NĂM ĐIỀU DỰ ĐOÁN VỀ ĐỨC PHANXICÔ

Thứ tư - 18/03/2015 06:19

NĂM ĐIỀU DỰ ĐOÁN VỀ ĐỨC PHANXICÔ

Nhà báo John Allen, một ký giả theo dõi sát nút các biến cố tại Vatican trong hơn 20 năm qua, nhận định rằng Đức Phanxicô là vị giáo hoàng của ngạc nhiên, khó lòng có thể nói trước ngài sẽ làm gì và nói gì. Những bất ngờ xưa nay do ngài tạo ra đủ chứng minh điều ấy. Tuy nhiên, ông vẫn đưa ra 5 tiên đoán mà ông không dám cho là dự ứng, nhưng chúng cho ta một vài ý nghĩ nào đó về năm thứ ba của triều Giáo Hoàng Phanxicô.


1. Phe cấp tiến quay chiều

Từ trước đến nay, phần lớn các chống đối đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo đều phát xuất từ những người bảo thủ. Đức HY Hoa Kỳ Raymond Burke được nhiều người cho là lãnh tụ của phong trào chống đối duy truyền thống này. 

Chỉ cần 10 phút trên liên mạng cũng đủ tìm ra hàng tá những nhận định chua chát về Đức Giáo Hoàng trên các blogs Công Giáo bảo thủ, với những từ ngữ đại loại như “lạc giáo”, “thảm họa” và “ly giáo”. 

Ấy thế nhưng người ta có đủ lý do để hoài nghi lối ăn nói ấy được tín hữu giáo dân nói chung ủng hộ.

Đầu tháng này, trung tâm nghiên cứu Pew công bố kết quả cuộc thăm dò mới nhất của họ về ý kiến người Công Giáo Hoa Kỳ đối với Đức Phanxicô: ngài được lòng họ giống như Đức Gioan Phaolô II ở lúc nổi tiếng nhất. Nhưng điều còn đáng lưu ý hơn nữa là lúc yêu cầu họ cho biết khuynh hướng chính trị.

Đức Phanxicô được 89 phần trăm người Công Giáo Hoa Kỳ theo khuynh hướng Cộng Hòa mộ mến, người Công Giáo theo khuynh hướng Dân Chủ còn mộ mến ngài hơn nữa, với 90 phần trăm. Trong số những người tự mô tả là “bảo thủ”, ngài được ủng hộ 94 phần trăm trong khi chỉ có 87 phần trăm những người tự mô tả là “ôn hòa/cấp tiến” ủng hộ ngài.

Có lẽ đối với người bảo thủ, Đức Phanxicô chỉ chú trọng tới lòng cảm thông và từ bi khi thực thi tín lý, chứ không hề là một Che Guevara mặc áo dòng. Nếu quả tình có “cuộc cách mạng Phanxicô” đang diễn ra, thì cuộc cách mạng ấy phần lớn là do áp dụng giáo huấn vào mục vụ, chứ không phải xét lại giáo huấn này. 

Bình thản mà xét, Giáo Hội Công Giáo vẫn nói “không” đối với các vấn đề như nữ linh mục, hôn nhân đồng tính và ngừa thai, cho dù có khuynh hướng mềm dẻo hơn trong việc thông truyền và chấp pháp các vấn đề này. Đây là một nghị trình rất được người ôn hòa tán thưởng, nhưng người cấp tiến thì không. 

Năm ngoái nhiều người Công Giáo cấp tiến lên tiếng chỉ trích Đức Phanxicô nhất là đối với các tuyên bố của ngài về phụ nữ và việc thiếu theo dõi các hứa hẹn phát huy hơn nữa các vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội, cũng như lời ngài liên tiếp chống lại các cố gắng nhằm tái định nghĩa hôn nhân và gia đình.

Đối với người cấp tiến, trong 24 tháng qua, từng hy vọng Đức Phanxicô sẽ dọn đường cho một cuộc xét lại học lý, năm nay sẽ là năm trong đó “Mùa Xuân Rôma” bắt đầu trông giống như một thứ bánh vẽ.

2. Một ngôi sao nhạc rock tại Hoa Kỳ

Đức Phanxicô sẽ viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng Chín. Đây là lần viếng nước này đầu tiên cả trong tư cách giáo hoàng, lẫn trong đời ngài. Ngài sẽ tới Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, Nữu Ước và Philadelphia. Có lời đồn từ Rôma rằng ngài hơi bồn chồn về chuyến đi này, nên đã điện thoại cho một số tu sĩ Dòng Tên để nắm vững tình hình.

Sự bồn chồn này là điều dễ hiểu. Ngoài việc không thông thạo tiếng Anh, Hoa Kỳ còn là nơi ngài không thấy thoải mái bao nhiêu. Không một nền văn hóa Công Giáo nào khác trên trái đất này lại có một hạ tầng cơ sở sâu rộng đến thế dành cho việc bảo vệ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, một chủ nghĩa bị ngài phê bình gắt gao. Các chủ trương của ngài về di dân và môi trường vốn gây chia rẽ ở đây, các lập trường của ngài về các điểm nóng như Syria và Ukraine thường bị các giới nắm giữ chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ ngờ vực, và dư luận ở đây vẫn coi các cố gắng của Đức Giáo Hoàng đối với việc giải quyết các tai tiếng lạm dụng tình dục là chưa đầy đủ. 

Tuy nhiên, người ta vẫn dự đoán là Đức Phanxicô sẽ gây chấn động tại đây.

Lý do thứ nhất, Đức Phanxicô đã chứng tỏ đầy đủ ngài là thỏi nam châm thu hút tình người mà Đức Gioan Phaolô II vốn là trước đây. Ngài thu hút 3 triệu người tới Bãi Biển Copacabana ở Rio de Janeiro năm 2013, không thua gì cuộc hòa nhạc Tân Niên 1994 của Rod Stewart. Và tại Manila hồi tháng Giêng năm nay, ngài lôi cuốn 6 triệu người, dù trong mưa bão. 

Các đám đông ở Hoa Kỳ chắc chắn sẽ đông và hào hứng, tạo ra một cuộc tập họp tích cực. 

Thứ hai, truyền thông Hoa Kỳ đã đầu tư rất nhiều tài nguyên to lớn trong việc đề cao Đức Phanxicô như một anh hùng được lòng dân, đến nỗi phải có một tai họa tầm cỡ không ai hiểu nổi may ra mới làm họ thay đổi ý kiến. 

Thêm vào đó, không ai không biết rằng không như phần lớn các xã hội Tây Phương khác, Hoa Kỳ, căn bản, vẫn là một xã hội tôn giáo thâm hậu trong đó các nhà lãnh đạo tôn giáo vẫn được kính trọng nhiều. 

Còn về tiếng Anh của Đức Giáo Hoàng, thì quả có giới hạn, nhưng điều này vẫn không ngăn cản ngài nhận được 70 phần trăm ủng hộ, ngay trong giới không Công Giáo, chỉ 15 phần trăm thấy điều ấy có vấn đề mà thôi. Người Cộng Hòa cũng như người Dân Chủ, da trắng hay da đen, già hay trẻ, về căn bản, đều rất mộ mến ngài. 

Nói cách khác, mọi chuyện đã sẵn sàng để chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của Đức Phanxicô sẽ là một biến cố lớn. 

3. Vị Giáo Hoàng xanh đậm

Đức Bênêđíctô XVI từng được tuyên dương là “Vị Giáo Hoàng Xanh” vì giáo huấn và gương sáng của ngài về môi sinh, trong đó, có việc cho ráp các tám năng lượng mặt trời trên nóc Hội Trường Yết Kiến ở Vatican và việc ký kết thoả ước biến Vatican thành quốc gia đầu tiên ở Âu Châu trung tính đối với cácbon nhờ tái tạo một cánh rừng kiểu Hung Gia Lợi.

Năm nay có thể là năm Đức Phanxicô sẽ xuất hiện như một nhân vật mà giới môi sinh quen gọi là “xanh đậm” theo nghĩa sẽ tăng cường cam kết của Giáo Hội đối với môi trường bằng cách liên kết các hiệu quả sói mòn của chủ nghĩa duy tiêu thụ và hiệu quả chạy trốn của chủ nghĩa tư bản hoàn cầu.

Vào khoảng mùa hè, Đức Phanxicô sẽ công bố thông điệp của ngài về tạo thế, đánh dấu lần đầu tiên một vị giáo hoàng dành một văn kiện giáo huấn hàng đầu cho các chủ đề môi sinh. Vì là quan tâm hàng đầu như thế, chắc chắn Đức Phanxicô sẽ lưu ý tới tác động tai hại của môi sinh và các thiên tai đè nặng lên người nghèo một cách không tương xứng và sẽ liên kết sự mẫn cảm về môi sinh với các vấn đề rộng lớn hơn về công lý.

Đức Phanxicô cũng nói rằng ngài muốn công bố thông điệp nói trên sớm để ảnh hưởng tới các cuộc thảo luận tại Hội Nghị Thượng Đỉnh của LHQ về thay đổi khí hậu tại Paris vào tháng Mười Hai; ngài muốn thúc đẩy hội nghị này đưa ra “các quyết định can đảm”. 

Trước khi Đức Phanxicô xuất hiện trên diễn đàn, lý thuyết gia chính trị Mỹ Jeremy Rifkin đã tiên đoán rằng các vấn đề như thay đổi khí hậu đang làm tan biến các chia rẽ tả/hữu cổ điển để tạo nên một thứ “chính trị sinh học” mới trong đó những người bảo vệ thiên nhiên thuộc cánh tả và những người bảo vệ sự sống con người thuộc cánh hữu sẽ trở thành đồng minh của nhau, chống lại thứ chủ nghĩa duy kỹ nghệ siêu độ chuyên coi mọi sự, kể cả thiên nhiên và sự sống hữu cơ, như một món hàng. 

Năm nay có thể là năm trong đó, Đức Phanxicô biến lời tiên đoán của Rifkin thành sự thật.

4. Sẽ không như thời khắc Humanae Vitae

Khi Đức Phanxicô quyết định tổ chức hai thượng hội đồng giám mục để bàn về gia đình, ngài không chủ yếu nghĩ tới vấn đề gây tranh cãi là có nên cho phép những người Công Giáo ly dị và tái hôn bên ngoài Giáo Hội được rước lễ hay không. Viễn kiến của ngài rộng hơn nhiều, khởi đầu với việc Giáo Hội phải hỗ trợ ra sao các gia đình đang gặp khó khăn khắp trên thế giới. 

Tuy nhiên, vấn đề người ly dị và tái hôn đã trở thành vấn đề nóng bỏng nhất trong diễn trình thượng hội đồng, và đối với nhiều người, đây là đầu mối cho thấy liệu cam kết cải tổ của Đức Phanxicô có đôi chút gì thực chất hay không. 

Thượng hội đồng thứ hai sẽ diễn ra trong tháng Mười và có người tiên đoán: các giám mục cũng sẽ chia rẽ về người ly dị và tái hôn như hồi tháng Mười năm ngoái. Thành thử vấn đề không phải là Đức Phanxicô sẽ nghe được gì, mà đúng hơn là ngài sẽ làm gì khi nghe thấy nó. 

Một số quan sát viên tin rằng nếu Đức Phanxicô không cho phép người ly dị tái hôn được rước lễ, thì Humanae Vitae lại xuất hiện một lần nữa. Đó là thông điệp gây tranh cãi năm 1968 của Đức Phaolô VI nhằm duy trì việc ngăn cấm kiểm soát sinh đẻ theo truyền thống, do đó làm nản lòng những người mong đợi có sự thay đổi, khiến nhiều người có ý kiến tiêu cực đối với Đức Giáo Hoàng. 

Hiện nay, các dự đoán về điều Đức Phanxicô sẽ làm xem ra quá sớm. Tuy nhiên, cho dù ngài nói không đi chăng nữa, cũng vẫn có 3 lý do khiến ta không gặp một thời điểm nữa như Humanae Vitae.

Thứ nhất, ngừa thai nhân tạo giống như trận động đất văn hóa vĩ đại trong xã hội nói chung tạo nên cả một thứ cách mạng về tình dục. Trong khi ấy, việc người Công Giáo ly dị và tái hôn có được rước lễ hay không chỉ là một vấn đề nội bộ trong Giáo Hội Công Giáo, khó lòng có thể tạo ra phản ứng tương tự ở bên ngoài. 

Thứ hai, Đức Phaolô VI chưa bao giờ có được sự ủng hộ mạnh mẽ của báo chí như Đức Phanxicô hiện nay. Vốn liếng chính trị này chắc chắn giúp Đức Phanxicô vượt qua nhiều thứ gió ngược.

Thứ ba, Đức Phanxicô đã ra dấu hiệu sẽ ủng hộ một cách mềm dẻo hơn nữa người ly dị và tái hôn bằng nhiều cách thế khác nhau. Nếu ngài thoái lui, nhiều người sẽ chỉ cho rằng ngài làm thế vì tinh thần hợp đoàn, hơn là áp đặt ý muốn riêng. Điều này cả phe cấp tiến cũng khó lòng phản đối được. 

5. Vị Giáo Hoàng của người bị bách hại

Đức Phanxicô rõ ràng đã tái sinh lực hóa khả năng chính trị và ngoại giao của Tòa Thánh và của ngôi vị giáo hoàng, tượng trưng bởi vai trò của ngài trong việc kết thúc các căng thẳng của chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Cuba. 

Cho tới nay, ta vẫn đang chờ vấn đề chính trị địa dư đặc trưng của triều giáo hoàng của ngài thành hình. Với Đức Gioan Phaolô II, đó là cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Cộng Sản tại Âu Châu. Các hoàn cảnh đang hội tụ để cung cấp câu trả lời đối với Đức Phanxicô dưới hình thức bạo lực mỗi ngày một lên cao chống lại các Kitô hữu. 

Với đà tiến của ISIS ở Trung Đông, sự hiếu chiến của Boko Haram tại nhiều vùng ở Phi Châu, và một môi trường hoàn cầu trong đó, các Kitô hữu đã trở thành bộ phận tôn giáo bị áp bức hơn cả, năm này sẽ là năm trong đó, Đức Phanxicô xuất hiện như là Vị Giáo Hoàng của người bị bách hại. 

Đức Phanxicô vốn đã biến sự hy sinh của nhiều vị tân tử đạo thành chất liệu cho nhiều bài nói hùng hồn của ngài trong đó, ngài không ngừng nhắc đến “nền đại kết bằng máu” đang hợp nhất các Kitô hữu ngày nay. Ngài lên tiếng ủng hộ một hành động quân sự chống lại ISIS, cho rằng được phép chặn đứng kẻ gây hấn bất chính. 

Trong số Time trực tuyến tuần này, Francis Rooney, cựu đại sứ Mỹ tại Tòa Thánh, lý luận rằng Vatican dưới thời Đức Phanxicô rất thích hợp để triển khai “một lực lượng hòa dịu” chống chủ nghĩa tôn giáo quá khích.

Rooney cho rằng Đức Phanxicô có thể cổ vũ “một cộng đồng rộng rãi các quốc gia … để tạo nên một lực lượng có thể hỗ trợ được, và công chính chống lại những người quá khích duy Hồi Giáo” và để khuyến khích “các quốc gia Hồi Giáo và chính các nhà lãnh đạo của chúng… đưa ra các luận chứng thần học và triết học nhằm đem Hồi Giáo nói chung hòa hợp với thế giới hiện đại”.

Thời điểm để một cố gắng như thế có thể xuất hiện sẽ là tháng Mười Hai, khi Đức Phanxicô viếng thăm Cộng Hòa Trung Phi. Đây là một quốc gia bị khủng hoảng từ năm 2013 vì bạo động phe phái đôi khi nổ ra ở lằn ranh Hồi Giáo/Kitô Giáo.

Đó cũng là nơi các Kitô hữu không phải chỉ là nạn nhân mà còn là kẻ phạm tội nữa: các dân quân Kitô Giáo cũng từng sát hại người Hồi Giáo, đốt nhà họ và cướp trâu bò của họ, một thực tại sẽ giúp Đức Phanxicô lên tiếng nhân danh tất cả các nạn nhân của bạo lực tôn giáo và lên án chủ nghĩa qua khích bất cứ phát xuất từ đâu.

Nếu sự việc diễn ra như thế, thì Chúa quan phòng quả muốn biến vị giáo hoàng đầu tiên lấy tên Phanxicô thành tông đồ ưu việt của hòa bình tôn giáo.
 
 
 
---------------------------
 
 
 
Đức Phanxicô nói về triều giáo hoàng của ngài
Vũ Van An3/14/2015

Theo Đài Phát Thanh Vatican, trong một cuộc phỏng vấn của Valentina Alazraki thuộc hệ thống truyền hình Televisa của Mễ Tây Cơ, nhân kỷ niệm hai năm làm giáo Hoàng, Đức Phanxicô đã đề cập tới nhiều vấn đề vẫn được nhiều người bình luận kể từ ngày ngài được bầu làm giáo hoàng.

Cuộc phỏng vấn trên cũng diễn ra tại Nhà Thánh Marta, tại căn phòng nơi chín vị Hồng Y của ngài vừa mới hội họp và trong đó có bức ảnh lớn Đức Mẹ Guadalupe. Chỉ bức ảnh, ngài cho hay: Trinh Nữ Mễ Tây Cơ là “nguồn của hợp nhất văn hóa, dẫn ta tới sự thánh thiện giữa biết bao tủi hổ, bất công, bóc lột và chết chóc”. 

Cuộc phỏng vấn bắt đầu với câu hỏi: tại sao một cuộc dừng chân tại Mễ Tây Cơ lại không được dự trù trong chuyến tông du Hoa Kỳ để chủ tọa Ngày Thế Giới Các Gia Đình tháng Chín này.

- Đức Giáo Hoàng trả lời rằng ngài có nghĩ tới việc vào Hoa Kỳ qua biên giới Mễ Tây Cơ. Nhưng đi tới Ciudad Juarez hay Morelia mà không viếng Đức Mẹ Guadalupe sẽ làm người Mễ Tây Cơ chưng hửng bối rối. Đức Giáo Hoàng cũng cho hay ngài không thể viếng Mễ Tây Cơ một cách qua loa được, bất kỳ cuộc viếng thăm nào tại nước này và dân chúng của họ cũng cần ít nhất một tuần lễ và ngài hứa sẽ thực hiện chuyến viếng thăm như thế càng sớm càng tốt.

Nhà báo hỏi ngài: là người con của di dân, ngài nghĩ gì về ý nghĩa của việc vào Hoa Kỳ qua ngả biên giới rất quan trọng đối với hiện tượng di dân kia. 

- Đức Giáo Hoàng Phanxicô trả lời bằng cách nhấn mạnh rằng không phải chỉ có người Mễ Tây Cơ vượt biên giới mà thôi, nhưng những người từ khắp Trung Mỹ, như Guatemala chẳng hạn, cũng vượt biên giới vào Mễ Tây Cơ để tìm một tương lai tốt đẹp hơn. Ngài bảo: “ngày nay, di dân là kết quả của một bất ổn theo nguyên nghĩa của chữ này, tức kết quả của đói khát. Cùng một hiện tượng này cũng đang diễn ra tại Phi Châu, với rất nhiều người vượt Địa Trung Hải, những người xuất thân từ các nước đang gặp thời khó khăn vì đói kém, chiến tranh”. Đức Giáo Hoàng minh xác rằng “Ngày nay, di dân liên kết với nghèo đói và thiếu việc làm. Người ta đang bị vứt bỏ và buộc phải đi tìm việc làm tại nơi khác… 

“ Ngay lúc này, vấn đề di dân khắp thế giới là một biến cố đau lòng. Vì có nhiều biên giới di dân đa dạng. Tôi hân hoan thấy Âu Châu đang duyệt lại chính sách di dân của mình. Ý là nước rất đại lượng và tôi muốn nói lên điều đó. Thị trưởng Lampudesa, tuy là một phụ nữ, đã tự đặt bà lên tuyến đầu, hy sinh biến thị đảo của mình từ một địa điểm du lịch thành một nơi tạm trú và tiếp đón di dân. Điều này có nghĩa: thị đảo sẽ kiếm được ít tiền hơn. Việc này quả là anh hùng. Nhưng hiện nay, tạ ơn Thiên Chúa, tôi thấy Âu Châu đang xét lại tình thế. Trở lại việc di dân qua biên giới Mễ Tây Cơ, khu vực này còn có nhiều vấn đề do việc buôn bán ma túy gây ra. Morelia và trọn khu vực hiện là một khu vực rất đau khổ, nơi các tổ chức buôn bán ma túy ít khi chịu tế nhị. Chúng thi hành việc giết người, chúng quả là sứ giả của tử thần cả để chiếm ma túy lẫn để thanh toán những ai chống lại ma túy, 43 sinh viên (ở Iguala) đòi cho có công lý và được tưởng nhớ, chứ không dám đòi trả thù. Và về phương diện này, tôi muốn thỏa mãn một tò mò: tôi vốn muốn phong Đức TGM Morelia làm Hồng Y, vì ngài dám dấn thân vào tuyến đầu, ngài là người thực sự đang ở vị trí rất nóng bỏng và là chứng nhân của đời sống Kitô Giáo, một linh mục vĩ đại. Nhưng ta sẽ nói sau về các Hồng Y". 

Nhà báo hỏi Đức Giáo Hoàng có phải sự kiện là người Châu Mỹ La Tinh đã khiến ngài cảm thấy có trách nhiệm hơn trong việc lên tiếng cho hàng triệu người buộc phải rời bỏ xứ sở của mình, vượt biên, vượt rào cản khắp trên thế giới hay không.

- Đức Giáo trả lời: đúng thế. Ngài muốn là tiếng nói của di dân và sự mẫn cảm của ngài với di dân không hề có tính ý thức hệ, mà là bộc phát và phát xuất từ lịch sử bản thân và cha mẹ di dân của ngài. 

Nhà báo trở lại với trường hợp 43 sinh viên ở Iguala và hỏi Đức Giáo Hoàng xem người ta có thể phản ứng ra sao đối với tình thế khó khăn đó, dựa nguyên vào các giá trị của họ và các tài nguyên văn hóa của họ mà thôi. 

- Đức Giáo Hoàng nhắc lại lịch sử lâu đời của các thánh và các vị tử đạo Mễ Tây Cơ và tầm quan trọng của việc dấn thân vào xã hội trên bình diện hướng về tha nhân ngõ hầu thắng vượt các cơn bệnh của đất nước. Ngài nói rằng “chúng ta không thể quay lưng như thể các vấn đề này không liên quan gì tới chúng ta và ta không thể đổ lỗi hết lên chính phủ hoặc một bộ phận nào, một nhóm hay một con người nào khác, vì đổ lỗi như thế là chuyện của con nít”. 

Nhà báo hỏi xem Đức Giáo Hoàng nghĩ gì về việc trăm hoa đua nở các giáo phái khác nhau tại Mễ Tây Cơ và cách chung hơn, tại Châu Mỹ La Tinh và trách nhiệm của Giáo Hội trong việc để mất tín hữu.

- Đức Giáo Hoàng bắt đầu nói tới các phong trào tin lành và có phải đây là các giáo phái (sects) hay không. Điều các phong trào cung hiến là việc tiếp xúc bản thân, khả năng gần gũi dân chúng, đích thân chào hỏi và gặp gỡ người ta. Ngài nói rằng ở Châu Mỹ La Tinh, chủ nghĩa giáo sĩ trị nặng nề đã tạo ra khoảng cách lớn đối với người ta. Chủ nghĩa giáo sĩ trị ở Châu Mỹ La Tinh vốn là một trong những trở ngại lớn lao nhất chống lại việc lớn mạnh của hàng ngũ giáo dân. Hàng ngũ giáo dân này tại Châu Mỹ La Tinh chỉ lớn được nhờ lòng đạo đức bình dân, một lòng đạo đức mà theo Đức Phanxicô, đã mang lại cho tín hữu giáo dân co hội trở thành sáng tạo và tự do, qua việc thờ phượng, ruớc xách… Nhưng về phương diện tổ chức, hàng ngũ giáo dân đã không lớn mạnh đủ vì chủ nghĩa giáo sĩ trị đã tạo ra khoảng cách. 

Trở lại với câu hỏi, Đức Giáo Hoàng phân biệt giữa phong trào tin lành trung thực và tốt lành và các phong trào bị coi là giáo phái. Thí dụ, có những đề xuất không có tính tôn giáo, bị chính các Kitô hữu tin lành bác bỏ. Có những giáo phái, một số phát xuất từ nền thần học thịnh vượng, hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp hơn, và dù bề ngoài xem ra được thúc đẩy bởi tinh thần tôn giáo lớn lao, nhưng rốt cuộc chỉ đòi hỏi tiền bạc. 

Ngài cho rằng không nên tổng quát hóa, nhưng cần lượng giá từng trường hợp một. 

Đức Giáo Hoàng cũng nói tới các bài giảng “gây thảm họa” như là một lý do nữa khiến người Công Giáo bỏ đạo. “Tôi không biết các bài giảng này có là đa số hay không, nhưng chúng không lọt vào tâm hồn người ta. Chúng là các bài học thần học, trừu tượng và dài dòng và đó là lý do tôi đã dành nhiều chỗ cho chúng trong Niềm Vui Tin Mừng. Một cách đặc trưng, người tin lành gần gũi người ta, họ nhắm tâm hồn người ta và chuẩn bị bài giảng thực tốt. Tôi nghĩ ta phải hồi tâm trong vấn đề này. Quan niệm của Thệ Phản về bài giảng là quan niệm mạnh mẽ hơn quan niệm Công Giáo. Nó gần như là một bí tích”. Để kết luận, Đức Giáo Hoàng nói rằng việc người Công Giáo bỏ đạo là do khoảng cách, chủ nghĩa giáo sĩ trị, các bài giảng buồn nản ngược với sự gần gũi, chịu làm việc, hội nhập, lời nồng cháy của Thiên Chúa. Và đây là hiện tượng không phải chỉ gây ảnh hưởng đối với Giáo Hội mà ngay cả một số cộng đồng tin lành nữa. 

Đức Giáo Hoàng kết luận bằng cách trích dẫn sự quan trọng của công trình do Giáo Hội và các mục sư tin lành ở Buenos Aires đảm nhiệm chung. 

Nhà báo yêu cầu Đức Giáo Hoàng nói tới việc điều gì đã diễn ra cách nay hai năm khi ngài được bầu vào Tòa Phêrô.

- Đức Giáo Hoàng trả lời rằng lúc ấy ngài tới Rôma, chỉ mang theo xách hành lý nhỏ, vì ngài không bao giờ tin là ngài sẽ được bầu làm giáo hoàng, và chắc chắn sẽ trở về để tái tục các bổn phận Tuần Thánh. Ngài chắc mẩm sẽ trở lại Buenos Aires kịp Chúa Nhật Lễ Lá, đến nỗi, ngài đã dọn sẵn bài giảng lễ, và đã tới Rôma với rất ít đồ dùng cần thiết vì nghĩ rằng đây là một mật nghị hội rất vắn vỏi. Ngài không có tên trên bất cứ danh sách các “giáo hoàng khả hữu” nào và ý tưởng đó cũng không lọt vào tâm trí ngài chút nào. Thực thế, tại London, các người đánh cá xếp tên ngài ở vị trí 42 và 46. Ấy thế nhưng để mua vui, một người quen vẫn đánh cá tên ngài và quả người này đúng. 

Còn về việc đầu phiếu, Đức Giáo Hoàng nói rằng các nhà báo chỉ coi ngài như một cử tri vĩ đại, cùng lắm nêu tên một ai đó, nên họ chẳng chú ý gì đến ngài nhiều. Thế rồi vòng phiếu đầu, vào đêm thứ Ba, rồi vòng phiếu hai và vòng phiếu ba sáng thứ Tư trước bữa trưa. “Hiện tượng bỏ phiếu tại mật nghị hội quả đáng chú ý. Có những ứng cử viên rất sáng giá. Nhưng nhiều người không biết phải bỏ phiếu cho ai. Thành thử 6, 7, tên được chọn làm thành một thứ ‘kho dự trữ’, trong khi mọi người chờ xem để nhất định bỏ phiếu cho vị nào. Đó là cách người ta đầu phiếu trong một nhóm khá lớn. Tôi không là người nhận được số phiếu nhất định, chỉ là phiếu tạm thời thôi”. 

Nhà báo hỏi có thật là trong mật nghị hội trước đó, ngài được 40 phiếu, thì Đức Giáo Hoàng trả lời ngay là không phải. Bà nhấn mạnh rằng nhiều người khác quả quyết như thế. Đức Giáo Hoàng trả lời: họ nói thế, không phải tôi. Nhà báo nói: một vị Hồng Y nói thế.

- "Vậy cứ để vị Hồng Y đó nói theo ý muốn. Tôi cũng có thể nói vì nay tôi có thẩm quyền để nói, nhưng cứ để vị Hồng Y ấy nói theo ý ngài. Thực ra, cho tới buổi chiều hôm đó, vẫn chưa có gì. Thế rồi, một điều gì đó diễn ra, tôi không biết là điều gì. Trong phòng, tôi thấy có những dầu hiệu lạ, nhưng… Họ hỏi tôi về sức khỏe của tôi… và những chuyện tương tự. Và khi chúng tôi họp lại vào buổi chiều, thì chiếc bánh ngọt đã nằm sẵn trong lò nướng. Hai vòng phiếu nữa và thế là xong. Quả là một ngạc nhiên đối với tôi. Ở vòng phiếu đầu của buổi chiều, tôi hiểu rõ: tình thế đã hết đường đảo ngược, bên cạnh tôi, và tôi cần nói rõ điều này vì tình bằng hữu của chúng tôi, là Đức Hồng Y Hummes, một nhân vật xuất chúng. Ở tuổi này, ngài vẫn là đại biểu của Hội Đồng Giám Mục vùng Amazon và rất hoạt động về mục vụ. Nửa vòng phiếu đầu của buổi chiều, vì có hai vòng phiếu, khi chúng tôi thấy điều đang diễn ra, ngài ở ngay phía sau tôi bảo tôi đừng lo sợ, đây là việc của Chúa Thánh Thần. Điều đó làm tôi buồn cười. Sau vòng phiếu thứ hai, khi đa số 2 phần 3 đã đạt, có tiếng vỗ tay, luôn luôn có tiếng vỗ tay tại các mật nghị hội vào thời điểm này, nên ngài ôm hôn tôi và bảo tôi đừng quên người nghèo và câu nói này bắt đầu quay mòng trong đầu óc tôi và đó là điều đã dẫn tôi tới việc chọn tên của mình. Trong vòng đầu phiếu, tôi đọc kinh mân côi, tôi có thói quen đọc ba chuỗi mân côi mỗi ngày, và tôi cảm thấy rất an bình, gần tới điểm bất cảm. Cùng một tâm trạng như khi mọi sự đã được giải quyết, và đối với tôi đây là một dấu chỉ Thiên Chúa muốn thế, hết sức bình an. Từ ngày hôm đó, tôi chưa bao giờ mất nó. Nó là một ‘điều gì ở bên trong’, giống một hồng ân. Tôi không biết điều gì xẩy ra sau đó. Họ bảo tôi đứng lên. Họ hỏi xem tôi có đồng ý hay không. Tôi thưa: có. Tôi không biết họ có bắt tôi phải thề điều gì không, tôi quên mất rồi. Tôi rất bình an. Tôi đi thay phẩm phục. Và tôi đi ra nhưng trước hết tới chào Đức Hồng Y Diaz, người đang ngồi trên chiếc xe lăn, sau đó, tôi chào hỏi các Hồng Y khác. Rồi tôi yêu cầu Đức HY đại diện Rôma và Đức HY Hummes tháp tùng tôi. Một điều không được dự liệu trong nghi lễ. 

Rồi chúng tôi tới cầu nguyện tại Nhà Nguyện Pauline, trong khi Đức HY Tauran công bố tên tôi. Sau khi tôi ra ngoài, tôi không biết phải nói gì. Và chắc bà chứng kiến mọi chuyện sau đó. Tôi cảm thấy sâu xa rằng một thừa tác viên cần được Thiên Chúa chúc phúc, nhưng cả sự chúc phúc của dân Người nữa. Tôi không dám xin dân chúc lành cho tôi. Tôi chỉ nói: anh chị em hãy cầu xin Chúa chúc lành cho tôi qua anh chị em. Nhưng điều đó phát ra một cách bộc phát, cả lời cầu nguyện của tôi cho Đức Bênêđíctô nữa”.

Ngài có thích làm giáo hoàng không?

- "Tôi không phản đối!”

Ngài thích gì và không thích gì về việc làm giáo hoàng? Hay ngài thích mọi sự?

- "Tôi chỉ thích một điều là một ngày nào đó được ra ngoài, không bị ai nhận ra, để làm một chầu tuyết da (pizza)”. 

Điều ấy hẳn tuyệt vời.

- Không, tôi chỉ nói thí dụ thôi. Ở Buenos Aires, tôi là người lang thang. Tôi đi hết giáo xứ này tới giáo xứ nọ và thói quen này chắc chắn đã thay đổi… nhưng thay đổi quả là chuyện khó khăn. Nhưng bà sẽ quen đi. Bà phải tìm cách để mà thích ứng: bằng điện thoại hay cách nào khác…”

Nhà báo hỏi Đức Giáo Hoàng về sự kiện ngài thường nói triều giáo hoàng của ngài sẽ vắn vỏi và hay nhắc đến khả thể chết trong tuổi già…

- "Tôi có cảm giác triều giáo hoàng của tôi sẽ vắn vỏi: 4 hoặc 5 năm; tôi không biết, thậm chí 2 hoặc 3 năm. Hai năm đã qua rồi. Đây là một cảm giác đôi chút mơ hồ. Có lẽ như tâm lý của anh chàng đánh bạc tự thuyết phục là mình sẽ thua, để khỏi bị thất vọng khi thua thật, nhưng nếu thắng thì sẽ rất vui. Tôi không rõ. Nhưng tôi cảm thấy Chúa đặt để tôi ở đây trong một thời gian ngắn, không hơn… Nhưng nó là một cảm giác. Tôi luôn để khả thể (cho các chương trình) rộng mở”. 

Đức Thánh Cha cũng nói với chúng con rằng ngài sẽ theo gương Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô… Việc này thay đổi đôi chút ‘ý niệm ngôi vị giáo hoàng', vì chúng con đã quen với việc giáo hoàng là một định chế do Chúa Thánh Thần thiết lập và cho tới chết.

- "Trước mật nghị hội, lúc còn họp toàn thể, có một số vị Hồng Y thăm dò vấn đề rất đáng lưu ý, rất phong phú về thần học này. Tôi nghĩ điều Đức GH Bênêđíctô làm là mở ra một cánh cửa. Sáu mươi năm trước đây, chưa hề có các giám mục hưu trí. Nay chúng ta có 1,400 vị. Người ta đã nẩy ra ý niệm này: sau 75 tuổi hay gần đến tuổi đó, một người không thể gánh gánh nặng của một Giáo Hội đặc thù nữa. Nói chung, tôi nghĩ điều Đức Bênêđíctô đã can đảm thực hiện là mở cánh cửa cho các vị giáo hoàng hưu trí. Không nên coi ngài như một ngoại lệ, mà là một định chế. Có thể ngài là vị duy nhất trong một thời gian dài, cũng có thể ngài không phải là vị duy nhất. Nhưng cánh cửa định chế đã được mở ra. Ngày nay, Giáo Hoàng Hưu Trí không phải là việc hiếm hoi nữa vì cánh cửa để ngài hiện hữu như một nhân vật đã được mở ra”. 

Đức Thánh Cha có tưởng nghĩ tới tình thế trong đó Đức Giáo Hoàng sẽ hồi hưu lúc 80 tuổi như các vị giám mục hay không?

- "Tôi có thể tưởng nghĩ việc đó. Tuy nhiên, tôi không thích ý tưởng hạn chế về tuổi. Vì tôi tin rằng ngôi vị giáo hoàng là một thứ trường hợp cá biệt cuối cùng. Nó là một ơn phúc đặc biệt. Đối với một số nhà thần học, ngôi vị giáo hoàng là một bí tích. Người Đức rất sáng tạo trong các vấn đề này. Tôi không nghĩ thế, nhưng tôi muốn nói rằng nó là một điều đặc biệt. Nói rằng một người nào đó chỉ đảm nhiệm cho tới lúc 80 tuổi sẽ tạo ra một cảm giác cho rằng triều giáo hoàng sắp sửa chấm dứt và điều này không phải là một điều tốt. Có thể đoán trước. Tôi sẽ không ủng hộ ý tưởng đặt giới hạn tuổi lên ngôi vị giáo hoàng, nhưng tôi có cùng ý tưởng về điều Đức Bênêđíctô thực hiện. Tôi được gặp ngài mới đây trong cơ mật viện. Ngài hạnh phúc, hài lòng. Được mọi người kính nể. Tôi tới thăm ngài. Năng nói chuyện với ngài trên điện thoại. Như tôi từng nói, giống như có người ông khôn ngoan trong nhà. Ta có thể đến vấn kế. Trung thành cho tới chết. Tôi không biết bà có nhớ hôm chúng tôi chia tay nhau ngày 28 tháng Hai ở Phòng Clementine, ngài nói, người kế vị tôi đang ở giữa hiền huynh, tôi xin hứa trung tín, trung thành và vâng lời. Và ngài đã làm những điều đó. Đúng là Con Người của Thiên Chúa”. 

Nhà báo hỏi Đức Giáo Hoàng về cuộc cải cách Giáo Triều và liệu đây có phải chỉ là một diễn trình hoàn toàn kỹ thuật hay đúng hơn là một vấn đề thuộc não trạng, thuộc tâm hồn…

- Đức Giáo Hoàng trả lời rằng mọi thay đổi đều bắt đầu trong tâm hồn, nhưng cũng là một cuộc thay đổi lối sống. Còn về Giáo Triều, ngài cho hay: “tôi nghĩ đây là triều đình cuối cùng còn sót lại ở Âu Châu. Các triều đình khác đã được dân chủ hóa, thậm chí cả triều đình cổ điển nhất. Có một điều gì đó trong triều của giáo hoàng vẫn còn phần nào duy trì truyền thống lai giống. Nhưng tôi không nói điều này theo nghĩa xúc phạm đâu, đây chỉ là vấn đề văn hóa. Nó cần được thay đổi, có thể duy trì dáng vẻ một triều đình, trong khi phải là một nhóm làm việc để phục vụ Giáo Hội. Phục vụ các vị giám mục”. Nhắc tới các vấn đề từng tạo ra các tranh luận về luân lý và đạo đức tại Vatican (Vatileak chẳng hạn…), ngài lý luận rằng cần có sự hồi tâm trên bình diện bản thân và Đức Giáo Hoàng phải khởi sự thay đổi tình thế.

Về chủ đề của Thượng Hội Đồng về gia đình, nhà báo hỏi Đức Giáo Hoàng xem ngài có cổ vũ các thay đổi trong lãnh vực cho phép người ly dị tái hôn được rước lễ, và về đồng tính luyến ái.

- Theo Đức Giáo Hoàng, hiện có nhiều mong đợi lớn lao. Còn về chính Thượng Hội Đồng và việc chọn chủ đề, ngài lược lại các bước dẫn tới việc xác định ra chủ đề này, chủ yếu vì các khó khăn nghiêm trọng mà gia đình hiện đang trải qua trong xã hội, nhất là giữa các thế hệ trẻ. Suy nghĩ về cuộc khủng hoảng gia đình, Đức Phanxicô cho hay: ngài tin rằng Chúa muốn chúng ta giải quyết một số vấn đề chuyên biệt: việc chuẩn bị hôn nhân, hỗ trợ các cặp sống chung, đồng hành với các cặp mới cưới, hỗ trợ những người thất bại trong hôn nhân và tái hôn. Sự quan trọng của việc hiểu bí tích hôn nhân để ngăn cản nhiều cuộc hôn nhân khỏi trở thành một biến cố xã hội hơn là biến cố đức tin. 

Về vấn đề lạm dụng trẻ em và chính sách tuyệt đối không khoan dung trong hiện tượng này.

- Đức Giáo Hoàng trả lời rằng Ủy Ban (Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên, lập năm 2013) không phải lo việc lạm dụng mà lo việc bảo vệ trẻ vị thành niên. Nghĩa là, ngăn ngừa. Vấn đề lạm dụng là vấn đề nghiêm trọng, mà đa số đều xẩy ra trong khung cảnh gia đình hay liên hệ tới những người chúng biết. Chỉ cần một linh mục phạm tội lạm dụng này cũng đủ phải vận động mọi cơ cấu của Giáo Hội để đối diện với vấn đề rồi. Thực vậy, nhiệm vụ của một linh mục là dưỡng nuôi bé trai và bé gái trong sự thánh thiện và trong cuộc gặp gỡ của các em với Chúa Giêsu, vậy mà những người lạm dụng lại đi phá hủy cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu này. Đức Phanxicô nói tới tầm quan trọng của việc lắng nghe các nạn nhân và nói tới kinh nghiệm của ngài từng gặp gỡ 6 người sống thoát việc lạm dụng tại Vatican. Ngài cho biết sự phá hủy bên trong mà họ cảm nhận quả là tan nát và chỉ cần một linh mục phạm tội cũng đủ làm tất cả chúng ta xấu hổ và cương quyết làm tất cả những gì có thể làm được. Đức Phanxicô cũng thừa nhận lòng can đảm của Đức Bênêđíctô XVI trong việc công khai tuyên bố đó là một tội ác khi phá hủy một tạo vật ngây thơ bằng những hành vi như thế và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc khởi sự công việc tường trình các tội ác này.
 
 
ẤN ĐỘ -  PHẢN ỨNG SAU VỤ HÃM HIẾP MỘT NỮ TU.
Người Công Giáo Ấn phong toả xa lộ, chặn các đoàn tầu để phản đối vụ hãm hiếp một nữ tu
Đặng Tự Do3/15/2015

Làn sóng bất mãn của người Công Giáo tại Ấn đã dâng lên tới cao độ sau khi một tu viện và cũng là một trường học bị tấn công và một nữ tu 72 tuổi bị 8 tên côn đồ hãm hiếp và đánh đập tàn bạo vào đêm thứ Sáu rạng ngày thứ Bẩy 14 tháng Ba.

Trong thông cáo đưa ra hôm thứ Bẩy, cha Dominic Gomes, Tổng đại diện của Tổng Giáo Phận Kolkata, cũng gọi là Calcultta, cho biết tu viện Chúa Giêsu và Mẹ Maria, tại Ranagath, đã bị tấn công và cướp phá trong nhiều giờ từ lúc 1 giờ sáng ngày thứ Bẩy mà không nhận được sự trợ giúp của cảnh sát.

Sau khi khống chế các nhân viên bảo vệ, bọn cướp đã trói 3 nữ tu và bắt đầu cướp phá. Nữ tu hiệu trưởng cũng là bề trên tu viện đã gọi điện thoại báo cảnh sát nhưng bọn cướp xông vào phòng của sơ lục soát, phá hoại tài sản và lấy tiền, một máy tính xách tay và điện thoại di động sau đó đã hãm hiếp sơ. 

"Chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra thủ phạm là những kẻ phải bị trừng phạt. Những điều như thế này chưa bao giờ xảy ra tại bang này", Đức Cha Thomas D'Souza, Tổng Giám Mục của Kolkata nói. Kolkata là nơi Mẹ Teresa đã hoạt động trong hầu hết cuộc đời của mình. Các nữ tu tại đây rất được tôn kính.

Bạo lực chống lại các nữ tu tại Ấn đã gia tăng trong các năm gần đây. Một nữ tu 28 tuổi thuộc dòng Thừa Sai Phanxicô của Thánh Giuse đang theo học tại Chennai thuộc bang Orissa đã bị bắt cóc tại Kandhamal (một quận trong tỉnh Orissa) và bị hãm hiếp trong vòng một tuần lễ từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 7 năm 2013. Tháng 8 năm 2008, nữ tu Meena Barwa, 30 tuổi đã bị 22 người Ấn Giáo cực đoan hãm hiếp. Cảnh sát bắt được cả 22 tên nhưng 17 tên được tại ngoại hầu tra ngay tức khắc và đến nay, sau gần 5 năm, theo Đức Hồng Y Oswald Gracias, phiên tòa xử 22 tên này vẫn chưa xảy ra.

Sáng thứ Bẩy, học sinh và cha mẹ đã xuống đường để phản đối. Họ chặn đoàn tàu trên tuyến Sealdah-Ranaghat và phong tỏa Quốc lộ 34 trong nhiều giờ nhằm phản đối vụ việc. Cư dân khác tham gia với họ.

Tác giả bài viết: Dau Vuong Quyen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập73
  • Hôm nay7,284
  • Tháng hiện tại339,895
  • Tổng lượt truy cập32,323,618
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây