện đã biểu quyết thưa TT Obama ra tòa về tội lạm quyền lấn át Lập Pháp. Đây sẽ là một vụ xử cực kỳ quan trọng, đi xa hơn việc thưa kiện cá nhân TT Obama, vì đây là vấn đề xác định quyền hạn giữa Hành Pháp và Lập Pháp. Điều oái ăm là trong khi các dân biểu CH thưa Hành Pháp để dành lại quyền cho Lập Pháp, thì tất cả các dân biểu DC đã biểu quyết chống lại, tức là họ đã biểu quyết muốn nhường quyền của Lập Pháp cho Hành Pháp, để họ được... ngồi chơi xơi nước, chấp nhận tất cả những gì tổng thống muốn!

Cũng cần ghi nhận chuyện này khác xa đàn hạch –impeach-. Đàn hạch nhắm vào cá nhân tổng thống với mục đích cất chức ông. Vụ thưa này là Lập Pháp thưa Hành Pháp đã lạm quyền. Nếu Hạ Viện thắng, thì TT Obama vẫn làm tổng thống, chỉ có quyền hành bị giới hạn bớt đi. Thật ra, TT Obama chưa phạm tội tầy trời gì để phải bị đàn hạch, chỉ là chuyện lấn quyền và bất tài thôi. Hiến Pháp không có quy định cất chức tổng thống vì bất tài. Nhưng phe DC đã mau mắn khua chiêng trống rầm rộ là TT Obama sắp sửa bị đàn hạch, kêu gọi gây quỹ giúp DC bảo vệ ông, và ngay sau đó, đã thu được một triệu đô trong một ngày. Chính trị mánh mung là vậy, thiên hạ ai dại ráng chịu. Năm 2008, 11 dân biểu DC đưa ra dự luật đàn hạch TT Bush, nhưng không đi đến đâu vì chẳng có thêm phiếu nào. (
03-08-14)

Vũ Linh

 

 

 

Ngộp Thở Trong Khủng Hoảng

29/07/201400:00:00

         Tác giả : Vũ Linh

         

...cho biết 290.000 di dân mới, trong đó có 52.000 trẻ em vị thành niên, đã được tái định cư...

Nếu quý độc giả theo dõi báo chí và truyền hình mỗi ngày, sẽ có cảm tưởng những xì-căng-đan và khủng hoảng gần đây của chính quyền Obama dường như chỉ là những chuyện bá vơ “có ít xít ra nhiều” do phe đối lập hay đài Fox thổi phồng lên để đánh TT Obama. Nhưng nếu quý vị chịu khó coi cho kỹ, thì sẽ thấy những chuyện đó ngày càng trở nên chuyện lớn. Ta hãy điểm qua vài chuyện.

Benghazi

Nhiều người cho rằng chính quyền Obama cố tình che dấu chuyện khủng bố tấn công để bảo vệ TT Obama trước ngày bầu cử, trong khi chính quyền Obama khẳng định chỉ là hiểu lầm chân thật, vì những tin tức sơ khởi không chính xác. Câu chuyện cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ vì quốc hội vẫn còn đang điều tra, chưa có kết luận.

Mới đây, bà Hillary lên tiếng trong hồi ký mới phát hành, phân bua về vai trò của bà. Theo bà Hillary, chỉ vài tiếng sau khi Tòa Lãnh Sự bị tấn công thì Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Tom Donilon đã cho bà biết CIA đã nghe được điện đàm giữa Ansar al-Shari, một nhánh địa phương của Al Qaeda, và tổ chức AQIM của Libya, thảo luận về cuộc tấn công. Bà cho biết thông cáo của Bộ Ngoại Giao có nói lên điều này, nhưng đã bị Tòa Bạch Ốc phủ quyết, sửa lại hoàn toàn. Và bà đã đành phải tuân lệnh.

Để rồi bà hết sức ngạc nhiên khi nghe bà Đại Sứ Susan Rice lên truyền hình nói đây là biểu tình tự phát của dân. Về chuyện này, bà Rice là người thứ tư được chọn, ba người được đề nghị trước là bà Hillary, tướng Petreaus Giám Đốc CIA, và ông Donilon đều từ chối yêu cầu lên truyền hình của Tòa Bạch Ốc.

Câu chuyện biểu tình tự phát chính quyền Obama đưa ra ngày càng mất cơ sở, lòi ra là nói láo. Tại sao? Dĩ nhiên vì lý do tranh cử như tất cả chúng ta đã biết. Nhưng bây giờ lại lòi ra thêm một lý do nữa. Đó là để khoả lấp chính sách Trung Đông lạ lùng nếu không muốn nói là bất hợp pháp của TT Obama.


Benghazi là nơi xuất phát ra cuộc nổi loạn chống TT Khaddafi, là thủ phủ của quân nổi loạn. Nhưng Mỹ chẳng có quyền lợi gì, cũng chẳng có một công dân Mỹ nào sống tại đó cả, tại sao lại có toà lãnh sự và cả cơ cở CIA?

Chỉ vì khi đó, quân nổi loạn trong đó có Al Qaeda, đã hạ được Khaddafi, và bắt đầu thu thập khí giới chuyển qua Syria giúp quân nổi loạn chống TT Assad tại đó. Chính quyền Obama biết rõ nhưng nhắm mắt làm ngơ, chỉ cho CIA theo dõi và nếu có thể, giúp khí giới đến tay các nhóm nổi loạn Syria không liên hệ đến Al-Qaeda. Tòa Lãnh Sự và cơ sở CIA được đặt tại Benghazi chỉ có một mục đích: lo cho khoảng 30-40 nhân viên CIA đang có trách nhiệm theo dõi đường giây chuyển vũ khí này.

Nhưng Al Qaeda không chấp nhận CIA cản lối nên cho 100 quân tấn công tòa lãnh sự trước rồi sau đó qua đánh trụ sở CIA. Ba nhân viên bị chết cùng ông đại sứ đều là CIA.

Đưa đến lý do thứ nhì chính quyền Obama tìm cách khỏa lấp vụ
Benghazi. Muốn tránh càng xa chuyện chính trị hay khủng bố Al Qaeda càng tốt để khỏi lòi ra chuyện CIA giúp chuyển vũ khí này, tức là can dự vào cuộc chiến Syria mà không xin phép hay thông báo cho quốc hội biết.

Di Dân Bất Hợp Pháp

Vấn đề di dân bất hợp pháp tràn vào Mỹ đã biến thành một khủng hoảng quy mô, lớn hơn mọi dự tính. Hàng trăm ngàn người đang tràn qua biên giới, nhất là khu vực sông
Rio Grande. Như tin báo cho biết, một xe lửa bị lật vì trật đường rầy tại Mexico khiến cả trăm người bị thương, trên xe lửa là 1,300 dân Trung Mỹ đang trên đường tới biên giới Mỹ. Nguyên một chuyến xe lửa chở di dân lậu tới biên giới!

Thống Đốc Texas báo động, gặp TT Obama và mời ông đến xem vùng biên giới nhân dịp TT Obama đến Texas gây quỹ. Trong khi ông thống đốc bù đầu với khủng hoảng biên giới, ông tổng thống đi gây quỹ, dạo phố, với cả đoàn ký giả đi theo chụp hình, nhưng lại viện cớ không rảnh và không muốn một cơ hội chụp hình màu mè phô trương (photo-ops) nên không đi thăm trại “tỵ nạn”. Làm như thể chụp hình tổng thống thục bi-da hay ăn kem ngoài đường không phải là chuyện photo-ops vớ vẩn vậy. Hay là những chuyện đó quan trọng hơn là đi thăm trại di dân tạm trú? Cái cớ ngây ngô này đã bị báo phe ta Washington Post lên tiếng khuyến cáo TT Obama nên thay ban tham mưu vì đã cố vấn chỉ dại cho tổng thống.

Trước làn sóng di dân mới đang tràn qua Mỹ, một số lớn là trẻ em vị thành niên, TT Obama khẳng định họ sẽ bị trục xuất ra khỏi Mỹ. Nhưng tin báo chí mới nhất cho biết 290.000 di dân mới, trong đó có 52.000 trẻ em vị thành niên, đã được tái định cư, đoàn tụ với thân nhân hay những người bảo lãnh họ. Nhà Nước Obama giải thích đó là giải pháp tạm, rồi họ sẽ bị trục xuất. Rồi mới đây, New York Times đăng tin có thể những người này sẽ được thay đổi quy chế di dân lậu qua quy chế tỵ nạn được ở lại vĩnh viễn.

Truyền thông phe ta cổ võ cho một chính sách nhân đạo, cho phép những người này, nhất là các trẻ em, được ở lại, nhưng không bàn đến hậu quả lâu dài. Một số dân da đen tại Chicago, thành phố của TT Obama, đã xuống đường biểu tình chống TT Obama vì đã lơ là dân da đen tại đây trong khi muốn bỏ ra 4 tỷ để giúp dân vô lậu gốc Nam Mỹ. Cuộc khủng hoảng đã kéo dân Mỹ xuống đường biểu tình hàng loạt, từ Cali tới Maryland, ít nhất tại 10 tiểu bang.

Vấn đề thật sự không phải là vài ba trăm ngàn người này. Kinh tế Mỹ đủ lớn để nhận số người nhỏ bé này. Nhưng mấu chốt là việc nhận họ sẽ gửi một thông điệp cho tất cả dân
Nam và Trung Mỹ và họ sẽ đổ xô qua trong khi Mỹ không có phương tiện khoá biên giới. Nước Mỹ có bao nhiêu tiền trợ cấp để nuôi họ và nuôi hàng chục triệu dân đang sống bằng oeo-phe?

Theo NYT và CNN thì tất cả vẫn là lỗi của... Bush vì năm 2008, TT Bush ký sắc luật muốn trục xuất trẻ vị thành niên thì phải qua nhiều thủ tục pháp lý khá rườm rà.

Thật ra, luật này nhắm bảo vệ những trẻ em khỏi bị buôn đi bán lại làm nô lệ tình dục (child sex trafficking, chính thức là William Wilberforce Trafficking Victims Protection Reauthorization Act of 2008), chẳng dính dáng gì đến chuyện trẻ em Nam Mỹ tràn vào
Texas. Và luật đó do bà TNS Dianne Feinstein (Dân Chủ - San Francisco) đề xuất, được quốc hội thông qua với sự hậu thuẫn của cả hai đảng, rồi được TT Bush ký, trước đây được gọi là luật của bà Feinstein, bây giờ phe ta muốn kiếm cớ đổ thừa, đổi lại gọi đó là luật của Bush. Chính trị muôn mặt!

Nếu tại vì luật 2008 này, tại sao không có làn sóng di dân và trẻ em ào ạt tràn qua từ 2009 tới 2013? Làn sóng di dân trẻ em chỉ mới xẩy ra từ 2013, sau luật DACA cấm trục xuất vị thành niên (không phải chỉ thủ tục rườm rà, mà cấm trục xuất luôn) do TT Obama ký cuối 2012.

Lập luận của NYT-CNN chỉ lừa được những người không am hiểu hay không “đọc kỹ luật”.

Sáu năm sau khi TT Obama nắm quyền, tất cả vẫn tại... Bush! Những vụ Benghazi, IRS, Shinseki, Ukraine, Gaza, lạm quyền bị TCPV kết án, Obamacare “trục trặc kỹ thuật”, tháo chạy sau lưng Putin tại Syria, viện trợ khí giới cho Al Qaeda tại Syria để làm loạn Iraq, … cũng tại Bush hết thôi. Nếu TT Obama làm tổng thống thêm 50 năm nữa thì khi đó ta vẫn nghe “lỗi tại Bush”! Có lẽ đúng thật vì TT Obama mắc bận hết đánh gôn đến gây quỹ, có làm gì đâu mà bắt ông phải chịu trách nhiệm?

Một báo cáo của Trung Tâm An Ninh El Paso kết luận làn sóng di dân hiện nay là hậu quả của việc dân Nam Mỹ hiểu lầm khi nghe tin TT Obama cấm trục xuất di dân vị thành niên. Thực tế, phải nói là họ hiểu quá rõ ý định của TT Obama nên cố tràn vào Mỹ trong lúc ông còn tại chức để được chấp nhận dễ dàng hơn bất cứ tổng thống nào khác.

IRS

Sở thuế IRS bị tố cáo trong mùa bầu cử tổng thống năm 2012 đã ém nhẹm hồ sơ xin hoạt động gây quỹ của những tổ chức bảo thủ ủng hộ TĐ Romney.

Bà Giám Đốc Lois Lerner, bị làm con thiêu thân, phải từ chức. Nhưng phe đối lập CH vẫn lôi bà ra trước quốc hội điều trần. Tại đây, bà viện dẫn Tu Chính thứ 5 của Hiến Pháp, không trả lời gì hết. Tu chính này cho phép mọi công dân có quyền không trả lời những câu hỏi điều tra khi họ nghĩ câu trả lời có thể sẽ giúp kết án họ. Đây là luật mà chỉ có nước Mỹ tự do dân chủ nhất thế giới mới có được thôi. Đại khái, cảnh sát bắt được một tên ăn trộm, hỏi gì cũng có quyền không khai vì khai ra sẽ bị coi như nhận tội, bị đi tù thì sao? Trách nhiệm tìm ra tội là của cảnh sát, còn kẻ phạm tội có quyền giữ im lặng, hoàn toàn không hợp tác.

Quốc hội đành đi tìm tài liệu. Đòi IRS nộp lại tất cả các emails của bà và của hàng loạt viên chức IRS đã trao đổi trong mấy năm trước ngày bầu cử, thời điểm các tổ chức bảo thủ nộp đơn xin hoạt động.

Để rồi ngã ngửa ra khi bà Lerner cho biết computer của bà bị cháy (crash) vài tháng trước bầu cử cuối năm 2012, nên emails của hai năm tranh cử 2011-2012 bị mất hết rồi. Cái hộp cứng (hard drive) trong máy đã bị mang đi hủy. Khi quốc hội truy đến các máy computers khác thì hầu hết emails cũ đã bị xoá vì quy luật của IRS chỉ lưu giữ các tài liệu trong 6 tháng thôi. Khi hỏi đến máy của các viên chức cao cấp hơn khi tài liệu cần được giữ lâu hơn thì... một số các máy của họ cũng đều như của bà Lerner, bị cháy và hộp cứng đã bị hủy. Tổng cộng tại IRS đã có 7 cái computers bị dính vào “tai nạn” này. Mà lạ lùng hơn nữa, cả 7 cái máy này đều là trong phòng vụ lo xét đơn xin hoạt động của các tổ chức bảo thủ.

Qua cuối tháng 7 khi một ủy ban điều tra của Hạ Viện chất vấn, thì IRS lại báo cáo có thêm 13 cái máy nữa cũng bị cháy. Càng đào xâu càng thêm máy bị “cháy”.

Chưa hết. Các chuyên viên điện toán của IRS mới đây đã xác nhận với ủy ban điều tra các “hộp cứng” chỉ bị trầy trụa sơ, có thể chữa được nhưng họ đã được chỉ thị hủy hết. Rồi cuối cùng lại nói có thể tìm được vài hộp chưa bị hủy. Nói dối quanh, không ai còn biết chuyện gì đã xẩy ra.

Tin mới nhất, bà Lerner đã nhìn nhận đầu năm 2013, có ra khuyến cáo cảnh giác nhân viên IRS nên cẩn thận khi xài emails vì có thể bị quốc hội truy xét. Bà khuyên họ nên dùng tin nhắn qua điện thoại, để khỏi lưu lại gì hết. Không có tật sao giựt mình?

Cái điều ngộ nghĩnh là trong khi IRS bắt buộc chúng ta phải lưu giữ hồ sơ khai thuế tới 7 năm, thiếu một cái hoá đơn cũng có thể bị phạt nặng, có khi đi tù vì khai gian thuế, thì IRS lại có chính sách là chỉ lưu giữ hồ sơ của họ 6 tháng thôi, còn hồ sơ quan trọng hơn, lưu giữ lâu hơn thì bị mất hết rồi. Thế là... huề cả làng. Chẳng ai đi tù hết.

Ngoài Nước

Trên đây là những khủng hoảng nội bộ. Họa vô đơn chí, TT Obama cũng lại lãnh vài khủng hoảng từ bên kia địa cầu.

Vụ máy bay dân sự của Malaysia Airlines bị bắn rớt với gần 300 người chết không toàn thây đã là thảm kịch với tầm vóc quốc tế quá lớn. Gần 200 người chết là dân Hòa Lan, phần lớn là bác sĩ, chuyên gia đi tham dự một hội nghị về bệnh AIDS tại Úc. Dân chúng và Thủ tướng Hòa Lan đã nổi trận lôi đình, một hai đòi làm cho ra lẽ và có biện pháp trừng trị.

Chưa biết thực hư câu chuyện như thế nào, nhưng nhiều triển vọng bàn tay lông lá của Putin cầm chốt. Nếu chứng minh được rõ ràng thì TT Putin sẽ bị dồn vào thế kẹt chưa biết làm sao thoát khỏi dư luận thế giới đồng loạt lên án. Ta cũng nên biết TT Putin coi vậy chứ chưa phải là nắm toàn quyền sinh sát ở Nga đâu. Nắm quyền ở Nga có tới ba lớp. Mặt nổi rõ ràng trên cùng là TT Putin, rồi sau lưng là nửa tá nhân vật chóp bu ngồi chung với nhau trong thế liên minh chính trị nhưng dòm ngó nhau rất kỹ, trong đó có thủ tướng kiêm cựu tổng thống kiêm cựu thủ tướng Medvedev. Sau lớp nhì đó là lớp thứ ba là tập đoàn các đại tài phiệt nắm hầu bao. TT Putin đi quá xa, Nga bị Mỹ và Âu Châu trừng phạt quá nặng tay về kinh tế và tài chánh thì TT Putin sẽ ngồi ghế ba chân và sẽ bận rộn “đấu tranh nội bộ” mệt nghỉ.

Nhưng TT Putin không phải là người duy nhất nhức đầu. Cả thế giới đang nhìn vào đại cường Cờ Hoa xem phản ứng ra sao. Đây có lẽ là thử thách quốc tế lớn nhất cho TT Obama và cho “chủ thuyết Obama” luôn.

Tình trạng chiến tranh Do Thái – 
Palestine ngày càng nặng nề vì cả hai bên đều quyết tử. TT Obama gửi ông ngoại trưởng Kerry qua “nói chuyện” không biết lần này là lần thứ mấy chục. Chẳng đi đến đâu vì Hamas chưa bao giờ coi Mỹ là đồng minh trong khi Do Thái thì đã mất tin tưởng ở TT Obama từ lâu rồi. Không có uy với cả hai bên thì làm sao làm trung gian giảng hòa?

Sách lược Trung Đông (cứ tạm cho là có sách lược đi) của chính quyền Obama tóm lại là đánh Al Qaeda tại Mỹ nhưng giúp Al Qaeda lật đổ Khaddafi tại Libya, rồi giúp Sunni và Al Qaeda vũ khí để đánh TT Assad của Shiia tại Syria, nhưng lại giúp thủ tướng Maliki của Shiia đánh Sunni và Al Qaeda tại Iraq trong khi Mỹ tháo chạy, giúp Do Thái chống Hamas thuộc phe Sunni, nhưng cũng giúp Palestine chống Do Thái. Một sách lược hổ lốn như vậy dĩ nhiên đưa đến tình trạng bát nháo hiện nay. Đó là cách Đấng Tiên Tri “hàn gắn vết thương của cả địa cầu” như ông đã hứa, khiến vết thương loang lổ bầy nhầy thêm.

Tại
Iraq, quân nổi loạn ISIS đã ngưng đà nam tiến, lo củng cố phần đất đã chiếm được, và tuyên bố thành lập Quốc Gia Hồi Giáo – Islamic State- trải dài từ bắc Syria qua bắc Iraq. Quân Iraq phản công chiếm lại được Tikrit, và đang hỗn chiến tại Mosul. Quân Kurds một mặt tiến chiếm lại được Kirkuk, “thủ đô” dầu hỏa, một mặt đòi TT Maliki từ chức. Tình trạng tam quốc có hy vọng kéo dài lâu hơn Tam Quốc của Khổng Minh.

Cả hai ông Maliki và Assad sẽ không ngồi yên chịu trận. TT Putin, TT Assad, và các giáo chủ Iran không ngồi yên mà đã nhẩy vào cuộc, gửi phản lực Sukhoi qua đánh bom quân ISIS. Người duy nhất ngồi yên là TT Obama. Mỹ có triển vọng mất hết cả khối Trung Đông trong vài năm nữa. Nhưng khi đó thì TT Obama đã lãnh cả chục triệu, ngồi viết hồi ký tại bãi biển Hạ Uy Di, vui thú tắm biển phơi nắng trong khi cựu đệ nhất phu nhân đi du lịch thế giới.

Kết

Theo thăm dò mới nhất của đại học Quinnipiac tại
Connecticut, TT Obama đã đạt được một kỷ lục mới. Ông đã đạt được giải thưởng tổng thống... tệ nhất (the Worst President) trong 12 đời tổng thống và 69 năm từ 1945 tới nay. Tệ hơn cả … Bush hay Carter!

Thăm dò khác của Fox cho thấy trong 10 người Mỹ, thì đã có 6 người cho rằng TT Obama bất tài –incompetent. Một “khám phá” hơi muộn! Khó tin hơn nữa, theo CNN, một phần ba (33%) dân Mỹ muốn đàn hạch –impeach- TT Obama. Ngay trong đảng Dân Chủ có 13% cũng muốn đàn hạch!

Nói đi cũng phải nói lại, TT Obama vẫn đang được hậu thuẫn rất mạnh của vài khối cử tri. Thứ nhất là khối dân da đen vẫn có 83% ủng hộ, tuy ít hơn 95% hồi bầu cử 2012. Thứ nhì là khối cử tri Hồi giáo, với 72% ủng hộ. Rồi đến khối La-Tinh với 70%.

TT Obama đã tóm lược tất cả mọi vấn đề trong một câu than thở: “Chúng ta đang sống trong một thế giới quá phức tạp và một thời đại đầy thử thách”. Câu nói có lẽ phản ánh một thực thể khó chối cãi: ông chuyên gia tổ chức cộng đồng đã vung tay quá trán khi ra tranh cử tổng thống. Và cử tri Mỹ cũng đã kỳ vọng quá viễn vông khi bầu cho ông, không phải một mà hai lần. (
27-07-14)

 


Tác giả bài viết: Vũ Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập51
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm50
  • Hôm nay6,246
  • Tháng hiện tại189,214
  • Tổng lượt truy cập32,655,739
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây