"Chúng tôi có một căn cứ không quân cực kỳ đắt đỏ ở đó. Nó tốn hàng tỷ đôla để xây dựng. Chúng tôi sẽ không rời đi trừ khi họ thanh toán cho chúng tôi," ông Trump nói với các phóng viên.
Tình hình vẫn rất căng thẳng sau khi Mỹ ám sát Tướng Iran Qasem Soleimani tại Baghdad tuần trước.
Iran đã tuyên bố "trả thù mạnh mẽ".
Soleimani, 62 tuổi, dẫn đầu các hoạt động quân sự của Iran ở Trung Đông và bị Mỹ coi là một kẻ khủng bố.
Hiện tại thi thể vị tướng này đã trở về quê nhà, nơi những người tiếc thương đưa tiễn ông khắp đường phố Tehran vào sáng ngày thứ Hai.
Hàng ngàn người dự lễ tang tướng Iran
Mỹ 'sẽ nhắm vào' 52 khu vực của Iran nếu Tehran tấn công
Iran sẽ báo thù cho 'tướng tử đạo' Soleimani bị Mỹ giết
Người đứng đầu mới của lực lượng Quds của Iran - mà Soleimani lãnh đạo - đã tuyên bố sẽ tống khứ Hoa Kỳ khỏi Trung Đông.
"Chúng tôi hứa sẽ đồng lòng tiếp tục con đường của tử sĩ Soleimani... và sự bồi thường duy nhất cho chúng tôi là đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này", đài phát thanh nhà nước dẫn lời Esmail Qaani nói.
Cuộc tấn công giết chết Soleimani cũng cướp đi sinh mạng của Abu Mahdi al-Muhandis, một nhân vật quân sự hàng đầu của Iraq, người đã chỉ huy nhóm Kataib Hezbollah do Iran hậu thuẫn.
Từ chuyên cơ tổng thống, ông Trump nói nếu Iraq yêu cầu các lực lượng Mỹ phải rời đi trên cơ sở không thân thiện, "chúng tôi sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với họ".
Khoảng 5.000 lính Mỹ đang ở Iraq như một phần của liên minh quốc tế chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Vào Chủ nhật, liên minh đã tạm dừng các hoạt động chống lại IS ở Iraq và các nghị sĩ Iraq đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc kêu gọi quân đội nước ngoài rời đi.
Nghị quyết được thông qua bởi khối Hồi giáo Shia của quốc hội - vốn thân thiết với Iran.
Iran tuyên bố sẽ dừng tuân thủ các hạn chế theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Trước đó, theo thoản thuận dưới thời Obama, Iran đồng ý hạn chế các hoạt động hạt nhân nhạy cảm và cho phép các thanh sát viên quốc tế đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018, nói rằng ông muốn buộc Iran phải đàm phán một thỏa thuận mới sẽ đặt những giới hạn vô thời hạn đối với chương trình hạt nhân của nước này và cũng để ngăn chặn sự phát triển của tên lửa đạn đạo.
Iran từ chối và từ đó đã dần dần từ bỏ các cam kết trong thỏa thuận 2015.
Trong một tuyên bố, họ nói rằng họ sẽ không tuân thủ các những hạn chế lên khả năng, mức độ, nguồn nguyên liệu, nghiên cứu và phát triển hóa chất hạt nhân.
Các nhà lãnh đạo của Đức, Pháp và Anh - vốn là những người ký kết thỏa thuận năm 2015, cùng với Trung Quốc và Nga - đã đáp lại bằng một tuyên bố chung kêu gọi Iran kiềm chế "các hành động bạo lực hoặc khuyến khích các hành động bạo lực".
"Điều rất quan trọng bây giờ là giảm tải căng thẳng. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tham gia để thể hiện sự kiềm chế và trách nhiệm tối đa."
Ông Trump tuyên bố sẽ tấn công lại Iran trong trường hợp Iran trả thù cho cái chết của Soleimani.
Ông cũng lặp lại một mối đe dọa gây tranh cãi là nhắm mục tiêu vào các địa điểm có tầm quan trọng về văn hóa Iran vào Chủ nhật, bất chấp những lời chỉ trích từ bên trong Hoa Kỳ và ở nước ngoài.
"Họ được phép giết người của chúng tôi. Họ được phép tra tấn và đánh lừa người dân của chúng tôi. Họ được phép sử dụng bom bên đường và thổi bay người của chúng tôi. Và chúng tôi không được phép chạm những khu vực văn hóa của họ?" Tổng thống Trump nói.
Trong một loạt các dòng tweet vào thứ Bảy, ông Trump nói Hoa Kỳ đã xác định được 52 địa điểm ở Iran, một số "có tầm cao cấp và quan trọng đối với Iran và văn hóa Iran, và các mục tiêu đó, và cả chính Iran, SẼ BỊ TẤN CÔNG RẤT NHANH VÀ RẤT MẠNH" nếu Tehran tấn công Mỹ.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Elizabeth Warren, một thành viên của Đảng Dân chủ, đã trả lời bằng cách tweet: "Ông đang đe dọa tiến hành một tội ác chiến tranh đấy".
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif còn so sánh ý định này của ông Trump với việc IS phá hủy nền văn hóa có bề dày lịch sử của Trung Đông.
"Một lời nhắc nhở cho những người đang ảo tưởng về việc làm theo tội ác chiến tranh của ISIS bằng cách nhắm mục tiêu vào các di sản văn hóa của chúng tôi," ông tweet. "Qua HÀNG NGHÌN NĂM lịch sử, những kẻ man rợ đã đến và tàn phá các thành phố của chúng tôi, phá hủy các di tích của chúng tôi và đốt cháy các thư viện của chúng tôi. Bây giờ thì họ đang ở đâu? Chúng tôi vẫn ở đây, và vẫn ngẩng cao đầu."
Việc nhắm mục tiêu các địa điểm văn hóa bị cấm theo Công ước Geneva và Hague - và vi phạm chúng tức là cấu thành một tội ác chiến tranh tại Mỹ.
Nước này luôn khăng khăng rằng chương trình hạt nhân của mình hoàn toàn hòa bình - nhưng những nghi ngờ rằng nó đang được sử dụng để phát triển bom đã khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Mỹ và EU áp dụng các biện pháp trừng phạt tê liệt vào năm 2010.
Thỏa thuận năm 2015 được thiết kế để hạn chế chương trình này theo cách có thể kiểm chứng để đổi lấy việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Nó đã hạn chế việc làm giàu uranium của Iran, vốn được sử dụng để sản xuất nhiên liệu lò phản ứng nhưng cũng có thể sản xuất vũ khí hạt nhân. Iran cũng được yêu cầu thiết kế lại lò phản ứng đang được xây dựng, vốn sử dụng nhiên liệu chứa plutonium có thể dùng để chế tạo bom và cho phép cộng đồng quốc tế giám sát.
Trước tháng 7 năm 2015, Iran đã có một kho dự trữ uranium đã làm giàu khá lớn và gần 20.000 máy ly tâm, đủ để tạo ra 8 đến 10 quả bom, theo Nhà Trắng vào thời điểm đó.
Các chuyên gia Mỹ ước tính khi đó rằng nếu Iran quyết định tăng tốc chế tạo bom, sẽ mất từ hai đến ba tháng cho đến khi có đủ 90% lượng uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Hiện tại, nếu họ cố gắng chế tạo bom hạt nhân, ước tính sẽ mất khoảng một năm, nhưng điều này có thể giảm xuống còn nửa năm hoặc thậm chí là vài tháng nếu mức độ làm giàu được tăng lên 20%.
Tác giả bài viết: Tru Vũ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn