Hậu quả cháy rừng Australia

Chủ nhật - 12/01/2020 09:27

Hậu quả cháy rừng Australia

Sau cháy rừng, thực vật bị tàn phá, động vật không còn nhiều thức ăn và nơi trú ẩn... hệ sinh thái ảnh hưởng nghiêm trọng.

Australia vừa trải qua vụ cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử. Những đám cháy đã làm thiệt mạng 27 người, khoảng 2.000 ngôi nhà bị phá hủy, tàn phá hơn 10 triệu ha đất - diện tích lớn hơn cả quốc gia Bồ Đào Nha. Ước tính có khoảng một tỷ động vật đã chết bao gồm loài có vú, chim và bò sát.

Micheal Clarke - nhà sinh thái học tại Đại học La Trobe ở Bundoora, Melbourne đã có 15 năm nghiên cứu về hệ sinh thái tự nhiên. Ông thường tiến hành quan sát và theo dõi động thực vật, sau đó đánh giá về quá trình hồi sinh sau cháy rừng, ảnh hưởng của các đám cháy đến hệ sinh thái rừng. Clarke cho biết, vụ cháy rừng năm nay ở Australia là minh chứng rõ rệt nhất cho hậu quả của đám cháy ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng.

Những loài động vật còn sống sót sau cháy rừng như loài gấu túi sẽ phải cạnh tranh khốc liệt để tìm thức ăn. Ảnh: Wolter Peeters

Những loài động vật còn sống sót sau cháy rừng như loài gấu túi sẽ phải cạnh tranh khốc liệt để tìm thức ăn. Ảnh: Wolter Peeters

Sau đám cháy, khung cảnh khu rừng trở nên hoang tàn. Các động vật ăn xác thối như quạ và linh cẩu sẽ không phải tốn quá nhiều thời gian cho việc tìm xác chết các loài thú.

Đối với những loài sống sót qua vụ cháy, chúng sẽ phải sống với nhiều thương tích trên cơ thể. Bên cạnh đó, những cá thể này sẽ phải đối mặt với ba thách thức lớn. Thứ nhất là nơi trú ẩn để tránh khỏi khí hậu khắc nghiệt của Australia. Thứ hai là nguy cơ chết đói. Cuối cùng là phải trốn tránh kẻ thù như mèo rừng và cáo.

Những phần rừng còn sót lại sau đám cháy sẽ làm tăng mật độ kiếm ăn của động vật. Sự cạnh tranh về thức ăn sẽ diễn ra khốc liệt hơn trước. Năm 2013, phần rừng ít ỏi còn lại sau vụ cháy ở vùng Mallee (phía Bắc bang Victoria) đã trở thành lãnh địa chiến đấu tranh giành thức ăn của nhiều loài, trong đó có cả vật nuôi của người dân.

Động vật như gấu túi sống trên cây trong các quần thể nhỏ, cô lập, di chuyển chậm chạp, khả năng chạy trốn kẻ thù kém khó có thể tìm ra những phần rừng còn tồn tại sau các đám cháy. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã quan sát thấy một hành vi sáng tạo của loài này khi thấy chúng tìm đến những hang động để chạy trốn ngọn lửa. Ngoài ra, các loài chim cũng có khả năng thoát khỏi đám cháy rất nhanh.

Một số động vật khác không bị ảnh hưởng nhiều từ cháy rừng, đa phần sống dưới lòng đất như loài kiến, mối và thằn lằn đất.

Kangaroo chạy khỏi đám cháy rừng. Ảnh: BBC.

Kangaroo chạy khỏi đám cháy rừng. Ảnh: BBC.

Mất bao lâu để hệ sinh thái rừng phục hồi là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Thời gian phục hồi sau vụ cháy rừng năm nay ở Australia sẽ lâu hơn các lần cháy rừng trước. Thực vật muốn hồi sinh phải phụ thuộc vào lượng mưa. Các loại cây to và thảm thực vật sẽ mất nhiều thời gian hơn cho quá trình sinh trưởng.

Các loài chim có tập tính di trú giữa khu vực Tasmania, Victoria và miền Nam Queensland sẽ có một điểm trú ẩn khác ngoài các điểm dọc theo bờ biển phía Đông, nơi rất nhiều đám cháy bùng phát. Những địa điểm này cũng cần nhiều năm sau để phục hồi và thu hút loài chim dừng chân.

Một số động vật khác đang đứng bên bờ tuyệt chủng do bị giảm số lượng cá thể như loài chuột túi nhỏ Wallaby, chuột Sminthopsis và loài chim Calyptorhynchus. Ngoài ra, do sự giảm sút về lượng bùn và các loại tảo, một số loại cá nước ngọt cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thách thức lớn nhất với các nhà nghiên cứu là làm cách nào để bảo vệ những phần rừng còn sót lại. Trước mắt sẽ có những biện pháp chủ động để kiểm soát nơi trú ẩn cho động vật hoang dã hiện tại và trong tương lai.

Vụ cháy rừng vừa qua ở Australia rất dữ dội, tuy nhiên nó đã được dự đoán trước. Ba mươi năm trước, các nhà khoa học dự báo sẽ có cháy rừng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Nghiên cứu cũng cho biết tần suất các vụ cháy sẽ nhiều hơn, ngày càng dữ dội hơn và mức độ của đám cháy cũng sẽ mạnh mẽ hơn.

An Phạm (Theo Nature)

 
 
 
 
 

Tác giả bài viết: Tru Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập35
  • Hôm nay9,270
  • Tháng hiện tại126,636
  • Tổng lượt truy cập35,049,118
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây